Abstract: The article discusses the reality of returning additional investigation files to the trial stage in accordance with the Criminal Procedure Code of 2015, from which, proposes some solutions to improve the quality of this activity.
1. Thực trạng trả hồ sơ điều tra bổ sung giai đoạn xét xử
Trong hoạt động tố tụng hình sự, việc Tòa án trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung khi có các căn cứ theo quy định tại Điều 280 Bộ luật Tố tụng hình sự quy năm 2015 và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 22/12/2017 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung (Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP) là cần thiết, bảo đảm cho việc xét xử thật sự khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và yêu cầu thực tiễn.
Trên cơ sở thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC ngày 27/8/2010 Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung và Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP, số lượng các quyết định về tố tụng hình sự trong trả hồ sơ để điều tra bổ sung của các Tòa án trong những năm qua có xu hướng tăng. Đặc biệt, trong năm 2022, mặc dù số lượng án thụ lý giảm nhưng số vụ bị Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung tăng 30,4%[1]. Giai đoạn từ năm 2013 - 2017, Tòa án đã tiến hành trả hồ sơ điều tra bổ sung 9.895 vụ trong tổng số 363.503 vụ đã thụ lý, chiếm tỷ lệ 2,72%. Tăng đỉnh điểm vào năm 2015 (2.578 vụ/71.804 vụ chiếm 3,59%)[2].
Qua thực tiễn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự của các Tòa án trong những năm qua cho thấy, lý do các Tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung thường là để yêu cầu khởi tố bổ sung đồng phạm khác hoặc có người khác thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định là tội phạm. Việc ra các quyết định về trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong thời gian qua đã có những đóng góp tích cực trong việc giải quyết vụ án hình sự bảo đảm xét xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội. Thông qua các quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung còn làm tăng cường trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án.
Thực trạng trả hồ sơ để điều tra bổ sung từ thực tiễn áp dụng pháp luật của các Tòa án cho thấy, những trường hợp chủ yếu Tòa án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung như sau:
Thứ nhất, trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì có căn cứ cho rằng, còn có đồng phạm khác hoặc có người khác thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định là tội phạm liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Đây là trường hợp trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án, Tòa án cho rằng, còn có đồng phạm khác hoặc có người khác thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định là tội phạm liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can nên đã trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung.
Thứ hai, trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì cần xem xét thêm những chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà không thể bổ sung làm rõ tại phiên tòa.
Việc trả hồ sơ trong những trường hợp này là thiếu những chứng cứ quan trọng như: Xác định tội danh, khung hình phạt, định giá tài sản, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, thực nghiệm điều tra, trưng cầu giám định… mà không thể bổ sung làm rõ tại phiên tòa.
Xác định sự thật khách quan của vụ án trải qua một quá trình tố tụng, trong quá trình đó, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ, bảo đảm việc giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện đầy đủ, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội. Quá trình giải quyết vụ án hình sự phải trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, trong đó giai đoạn xét xử đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Tại phiên tòa, tất cả những chứng cứ, tài liệu, đồ vật thu thập được trong giai đoạn điều tra, truy tố đều được đưa ra xem xét công khai thông qua quá trình tranh tụng. Trên cơ sở đó, Tòa án ra những phán quyết khách quan, toàn diện, phù hợp với quy định của pháp luật. Việc xét xử công bằng, nghiêm minh góp phần bảo vệ chế độ, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể và của công dân; bảo vệ quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 và các quy định của pháp luật có liên quan, thể hiện sự quan tâm coi trọng và cam kết của Nhà nước về những giá trị quyền con người, quyền công dân. Thông qua việc xét xử sẽ góp phần giáo dục công dân chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, tôn trọng các quy tắc xử sự trong cuộc sống, nâng cao ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm cũng như các vi phạm pháp luật khác. Tuy nhiên, không phải vụ án hình sự nào mà cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cũng thu thập đầy đủ chứng cứ, tài liệu để Tòa án căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ có được để đưa ra xét xử; trong giai đoạn chuẩn bị xét xử hoặc tại phiên tòa, có nhiều trường hợp hồ sơ vụ án không thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ để kết luận về tội phạm, người phạm tội hoặc quá trình điều tra, truy tố còn vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hoặc trong hồ sơ còn có căn cứ để khởi tố bị can, bị cáo về một tội phạm khác, có đồng phạm khác.
Trong những năm qua, ngoài việc trả hồ sơ điều tra bổ sung của Tòa án đã được Viện kiểm sát chấp nhận, bảo đảm giải quyết vụ án khách quan, toàn diện, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, thì theo số liệu thống kê, việc trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung từ năm 2017 đến năm 2021 vẫn còn có một số mặt hạn chế, thiếu sót sau:
- Trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung không được Viện kiểm sát chấp nhận hoặc Viện kiểm sát không thể đáp ứng do không đúng căn cứ hoặc yêu cầu điều tra không khả thi, dẫn đến kéo dài thời gian tố tụng.
- Trường hợp xác định không đúng tội danh của các bị can, bị cáo nên vụ án phải bị trả lại nhiều lần, làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án.
- Cơ quan thực hiện việc điều tra bổ sung có lúc thực hiện chưa đầy đủ và bảo đảm những nội dung quan trọng phải làm rõ. Không đáp ứng được vấn đề cần điều tra bổ sung làm ảnh hưởng đến thời gian, kết quả giải quyết vụ án, qua đó, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra là điều tra, truy tố và xét xử vụ án một cách nhanh chóng, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.
- Sự phối hợp giữa Tòa án với Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra có lúc, có nơi chưa nhịp nhàng, còn cứng nhắc hoặc nể nang hay tư duy “quyền anh, quyền tôi” nên làm ảnh hưởng đến thời gian cũng như kết quả điều tra bổ sung chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
- Có vụ án sau khi trả hồ sơ để điều tra bổ sung, Tòa án thụ lý lại, tuy nhiên, Tòa án xác định là thụ lý mới nên ảnh hưởng đến thời gian chuẩn bị xét xử.
- Có trường hợp quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung thực hiện chưa đầy đủ như hướng dẫn tại Mẫu số 33-HS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐTP ngày 19/9/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao). Cụ thể, tại phần xét thấy thì cần ghi rõ trường hợp trả hồ sơ điều tra bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 280 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng trả hồ sơ điều tra bổ sung trong xét xử
3.1. Tiếp tục hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự
Hiện tại, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP đã khắc phục được phần lớn vướng mắc, bất cập về pháp luật cũng như thực tiễn áp dụng về chế định trả hồ sơ điều tra bổ sung. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, áp dụng pháp luật còn một số vướng mắc, bất cập trong chế định này. Cụ thể như sau:
- Đối với trường hợp Viện kiểm sát không bổ sung được những vấn đề mà Tòa án yêu cầu và vẫn giữ nguyên quyết định truy tố thì Tòa án tiến hành xét xử vụ án (khoản 3 Điều 280 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015).
Quy định này mâu thuẫn với quy định tại khoản 6 Điều 252 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Tòa án còn có quyền tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ nếu như Viện kiểm sát không bổ sung được các yêu cầu điều tra bổ sung, yêu cầu bổ sung chứng cứ của Tòa án. Vì vậy, điều luật này cần quy định là: “Trường hợp Viện kiểm sát không bổ sung được những vấn đề mà Tòa án yêu cầu và vẫn giữ nguyên quyết định truy tố, thì Tòa án tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án hoặc tiến hành xét xử vụ án”.
- Đề nghị quy định trường hợp sau 02 lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung mà Viện kiểm sát cùng cấp không đáp ứng được các yêu cầu điều tra bổ sung thì tùy từng trường hợp mà Tòa án có quyết định phù hợp. Chẳng hạn, Tòa thấy rằng, không có cơ sở chắc chắn để kết tội bị cáo thì tuyên người này không phạm tội do Viện kiểm sát truy tố hoặc trường hợp chỉ có căn cứ buộc bị cáo phạm một tội mà không có cơ sở buộc tội khác thì chỉ tuyên bị cáo phạm một tội…, như vậy mới bảo đảm công lý, công bằng và bảo đảm quyền con người.
- Khoản 6 Điều 252 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: Trường hợp Tòa án đã yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung chứng cứ, nhưng Viện kiểm sát không bổ sung được thì Tòa án có thể tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án. Quy định như vậy làm giảm trách nhiệm buộc tội của Viện kiểm sát và việc Tòa án trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung sẽ khó được Viện kiểm sát chấp nhận. Vì, Viện kiểm sát cho rằng, luật đã quy định Tòa án có quyền bổ sung chứng cứ thì Tòa án thực hiện quyền đó, từ đó sẽ gây khó khăn rất nhiều trong việc giải quyết vụ án và mối quan hệ phối hợp giữa Tòa án và Viện kiểm sát cũng bị ảnh hưởng.
- Đề nghị có sự thống nhất áp dụng pháp luật là thụ lý mới hay thụ lý lần hai đối với trường hợp Tòa án thụ lý lại sau khi trả hồ sơ cho Viện kiểm sát điều tra bổ sung, nhưng Viện kiểm sát đã thay đổi quan điểm truy tố từ 02 tội danh thành 01 tội danh đối với bị can, bị cáo.
3.2. Thực hiện nghiêm Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán
Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán được ban hành theo Quyết định số 87/QĐ-HĐTC ngày 04/7/2018 của Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia hệ thống những chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử của thẩm phán nhằm góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ thẩm phán, tăng cường liêm chính tư pháp. Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán là kim chỉ nam chi phối các hành vi ứng xử của thẩm phán trong công việc cũng như trong đời sống hàng ngày. Ngoài ra, chất lượng xét xử của đội ngũ thẩm phán đóng vai trò then chốt trong việc bảo đảm sự công bằng, liêm chính, minh bạch của hệ thống Tòa án. Bởi vậy, Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử thẩm phán ra đời là một chuẩn mực mà tất cả các thẩm phán trong hệ thống Tòa án Việt Nam phải tuân thủ. Bộ quy tắc này đã quy định rõ ràng và cụ thể các chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, hành vi thẩm phán không được làm hoặc phải tránh để bảo đảm sự liêm chính của thẩm phán; là cơ sở để xem xét và xử lý kỷ luật đối với thẩm phán nếu có hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử.
3.3. Tăng cường quan hệ phối hợp giữa Tòa án và Viện kiểm sát các cấp
Về quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát và Tòa án trong việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, giai đoạn tại phiên tòa đã được quy định cụ thể trong Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP, thẩm phán được phân công nghiên cứu hồ sơ cần phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án để đánh giá toàn diện chứng cứ, nếu phát hiện còn thiếu chứng cứ hoặc có vi phạm thủ tục tố tụng thì thẩm phán trao đổi và yêu cầu kiểm sát viên bổ sung chứng cứ. Tránh trường hợp những chứng cứ có thể bổ sung được nhưng thẩm phán không tạo điều kiện để kiểm sát viên bổ sung hoặc nghiên cứu chưa kỹ nên không phát hiện được những chứng cứ còn thiếu, đến khi xét xử mới phát hiện được dẫn đến hoãn phiên tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Tại phiên tòa, kiểm sát viên chủ động phối hợp với Hội đồng xét xử làm rõ những tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc giải quyết đúng đắn vụ án hình sự. Trong trường hợp phát sinh những vấn đề mới hoặc phức tạp mà không bổ sung được, thì Hội đồng xét xử mới trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Trước khi quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, thẩm phán cần trao đổi trước với kiểm sát viên những vấn đề cần được làm rõ thêm; những nội dung còn thiếu trong hồ sơ vụ án mà Viện kiểm sát hoặc Tòa án không tự mình bổ sung được.
Trong quá trình làm việc, cơ quan tiến hành tố tụng các cấp phải quán triệt nghiêm nội dung Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP, đồng thời thường xuyên tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn để báo cáo lãnh đạo liên ngành tư pháp trung ương sửa đổi, bổ sung. Đối với các vụ án phải trả hồ sơ điều tra bổ sung, các cơ quan tiến hành tố tụng cần nghiêm túc kiểm điểm làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm cá nhân, đồng thời rút kinh nghiệm trong đơn vị.
3.4. Nâng cao năng lực của người tiến hành tố tụng và luật sư
Một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật tố tụng hình sự về trả hồ sơ điều tra bổ sung là các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng cần phải có nhận thức đúng đắn, thống nhất về vai trò, ý nghĩa của hoạt động điều tra bổ sung. Cũng như có ý thức trong việc tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật trong việc trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Mỗi thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, luật sư không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiên cứu các quy định của pháp luật cũng như thường xuyên cập nhật các văn bản mới có liên quan đến việc giải quyết vụ án hình sự. Đặc biệt là nghiên cứu và nắm vững các điều luật được quy định trong Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự về các vấn đề như chứng cứ, thủ tục tố tụng, trả hồ sơ điều tra bổ sung…
Kiểm sát viên phải hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong hoạt động kiểm sát điều tra vụ án hình sự. Ngay từ giai đoạn khởi tố vụ án, khởi tố bị can, kiểm sát viên phải bám sát các tiến độ của hoạt động điều tra vụ án, hướng dẫn điều tra. Ngoài ra, kiểm sát viên cần trao đổi định kỳ với điều tra viên để nắm bắt các thông tin về tiến độ và nội dung của vụ án, phối hợp cùng với điều tra viên giải quyết các vấn đề mới phát sinh. Đối với những vấn đề mà điều tra viên, kiểm sát viên không thể giải quyết được thì cần báo ngay cho lãnh đạo hai ngành, xin ý kiến để có thể giải quyết dứt điểm, tránh tình trạng tồn đọng không đáng có. Đối với vụ án đặc biệt nghiêm trọng, có tính chất phức tạp, được dư luận quan tâm thì Viện kiểm sát cần phải kịp thời phân loại, đánh giá để phân công kiểm sát viên có năng lực và kinh nghiệm trực tiếp thực hiện quyền công tố, kiểm sát điều tra ngay từ khi cơ quan điều tra tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi cũng như trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, khám xét, thu giữ vật chứng hoặc khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Kiểm sát viên được phân công thụ lý vụ án phải yêu cầu. Điều tra viên thu thập ngay chứng cứ, tài liệu có liên quan và khắc phục hạn chế những thiếu sót vi phạm tố tụng ngay từ ban đầu.
3.5. Tăng cường giám đốc, kiểm tra và tổng kết công tác xét xử, đề xuất xây dựng án lệ
Trong những năm qua, hệ thống Tòa án đã có nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn, nỗ lực triển khai nhiều biện pháp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu, yêu cầu của các nghị quyết của Quốc hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hoạt động xét xử cơ bản tuân thủ đúng quy định của pháp luật, chất lượng ngày càng được nâng cao, tạo chuyển biến tích cực theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về thực hiện quyền tư pháp, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Đại bộ phận cán bộ làm công tác tư pháp tận tụy với công việc, có tinh thần trách nhiệm và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp. Công tác xét xử vẫn còn có hạn chế như việc sửa án do lỗi chủ quan. Chính vì vậy, để thực hiện tốt 14 giải pháp của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành nâng cao chất lượng xét xử các loại án nói chung và đặc biệt là nâng cao chất lượng trả hồ sơ để điều tra bổ sung, Tòa án cần phải tăng cường công tác tổng kết thực tiễn xét xử, giải quyết các loại vụ án, nghiên cứu đề xuất phát triển án lệ và kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật.
Võ Thị Thanh Nguyên
Viện kiểm sát quân sự khu vực 72
[1]. Hồ Hương - Nghĩa Đức (2022) “Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, công tác của Ngành Tòa án, Kiểm sát năm 2022”, [https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=68440] truy cập ngày 08/12/2022.
[2]. Nguyễn Văn Linh (2019) “Vấn đề trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án cấp sơ thẩm”, [https://tapchitoaan.vn/van-de-tra-ho-so-de-dieu-tra-bo-sung-cua-toa-an-cap-so-tham] truy cập ngày 08/12/2022.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Số 375, tháng 2/2023)