Trước hết, khái niệm về môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường là: Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và vật chất nhân tạo bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và sinh vật. Thành phần môi trường là yếu tố vật chất tạo thành môi trường như đất, nước, không khí, âm thanh, ánh sáng, sinh vật, hệ sinh thái và các hình thái vật chất khác.
1. Tình hình chung trong công tác theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
1.1. Các văn bản, quy định pháp luật hiện hành trong công tác bảo vệ môi trường
Ngoài Hiến pháp, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 thì hiện nay ở Trung ương có trên 100 văn bản quy định về bảo vệ môi trường, chưa kể các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Đối với các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hậu Giang gồm:
- Kế hoạch số 10/KH- UBND ngày 11/3/2010 về thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 21/3/2009 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị (Khóa XI) về bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;
- Quyết định số 12/2010 QĐ-UBND ngày 13/5/2010 về ban hành Quy chế quản lý và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hậu Giang;
- Quyết định số 445/2010QĐ-UBND ngày 22/02/2012 về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến năm 2012;
- Quyết định số 1067/QĐ-UBND ngày 18/4/2012 của UBND tỉnh Hậu Giang về việc phân vùng môi trường tiếp nhận nước thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
1.2. Nội dung đánh giá về mức độ tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức và cá nhân
Tình hình xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường từ ngày 01/10/2011 đến ngày 30/6/2012 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, cấp tỉnh đã xử phạt 9 trường hợp. Trong đó, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã lập thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với 05 trường hợp thuộc thẩm quyền với số tiền xử phạt: 64.250.000 đồng, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, xử phạt đối với 02 đơn vị thuộc thẩm quyền xử phạt hành chính của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh.
1.3. Công tác tuyên truyền liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường
Sở Tài nguyên và môi trường đã phối hợp với các các ngành liên quan như Đài Phát thanh, Báo Hậu Giang, Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân và các đoàn thể khác tổ chức phổ biến, tuyên truyền kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, nâng cao kiến thức cho cán bộ, chính quyền cơ sở thông qua phương tiện truyền thông đại chúng, tổ chức các buổi tập huấn kiến thức pháp luật bảo vệ môi trường, tổ chức hội thi. Cụ thể:
- Phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị triển khai các văn bản có liên quan đến lĩnh vực môi trường mới ban hành;
- Tổ chức hội nghị tập huấn về kỷ năng viết dự án đề xuất về biến đổi khí hậu cho cán bộ sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố;
- Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Hậu Giang, Báo Hậu Giang xây dựng chuyên đề về bảo vệ môi trường;
- Phối hợp với các đơn vị ký kết liên tịch (Hội Liên hiệp Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Hội Nông dân, Tỉnh Đoàn,.....) tổ chức các buổi tập huấn cho hội viên, cán bộ cơ sở về kiến thức bảo vệ môi trường, tổ chức hội thi tìm hiểu kiến thức môi trường, biến đổi khí hậu. Sáu tháng đầu năm 2012, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp tổ chức 18 lớp với 1.608 hội viên tham gia.
1.4. Đánh giá tính hợp lý của các quy định trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
Phần lớn các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và Ủy ban nhân tỉnh đều có ý nghĩa tác động thiết thực đến lĩnh vực bảo vệ môi trường, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ dân trí, truyền thống văn hóa, phong tục tập quán. Tuy nhiên, cũng còn nội dung chưa phù hợp như: Trong Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08/02/2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường như sau:
- Về đánh tác động môi trường thì trong phụ lục của từng danh mục về quy mô khối lượng sản xuất, số lượng;
- Về thẩm định cấp giấy chứng nhận cam kết bảo vệ môi trường hiện nay bị vướng mắc là không quy định rõ khối lượng, số lượng của sản xuất hàng hóa và chất thải của một đơn vị sản xuất nhỏ (nhà trọ, mua bán vật liệu xây dựng, kho thuốc trừ sâu nhỏ);
- Đề nghị phải điều chỉnh, bổ sung nội dung Phụ lục 24 của Phần III, qui mô sản xuất kinh doanh về cam kết bảo vệ môi trường.
1.5. Các điều kiện về trang thiết bị, cơ sở vật chất để thực hiện công tác bảo vệ môi trường
Đối với cấp tỉnh thì trang thiết bị, phương tiện và biên chế tương đối đầy đủ nên đảm bảo cho công tác kiểm tra thực hiện trong việc quản lý và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Riêng cấp huyện, cấp xã thì vẫn chưa đảm bảo thực hiện theo đúng quy định, một số huyện công chức làm công tác này còn phải kiêm nhiệm nên phần nào cũng làm giảm đi công tác bảo vệ môi trường.
Đó là những nét cơ bản trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được thực hiện trong thời gian qua.
2. Những thuận lợi, khó khăn và kiến nghị trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường
2.1. Thuận lợi
- Công tác tuyên truyền, quản lý và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh luôn được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, được sự chỉ đạo và hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương nên những nhiệm vụ chủ yếu về công tác quản lý và bảo vệ môi trường đã đạt được kết quả khá tốt.
- Công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đã tăng cường góp phần trong việc giảm tình trạng gây ô nhiểm môi trường, hạn chế bức xúc trong vấn đề ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
- Các quy định về bảo vệ môi trường, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn ngày càng được hoàn thiện đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thực thi pháp luật về quản lý môi trường.
- Lực lượng cảnh sát môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường được thành lập, bước đầu hoạt động có hiệu quả. Nhìn chung, các điều kiện cơ bản, thiết yếu làm tiền đề, tạo thế và lực cho công tác bảo vệ môi trường thời gian tới đã được đáp ứng.
- Ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong xã hội được nâng cao. Nhiều vụ vi phạm môi trường được giải quyết dứt điểm. Các giải pháp bảo vệ môi trường trong các dự án phát triển kinh tế - xã hội đã được quan tâm đầu tư thực hiện. Các ngành, lĩnh vực đã huy động được nhiều nguồn lực, sự hỗ trợ của quốc tế và từng bước chủ động bảo vệ, cải thiện môi trường và ứng phó với biến đối khí hậu.
- Trang thiết bị, phượng tiên phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ được giao.
- Về thể chế để thực hiện: Sau khi Thông tư số 03/2010/TT-BTP ngày 03/3/2010 của Bộ Tư pháp có hiệu lực thi hành, Sở Tư pháp đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 31/KH-UBND ngày 05/10/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang về thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Theo đó, hàng năm các sở, ngành của tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện phải có kế hoạch điều tra, khảo sát, kiểm tra công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật do lĩnh vực mình thực hiện.
2.2. Khó khăn
- Kinh phí đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường còn thấp, chủ yếu là ngân sách địa phương nên chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường, đặc biệt là xử lý ô nhiễm môi trường tại các cơ sở công ích... Sự tham gia, phối hợp của các ngành, chính quyền địa phương trong việc chủ động huy động nguồn vốn viện trợ, tài trợ quốc tế đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường và xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế nên việc đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu.
- Mặc dù đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến cơ sở sản xuất, kinh doanh, các tầng lớp nhân dân cộng đồng dân cư, nhưng mức độ nhận thức về bảo vệ môi trường vẫn chưa thật sự tạo ra chuyển biến mới trong hành động về thực hiện tốt trong công tác bảo vệ môi trường của cộng đồng và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
- Cở sở hạ tầng bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng theo quy định, hầu hết các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa xây dựng được hệ thống xử lý nước thải tập trung do chưa có kinh phí đầu tư. Hiện tại, chỉ thực hiện các biện pháp cải tạo, phục hồi ô nhiễm môi trường tại một số bãi rác hiện hữu, chưa thể xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại các bãi rác vì tỉnh chưa xây dựng bãi rác tập trung đảm bảo hợp vệ sinh theo quy hoạch.
- Trang thiết bị phòng thí nghiệm phục vụ cho đo đạc, phân tích các thành phần môi trường, chất thải phục vụ cho quan trắc, kiểm soát ô nhiễm còn thiếu. Đồng thời, chưa có kinh phí để bố trí hệ thống các trạm quan trắc môi trường tự động. Do đó, việc quan trắc, cảnh báo môi trường, kiểm soát ô nhiễm còn những khó khăn, hạn chế nhất định.
- Cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường đa phần là kiêm nhiệm nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
- Mặc dù Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 31/KH-UBND ngày 05/10/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang về thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Hậu Giang để chỉ đạo các sở, ngành của tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện hàng năm phải có kế hoạch điều tra, khảo sát, kiểm tra công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật do lĩnh vực mình thực hiện. Tuy nhiên, đến nay thì Ngành Tài nguyên và Môi trường vẫn chưa có kế hoạch để thực hiện theo quy định.
2.3. Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
- Các cấp, các ngành, đặc biệt là Ngành Tài nguyên và Môi trường cần có kế hoạch, điều tra, khảo sát công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nhằm qua đó phát hiện những quy định không phù hợp để có hướng đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xem điều chỉnh.
- Các cơ quan có thẩm quyền cần phân tích, nhận định, đánh giá được mức độ tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức và cá nhân về các quy định của pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật bảo vệ môi trường xem xét các đối tượng chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường hay không? Nếu có thì ở mức độ nào? Nếu không thì tại sao? Cần tìm hiểu nguyên nhân để kịp thời đưa ra hướng khắc phục.
- Đẩy mạnh quản lý nhà nước về môi trường, tăng cường công tác tập huấn, học hỏi kinh nghiệm về công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi ở các xã, phường, thị trấn.
- Tăng cường biên chế cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường cho cấp huyện, cấp xã.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý và bảo vệ môi trường; tăng cường sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, được sự chỉ đạo và hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường.
- Bổ sung trang thiết bị, phương tiện để phục vụ cho đo đạc, phân tích các thành phần môi trường, chất thải phục vụ cho xử phạt, quan trắc, kiểm soát ô nhiễm còn thiếu.
- Sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt là quy định tại Khoản 1, Điều 11 Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31/12/2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, theo đó phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi thải mùi hôi thối, mùi khó chịu vào môi trường, nhưng hiện nay chưa có thiết bị để thử mẫu và phân tích, cũng như chưa ban hành ngưỡng về mức độ gây ô nhiễm,...
- Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu để trình Chính phủ sửa đổi Nghị định cho phù hợp. Nghị định số 174/2007/NĐ-CP ngày 29/11/2007 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn, vì việc thu phí này khó thực hiện.
Môi trường là yếu tố có vai trò quan trọng đối với cuộc sống của con người và có mối quan hệ khắng khít, gắn bó chặt chẽ với phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường chính là góp phần tích cực đẩy mạnh việc phát triển kinh tế - xã hội.
Sở Tư Pháp Hậu Giang