Tại Việt Nam, gần 39% nam giới trên 15 tuổi hút thuốc lá và mỗi năm vẫn có khoảng 40 nghìn người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá[1]. Theo điều tra năm 2019 của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh từ 15 đến 17 tuổi ở Việt Nam là 2,6%. Trong khi đó, kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh năm 2022 cũng cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh độ tuổi 13 đến 15 tuổi là 3,5%[2]. Thuốc lá điện tử và dung dịch hóa hơi có chứa nicotine là chất gây nghiện cao, là nguyên nhân gây các bệnh tim, phổi cùng nhiều bệnh khác.
Dưới góc độ thuế, nhóm tác giả tập trung nghiên cứu thực trạng pháp luật về thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với thuốc lá để nâng cao hơn nữa hiệu quả thi hành pháp luật và giảm thiểu tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam hiện nay.
1. Thực trạng pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm thuốc lá ở Việt Nam
Thứ nhất, pháp luật Việt Nam chưa xác định biện pháp hạn chế tiêu thụ đối với thuốc lá điện tử và dung dịch hóa hơi bằng biện pháp thuế hay biện pháp cấm hành vi tiêu thụ. Chúng ta chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào xác định thuốc lá điện tử và các sản phẩm dung dịch hóa hơi là các hàng hóa thuộc danh mục cấm kinh doanh. Pháp luật về thuế TTĐB đối với thuốc lá cũng không xác định thuốc lá điện tử và các sản phẩm dung dịch hóa hơi có phải là đối tượng bị đánh thuế hay không. Định nghĩa sản phẩm thuốc lá không được quy định trực tiếp trong luật thuế TTĐB mà được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan như Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 và một số nghị định, thông tư liên quan đến sản xuất thuốc lá của Chính phủ và các bộ. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 ghi nhận “thuốc lá” là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác (khoản 1 Điều 2). Định nghĩa này đã có phần mở rộng phạm vi điều chỉnh so với các quy định năm 1990, tuy nhiên nó vẫn tồn tại hai hạn chế cơ bản:
- Định nghĩa chỉ xem xét các sản phẩm thuốc lá có nguồn gốc toàn bộ hoặc một phần thiên nhiên từ cây thuốc lá, không điều chỉnh các sản phẩm có chứa nicotine nhân tạo. Dung dịch nicotine tổng hợp (synthetic nicotine hay nicotine nhân tạo) được sử dụng trong các sản phẩm thuốc lá điện tử là các sản phẩm có chứa nicotine được tổng hợp thông qua một quá trình hóa học trong phòng thí nghiệm mà không thông qua chiết xuất trực tiếp từ các lá cây thuốc lá thiên nhiên[3]. Không có sự khác biệt về tác dụng giữa nicotine tổng hợp và nicotine tự nhiên, tuy nhiên, vì định nghĩa chỉ điều chỉnh các sản phẩm thuốc lá có nguồn gốc tự nhiên từ cây thuốc lá nên sản phẩm dung dịch nicotine tổng hợp sẽ không bị đánh thuế TTĐB đối với sản phẩm thuốc lá.
- Định nghĩa không nêu ra các tiêu chí nhận diện sản phẩm thuốc lá “dạng khác”. Thị trường tiêu thụ thuốc lá tại Việt Nam đang xuất hiện những sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hay shisha. Mặc dù trên thực tế, người ta thừa nhận rằng các dạng thuốc lá thế hệ mới trên đều phù hợp với định nghĩa theo khoản 2 Điều 1 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012[4], tuy nhiên, các tiêu chí nhận diện các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nêu trên là sản phẩm thuốc lá “dạng khác” không được mô tả chi tiết trong các văn bản pháp luật hiện hành. Hơn nữa, việc thực hiện thu thuế TTĐB đối với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới vẫn chưa được triển khai, mà chỉ dừng lại ở mức độ cân nhắc[5], từng được nhận diện hàng hóa theo thông tư của Bộ Tài chính[6] và dự thảo nghị định của Chính phủ[7] trong lĩnh vực thuế xuất nhập khẩu.
Thứ hai, hệ thống thuế tương đối đơn tầng hạn chế các hành vi tiêu dùng thuốc lá không hiệu quả. Bắt đầu từ năm 1990, hệ thống thuế TTĐB đối với sản phẩm thuốc lá là hệ thống thuế tương đối phân tầng áp dụng cho từng mặt hàng thuốc lá khác nhau. Sau khi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 có hiệu lực, tất cả các loại sản phẩm thuốc lá được xác định chịu thuế đều chịu cùng một thuế suất phần trăm tính trên giá bán của nhà sản xuất (giá tính thuế chưa có thuế TTĐB). Đối với cùng một thuế suất phần trăm, các sản phẩm thuốc lá có giá trị thuốc lá càng cao thì gánh chịu thuế càng lớn. Hệ thống thuế này “ưu ái” những nhãn hàng độc quyền tại địa phương[8], thường có giá thấp hơn so với nhãn hàng nước ngoài nhập khẩu đắt hơn[9]. Vì vậy, người tiêu dùng sẽ thay đổi các hành vi tiêu dùng: Họ ưu tiên chuyển sang các sản phẩm thuốc lá với giá trị thấp hơn, thường là các sản phẩm trong nước thay vì ngừng sử dụng hoàn toàn sản phẩm thuốc lá. Hệ quả là tạo động lực cho nguồn cung sản phẩm thuốc lá giá rẻ gánh chịu thuế thấp, gia tăng cơ hội tiếp cận thuốc lá đối với người tiêu dùng. Hơn nữa, mức độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam đang tăng nhanh hơn mức độ tăng trưởng của giá thuốc lá qua các năm cho thấy cơ hội tiêu thụ thuốc lá đang tăng khi người tiêu thụ thuốc lá có nhiều nguồn lực tài chính hơn để chi trả cho hành vi tiêu thụ sản phẩm thuốc lá. Bằng chứng khảo sát tại Việt Nam cho thấy, từ năm 2014 đến 2020, tỷ lệ phần trăm của thu nhập bình quân tính theo năm để mua 2.000 điếu thuốc phổ biến trên thị trường giảm từ 4,49% xuống chỉ còn 2,63%[10].
Thứ ba, thuế suất TTĐB đối với các sản phẩm thuốc lá vẫn đang ở mức thấp so với xu hướng chung của thế giới. Căn cứ Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành, thuế suất đối với các sản phẩm thuốc lá bao gồm thuốc lá điếu, xì gà và các chế phẩm từ cây thuốc lá là 75% đánh vào giá xuất xưởng. Tuy nhiên, tổng thuế trên giá bán lẻ cuối cùng chỉ đạt khoảng từ 36% - 38%[11], chỉ bằng một nửa so với mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới là từ 65% - 70% so với giá bán lẻ. So sánh tỷ lệ thuế TTĐB đối với giá bán lẻ cuối cùng của một số quốc gia trên thế giới, Việt Nam vẫn bị liệt kê vào nhóm các nước có mức thuế suất TTĐB thấp thuộc nhóm 15 quốc gia có tỷ lệ thuế TTĐB đối với các sản phẩm thuốc lá thấp nhất thế giới. Tỷ lệ thuế thấp là động cơ chính khuyến khích gia tăng lao động và sản xuất các sản phẩm thuốc lá, cũng như gia tăng cơ hội tiếp cận của người tiêu thụ thuốc lá vì giá bán lẻ thuốc lá rẻ do chịu ít áp lực về thuế TTĐB. Ở các nhóm hộ gia đình thu nhập thấp, chi tiêu dành cho thuốc lá tại Việt Nam gây ra các “hiệu ứng lấn át” các khoản chi tiêu khác trong hộ gia đình như chi tiêu dành cho giáo dục, lương thực và chi tiêu y tế cho các hậu quả thuốc lá mang lại[12].
2. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá ở Việt Nam
2.1. Cơ sở đề xuất giải pháp
Một là, Điều 43 Hiến Pháp năm 2013 ghi nhận “mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”. Các biện pháp hạn chế kinh doanh và tiêu thụ thuốc lá nhằm bảo đảm quyền được sống của con người trong môi trường không có khói thuốc lá và được thông tin đầy đủ về tác hại của thuốc lá (khoản 4 Điều 3 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012).
Hai là, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong cộng đồng là mục tiêu quan trọng trong việc giảm các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe, giảm tỷ lệ tử vong do sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ra và thực hiện các cam kết của Việt Nam khi tham gia Công ước khung về kiểm soát thuốc lá.
Ba là, Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 của Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 xác định các mục tiêu cụ thể Việt Nam cần đạt trong giai đoạn 2023 - 2025 là giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 39%; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1,4%; giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá: Tại nơi làm việc xuống dưới 30%; tại nhà hàng xuống dưới 75%; tại quán bar, cà phê xuống dưới 80%; tại khách sạn xuống dưới 60%. Mục tiêu giai đoạn 2026 - 2030 là giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36%; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1% và giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá: Tại nơi làm việc xuống dưới 25%; tại nhà hàng xuống dưới 65%; tại quán bar, cà phê xuống dưới 70%, tại khách sạn xuống dưới 50%. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng chính là hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật về phòng, chống tác tại của thuốc lá: Xây dựng lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá đảm bảo đến năm 2030 mức thuế đạt tỷ trọng trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới; quy định mức giá bán tối thiểu các sản phẩm thuốc lá, nghiên cứu, đánh giá hiệu quả của phương án tính thuế các sản phẩm thuốc lá trên giá bán lẻ để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá.
2.2. Một số giải pháp chủ yếu
Thứ nhất, Việt Nam nên lựa chọn một trong hai kịch bản nhằm hạn chế đối với hành vi kinh doanh và tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và dung dịch hóa hơi. Kịch bản thứ nhất cho phép kinh doanh có điều kiện đối với thuốc lá điện tử và xác định thuốc lá thế hệ mới là đối tượng của thuế TTĐB theo xu hướng chung của thế giới[13]. Kịch bản thứ hai là cấm thực hiện hành vi kinh doanh và tiêu thụ thuốc lá thế hệ mới. Cụ thể:
Theo kịch bản thứ nhất, Nhà nước cho phép kinh doanh có điều kiện đối với các sản phẩm thuốc lá. Cần quy định chi tiết về tiêu chí nhận diện các loại sản phẩm thuốc lá khác, trong đó bắt buộc nhận diện dung dịch hóa hơi thay thế thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha là sản phẩm chịu thuế TTĐB. Vì vậy, khái niệm thuốc lá nên được quy định là “các sản phẩm được chế biến tự nhiên toàn phần hoặc một phần từ cây thuốc lá được sử dụng dưới dạng hút, ngửi, nhai, ngậm; hoặc là thiết bị thuốc lá điện tử gắn liền dung dịch hóa hơi; hoặc là thiết bị thuốc lá điện tử tách rời dung dịch hóa hơi; hoặc là các sản phẩm dung dịch hóa hơi thay thế nguyên liệu thuốc lá được tổng hợp nhân tạo chứa nicotine được sử dụng thông qua thiết bị thuốc lá điện tử”. Định nghĩa này không áp dụng với những sản phẩm được sử dụng với mục đích khác mà Nhà nước công nhận. Cụ thể hóa từ kiến nghị của Bộ Tài chính[14], định nghĩa trên bao gồm các loại sản phẩm thuốc lá có nguồn gốc toàn bộ hoặc một phần từ thiên nhiên, hoặc được chế biến hoàn toàn nhân tạo từ các phòng thí nghiệm. Hơn nữa, khái niệm của thuốc lá cũng đã phân loại hai dạng thiết bị dùng cho thuốc lá điện tử là “thiết bị điện tử dùng cho thuốc lá điện tử gắn liền dung dịch hóa hơi và thiết bị điện tử dùng cho thuốc lá điện tử tách rời dung dịch hóa hơi”. Đối với các dung dịch hóa hơi dùng trong thuốc lá điện tử có nguồn gốc tổng hợp trong phòng thí nghiệm, cần xác định đây là nhóm nguyên liệu thay thế nguyên liệu thuốc lá.
Khái niệm trên có ba ý nghĩa quan trọng:
- Xác định các dung dịch hóa hơi chứa nicotine dùng trong thuốc lá điện tử cũng thuộc đối tượng đánh thuế TTĐB. Đối với các sản phẩm thuốc lá, không quan trọng phương thức chế tạo có nguồn gốc từ thiên nhiên hay được tổng hợp nhân tạo thì các sản phẩm đều chứa nicotine là chất gây nghiện. Vì vậy, mọi sản phẩm thuốc lá chứa nicotine đều phải được áp dụng thuế TTĐB nhằm đảm bảo công bằng giữa các sản phẩm thuốc lá bị đánh thuế làm hạn chế hành vi chuyển đổi sử dụng các sản phẩm thuốc lá không bị đánh thuế của người tiêu dùng.
- Xác định các sản phẩm điện tử sử dụng trong thuốc lá điện tử thuộc đối tượng đánh thuế của thuế TTĐB. Các dung dịch hóa hơi không thể được tiêu thụ nếu thiếu các thiệt bị điện tử. Chức năng của các thiết bị điện tử dùng trong thuốc lá điện tử và các thiết bị hóa hơi tương tự khác dùng để đốt cháy các dung dịch hóa hơi, người tiêu dùng sẽ hút các hơi đốt nóng của dung dịch. Vì là một sản phẩm quan trọng trong việc tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá dưới dạng dung dịch hóa hơi, loại sản phẩm này cần phải được đánh thuế TTĐB.
- Việc quy định sản phẩm thuốc lá thế hệ mới là sản phẩm chịu thuế không chỉ hạn chế tương đối các hành vi tiêu dùng đối với các sản phẩm này, mà còn làm tăng nguồn thu ngân sách nhà nước thông qua thuế TTĐB, thuế thu nhập doanh nghiệp (đối với các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này), thuế xuất nhập khẩu và nhiều khoản thu từ thuế, phí và lệ phí khác.
Theo kịch bản thứ hai, Nhà nước quy định cấm kinh doanh và tiêu dùng thuốc lá thế hệ mới. Kịch bản này giữ nguyên các định nghĩa về thuốc lá hiện tại trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012; xác định thuốc lá thế hệ mới bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, dung dịch hóa hơi, shisha và các sản phẩm tương tự là mặt hàng cấm kinh doanh và tiêu thụ nên không thể chịu thuế. Các quy định cấm này cần phải được quy định trong pháp luật doanh nghiệp về các mặt hàng cấm kinh doanh, các văn bản xử phạt hành chính và có thể là xử lý hình sự. Đây là một biện pháp tuyệt đối nhằm chống lại hành vi tiêu thụ thuốc lá và đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng. Tuy nhiên, so sánh với kịch bản thứ nhất, kịch bản này không cân nhắc đến nguồn thu ngân sách nhà nước tiềm năng từ hoạt động sản xuất và tiêu các loại sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.
Thứ hai, Việt Nam cần áp dụng phương pháp tính thuế TTĐB hỗn hợp bao gồm phương pháp tính thuế tương đối và phương pháp tính thuế tuyệt đối thay vì chỉ có phương pháp tính thuế tương đối như hiện nay. So sánh với phương pháp tính thuế TTĐB tương đối, phương pháp tính thuế thuế TTĐB tuyệt đối có ưu điểm sau đây:
- Mức thu thuế tuyệt đối không phụ thuộc vào giá cả của sản phẩm, vì vậy, không bị ảnh hưởng bởi các tác động của giá. Khác với phương pháp tính thuế tương đối khi phương pháp tính thuế là tỷ lệ phần trăm thuế suất với giá cả của sản phẩm và số lượng tiêu thụ của sản phẩm, phương pháp tính thuế tuyệt đối chỉ phụ thuộc vào số lượng sản phẩm được tiêu thụ trong thị trường. Vì vậy, phương pháp tính thuế tuyệt đối ổn định và dễ dự đoán hơn so với các phương pháp tính thuế tương đối.
- Vì không phụ thuộc vào giá cả của của nhãn hàng, thuế tuyệt đối hạn chế tạo các cơ hội cho người tiêu thụ sản phẩm thuốc lá chuyển đổi hành vi tiêu dùng từ các sản phẩm thuốc lá đắt hơn sang các sản phẩm thuốc lá rẻ hơn như áp dụng phương pháp thuế tương đối.
Tuy nhiên, phương pháp tính thuế TTĐB tuyệt đối vẫn tồn tại hạn chế nhưng có thể giải quyết được bằng phương pháp tính thuế tương đối. Phương pháp tính thuế tuyệt đối phụ thuộc và số lượng sản phẩm tiêu thụ, các nhà sản xuất có thể lợi dụng điều chỉnh các thông số kỹ thuật khác như chiều dài, khối lượng của điếu thuốc lá để bán với mức giá cao hơn trong khi vẫn phải chịu một mức thuế tuyệt đối không đổi. Các nhà sản xuất có thể sản xuất các sản phẩm có chiều dài gấp 02 đến 03 lần chiều dài điếu thuốc thông thường hoặc với khối lượng thuốc lá lớn hơn trong mỗi sản phẩm thuốc lá. Điều này có nghĩa là nhiều nicotine được tiêu thụ trong cộng đồng.
Hệ thống hỗn hợp giữa phương pháp tính tuyệt đối và tương đối sẽ giải quyết vấn đề này. Hệ thống thuế tương đối là “chốt chặn bên trên” chống lại các sự leo thang giá cả của các sản phẩm thuốc lá liên hệ với các thay đổi kỹ thuật và thương hiệu của sản phẩm thuốc lá; còn hệ thống thuế tuyệt đối là “chốt chặn bên dưới” chống lại các đợt hạ giá liên tục nhằm né tránh thuế tương đối và hành vi thay thế sản phẩm, đảm bảo cạnh tranh giữa các nhóm hàng hóa chất lượng cao có giá trị cao và các nhóm hàng hóa giá trị thấp với giá thấp. Hệ thống thuế hỗn hợp buộc doanh nghiêp thuốc lá phải nộp thuế gánh chịu hai khoản thuế và phải cân nhắc kỹ lưỡng cho các đợt tăng giá cũng như tăng sản lượng sản xuất các sản phẩm thuốc lá. Nhờ đó, lượng nicotine tiêu thụ trong cộng đồng sẽ giảm.
Thứ ba, hệ thống thuế TTĐB đối với các sản phẩm thuốc lá tại Việt Nam cần được thiết kế đa tầng. Hệ thống thuế đa tầng là khi cùng loại sản phẩm thuốc lá nhưng được chia làm nhiều tiểu loại, dựa trên những tiêu chí như kích cỡ (như khối lượng, chiều dài), loại (như thuốc lá có đầu lọc hoặc không có đầu lọc, thiết bị điện tử dùng cho thuốc lá điện tử gắn liền với dung dịch hóa hơi và không gắn liền với dung dịch hóa hơi), giá (áp dụng với phương pháp tính thuế tương đối) và mỗi tầng có một thuế suất tiêu thụ đặc biệt riêng. Đối với mỗi loại sản phẩm thuốc lá sẽ được sản xuất và tiêu thụ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau trong thị trường như tỷ lệ chi cho thuốc lá và tổng thu nhập bình quân trong các nhóm khác nhau trong xã hội, nhãn hàng được ưa chuộng trên thị trường hay mức độ tiêu thụ ở các vùng địa phương. Do đó, mức thuế áp dụng trên các sản phẩm khác nhau sẽ phải khác nhau để đạt cùng hiệu quả chính sách y tế như nhau. Điều này làm giảm cơ hội chuyển đổi hành vi tiêu dùng và sản xuất vì hiệu quả của thuế là như nhau ở bất kỳ các phân tầng, tránh tình trạng xói mòn cơ sở thuế TTĐB. Thực tế ở Việt Nam, hệ thống thuế TTĐB phân tầng đã từng được áp dụng ngay thời kỳ đầu của thuế TTĐB đối với các sản phẩm thuốc lá vào năm 1990 khi các sản phẩm thuốc lá khác nhau sẽ chịu một mức thuế suất khác nhau. Cụ thể, thuốc lá sợi: 20%, thuốc lá có đầu lọc: 50%, thuốc lá không có đầu lọc và xì gà là 40%[15]. Vì vậy hoàn toàn có cơ sở thực tiễn khi áp dụng hệ thống thuế TTĐB phân tầng ở Việt Nam.
Thứ tư, tăng thuế suất TTĐB đối với các sản phẩm thuốc lá. Tăng thuế TTĐB đối với các sản phẩm thuốc lá là biện pháp trực tiếp để hạn chế tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá trong cộng đồng. Việt Nam cần tăng mức thuế suất sao cho tỷ lệ mức thuế phải nộp so với giá bán lẻ là 70% hoặc hơn theo mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới. Tuy nhiên, chính sách tăng thuế gặp phải trở ngại khi sẽ có quan điểm cho rằng tăng thuế sẽ ảnh hưởng đến ngành công nghiệp thuốc lá của Việt Nam dẫn đến giảm nguồn thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng tới lực lượng lao động và ngành nghề phụ thuộc vào thuốc lá. Tuy nhiên, quan điểm như vậy là chưa hợp lý vì những lý do sau:
- Giảm tiêu thụ thuốc lá, nhóm các hộ gia đình có thu nhập thấp sẽ có nguồn lực tài chính nhiều hơn để chi tiêu cho giáo dục, lương thực và y tế khác với tác động ròng thường là tích cực[16]. Việc làm trong ngành canh tác và sản xuất thuốc lá cũng chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ (0,3%) trong tổng số việc làm ở Việt Nam[17] nên các biến động sẽ không ngay lập tức gây ảnh hưởng. Ngành thuốc lá có thể giảm mức nhập khẩu nguyên liệu và tăng sử dụng nguyên liệu sản xuất trong nước tránh gánh nặng của thuế nhập khẩu; lao động trong ngành phân phối bán lẻ thuốc lá được đánh giá có tính linh hoạt cao, có thể chuyển đổi công việc dễ dàng và nhanh chóng[18].
- Việc tăng thuế suất không đồng nghĩa với việc giảm mức thu ngân sách nhà nước. Tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá với cơ sở thuế rộng hơn bao gồm nhiều loại sản phẩm thuốc lá đã được kiến nghị ở trên sẽ làm tăng mức thu ngân sách nhà nước. Nếu hiện tượng từ bỏ tiêu dùng thuốc lá là đủ lớn dẫn đến sự sụt giảm của mức thu ngân sách từ thuế TTĐB thuốc lá, các khoản thu từ thuế khác (chẳng hạn như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân) từ sự dịch chuyển chi tiêu cho thuốc lá sang các hàng hóa/dịch vụ khác có thể bù vào sự thâm hụt trên./.
Trần Duy Minh
Phan Từ Hiếu Ngân
Trần Hiếu Ngân
Sinh viên K46, Trường Đại học Luật Hà Nội
[1] Thùy Ngân (2023), Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ hút thuốc lá cao, nguồn: https://hanoimoi.vn/viet-nam-van-trong-nhom-quoc-gia-co-ty-le-hut-thuoc-la-cao-651723.html, truy cập ngày 14/01/2024.
[2] Kim Vân, Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh gia tăng đáng kể, https://suckhoedoisong.vn/ty-le-su-dung-thuoc-la-dien-tu-trong-hoc-sinh-gia-tang-dang-ke-169231110140600819.htm.
[3] Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ (American Lung Association) (2022), What is Synthetic Nicotine?, nguồn: https://www.lung.org/blog/synthetic-nicotine, truy cập ngày 14/01/2024.
[4] Báo Điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam (2023), Quản lý thuốc lá thế hệ mới - cần góc nhìn thực tiễn, nguồn: https://dangcongsan.vn/day-manh-cai-cach-tu-phap-va-hoat-dong-tu-phap/dien-dan/quan-ly-thuoc-la-the-he-moi-can-goc-nhin-thuc-tien-653709.html, truy cập ngày 14/01/2024.
[5] Báo Điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam (2023), Cân nhắc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá mới, nguồn: https://dangcongsan.vn/day-manh-cai-cach-tu-phap-va-hoat-dong-tu-phap/dien-dan/can-nhac-ap-dung-thue-tieu-thu-dac-biet-doi-voi-thuoc-la-moi-642567.html, truy cập ngày 14/01/2024.
[6] Thông tư số 31/2022/TT-BTC ngày 08/6/2022 của Bộ Tài chính ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam (đã hết hiệu lực).
[7] Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, nguồn: https://chinhphu.vn/du-thao-vbqppl/du-thao-nghi-dinh-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-nghi-dinh-so-26-2023-nd-cp-ngay-31-5-2023-cua-6121, truy cập ngày 17/01/2024.
[8] Tại Việt Nam, chỉ riêng sản lượng thuốc lá của Tổng công ty Thuốc lá Thăng Long đã chiếm xấp xỉ 67% tổng thị phần trong nước cho thấy thuốc lá sản xuất nội địa vẫn dễ tiếp cận hơn các sản phẩm nhập khẩu. Tham khảo thêm tại Tạp chí Kinh tế và Dự báo (2023), Chính sách thuế TTĐB đối với sản phẩm thuốc lá và những tác động tới cải thiện phúc lợi gia đình tại Việt Nam, nguồn: https://kinhtevadubao.vn/chinh-sach-thue-thuoc-la-va-nhung-tac-dong-toi-cai-thien-phuc-loi-gia-dinh-tai-viet-nam-27857.html, truy cập ngày 15/01/2024.
[9] TS. Auther B. Laffer (2016), Cẩm nang Đánh thuế TTĐB đối với sản phẩm thuốc lá: Lý thuyết và Thực hành, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 162.
[10] Đinh Công Luận (2020), Sự cần thiết cải cách thuế TTĐB đối với sản phẩm thuốc lá ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 03 tháng 02/2020, nguồn: http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=211580, truy cập ngày 16/01/2024.
[11] Tạp chí Kinh tế và Dự báo (2023), Chính sách thuế TTĐB đối với sản phẩm thuốc lá và những tác động tới cải thiện phúc lợi gia đình tại Việt Nam, nguồn: https://kinhtevadubao.vn/chinh-sach-thue-thuoc-la-va-nhung-tac-dong-toi-cai-thien-phuc-loi-gia-dinh-tai-viet-nam-27857.html, truy cập ngày 15/01/2024.
[12] Nguyễn Ngọc Minh, Nguyễn Ngọc Anh (2022), Ngành công nghiệp thuốc lá Việt Nam: Lợi bất cập hại, Tạp chí Tia Sáng, nguồn: https://tiasang.com.vn/tin-noi-bat/tieu-diem/nganh-cong-nghiep-thuoc-la-vn-loi-bat-cap-hai/, truy cập ngày 15/01/2024.
[13] Có 71 quốc gia trên thế giới thu thuế TTĐB đối với thuốc lá điện tử và 61 quốc gia trên thế giới thu thuế TTĐB đối với thuốc lá nung nóng ở mức ngang bằng với thuốc lá truyền thống. Bộ Tài chính (2023), Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), nguồn:
https://www.moj.gov.vn/qt/tintuc/Lists/ChiDaoDieuHanh/Attachments/3767/T%C3%A0i%20li%E1%BB%87u%20th%E1%BA%A9m%
20%C4%91%E1%BB%8Bnh%20%C4%91%E1%BB%81%20ngh%E1%BB%8B%20x%C3%A2y%20d%E1%BB%B1ng%20Lu%E1%
BA%ADt%20Thu%E1%BA%BF%20TT%C4%90B.pdf, truy cập ngày 14/01/2023.
[14] Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, nguồn: https://chinhphu.vn/du-thao-vbqppl/du-thao-nghi-dinh-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-nghi-dinh-so-26-2023-nd-cp-ngay-31-5-2023-cua-6121, truy cập ngày 17/01/2024.
[15] TS. Hoàng Thị Minh (2012), Chính sách thuế đối với thuốc lá, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 11(219), tháng 6/2012, nguồn: http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=207822#:~:text=Vi%E1%BB%87t%20Nam%20%C4%91%C3%A3%20%C3%A1p%20d%E1%BB%A5ng,l%C3%A0%2040%
25%5B31%5D, truy cập ngày 17/01/2024.
[16] Nguyễn Thị Thu Hiền, Nguyễn Tuấn Lâm, ĐặngVũ Trung, Hoàng Văn Kình, G Emmanuel Guindon, Emily McGirr (2010), Thuế TTĐB đối với sản phẩm thuốc lá ở Việt Nam, Báo cáo nghiên cứu về thuế TTĐB đối với sản phẩm thuốc lá tài trợ bởi quỹ Bloomberg Philanthropies và Bill and Melinda Gates Foundation, tr. 24, nguồn: https://assets.tobaccofreekids.org/global/pdfs/vt/Vietnam_economics_report_vt.pdf, truy cập ngày 17/01/2024.
[17] TS. Hoàng Thị Minh (2012), Chính sách thuế đối với thuốc lá, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 11(219), tháng 6/2012, nguồn: http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=207822#:~:text=Vi%E1%BB%87t%20Nam%20%C4%91%C3%A3%20%C3%A1p%20d%E1%BB%A5ng,l%C3%A0%2040%
25%5B31%5D, truy cập ngày 17/01/2024.
[18] PGS.TS Giang Thanh Long, NCS. Nguyễn Thị Thu Hiền (2014), Tác động của tăng thuế TTĐB đối với sản phẩm thuốc lá đến việc làm: tổng quan các nghiên cứu quốc tế và tại Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 18 (274), tháng 9/2014, nguồn: http://lapphap.vn/Pages/TinTuc/208198/Tac-dong-cua-tang-thue-thuoc-la-den-viec-lam--tong-quan-cac-ket-qua-nghien-cuu-quoc-te-va-tai-Viet-Nam.html, truy cập ngày 17/01/2024.