Đối với lĩnh vực thi hành án dân sự (THADS), làm tốt công tác giải quyết KNTC có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm các bản án, quyết định của Tòa án được tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Chính vì vậy, công tác giải quyết KNTC trong lĩnh vực THADS luôn được Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Bộ Tư pháp quan tâm chỉ đạo, quán triệt thực hiện nghiêm túc trên toàn Hệ thống THADS trong phạm vi toàn quốc và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
1. Thực trạng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thi hành án dân sự
Thực tiễn công tác giải quyết KNTC trong lĩnh vực THADS thời gian qua cho thấy đang từng bước đi vào nền nếp và đã có nhiều chuyển biến tích cực: Các văn bản pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết KNTC ngày càng đầy đủ hơn; tổ chức chuyên trách giúp thủ trưởng cơ quan THADS về công tác giải quyết KNTC từng bước được hình thành từ Trung ương đến cấp tỉnh; công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức thực hiện và thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về giải quyết KNTC, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức làm công tác giải quyết KNTC và tiếp công dân ngày càng được quan tâm, chú trọng. Nhờ đó, cơ quan THADS các cấp đã kịp thời giải quyết số lượng không nhỏ đơn thư KNTC của đương sự; chất lượng giải quyết được nâng lên; nhiều vụ việc KNTC phức tạp, kéo dài đã được giải quyết dứt điểm. Cụ thể: năm 2016, toàn hệ thống đã tiếp nhận 8.822 đơn, tương ứng với 7.361 việc, trong đó, có 3.517 việc thuộc thẩm quyền (Bộ Tư pháp: 96 việc, địa phương: 3.421 việc). Kết quả: Đã giải quyết xong 3.392 việc/3.517 việc thuộc thẩm quyền (3.129 việc khiếu nại và 263 việc tố cáo), đạt tỷ lệ 96,44%. Trong 10 tháng đầu năm 2017, Tổng cục Thi hành án dân sự tiếp nhận và xử lý 3.772/3.817 đơn, đạt tỷ lệ 98,82% số đơn tiếp nhận (tăng 0,84% so với cùng kỳ năm 2016), so với 10 tháng đầu năm 2016 tiếp nhận và xử lý 3.068 đơn, số đơn Tổng cục Thi hành án dân sự tiếp nhận và được giao xử lý tăng mạnh, 749 đơn tương đương với 24,41%, trong đó có 79 vụ việc thuộc thẩm quyền, tạm đình chỉ và giải quyết xong 71 vụ việc, đạt tỷ lệ 89,87%. Cũng trong 10 tháng đầu năm 2017, các cơ quan THADS địa phương đã tiếp nhận và xử lý 4.600 đơn thư, tương ứng với 4.165 việc, giảm 3,88% số việc so với cùng kỳ năm 2016, số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết là 2.786 việc, chỉ giảm 04 việc, tương ướng với 0,14% so với cùng kỳ năm 2016. Kết quả, trong số 2.786 việc thuộc thẩm quyền đã giải quyết được 2.526/2.786 việc, đạt tỷ lệ 90,67%, tăng 0,98% so với cùng kỳ năm 2016.
Tuy nhiên, công tác giải quyết KNTC trong THADS thời gian qua vẫn những tồn tại, hạn chế sau đây:
Thứ nhất, công tác tiếp công dân ở một số nơi còn hình thức; vẫn còn không ít cơ quan THADS chưa bố trí được nơi tiếp dân độc lập, phổ biến là ở cấp huyện. Một số thủ trưởng cơ quan THADS không trực tiếp tiếp công dân định kỳ và đột xuất, chưa gắn việc tiếp công dân với việc giải quyết KNTC. Một số cán bộ làm nhiệm vụ tiếp công dân chưa ý thức được tầm quan trọng của công tác này, thiếu kỹ năng tiếp công dân, thái độ tiếp công dân chưa phù hợp, ứng xử không đúng mực khi thực hiện nhiệm vụ, để công dân phản ánh, thậm chí ghi âm, ghi hình tố cáo lên cấp trên về thái độ hách dịch khi làm việc tiếp xúc với công dân nên đã gây bức xúc cho người KNTC. Kỹ năng ứng xử, thái độ giải quyết vụ việc KNTC của người có thẩm quyền chưa phù hợp dẫn đến tình trạng công dân bức xúc với việc giải quyết của các cơ quan THADS địa phương, tiếp tục đến Tổng cục và Bộ Tư pháp để khiếu nại, tố cáo.
Thứ hai, việc phân loại, thụ lý đơn KNTC ở một số cơ quan THADS địa phương còn có nhiều sai sót, hạn chế; kỹ năng xử lý đơn thư đầu vào của cán bộ làm công tác này còn lúng túng như: Đơn KNTC nhưng lại được phân loại thành đơn kiến nghị, phản ánh dẫn đến số liệu thống kê về tình hình xử lý đơn thư, giải quyết KNTC chưa chính xác; có trường hợp đơn có nội dung tố cáo nhưng do phân loại sai nên giải quyết theo trình tự giải quyết khiếu nại.
Thứ ba, vi phạm quy định về trình, tự thủ tục giải quyết KNTC như: Chậm thụ lý; xác định đối tượng bị khiếu nại, hành vi bị KNTC không chính xác; chậm giải quyết khiếu nại (đã ra thông báo thụ lý khiếu nại nhưng để kéo dài, không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại); giải quyết khiếu nại chưa đầy đủ, không đúng nội dung khiếu nại của đương sự; không giải quyết tố cáo của đương sự; thực hiện không đúng, không đầy đủ quy định về thiết lập hồ sơ giải quyết KNTC: Không đánh số bút lục hoặc đánh bút lục không đầy đủ; sắp xếp tài liệu trong hồ sơ giải quyết KNTC không đúng thứ tự; không ghi danh mục tài liệu có trong hồ sơ.
Thứ tư, nội dung giải quyết không đúng pháp luật như: KNTC của đương sự là có cơ sở nhưng khi giải quyết áp dụng pháp luật không đúng, không nghiên cứu đầy đủ, toàn diện hồ sơ thi hành án và các tài liệu có liên quan; không tổ chức xác minh, đối thoại hoặc trưng cầu giám định khi cần thiết dẫn đến kết quả giải quyết không khách quan, chưa đúng pháp luật, đương sự bức xúc nên KNTC kéo dài, vượt cấp; giải quyết khiếu nại chưa đầy đủ, không đúng nội dung khiếu nại của đương sự; một số quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo còn thiếu căn cứ, chưa chặt chẽ. Đặc biệt, có trường hợp người có thẩm quyền khi giải quyết KNTC có dấu hiệu nể nang, lòng vòng, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cho cơ quan cấp trên.
Thứ năm, một số thủ trưởng cơ quan THADS giải quyết khiếu nại lần đầu đã chưa thực hiện tốt việc hướng dẫn đương sự thực hiện quyền khiếu nại lần 2 theo quy định, cụ thể: Khoản 9 Điều 151 Luật Thi hành án dân sự quy định khi giải quyết khiếu nại lần đầu, quyết định giải quyết phải có nội dung hướng dẫn đương sự về quyền khiếu nại lần 2. Tuy nhiên, trong thực tế, vẫn còn một số quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu không có nội dung này.
Thứ sáu, nhiều cơ quan THADS chưa thực hiện được việc công khai quyết định giải quyết khiếu nại. Tồn tại này phổ biến ở tất cả các cấp và ở hầu hết địa bàn, làm cho công tác giải quyết khiếu nại chưa thực sự phát huy hiệu quả như yêu cầu tại Thông tư số 02/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp quy định quy trình giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự.
Thứ bảy, chậm khắc phục sai phạm và tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo đã có hiệu lực, cụ thể: Chưa chủ động, kịp thời áp dụng pháp luật để khắc phục những sai phạm, thiếu sót đã được phát hiện qua công tác thanh tra, giải quyết KNTC; việc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận tố cáo đã có hiệu lực pháp luật còn chậm, hạn chế và đùn đẩy; công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận tố cáo còn nhiều hạn chế. Thậm chí, thủ trưởng một số cơ quan THADS còn có biểu hiện chưa nghiêm khắc đối với những cán bộ, chấp hành viên và công chức có sai phạm trong quá trình tổ chức thi hành án, giải quyết KNTC dẫn đến tình trạng công dân bức xúc, khiếu nại gay gắt, kéo dài, vượt cấp hoặc chuyển từ khiếu nại sang tố cáo, làm cho vụ việc càng phức tạp hơn.
2. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế
2.1. Nguyên nhân khách quan
Thứ nhất, các quy định của pháp luật về KNTC và giải quyết KNTC trong THADS vẫn còn khá nhiều bất cập, cụ thể như: Chưa quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết KNTC đối với các trường hợp người bị KNTC đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác; chưa quy định, cụ thể về người quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; chưa quy định về trình tự, thủ tục xem xét lại đối với quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật; chưa quy định trình tự, thủ tục ra thông báo chấm dứt KNTC và thông báo không thụ lý đối với vụ việc KNTC phức tạp, tồn đọng, kéo dài về THADS đã được giải quyết đúng chính sách pháp luật, thấu tình, đạt lý và chưa bổ sung đầy đủ biểu mẫu về giải quyết KNTC; sổ theo dõi công tác giải quyết khiếu nại; các biểu mẫu báo cáo; quy định thống nhất về thời hạn và định kỳ báo cáo về khiếu nại trong THADS.
Thứ hai, một số địa phương có lượng vụ việc thi hành án nhiều nên chấp hành viên, cán bộ thi hành án rơi vào tình trạng quá tải công việc, dẫn đến chậm trễ trong việc tổ chức thi hành án, do đó, quyền lợi của người được thi hành án không được đảm bảo, phát sinh KNTC. Mặt khác, cũng vì quá tải công việc nên việc xác minh theo đơn KNTC và nghiên cứu nội dung vụ việc khiếu nại, tố cáo của cán bộ thi hành án chưa thấu đáo, dẫn đến hạn chế trong tham mưu giải quyết KNTC.
Thứ ba, ở một số địa phương (nhất là cấp huyện), cán bộ, công chức làm công tác tiếp dân còn kiêm nhiệm nên quá trình thụ lý, xác minh, tham mưu giải quyết KNTC chưa chuyên nghiệp. Lực lượng cán bộ trực tiếp tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo trong toàn hệ thống còn mỏng: Ở Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự và Phòng Kiểm tra công tác giải quyết KNTC thuộc các Cục Thi hành án dân sự địa phương tuy được ưu tiên phân bổ chỉ tiêu biên chế nhưng hầu như đều chưa tuyển đủ chỉ tiêu, nhất là ở các địa phương.
Thứ tư, cơ sở vật chất phục vụ cho việc giải quyết KNTC về THADS chưa đáp ứng được nhu cầu đặt ra, nhất là vấn đề bố trí phòng tiếp công dân ở các cơ quan THADS địa phương cấp huyện.
3.2. Nguyên nhân chủ quan
Thứ nhất, nhận thức của một số thủ trưởng cơ quan THADS, chấp hành viên, cán bộ công chức THADS về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giải quyết KNTC còn chưa đầy đủ. Vì thế chưa quan tâm bố trí những cán bộ có năng lực, tâm huyết, có trách nhiệm để làm công tác giải quyết KNTC. Một số ít thủ trưởng cơ quan THADS chưa sát sao trong việc đôn đốc cán bộ dưới quyền trong công tác tiếp dân, tham gia xác minh đơn KNTC, tham mưu giải quyết KNTC; chưa tổ chức thực hiện kịp thời các yêu cầu của cấp trên trong việc giải quyết KNTC.
Thứ hai, trình độ năng lực của cán bộ trực tiếp làm công tác tham mưu giải quyết KNTC ở các cơ quan THADS còn hạn chế. Nhiều cán bộ chưa tích cực nghiên cứu, nắm vững các quy định của pháp luật về giải quyết KNTC trong THADS và pháp luật có liên quan nên khi áp dụng để tham mưu giải quyết KNTC còn lúng túng, sai sót, thậm chí sai phạm. Một số chấp hành viên có thái độ không đúng mực, gây bức xúc cho đương sự hoặc có hành vi vi phạm pháp luật. Điều này không chỉ vì do yếu kém về nghiệp vụ mà còn do cố ý hoặc do đạo đức kém, thái độ coi thường, nhũng nhiễu, thậm chí vô cảm trước quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Quá trình giải quyết KNTC của thủ trưởng cơ quan THADS không ít trường hợp còn có tâm lý bênh vực cán bộ cơ quan mình hoặc cán bộ cấp dưới nên bác đơn khiếu nại của đương sự, kết luận tố cáo không có cơ sở… Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới bức xúc của đương sự.
Thứ ba, công tác tuyên truyền pháp luật THADS nói chung, pháp luật về KNTC và giải quyết KNTC trong THADS nói riêng chưa được các cơ quan THADS thực sự chú trọng. Trong quá trình tổ chức thi hành án, các cơ quan THADS chưa quan tâm giải thích và giáo dục thuyết phục cho các bên đương sự hiểu và tự nguyện thực hiện các nghĩa vụ của mình trong thi hành án nhằm góp phần hạn chế KNTC ngay từ cơ sở.
Thứ tư, công tác tổng kết, rút kinh nghiệm và đào tạo bồi dưỡng cán bộ về nghiệp vụ, kỹ năng giải quyết KNTC trong THADS tuy ngày càng được chú ý, thực hiện thường xuyên nhưng nội dung chưa chuyên sâu; thời gian mỗi kỳ tập huấn hàng năm quá ngắn (chỉ từ 01 đến 02 ngày). Với thời gian này chỉ đủ để giới thiệu những vấn đề mới, chứ không đủ để trao đổi thảo luận và giải đáp thấu đáo những vướng mắc nghiệp vụ.
Thứ năm, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận đương sự còn thấp, nhiều trường hợp hiểu rõ KNTC của mình là thiếu căn cứ pháp luật nhưng vẫn cố tình KNTC để kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ thi hành án của mình hoặc gây rối, cản trở quá trình thi hành án, khiến cho bản án, quyết định của Tòa án chậm được thi hành. Trong khi đó, pháp luật mới chỉ có chế tài đối với hành vi cố tình tố cáo sai sự thật (vu cáo), còn đối với hành vi cố tình khiếu nại không có căn cứ để trì hoãn thi hành án hoặc gây rối quá trình thi hành án thì chưa có biện pháp hữu hiệu để xử lý.
Thứ sáu, cấp ủy Đảng, chính quyền ở một số địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc chỉ đạo công tác THADS ở địa phương, trong đó có công tác giải quyết khiếu nại về THADS. Trong một số trường hợp giải quyết khiếu nại, các cơ quan hữu quan còn thiếu sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả, thậm chí đùn đẩy, né tránh trách nhiệm giải quyết khiếu nại.
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về THADS nói chung, về giải quyết KNTC trong THADS nói riêng. Trước mắt cần hoàn thiện quy định về những vấn đề pháp luật về giải quyết KNTC chưa quy định nêu trên, gắn với hoàn thiện thể chế về công tác THADS và đổi mới quy trình giải quyết KNTC. Vì nếu thể chế về công tác THADS có bất cập sẽ là một trong những nguyên nhân làm hạn chế hiệu quả công tác này.
Thứ hai, nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực của thủ trưởng và công chức các cơ quan THADS về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác tiếp dân, giải quyết KNTC nói chung, giải quyết KNTC trong THADS nói riêng. Thủ trưởng cơ quan THADS cần trực tiếp phụ trách công tác giải quyết KNTC và trực tiếp tiếp công dân định kỳ, đột xuất theo quy định của pháp luật. Cán bộ tiếp dân kiên trì giải thích cho người KNTC biết quyền và nghĩa vụ của đương sự; trách nhiệm của cơ quan THADS trong việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
Thứ ba, thực hiện thường xuyên công tác bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp cho thủ trưởng, chấp hành viên THADS và đặc biệt là đội ngũ công chức trực tiếp tham mưu giải quyết KNTC.
Thứ tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết KNTC, phải chú trọng ngay từ khâu tiếp công dân để tiếp nhận đơn thư KNTC. Trong quá trình giải quyết KNTC, người làm công tác giải quyết KNTC phải thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ khách quan, làm cơ sở cho việc kết luận, từ đó ra quyết định giải quyết KNTC phù hợp. Quá trình giải quyết KNTC phải tuân thủ đúng trình tự, thủ tục luật định, nhất là tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của người KNTC, người bị KNTC. Đồng thời, cần làm rõ nguyên nhân phát sinh KNTC để có biện pháp chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước, xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh những cán bộ, công chức do thiếu trách nhiệm gây nên KNTC cũng như thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết KNTC.
Thứ năm, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giải quyết KNTC trong THADS như: Tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra về giải quyết KNTC trong THADS; chú trọng công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm về giải quyết KNTC trong hệ thống THADS; thực hiện thường xuyên công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ giải quyết KNTC về THADS; đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về giải quyết KNTC trong THADS; tăng cường kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ trong nội bộ hệ thống THADS về công tác quản lý giải quyết KNTC, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý giải quyết KNTC.
Thứ sáu, tăng cường công tác phối hợp trong giải quyết KNTC trong THADS: Công tác giải quyết KNTC trong THADS là hoạt động khó khăn, phức tạp, cần phải có sự phối hợp giải quyết của nhiều ban, ngành, đoàn thể. Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết KNTC trong THADS, vấn đề tăng cường sự phối hợp liên ngành trong quá trình giải quyết KNTC là một giải pháp quan trọng. Trong mối quan hệ phối hợp ấy, các cơ quan trong hệ thống THADS phải giữ vai trò chủ động. Hiện nay, đã có quy chế phối hợp chung giữa các ngành trong khối nội chính, thiết nghĩ cần phải tiếp tục có những quy chế phối hợp riêng, cụ thể hơn giữa các ngành với nhau, mà trước hết là với Tòa án. Bởi hoạt động THADS là quá trình tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án; trong quá trình này rất cần sự phối hợp của cơ quan Tòa án trong việc giải thích bản án, vấn đề tạm đình chỉ thi hành án để kháng nghị theo thủ tục tố tụng… Trong quá trình ấy, nếu phát sinh KNTC mà sự phối hợp giữa cơ quan THADS và Tòa án không kịp thời, chặt chẽ thì chắc chắn hiệu quả giải quyết KNTC sẽ không cao, hiệu quả thực hiện pháp luật về giải quyết KNTC trong THADS vì thế cũng bị hạn chế.
Thứ bảy, phát huy vai trò giám sát của các cơ quan, tổ chức và vai trò kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân đối với hoạt động THADS:
- Tăng cường hơn nữa công tác giám sát của các ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc các cấp đối với công tác THADS nói chung, công tác giải quyết KNTC trong THADS nói riêng. Nâng cao vai trò giám sát thực hiện pháp luật về THADS, pháp luật về giải quyết KNTC trong THADS của Hội đồng nhân dân các cấp. Đối mới hình thức giám sát của Hội đồng nhân dân, việc giám sát không chỉ dừng lại ở việc chất vấn tại các kỳ họp mà khi cần thiết thì các ban của Hội đồng nhân dân yêu cầu các cơ quan THADS giải trình những vi phạm trong công tác giải quyết KNTC về THADS. Có như vậy công tác giám sát hoạt động giải quyết KNTC trong THADS mới được thường xuyên và kịp thời.
- Viện kiểm sát các cấp cũng cần từng bước đổi mới phương thức kiểm sát hoạt động giải quyết KNTC trong THADS. Công tác kiểm sát không chỉ tập trung vào kiểm sát hoạt động giải quyết KNTC của thủ trưởng cơ quan THADS các cấp, mà còn cần phải chú ý nhiều đến vấn đề yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật về giải quyết KNTC trong THADS.
Thứ tám, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, huy động sức mạnh của hệ thống chính trị tham gia vào công tác giải quyết KNTC trong THADS: Các cấp ủy Đảng, trước hết là cấp ủy các tổ chức đảng trong hệ thống cơ quan THADS, tiếp đó là cấp ủy Đảng ở địa phương phải quan tâm lãnh đạo công tác giải quyết KNTC trong THADS. Coi đây là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và cần thiết trong công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị; góp phần đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, ổn định tình hình để phát triển kinh tế - xã hội địa phương và toàn quốc. Sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng thể hiện ở nhiều phương diện, bao gồm công tác lãnh đạo chính trị tư tưởng, công tác cán bộ; đề ra chủ trương, nghị quyết về công tác THADS nói chung, công tác giải quyết KNTC trong THADS nói riêng; lãnh đạo công tác phối hợp giữa cơ quan THADS và các ban, ngành, đoàn thể... Tuy nhiên, trên thực tế cần hết sức tránh xu hướng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đồng nghĩa với việc tổ chức Đảng làm thay vai trò của chính quyền và của các cơ quan THADS. Cần phải xác định rõ vai trò của Đảng là lãnh đạo, còn việc chỉ đạo triển khai thực hiện thuộc trách nhiệm của chính quyền và lãnh đạo cơ quan quản lý THADS, cơ quan THADS các cấp.
Bên cạnh đó, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị ở địa phương vào công tác giải quyết KNTC trong THADS. Sự tham gia của cả hệ thống chính trị biểu hiện cụ thể nhất là công tác giám sát hoạt động giải quyết KNTC của các cơ quan THADS và công tác tham gia tuyên truyền pháp luật THADS nói chung, pháp luật về giải quyết KNTC trong THADS nói riêng. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành cần vận động đoàn viên, hội viên của tổ chức mình sống và làm việc theo pháp luật. Người KNTC thuộc tổ chức nào thì tổ chức đó phối hợp với cơ quan THADS để nắm bắt tình hình, xử lý thông tin, thống nhất kế hoạch hành động; lấy tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục là chính để thành viên của tổ chức mình thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của người KNTC theo luật định, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giải quyết KNTC trong THADS.
Tổng cục Thi hành án dân sư, Bộ Tư pháp