Một nghiên cứu năm 2011 do Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) - Hội đồng Anh phối hợp cùng với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã cho thấy, ở Việt Nam có đến gần 200 tổ chức có đầy đủ đặc điểm để trở thành một doanh nghiệp xã hội, trong số đó, được hình thành sớm nhất là Hợp tác xã Nhân đạo thuộc Hội người khuyết tật Hà Nội, thành lập năm 1973. Tuy nhiên, cho đến Luật Doanh nghiệp năm 2014, Nghị định số 96/2015/NĐ-CP ngày 19/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp và Thông tư số 04/2016/TT-BKHĐT ngày 17/5/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định các biểu mẫu văn bản sử dụng trong đăng ký doanh nghiệp xã hội, thì doanh nghiệp xã hội mới được pháp luật ghi nhận và nhận diện một cách khá đầy đủ.
1. Thực tiễn hoạt động của một số doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam
1.1. Doanh nghiệp xã hội hoạt động trong lĩnh vực y tế
Khảo sát đầu tiên là về nhóm các doanh nghiệp xã hội hoạt động trong lĩnh vực y tế. Trong những báo cáo về sự phát triển doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam, đa phần doanh nghiệp lựa chọn hoạt động trong các phân ngành thuộc ngành công nghiệp sáng tạo hơn là trong lĩnh vực y tế. Vì phát triển kinh doanh trong lĩnh vực sáng tạo sẽ cung cấp được số lượng lớn công việc cho những người yếu thế trong xã hội, còn y tế là lĩnh vực mà cả những nhà đầu tư chuyên nghiệp còn gặp khó khăn. Nhóm doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực y tế mà chúng tôi lựa chọn khảo sát bao gồm: Công ty Cổ phần Trí Đức, cung cấp dịch vụ xe cứu thương chất lượng cao tại Yên Bái; Công ty TNHH Chuyển giao Công nghệ và Dịch vụ Y tế (MTTS), sản xuất và cung cấp các thiết bị y tế dễ sử dụng với giá thành hợp lý phục vụ cho trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh.
Có nhiều lý do khác nhau khiến các sáng lập viên của hai doanh nghiệp trên hướng tới mục đích xã hội, trong đó có lý do quan trọng là họ muốn thành lập doanh nghiệp để giải quyết các vấn đề xã hội còn tồn tại được xây dựng từ kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực y tế. Công ty MTTS quan tâm đến số lượng trẻ sơ sinh tử vong do thiếu các thiết bị y tế dễ sử dụng với chi phí hợp lý và tìm cách giải quyết vấn đề này. Người thành lập Công ty Cổ phần Trí Đức là một lái xe cứu thương ở bệnh viện tỉnh Yên Bái, nhiều lần chứng kiến việc chậm trễ đưa người bệnh đi cấp cứu nên đã không cứu được bệnh nhân. Điều này khiến anh trăn trở và quyết định thành lập Công ty Cổ phần Trí Đức mong muốn cung cấp dịch vụ giá rẻ để phục vụ các nhu cầu chưa đáp ứng được của bệnh viện công nơi vùng khó khăn di chuyển. Quy mô kinh doanh đều là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Công ty Cổ phần Trí Đức khởi sự với 1 xe cứu thương chuyên dụng, được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái tạo điều kiện cho mượn địa điểm trong bệnh viện và sau 6 năm phát triển, hiện nay công ty đã có 5 xe cứu thương chuyên dụng với thiết bị hiện đại. Người hưởng lợi của 2 doanh nghiệp trên bao gồm người nghèo, khó khăn, vùng sâu, vùng xa; trẻ nhỏ và đặc biệt là trẻ sơ sinh. Sau hơn 6 năm hoạt động, số lượng ca vận chuyển của Công ty Cổ phần Trí Đức khoảng 10.000 ca, Công ty MTTS là khoảng 15.000 người. Những đối tượng khách hàng không có khả năng thanh toán hoặc thanh toán thấp được sử dụng dịch vụ với chi phí hợp lý hoặc miễn phí.
Công ty Cổ phần Trí Đức cung cấp dịch vụ giảm thiểu chi phí với giá thấp hơn giá trung bình từ 20 - 50% hoăc miễn phí. Bên cạnh đó, công ty cung cấp dịch vụ với mức giá thông thường cho nhóm khách hàng đủ khả năng thanh toán. Công ty vẫn hoạt động tốt nhờ đầu tư hiệu quả và “lấy công làm lãi”.
Không giống như Công ty Cổ phần Trí Đức, Công ty MTTS dùng lợi nhuận từ kinh doanh một dịch vụ khác để trợ giá cho dịch vụ xã hội. Công ty MTTS cung cấp các dụng cụ y tế chất lượng với giá cả chỉ bằng 1/8 các thiết bị tương đương, cho các bệnh viện nhi để giúp đỡ các trẻ sơ sinh. Để thực hiện được điều này, Công ty MTTS nhận thấy chi phí hoạt động cao là vấn đề thực sự với các thiết bị y tế ở các nước đang phát triển, và các chi phí này thường dồn lên vai của những bệnh nhân không có khả năng chi trả. Do đó, Công ty MTTS đã dùng các cách khác nhau để giảm chi phí sản xuất mà vẫn khiến các thiết bị y tế dễ sử dụng và bền bỉ: Chỉ thuê nhân công trong nước, các chuyên gia tình nguyện viên nước ngoài thì làm việc miễn phí, xin trợ cấp phát triển công nghệ cho R&D và thỉnh thoảng là chi phí trang bị máy móc. Quá trình mở đầu luôn là thời điểm khó khăn nhất. Nguồn vốn ban đầu để mở Công ty Công nghệ Sinh học MTTS chỉ là vài nghìn USD. Thêm vào đó, năm 2004, do gần như không có quy định của Chính phủ nên chính Công ty MTTS và các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã phải tự xây dựng các quy định an toàn. Tại thời điểm đó, do Việt Nam không có thị trường cho các thiết bị y tế nên toàn bộ lĩnh vực này phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài. Công ty MTTS đã phải dành ra nhiều thời gian để gây quỹ và thuyết phục mọi người rằng hướng đi của Công ty MTTS đáng để đầu tư.
Hiệu quả hoạt động và sáng tạo từ mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực y tế kể trên là hết sức quan trọng, có thể được vận dụng cho các mô hình sau này. Quan hệ giữa Công ty Cổ phần Trí Đức và bệnh viện công trong việc tổ chức và thanh toán cho dịch vụ vận chuyển cứu thương là một sáng tạo, không những giúp các bệnh viện hoàn thành được nhiệm vụ của mình với nguồn lực hạn chế mà còn giải quyết được các nhu cầu của người dân địa phương về dịch vụ an toàn, tin cậy. Còn đối với Công ty MTTS, từ công nghệ phát triển của các tập đoàn thiết bị tư bản giá cao, Công ty MTTS đã cải tiến thiết kế và sản xuất, tận dụng các vật liệu thay thế trong nước để giảm thiểu chi phí. Sáng tạo trong thiết kế các thiết bị y tế hiệu quả với giá thành thấp. Những điều đó đã giúp các thiết bị y tế của Công ty MTTS giảm trung bình 50% giá thành, đặc biệt có thiết bị chỉ bằng 1/8 so với thiết bị cùng loại.
1.2. Doanh nghiệp xã hội hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp
Nông nghiệp là lĩnh vực tập trung số lượng lớn lao động là nông dân với thu nhập trung bình và thấp. Hiện nay, Ngành Nông nghiệp ở Việt Nam còn gặp rất nhiều thách thức trong đó đặc biệt là môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm ngoài ra là cạnh tranh giá với sản phẩm nhập khẩu. Các doanh nghiệp xã hội đã có một số đóng góp tích cực để giải quyết vấn đề trên, doanh nghiệp xã hội mà chúng tôi khảo sát là Công ty cổ phần nông nghiệp hữu cơ Tôi tự nhiên “I - Nature”
I - Nature là Tôi - Tự nhiên, là tự sinh, tự dưỡng như cỏ cây, hoa lá trong thế giới hoang dã. Tuyệt đối không có sự tác động hay can thiệp của bất cứ loại hóa chất nào. Còn những chủ nhân của I - Nature đều là những người trẻ, được đào tạo bài bản cả trong nước và nước ngoài, và I - Nature là mơ ước mở hướng đi mới cho nông dân của họ. Công ty I - Nature ứng dụng mô hình tuần hoàn vật chất khép kín trong tự nhiên giúp tuần hoàn được chu trình vật chất trong các trang trại, tái sử dụng chất thải trong nông nghiệp làm tăng sự linh hoạt, giảm rủi ro, tăng khả năng chịu đựng của các trang trại trước sự biến động mạnh của thời tiết và biến đổi khí hậu toàn cầu, cho phép tái sử dụng hiệu quả chất thải trong nông nghiệp, làm giảm thải khí nhà kính, cải tạo môi trường đất, nước, không khí, góp phần bảo vệ môi trường, hiện nay công ty đang cung cấp 45 loại rau củ quả và 8 loại thịt, trứng sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (thịt lợn, ngan, gà với các giống khác nhau). Như vậy, hai vấn đề xã hội chính được giải quyết đó là: Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và vấn đề bảo vệ môi trường, ngoài ra, công ty còn giải quyết vấn đề việc làm cho người dân địa phương bằng cách đảm bảo đầu ra tiêu thụ sản phẩm, hỗ trở chuyển giao công nghệ và tư vấn kỹ thuật cho bà con ở trang trại[2].
Từ đầu năm 2012, các thành viên của I - Nature đã triển khai thí điểm mô hình nông nghiệp không chất thải tại thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội) và đã đạt được những kết quả khả thi. Sau đó, cuối năm 2012, việc quy hoạch và xây dựng trại lõi tại Tản Lĩnh, Ba Vì trên diện tích 5000 m2 đã được I - Nature triển khai và đến đầu năm 2013, những sản phẩm hữu cơ đầu tiên đã đến được với người tiêu dùng tại Viện Công nghệ Châu Á Việt Nam (AIT-VN) và Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) với quy mô cung cấp chỉ khoảng 20 hộ gia đình, tần suất 1 tuần/lần với các sản phẩm rau ăn lá, gia vị, củ quả, thịt lợn, gà, ngan và trứng.
Tiếp đó, I - Nature dần mở rộng quy mô với những trang trại vệ tinh với hình thức chuyển giao công nghệ cho các hộ nông dân trong vùng nhưng dưới sự giám sát chặt chẽ về tiêu chuẩn kỹ thuật của I - Nature. Việc giám sát đánh giá định kỳ được thực hiện bởi các cán bộ có chuyên môn và lấy mẫu sản phẩm để kiểm tra. Việc xử lý vi phạm cũng được thực hiện theo chế tài để ngăn chặn những hoạt động sản xuất sai quy chuẩn. Các sản phẩm của các trang trại được xử lý, sơ chế, đóng gói tại trại và sau đó được vận chuyển về điểm phân phối tại trung tâm Hà Nội. Tại đây, mỗi đơn hàng của mỗi khách hàng được đóng gói và vận chuyển tới điểm đăng ký nhận hàng. Các nông phẩm hữu cơ của I - Nature có giá bán cao hơn hẳn các loại thực phẩm sạch được quảng cáo trên thị trường do tính khắt khe, ngặt nghèo về quy trình sản xuất và sơ chế sản phẩm. Từ tháng 10/2013, đưa sản phẩm cung cấp vào cửa hàng trưng bày sản phẩm Hàng Xanh (không gian giới thiệu và trưng bày các sản phẩm bền vững thuộc dự án SPIN) tại số 45 Bát Sứ (Hà Nội). Khách hàng hoàn toàn có thể trực tiếp tham quan, trải nghiệm tại trang trại lõi của I - Nature. Mô hình sản xuất rau hữu cơ tại I - Nature đã xây dựng nên khu chuyên canh rau sạch, chất lượng, đồng thời giúp cải thiện môi trường đất, nước, môi trường làm việc của chính người nông dân. Sản xuất thực phẩm hữu cơ đòi hỏi thực hiện trong một hệ sinh thái bảo đảm, không được gần các nhà máy công nghiệp, không gần quốc lộ, tại vùng đất nền và nguồn nước có dư lượng kim loại và các chất độc tự nhiên thấp. Nguồn nước tưới và chăn nuôi phải là nước giếng sạch, không phải nước sông. Không dùng công nghệ biến đổi gien và kể cả công nghệ nano... Cho tới nay, I - Nature là đơn vị duy nhất ở Việt Nam được cấp chứng nhận là sản phẩm bền vững theo các tiêu chí của Hệ thống Đánh giá bền vững của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO). Trong quá trình canh tác, hoàn toàn không sử dụng bất kỳ loại chế phẩm hóa học nào để phun tưới lên rau. Thay vào đó, để phòng trừ sâu bệnh gây hại, dùng tỏi, gừng giã nhuyễn và đem trộn với rượu rồi phun lên rau hoặc dùng phương pháp dẫn dụ bắt thủ công. Trong suốt quá trình sinh trưởng, người trồng chỉ bón duy nhất loại phân hữu cơ đã được ủ hoai mục từ trước đó 3 tháng. Sau khi bón phân, đúng thời gian cho phép, người dân mới được thu hoạch rau. Toàn bộ nước tưới rau đều được xét nghiệm bảo đảm đủ tiêu chuẩn, không bị nhiễm hóa chất độc hại và kim loại nặng.
Sau khi có quy định về địa vị pháp lý của doanh nghiệp xã hội tại Luật Doanh nghiệp năm 2014, tháng 6/2016, Công ty Cổ phần Công nghệ Nông nghiệp hữu cơ I - Nature được đăng ký đi vào hoạt động, mang lại nguồn sinh kế ổn định, bền vững cho những người nông dân. Tạo được thêm việc làm và gia tăng thu nhập cho lao động địa phương. Ước tính khoảng 20 nhân công toàn thời gian và 10 nhân công bán thời gian xét riêng cho hệ thống của I - Nature. Nếu tính thêm các trang trại dự kiến chuyển giao sẽ có thêm khoảng 50 việc làm địa phương nữa được tạo ra. Trong đó lao động nữ chiếm ít nhất 50%. Mức thu nhập ước đạt cao hơn ít nhất 30% so với sản xuất nông nghiệp theo phương thức vô cơ. Hiện tại, sản phẩm I - Nature đang có mức giá thấp hơn khoảng 30% so với thực phẩm hữu cơ khác nên có sức hấp dẫn với người mua hàng. Đặc biệt, khi mô hình trại lõi mới với quy mô lớn cho phép tối ưu hóa và khép kín hoàn toàn thì mức giá sẽ còn tiếp tục giảm, ví dụ với rau sẽ ngang bằng với rau thông thường. Hơn nữa, người mua hàng có thể giám sát và kiểm tra trực tiếp quá trình sản xuất tại đây thông qua hệ thống camera thời gian thực nên sẽ tạo dựng được sự tin tưởng cho họ.
1.3. Doanh nghiệp xã hội hướng tới đối tượng yếu thế trong xã hội
Theo định nghĩa của Liên Hợp Quốc, nhóm người yếu thế trong xã hội bao gồm người nghèo, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi và người khuyết tật. Gần 80% lao động yếu thế chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn. Đa số có trình độ học vấn thấp, chưa qua đào tạo nghề. Đây là cả một gánh nặng rất lớn về an sinh xã hội, là áp lực ngày càng gia tăng về tạo việc làm, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, giảm hộ nghèo, đảm bảo những người thiệt thòi, yếu thế có điều kiện vươn lên, hòa nhập cộng đồng. Chừng nào chưa giải quyết đến nơi đến chốn hàng loạt vấn đề nổi cộm trên, không chỉ an sinh xã hội bấp bênh mà an ninh, trật tự xã hội cũng trở nên bất an, bất ổn.
Trong những doanh nghiệp xã hội hướng tới nhóm đối tượng này, chúng tôi lựa chọn khảo sát công ty TNHH KOTO, đào tạo nghề cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Công ty TNHH KOTO International thành lập năm 1999, KOTO (viết tắt từ Know One, Teach One) là doanh nghiệp xã hội hướng tới việc đào tạo nghề cho những thanh thiếu niên đường phố và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Việt Nam. Đây là một trong số những doanh nghiệp xã hội đầu tiên được hình thành ở Việt Nam, cũng là doanh nghiệp xã hội đầu tiên đăng ký thành công theo hệ thống đăng ký doanh nghiệp xã hội theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 và là doanh nghiệp xã hội có quy mô lớn nhất ở nước ta[3]. Hiện nay, doanh thu của KOTO đến từ việc kinh doanh 2 nhà hàng ở Hà Nội và TP.HCM và cung cấp dịch vụ ăn uống. Tiền lợi nhuận của mảng kinh doanh này được dùng hoàn toàn vào công việc đào tạo nghề, cung cấp chỗ ăn nghỉ miễn phí cho các học viên. Người sáng lập kiêm giám đốc KOTO là anh Jimmy Phạm - Việt kiều Úc[4]. Doanh nghiệp xã hội này hoạt động dưới mô hình một nhà hàng kinh doanh và trung tâm dạy nghề với phương châm làm thay đổi cuộc sống của những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam.
KOTO có trung tâm dạy nghề KOTO là trung tâm phi lợi nhuận (NGO) được thành lập để hỗ trợ dạy nghề cho trẻ em lang thang và trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Trong 24 tháng, học viên sẽ được học các kỹ năng để phục vụ trong lĩnh vực nhà hàng - khách sạn (bếp, phục vụ bàn - bar), tiếng Anh chuyên ngành và các kỹ năng sống. Ngoài ra, các em cũng được kiểm tra sức khỏe định kỳ, được tiêm chủng, được cung cấp đồng phục, giặt giũ, ăn trưa, nhà ở, dịch vụ y tế và tiền trợ cấp huấn luyện hàng tháng. Cho đến nay, KOTO đã đào tạo tốt nghiệp có bằng đạt gần 500 em. Rất nhiều học viên sau khi tốt nghiệp từ KOTO đang làm việc tại các khách sạn, nhà hàng nổi tiếng của Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều thành phố lớn khác ở Úc và Dubai như: Sheraton, Sofitel Metropole, Sofitel Plaza, Hilton, Movenpick, Horizon… Đây thực sự là niềm vui trong mơ của nhiều thanh thiếu niên vốn xuất thân là những trẻ em sống trên đường phố hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Nguyễn Thị Thảo, học viên khóa 1 của KOTO Hà Nội là một ví dụ. Trước khi trở thành học viên của KOTO, Thảo khi ấy 13 tuổi làm công việc bán bưu thiếp trên đường phố 12 giờ/ngày để kiếm sống nhưng vẫn không đủ tiền cho các bữa ăn và những chi tiêu căn bản nhất của cuộc sống, chưa kể những hiểm nguy luôn rình rập xung quanh... Năm 2001, Thảo may mắn trở thành một thành viên của KOTO. Đã từng được nhận làm việc tại Sofitel Metropole Hà Nội rồi sau đó Thảo quyết định về nhà hàng KOTO Văn Miếu để truyền lại những kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn từ bên ngoài cho các học viên mới... Với sự nỗ lực của mình, năm 2007, Thảo được bình chọn là Đại sứ thiện chí KOTO và năm 2009, em được đến Melbourne để tham gia khóa học Cử nhân Quản trị Du lịch Khách sạn tại Học viện Box Hill. Hiện tại, bên cạnh việc học tập, Thảo còn làm việc ở Sofitel Melbourne để học hỏi và nâng cao các kỹ năng, nghiệp vụ của mình.
Nhà hàng KOTO là nhà hàng đào tạo (training restaurant), tại đó các em được thực hành nghề trong một môi trường kinh doanh thực sự. Hiện tại, hơn một nửa chi phí hoạt động của KOTO đã được tài trợ từ lợi nhuận của nhà hàng. Phục vụ mục tiêu xã hội của KOTO, tuy nhiên, nhà hàng KOTO vẫn phải cạnh tranh bình đẳng với các nhà hàng khác cùng dãy phố, thậm chí nộp thuế nhiều hơn, bởi việc quản lý sổ sách kế toán của tổ chức phải minh bạch và công khai trước yêu cầu của nhà tài trợ. Tất cả hoạt động liên quan đến tài chính của KOTO được giám sát thông qua Công ty kiểm toán quốc tế KPMG và Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn tài chính kế toán và kiểm toán.
2. Những thuận lợi và khó khăn khi áp dụng quy định pháp luật về doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam
2.1. Những thuận lợi
Hoạt động vì mục đích xã hội, cho nên, những người sáng lập doanh nghiệp xã hội, ban lãnh đạo, quản lý hoặc những tình nguyện viên đều là những con người tâm huyết với mục đích đã lựa chọn. Họ có thể khắc phục được mọi khó khăn từ tài chính tới thiếu vắng các quy định pháp luật để hoạt động. Từ đó, các doanh nghiệp xã hội đã có những nền tảng, lịch sử phát triển và hoạt động lâu dài, kể cả trước khi Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực. Ưu thế của doanh nghiệp xã hội so với những doanh nghiệp khác đó chính là việc Nhà nước tạo hành lang pháp lý để mô hình doanh nghiệp này được ưu đãi về tài chính, tiếp nhận tài trợ. Các doanh nghiệp xã hội nói chung có thể tiếp nhận viện trợ phi Chính phủ nước ngoài theo quy định của pháp luật về tiếp nhận viện trợ phi Chính phủ nước ngoài. Ngoài ra, doanh nghiệp xã hội được tiếp nhận tài trợ từ các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong nước và nước ngoài đã đăng ký hoạt động tại Việt Nam. Đó chính là nguồn lực quan trọng để các doanh nghiệp xã hội có thể thực hiện được mục tiêu xã hội, môi trường đã đăng ký. Các doanh nghiệp xã hội mới thường áp dụng tốt sự phát triển khoa học kỹ thuật như I - Nature hoặc MTTS, do đó sản phẩm làm ra có giá cả cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại. Ngoài ra là sự phát triển và ứng dụng của “kinh tế chia sẻ” đã huy động được số lượng lớn cộng đồng quan tâm tới các dự án của những doanh nghiệp xã hội mới này.
2.2. Một số khó khăn
- Phải hoạt động theo mô hình doanh nghiệp: Theo quy định tại Điều 10 Luật Doanh nghiệp năm 2014, doanh nghiệp xã hội phải là doanh nghiệp, được đăng ký, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Đây là một quy định hết sức khiên cưỡng, không phù hợp với thông lệ quốc tế về mô hình doanh nghiệp xã hội. Quy định như trên đã loại bỏ một số mô hình hết sức phù hợp với các mục đích xã hội, môi trường, đó là hợp tác xã. Ở Việt Nam các hợp tác xã không được coi là doanh nghiệp, mà chỉ được coi là “tổ chức kinh tế tập thể” hình thành trên cơ sở “sở hữu tập thể”. Theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, doanh nghiệp xã hội không được thành lập dưới hình thức hợp tác xã. Quy định này đã bỏ qua các đặc tính ưu việt rất phù hợp với các mục tiêu xã hội của các hợp tác xã đó là tính chất sở hữu tập thể, tinh thần cộng đồng. Trên thực tế, từ trước năm 1986 nhiều doanh nghiệp xã hội thực tế đã tồn tại ở nước ta dưới hình thức hợp tác xã như “hợp tác xã thương binh”, “hợp tác xã người tàn tật”…các cơ sở này có những đóng góp đáng kể trong việc tạo công ăn việc làm và cuộc sống tích cực cho cho các xã viên là những nhóm người dễ bị tổn thương, khó hòa nhập trong xã hội. Bởi vậy, các hợp tác xã chính là một mô hình rất phù hợp cho các doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam.
- Quy định việc sử dụng ít nhất 51% lợi nhuận để tái đầu tư: Theo quy định tại Điều 10 Luật Doanh nghiệp năm 2014, doanh nghiệp xã hội trong suốt quá trình tồn tại và hoạt động luôn phải sử dụng tối thiếu 51% tổng lợi nhuận hàng năm để nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký. Tuy nhiên, trong thực tế, những năm đầu tiên khi thành lập, hoạt động, nhà đầu tư phải bỏ nhiều vốn đầu tư, cũng như chưa thể huy động tài trợ từ các nguồn lực khác, việc khởi sự kinh doanh còn nhiều khó khăn. Do đó, ngay từ đầu, lợi nhuận đã bắt buộc phải chia sẻ thì dẫn đến khó khăn cho sự phát triển của doanh nghiệp xã hội trong những năm đầu thành lập.
- Chưa quy định cụ thể về chuyển đổi trực tiếp từ doanh nghiệp thông thường sang doanh nghiệp xã hội: Mặc dù tại điểm a, khoản 2, Điều 10 Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã quy định trường hợp doanh nghiệp đang hoạt động muốn chuyển thành doanh nghiệp xã hội hoặc doanh nghiệp xã hội muốn từ bỏ mục tiêu xã hội, môi trường, không sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư thì doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan có thẩm quyền để tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong Nghị định số 96/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Thông tư 04/2016/TT-BKHĐT hướng dẫn về biểu mẫu đối với đăng ký doanh nghiệp xã hội đều chưa quy định cụ thể hồ sơ thủ tục chuyển đổi giữa 2 mô hình này. Các văn bản hướng dẫn kể trên mới chỉ quy định cụ thể việc chuyển đổi cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội và quỹ từ thiện thành doanh nghiệp xã hội.
- Về cơ quan quản lý doanh nghiệp xã hội: Hiện tại, các doanh nghiệp xã hội được thành lập, quản lý bởi cơ quan đăng ký doanh nghiệp như các doanh nghiệp thông thường khác. Mọi thủ tục hành chính đều được giải chung như các doanh nghiệp thông thường, tuy nhiên, doanh nghiệp xã hội lại có những đặc thù riêng, đặc biệt như tiếp nhận tài trợ, thực hiện các mục tiêu xã hội, môi trường… Do đó, việc quản lý chung bởi cùng 1 cơ quan có thể sẽ gây khó khăn.
3. Một số kiến nghị về hoàn thiện các quy định pháp luật về doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam hiện nay
Thứ nhất, cần đa dạng hóa loại hình doanh nghiệp xã hội. Như phân tích ở trên, quy định doanh nghiệp xã hội phải tồn tại dưới hình thức doanh nghiệp còn cứng nhắc, chưa phù hợp với một thực tế là Việt Nam là kinh tế thị trường còn non trẻ, rất cần sự đóng góp của các doanh nhân xã hội đến từ nhiều lĩnh vực và quy mô hoạt động khác nhau, để cùng tham gia chia sẻ gánh nặng an sinh xã hội với Nhà nước. Những quy định hiện tại chưa thực sự thúc đẩy quyền tự do kinh doanh và tự do lựa chọn mô hình kinh doanh các doanh nhân xã hội đang hoạt động dưới nhiều quy mô và lĩnh vực kinh doanh khác nhau, hạn chế khả năng tiếp cận nhu cầu của các cộng đồng thiệt thòi, đối tượng hướng tới của doanh nghiệp xã hội. Thêm nữa, gò bó doanh nghiệp xã hội dưới hình thức doanh nghiệp cũng sẽ làm hạn chế các sáng kiến xã hội, giảm tính đa dạng về sở hữu, tính linh hoạt của doanh nghiệp xã hội. Cần công nhận các công nhận các hợp tác xã thành lập có cam kết mục tiêu xã hội là các hợp tác xã doanh nghiệp xã hội để các hợp tác xã này có cơ sở pháp lý để hoạt động và được hưởng các ưu đãi theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, cần xây dựng hệ thống cơ quan chuyên trách quản lý doanh nghiệp xã hội. Ở nước Anh, để đưa các quy định pháp luật về doanh nghiệp xã hội vào thực tế, Chính phủ Anh đã nỗ lực tiến hành những hoạt động trợ giúp cho doanh nghiệp xã hội thông qua hệ thống các cơ quan hỗ trợ từ khâu đăng ký kinh doanh, tư vấn pháp lý thành lập doanh nghiệp xã hội, hỗ trợ thông tin về thuế, cho đến các chiến dịch truyền thông, quảng bá để cả xã hội biết và ủng hộ cho doanh nghiệp trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Năm 2002, chính phủ Anh thành lập Bộ phận Doanh nghiệp xã hội (Social Enterprises Unit – SEnU) trực thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp, bộ phận này hoạt động để xây dựng các chính sách phát triển doanh nghiệp xã hội. Ở Hàn Quốc cũng đã thiết lập KoSEA do Bộ trưởng Lao động và Việc làm thành lập để thực thi việc khuyến khích và thúc đẩy doanh nghiệp xã hội. Singapore cũng thành lập Phòng doanh nghiệp xã hội, bộ phận này nhận sự hỗ trợ từ chính phủ, khu vực tư nhân, giới trí thức và các tổ chức xã hội dân sự để tìm hướng phát triển doanh nghiệp xã hội. Như vậy, Việt Nam cũng nên thành lập bộ phận riêng quản lý doanh nghiệp xã hội thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc độc lập sẽ thúc đẩy sự phát triển cũng như quản lý nhà nước tốt hơn đối với doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam.
Thứ ba, về lâu dài, cần xây dựng một khung khổ pháp lý đồng bộ điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp xã hội, trong đó cần có một đạo luật riêng quy định về doanh nghiệp xã hội làm trung tâm như đã đề xuất. Luật này quy định về các hình thức pháp lý đa dạng, các điều kiện thành lập, hoạt động chuyển đổi các mô hình kinh doanh khác thành doanh nghiệp xã hội để tạo ra một sự kết nối chặt chẽ, khuyến khích doanh nghiệp xã hội thành lập và phát triển.
Kết luận
Là một loại hình doanh nghiệp đặc biệt, ra đời vì mục tiêu và sứ mệnh cộng đồng, doanh nghiệp xã hội cần có một khung khổ pháp lý đồng bộ và phù hợp với thực tiễn xã hội để động viên các chủ thể kinh doanh cùng tham gia chia sẻ gánh nặng an sinh xã hội với Nhà nước. Luật Doanh nghiệp năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành mặc dù mới tạo ra nền tảng cơ bản về địa vị pháp lý của doanh nghiệp xã hội, tuy nhiên đó mới là những cố gắng bước đầu của Nhà nước đối với những mô hình vì xã hội và cộng đồng này, việc hoàn thiện pháp luật là yêu cầu nhất thiết để thực hiện những mong muốn vô cùng tốt đẹp của các sáng lập viên doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam hiện nay.
Khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội
1. http://tinnhanhchungkhoan.vn/dau-tu/so-luong-doanh-nghiep-xa-hoi-tang-dot-bien-173431.html;
2. CSIP Social enterprises 2014 – sources: http://csip.vn/vi/social-enterprises-2014;
3. https://www.britishcouncil.vn/cac-chuong-trinh/xa-hoi/ky-nang-cho-doanh-nhan-xa-hoi/dai-dien-dnxh-vn-tai-SEWF-2016;
4. http://www.hmongbuy.com/SU1ZMFBIcGNXaUUz;
5. Phan Thị Thanh Thủy, Hình thức pháp lý của doanh nghiệp xã hội: Kinh nghiệm nước Anh và một số gợi mở cho Việt Nam, Tạp chí Luật học, Tập 31, Sô ́ 4 (2015).