Tóm tắt: Trong phạm vi bài viết này, tác giả đánh giá thực trạng hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người trở về Việt Nam và kiến nghị một số giải pháp trong thời gian tới.
Abstract: Within the scope of this article, the author assesses the current situation of supporting victims of human trafficking to return to Vietnam and recommends some solutions in the coming time.
Mua bán người được Liên Hợp quốc xác định là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất, được đưa vào “Chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu” và ngày 30/7 hàng năm được chọn là “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người”. Tội phạm về mua bán người được các quốc gia trên thế giới lên án và tích cực hợp tác quốc tế trong phòng ngừa, đấu tranh cũng như hỗ trợ những nạn nhân bị mua bán. Ở nước ta, trong những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người có xu hướng gia tăng cả về số vụ, số đối tượng, số nạn nhân bị mua bán và đã gây ra những hậu quả nặng nề cho xã hội, bức xúc trong nhân dân. Việc phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm mua bán người luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tiến hành trên rất nhiều lĩnh vực. Trong đó, về công tác thực thi pháp luật, lực lượng Công an, chủ công là Cảnh sát hình sự phối hợp với Bộ đội Biên phòng các cấp xây dựng và phối hợp triển khai các kế hoạch nghiệp vụ, điều tra theo tuyến, địa bàn trọng điểm; triển khai các biện pháp nghiệp vụ, kết hợp với tuần tra, kiểm soát và quản lý xuất nhập cảnh qua biên giới; tổ chức triển khai thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc... Theo thống kê của Bộ Công an từ năm 2016 đến hết năm 2021, trên phạm vi cả nước đã phát hiện 2.159 vụ mua bán người (trong đó, phụ nữ và trẻ em chiếm hơn 90%.)[1]. Phụ nữ và trẻ em bị bán sang các nước châu Á vì mục đích cưỡng ép tình dục, đẻ thuê như: Trung Quốc (chiếm 75%), Cam-pu-chia (chiếm 11%). Một số phụ nữ sang Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao, Singapore hay Hàn Quốc thông qua những cuộc môi giới hôn nhân với người nước ngoài, sau đó bị cưỡng ép phục vụ trong gia đình, hành nghề mại dâm. Việc môi giới hôn nhân với người nước ngoài có xu hướng tăng mạnh ở các tỉnh phía Nam Việt Nam; trong khi đó, tình trạng mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em xảy ra nhiều ở các tỉnh khu vực phía Bắc. Ngoài ra, thủ đoạn tổ chức xuất cảnh trái phép để lao động thời vụ[2], sau đó lừa bán để cưỡng bức lao động, ép bán dâm, bán cho đàn ông mua làm vợ, thậm chí bán nội tạng.
Bên cạnh những nỗ lực phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán người thì việc hỗ trợ các nạn nhân của mua, bán người trong thời gian qua cũng được Đảng, Nhà nước và Chính phủ dành nhiều sự quan tâm. Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đến nay, cả nước có 425 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó 195 cơ sở công lập và 230 cơ sở ngoài công lập, thuộc các loại hình cơ sở trợ giúp xã hội theo Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội[3]. Tùy theo điều kiện của từng địa phương, khả năng của từng cơ sở trợ giúp xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố giao nhiệm vụ tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về cho Trung tâm Bảo trợ xã hội hoặc Trung tâm Công tác xã hội. Một số tỉnh do điều kiện khó khăn, bố trí cơ sở điều dưỡng người có công hoặc cơ sở cai nghiện ma túy tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Trên thực tế, có 51 Trung tâm Bảo trợ xã hội và 43 Trung tâm công tác xã hội có chức năng tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân. Mặc dù còn khó khăn nhưng tại các cơ sở này vẫn bố trí từ 01 đến 02 phòng, chuẩn bị tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Từ năm 2017 - 2021 số người được tiếp nhận, xác minh là gần 4.000 người; xác định 1.715 người là nạn nhân bị mua bán, trong đó: Nạn nhân là nữ giới 1.663 người (chiếm 96,9%), nam giới 52 người (chiếm 3,1%); nạn nhân dưới 18 tuổi là 469 người (chiếm 28,75%); dân tộc kinh 608 người (chiếm 35,45%), dân tộc khác 1.101 người (chiếm 64,19%), có 06 nạn nhân là người nước ngoài. Nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài là 1.684 người, trong đó, là bị bán sang Trung Quốc là 1.510 người (chiếm 88,04%). Số nạn nhân tự trở về là 483 người, được giải cứu là 630 người, trao trả song phương là 602 người. Trên cơ sở nhu cầu của nạn nhân, các đơn vị có chức năng tiếp nhận, hỗ trợ đã thực hiện hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho 100% nạn nhân; hỗ trợ chi phí đi lại cho 1.388 người. Số nạn nhân có nhu cầu vào cơ sở trợ giúp xã hội là 692 người, số nạn nhân được hỗ trợ hòa nhập cộng đồng 413 người (trong đó, trợ giúp pháp lý cho 316 người, hỗ trợ học văn hóa cho 39 người, học nghề cho 74 người, hỗ trợ tìm việc làm cho 47 người, hỗ trợ vay vốn cho 05 người với số tiền 363 triệu đồng, trợ cấp khó khăn ban đầu cho 216 người với số tiền 514 triệu đồng)[4].
Với những kết quả đạt được trong việc hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân với mong muốn giúp cho họ nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, thực tiễn hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về vẫn còn một số bất cập, cụ thể:
- Đôi khi việc xác minh nạn nhân bị mua bán gặp nhiều khó khăn do các nạn nhân không muốn tiết lộ thông tin cá nhân họ không đủ căn cứ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý; hoặc do tâm lý e ngại, hoảng sợ nên họ không hợp tác gây khó khăn cho người thực hiện trợ giúp pháp lý.
- Công tác phối hợp giữa Trung tâm Trợ giúp pháp lý và các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ sở hỗ trợ, trợ giúp, bảo vệ nạn nhân và các cấp chính quyền cơ sở cũng như các đoàn thể xã hội trong hoạt động trợ giúp pháp lý, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân, tham gia phòng, chống mua bán người có lúc, có nơi chưa được kịp thời nên việc phát hiện và chuyển gửi nhu cầu trợ giúp pháp lý của nạn nhân bị mua bán còn hạn chế.
- Một số tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý chưa được trang bị đồng bộ cơ cở vật chất, trang thiết bị phù hợp, chưa bố trí đủ kinh phí cho việc bồi dưỡng nâng cao các kỹ năng chuyên sâu khi tiến hành thực hiện trợ giúp pháp lý cho nhóm đối tượng đặc thù này, đặc biệt là các tỉnh có chung biên giới có nguy cơ cao về tình trạng mua, bán người.
- Quy định pháp luật về hỗ trợ nhu cầu thiết yếu ban đầu, trong đó có hỗ trợ quần áo nạn nhân còn hạn chế khi chưa quy định quần áo mùa đông đối với các nạn nhân lưu trú tại các tỉnh miền Bắc. Ngoài ra, nạn nhân bị mua bán trở về thường bị sang chấn về mặt tâm lý, hoảng loạn, lo lắng bị trả thù sau khi cung cấp lời khai cho công an, biên phòng[5].
Để ổn định cuộc sống của nạn nhân bị mua bán trở về và giảm gánh nặng cho xã hội, theo tác giả, trong thời gian tới, cần tăng cường thực hiện một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất, lực lượng chức năng cần tăng cường công tác nắm bắt tình hình về nhân khẩu các hộ dân thông qua công tác đăng ký thường trú, tạm trú, tạm vắng để kịp thời lên danh sách các trường hợp vắng mặt tại địa phương đi mà không rõ lý do. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền về phương thức thủ đoạn của tội phạm mua bán người, hướng dẫn nhân dân một số biện pháp để họ kịp thời phát hiện đối tượng có hành vi mua bán và tự đưa ra các giải pháp phòng ngừa cho bản thân.
Thứ hai, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể từ trung ương đến địa phương cần tăng cường mối quan hệ phối hợp một cách nhịp nhàng để kịp thời hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Đồng thời, cần tham mưu, đề xuất để chuẩn hóa quy trình hỗ trợ nạn nhân. Trong đó, quy trình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người cần được xây dựng theo từng vùng miền cụ thể, có các chế độ hỗ trợ riêng.
Thứ ba, tăng cường công tác hợp tác quốc tế với các quốc gia lân cận trong việc trao trả, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán (thời gian, địa điểm, danh sách nạn nhân, số lượng nạn nhân...). Khi tiếp nhận nạn nhân bị mua bán, cơ quan Công an, Biên phòng cần phối hợp ngay với các cơ quan có liên quan trong việc hỗ trợ nạn nhân bị mua bán ngay từ giai đoạn ban đầu, từ khâu tiếp nhận, xác định nạn nhân bị mua bán người và lấy đó làm căn cứ để tiến hành các hoạt động hỗ trợ tiếp theo.
Thứ tư, tăng cường bố trí cán bộ (đặc biệt là cán bộ nữ) tại các trung tâm tiếp nhận nạn nhân bị mua bán để hỗ trợ nạn nhân bị mua bán là nữ giới nhằm bảo đảm một số yếu tố nhạy cảm riêng của phụ nữ. Đồng thời, số cán bộ nữ này phải được đào tạo bài bản về kỹ năng, kiến thức chuyên môn để có thể tiếp xúc trực tiếp với nạn nhân và tác động tư tưởng để nạn nhân bị mua bán vượt qua giai đoạn bị sang chấm tâm lý do hành vi phạm tội của các đối tượng tác động đến. Ngoài ra, khi hỗ trợ y tế cho nạn nhân bị mua bán, cần xác định mức hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trong từng trường hợp cụ thể. Đối với nạn nhân bị mua bán là phụ nữ đã bị xâm hại về tình dục cần phải được thăm khám kỹ hơn, đặc biệt là cần phải xét nghiệm HIV để tránh các trường hợp lây nhiễm nếu nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng hoặc đối với nhạn nhân bị đánh đập tàn nhẫn dẫn đến thương tích thì cần có sự hỗ trợ toàn diện về y tế để kịp thời điều trị.
Thứ năm, tăng cường nguồn lực xã hội để có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán thông qua các cá nhân, doanh nghiệp trong nước có lòng hảo tâm tài trợ về kinh phí hoặc đào tạo nghề, tạo việc làm cho nạn nhân bị mua bán người. Đồng thời, cho phép thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân với sự hỗ trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài không chỉ dưới dạng vật chất, mà cả về nhân lực, kỹ năng quản lý, hỗ trợ về tâm lý, y tế cho nạn nhân.
Thứ sáu, tăng thời gian hỗ trợ phục hồi tại cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở trợ giúp xã hội từ 02 tháng lên 03 tháng. Nạn nhân được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trong thời gian hỗ trợ phục hồi tại cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Bổ sung đối tượng nạn nhân được miễn học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu theo hướng tất cả các nạn nhân, nếu có nhu cầu và đề nghị thì đều được miễn học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hưởng hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu.
Học viện Cảnh sát nhân dân
[1]. Thống kê Báo cáo hàng năm từ năm 2017 đến năm 2021 của Bộ Công an về tình hình tội phạm mua bán người trên website: http://bocongan.gov.vn/tintuc/Pages/thong-ke.aspx?Cat=100.
[2]. Xem https://tuoitre.vn/thai-phu-thao-chay-khoi-casino-o-campuchia-toi-khong-nghi-minh-con-duong-ve-nuoc-20220921120116113.htm.
[3]. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Báo cáo công tác năm từ 2017 đến 2021.
[4]. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Báo cáo công tác năm từ 2017 đến 2021.
[5]. Nghị định số 62/2012/NĐ-CP ngày 13/8/2012 của Chính phủ quy định căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ.