Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế (Nghị định số 55/2011/NĐ-CP) thay thế Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và doanh nghiệp nhà nước, là một trong những bước phát triển quan trọng của thể chế góp phần kiện toàn tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác pháp chế ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại tất cả 63 tỉnh, thành phố, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã ban hành Đề án thành lập tổ chức pháp chế tại 14 cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP; ban hành Chỉ thị về việc triển khai thực hiện Nghị định trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch thực hiện công tác pháp chế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2015-2020, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc kiện toàn tổ chức pháp chế, nâng cao năng lực đội ngũ pháp chế nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị định số 55/2011/NĐ-CP[1].
Để quán triệt và phổ biến các nội dung cơ bản của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP đến các cán bộ, công chức và lãnh đạo các đơn vị để có nhận thức đầy đủ, đúng đắn và thống nhất với nhiều hình thức khác nhau như: Tổ chức hội nghị, hội thảo, hội nghị tập huấn về nghiệp vụ… Nhiều nơi đã thực hiện lồng ghép tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP trong các buổi họp giao ban, thông qua sinh hoạt “Ngày Pháp luật” của cơ quan, đơn vị[2]…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc xây dựng tổ chức bộ máy và cán bộ pháp chế ở địa phương vẫn còn nhiều hạn chế và đã được nêu ra trong báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong 10 năm thi hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, có thể nêu ra như sau:
Một là, việc kiện toàn tổ chức pháp chế ở địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP và yêu cầu công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật tại địa phương. Nhiều địa phương chưa thành lập tổ chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc đã thành lập nhưng bị giải thể. Ở các địa phương khác, mặc dù đã thành lập được tổ chức pháp chế nhưng thường ghép công tác pháp chế với Thanh tra, Văn phòng hoặc phòng chuyên môn khác của cơ quan chuyên môn[3].
Việc các thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được ban hành mà không quy định phòng pháp chế trong cơ cấu tổ chức đã ảnh hưởng đến việc kiện toàn, củng cố tổ chức pháp chế tại cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.
Tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác pháp chế đang từng bước được mở rộng, kiện toàn theo yêu cầu của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP. Đến đầu năm 2015, để thực hiện chủ trương tinh giản tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế, các địa phương bắt đầu thực hiện các thông tư, thông tư liên tịch của các bộ, ngành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về các lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, ngành, trong đó, nhiều phòng pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh bị giải thể hoặc ghép với phòng chuyên môn khác. Tính đến ngày 01/4/2021, cả nước chỉ còn 55 Phòng Pháp chế tại các cơ quan (trong đó chỉ có 40/882 Phòng Pháp chế được thành lập tại 14 cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP; 15 Phòng Pháp chế được thành lập theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP), giảm 236 phòng so với năm 2015. Tại các cơ quan khác không thành lập được Phòng Pháp chế, công tác pháp chế được giao cho Văn phòng Sở hoặc ghép công tác pháp chế với phòng chuyên môn hoặc bố trí cán bộ văn phòng hoặc thanh tra thực hiện[4].
Về số lượng người làm công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Cả nước có 2591 người làm công tác pháp chế, trong đó có 457 người được bố trí làm công tác pháp chế chuyên trách, 2134 người kiêm nhiệm; 1112 người có trình độ đại học luật trở lên (đạt hơn 42.9%), còn lại là có trình độ đại học chuyên ngành khác. Tại các doanh nghiệp nhà nước ở Trung ương: Có 1839 người làm công tác pháp chế, trong đó có 662 người làm công tác pháp chế chuyên trách, 1177 người làm pháp chế kiêm nhiệm, có 855 người có trình độ đại học luật trở lên, đạt 46.5%, số còn lại có trình độ đại học chuyên ngành khác[5].
Hai là, tổ chức bộ máy, cán bộ pháp chế ở các địa phương đã bị hạn chế phần nào theo chính sách tinh giản biên chế chung, tuy nhiên, số lượng, khối lượng công tác pháp chế lại tiếp tục được tăng cường trên các lĩnh vực hiện có và tiếp tục được mở rộng, kinh phí để triển khai còn hạn chế, dẫn đến việc bảo đảm chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật ở địa phương còn nhiều bất cập, hạn chế[6].
Ba là, công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để thực hiện nhiệm vụ pháp chế cũng gặp không ít khó khăn. Từ việc không có tổ chức pháp chế, các cơ quan bố trí người làm công tác pháp chế ở các tổ chức khác nhau (phòng chuyên môn, văn phòng, hoặc thanh tra…) dẫn tới công tác phối hợp, theo dõi, đánh giá, quản lý, kiểm tra đội ngũ pháp chế không rõ ràng, thiếu chặt chẽ[7].
Để nâng cao hiệu quả xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật ở địa phương, thì việc bảo đảm vai trò gác cổng của công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn ở địa phương là không thể thiếu. Do đó, trong thời gian tới, theo tác giả, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác pháp chế, cần tiếp tục kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ người làm công tác pháp chế ở địa phương theo một số đề xuất sau:
Thứ nhất, đẩy nhanh công tác xây dựng, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể cho các thông tư của các bộ, ngành trung ương hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ sung nhiệm vụ công tác pháp chế và biên chế người làm công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tạo cơ sở triển khai đồng bộ, thống nhất công tác pháp chế thông suốt từ trung ương đến địa phương.
Thứ hai, tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực của đội ngũ người làm công tác pháp chế ở địa phương, đặc biệt là ở các sở, ngành có khối lượng công việc nhiều liên quan đến hoàn thiện thể chế hoặc phục vụ người dân, doanh nghiệp cần được thành lập đơn vị pháp chế trực thuộc (như công thương, tài chính, kế hoạch và đầu tư, tài nguyên và môi trường, xây dựng…). Ở các sở, ngành khác, nếu không thành lập phòng pháp chế chuyên môn, thì cần giao phụ trách công tác pháp chế cho người đứng đầu sở, ngành (nhất là công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật). Các bộ, ngành trung ương cần quan tâm, phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức bộ máy, cán bộ liên quan đến công tác pháp chế tại các sở, ngành chuyên môn ở địa phương.
Thứ ba, bảo đảm ngân sách và các điều kiện cần thiết cho hoạt động của các tổ chức pháp chế; tạo điều kiện hỗ trợ cho người làm công tác pháp chế yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nghiêm minh, hiệu lực, hiệu quả tại địa phương.
Thứ tư, xác định rõ vị trí việc làm của người làm công tác pháp chế trong các Đề án vị trí việc làm của các bộ, ngành, địa phương, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong tình hình mới. Cần giao trách nhiệm của các địa phương xác định yêu cầu công việc pháp chế theo nhiệm kỳ (có bổ sung) để bố trí người làm công tác pháp chế đủ điều kiện và lấy kết quả công tác pháp chế là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng công tác của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Với xu hướng phát triển về kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, công tác pháp chế ngày càng có vai trò quan trọng. Để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác pháp chế tại địa phương, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ hàon thiện thể chế về công tác pháp chế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần quan tâm chỉ đạo công tác này; chú trọng chỉ đạo các sở, ngành xây dựng cơ chế đặc thù về thực hiện các nhiệm vụ pháp chế tại cơ quan; đẩy mạnh việc phối hợp giữa sở, ngành với Sở Tư pháp với các cơ quan liên quan trong công tác pháp chế...
Khoa Nhà nước - Pháp luật, Học viện Chính trị khu vực I