Công tác pháp chế tại các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhà nước là công tác quan trọng mà các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế (Nghị định số 55/2011/NĐ-CP). Nghị định số 55/2011/NĐ-CP đã quy định đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các doanh nghiệp nhà nước. Sau một thời gian thực hiện Nghị định (hơn 05 năm), được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ, ngành, doanh nghiệp trong việc thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch và các nhiệm vụ được giao theo quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, công tác pháp chế nói chung và việc củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế, chất lượng đội ngũ người làm công tác pháp chế của Bộ, ngành và doanh nghiệp đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng của Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhà nước đã quan tâm đến việc thành lập, củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế theo quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP. Nhiều tổ chức pháp chế được thành lập và từng bước đi vào hoạt động ổn định, có hiệu quả.
Ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ: Từ khi Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và doanh nghiệp nhà nước có hiệu lực, các tổ chức pháp chế về cơ bản được hình thành. Đến khi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP được thực hiện, tất cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ đều đã thành lập Vụ Pháp chế (do tính chất đặc thù, mô hình và tên gọi của một số tổ chức pháp chế có khác nhau như: Bộ Công an thành lập Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp; tại Văn phòng Chính phủ là Vụ Pháp luật; tại Bộ Ngoại giao là Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế). Tổ chức pháp chế của các cơ quan thuộc Chính phủ cũng đã được thành lập, củng cố, kiện toàn, một số cơ quan đã thành lập tổ chức pháp chế như: Vụ Pháp chế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), Phòng Pháp chế (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Việt Nam). Ở nhiều Tổng cục và tương đương, Cục trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ cũng đã thành lập tổ chức pháp chế với mô hình Vụ Pháp chế hoặc Phòng Pháp chế, ở một số Cục thuộc Bộ không thành lập tổ chức pháp chế đã bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác pháp chế.
Ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, trước khi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP được ban hành, cả nước có 40 Phòng Pháp chế và có 70 tổ công tác pháp chế (tạm thời) với mô hình hoạt động mang tính chất tùy nghi, theo nhu cầu công việc mà Thủ trưởng cơ quan thành lập Phòng Pháp chế hoặc phân công đầu mối đảm nhiệm công tác pháp chế hoặc bố trí người làm công tác pháp chế chuyên trách. Ngay sau khi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP có hiệu lực, ở hầu hết UBND các tỉnh, thành phố đã giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp rà soát, xây dựng Đề án thành lập các Phòng Pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, trong đó xác định rõ việc thành lập tổ chức hoặc bố trí cán bộ làm pháp chế; giao chỉ tiêu biên chế cán bộ làm công tác pháp chế. Mặc dù đã xây dựng Đề án thành lập các Phòng Pháp chế nhưng một số tỉnh, thành phố không bố trí, sắp xếp được biên chế để thành lập Phòng Pháp chế mà chỉ bố trí được 01 cán bộ chuyên trách hoặc cán bộ kiêm nhiệm làm công tác pháp chế ở các Sở, ngành.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP bắt buộc 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh phải thành lập Phòng Pháp chế và theo khoản 2 Điều 9, căn cứ vào nhu cầu công tác pháp chế, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định việc thành lập Phòng Pháp chế hoặc quyết định việc bố trí công chức pháp chế chuyên trách ở các cơ quan chuyên môn được thành lập theo đặc thù riêng của từng địa phương và ở các cơ quan chuyên môn ngoài những cơ quan chuyên môn này. Kết quả, một loạt các Phòng Pháp chế trên toàn quốc đã được thành lập. Ở những nơi không có đủ biên chế thì trước mắt bố trí 01 cán bộ pháp chế chuyên trách hoặc kiêm nhiệm.
Sau hơn 05 năm thực hiện Điều 9 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, đến nay do điều kiện khách quan và nhu cầu trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, tại mỗi địa phương tổ chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc cấp tỉnh được tổ chức theo mô hình sau đây: Phòng/ Đội pháp chế (cơ quan công an) độc lập trực thuộc các cơ quan chuyên môn; tổ công tác pháp chế và giao do một cán bộ phụ trách đảm nhiệm/ các thành viên khác là kiêm nhiệm; ở cơ quan chuyên môn có khối lượng công việc nhiều/ bố trí cán bộ chuyên trách đảm nhiệm; bố trí cán bộ kiêm nhiệm làm công tác pháp chế trực thuộc Thanh tra hoặc Văn phòng Sở.
Do yêu cầu công việc, căn cứ vào biên chế và các điều kiện về tổ chức, cán bộ, nhiều địa phương đã kết hợp các mô hình khác nhau để thành lập, củng cố tổ chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, theo đó, tại một số cơ quan chuyên môn thành lập Phòng Pháp chế độc lập, nhưng tại một số cơ quan chuyên môn khác công tác pháp chế lại kết hợp với công tác khác hoặc để thành lập Phòng thuộc Văn phòng cơ quan chuyên môn đó (ví dụ, Phòng Pháp chế - An toàn thuộc Sở Giao thông vận tải, Phòng Tổ chức - Pháp chế thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch được thành lập ở hầu hết 63 tỉnh/thành phố). Một số cơ quan chuyên môn khác chỉ bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác pháp chế thuộc biên chế của Văn phòng hoặc chỉ bố trí được cán bộ kiêm nhiệm để thực hiện nhiệm vụ này.
Tính đến đầu năm 2017, cả nước đã thành lập được 150 Phòng Pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, trong đó có 126 Phòng Pháp chế được thành lập theo khoản 1 Điều 9 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP. Có 36/63 địa phương thành lập, kiện toàn được một số Phòng Pháp chế và đang tiếp tục thực hiện.
Ở các doanh nghiệp nhà nước, trên cơ sở Nghị định số 55/2011/NĐ-CP và nhu cầu của doanh nghiệp, các tổ chức pháp chế trong các doanh nghiệp nhà nước được kiện toàn mạnh mẽ, ở các công ty thành viên của Tập đoàn, Tổng công ty, công tác pháp chế đã được lãnh đạo quan tâm hơn và chỉ đạo việc thành lập, bố trí, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác pháp chế; đồng thời, chú trọng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức pháp chế, trong đó, xác định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, cán bộ làm công tác pháp chế; tạo điều kiện để tổ chức pháp chế tham gia vào các hoạt động quản lý, sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp.
Đến nay, trong số 35 doanh nghiệp nhà nước ở Trung ương đã hình thành 18 tổ chức pháp chế độc lập (Ban Pháp chế - Tập đoàn Điện lực; Ban Pháp chế - Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam). Bên cạnh đó, ở các công ty thành viên thuộc các tập đoàn, tổng công ty hầu hết đã thành lập tổ chức pháp chế. Ở địa phương, các doanh nghiệp nhà nước bước đầu đã bố trí người làm công tác pháp chế với một số lượng tương đối lớn.
2. Về đội ngũ những người làm công tác pháp chế
Tính đến đầu năm 2017, trên phạm vi toàn quốc, tổng số người làm công tác pháp chế là 6.789 người. Trong đó:
Ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có: 2.708 người làm công tác pháp chế, trong đó có 1.333 người được bố trí làm công tác pháp chế chuyên trách, 1.375 người làm công tác pháp chế kiêm nhiệm. Có 1.845 người có trình độ cử nhân luật (chiếm 68%).
Ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh có: 2.163 người làm công tác pháp chế, trong đó có 709 người được bố trí làm công tác pháp chế chuyên trách, 1.454 người kiêm nhiệm. Có 1.027 người có trình độ cử nhân luật (chiếm 47%).
Ở khối doanh nghiệp nhà nước có: 1.918 người làm công tác pháp chế, trong đó, có 720 người làm công tác pháp chế chuyên trách và 1.198 người làm công tác pháp chế kiêm nhiệm. Trong đó, trình độ cử nhân luật là 947 người (chiếm 49,4%). Cụ thể: Doanh nghiệp nhà nước ở Trung ương có tổng số 1.472 cán bộ, trong đó có 614 người làm công tác pháp chế chuyên trách, có 858 người làm công tác pháp chế kiêm nhiệm; doanh nghiệp nhà nước ở địa phương có tổng số 446 người làm công tác pháp chế, trong đó có 106 cán bộ chuyên trách và 340 cán bộ làm công tác pháp chế kiêm nhiệm.
Hầu hết người làm công tác pháp chế đều có trình độ đại học luật trở lên, một số người có trình độ đại học chuyên ngành khác. Do đặc thù, số lượng biên chế các cơ quan được bố trí khác nhau, một số nơi có số lượng biên chế lớn như Bộ Công an (88 biên chế), Bộ Tài chính (44 biên chế), trong khi đó, ở một số nơi số lượng biên chế hạn chế chưa tương xứng với các nhiệm vụ, quyền hạn được giao như Bộ Thông tin và Truyền thông (12 biên chế), Bộ Xây dựng (14 biên chế)...
Như vậy, trước khi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP được ban hành, cả nước có khoảng 2.400 cán bộ, công chức, viên chức làm công tác pháp chế (cả chuyên trách và kiêm nhiệm), trong đó, có hơn 1.800 người có trình độ đại học trở lên (Đại học chuyên ngành luật trở lên có hơn 1.000 người). Sau 05 năm thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, tổng số cán bộ, công chức, viên chức làm công tác pháp chế trên toàn quốc là 6.789 người, đạt tỷ lệ gần 183% với 6.026 người có trình độ đại học trở lên, trong đó, đại học chuyên ngành luật là 2.759 người, chiếm tỷ lệ 45.8%.
3. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong việc củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế và chất lượng đội ngũ người làm công tác pháp chế
3.1. Tồn tại, hạn chế
Một là, việc thành lập và củng cố, kiện toàn các tổ chức pháp chế ở một số địa phương còn chậm; mô hình tổ chức ở một số cơ quan chưa thống nhất
Việc kiện toàn tổ chức pháp chế chưa đáp ứng được yêu cầu của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, ở nhiều địa phương chưa thành lập tổ chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; thậm chí có nơi không có biên chế hoặc không bố trí được biên chế. Có 27/63 địa phương chưa thành lập được Phòng Pháp chế. Ở nhiều địa phương, tổ chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh đã được thành lập nhưng sau đó dần bị giải thể.
Từ khi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP có hiệu lực cho đến ngày 30/9/2015, cả nước đã thành lập được 278 Phòng Pháp chế tại 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, số lượng Phòng Pháp chế tại 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh đã và đang bị giải thể (đến ngày 30/12/2015 chỉ còn 268 Phòng Pháp chế; đến ngày 30/9/2016 còn 126 Phòng Pháp chế). Trong vòng 02 năm (2015, 2016) số lượng Phòng Pháp chế tại 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh đã bị giải thể là 159 Phòng và sẽ tiếp tục biến động theo hướng giảm dần.
Mô hình tổ chức pháp chế ở các cơ quan, đơn vị được tổ chức không thống nhất. Mỗi đơn vị tổ chức theo một mô hình riêng, phù hợp với đặc thù của đơn vị mình, vì vậy, việc phối hợp để thực hiện công tác pháp chế giữa các cơ quan, tổ chức còn gặp những khó khăn nhất định.
Nhiều nơi không thành lập tổ chức pháp chế mà chỉ bố trí cán bộ kiêm nhiệm công tác pháp chế. Có địa phương giao biên chế riêng để làm công tác pháp chế, nhưng khi thực hiện lại dùng biên chế được giao cho công việc khác và giao cán bộ kiêm nhiệm làm công tác pháp chế.
Hai là, về trình độ, năng lực của đội ngũ những người làm công tác pháp chế chưa đồng đều
Quá trình thực hiện tiêu chuẩn người làm công tác pháp chế theo quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP là phải có bằng cử nhân luật và trường hợp đối với người chưa có bằng cử nhân luật thì sau 05 năm, người làm công tác pháp chế phải có bằng cử nhân luật. Đây là quy định nhằm chuẩn hóa một bước trình độ người làm công tác pháp chế. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn 2.970 người trong tổng số 6.789 người làm công tác pháp chế chưa có trình độ cử nhân luật; tương tự, quy định tại khoản 1 Điều 17 của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP về việc kiện toàn các tổ chức pháp chế sau 12 tháng Nghị định có hiệu lực cũng chưa được thực hiện nghiêm túc.
Bên cạnh đội ngũ người làm công tác pháp chế ở các Bộ, ngành, địa phương có bề dày hoạt động thì phần lớn đội ngũ người làm công tác pháp chế còn trẻ, chưa có kinh nghiệm.
Công tác pháp chế liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, tuy nhiên, ở một số lĩnh vực chuyên sâu như tài chính, ngân hàng, khoa học công nghệ… đòi hỏi người làm công tác pháp chế phải được trang bị thêm các kiến thức chuyên ngành, trong khi đó, phần lớn người làm công tác pháp chế chỉ được đào tạo kiến thức pháp luật thuần túy, vì vậy, chất lượng công việc của người làm công tác pháp chế chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Một số tổ chức pháp chế và người làm công tác pháp chế còn chưa tự khẳng định được vị trí, vai trò và khả năng về chuyên môn, nghiệp vụ của mình, chất lượng tham mưu còn mờ nhạt, do đó có việc chưa nhận được sự tín nhiệm của lãnh đạo.
3.2. Nguyên nhân
3.2.1. Về mặt chủ quan
Lãnh đạo của một số Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp chưa lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong việc thành lập mới hoặc củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế, bố trí cán bộ thực hiện công tác pháp chế, đặc biệt tại một số tổ chức pháp chế của các Sở, ngành thuộc UBND tỉnh và doanh nghiệp nhà nước hoạt động chỉ mang tính hình thức, chưa làm rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức mình theo quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP; chưa thực sự coi trọng vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác pháp chế, dẫn đến việc thờ ơ trong việc kiện toàn tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác này. Ở một số địa phương, người đứng đầu còn có cách hiểu và nhận thức khác nhau hoặc chưa đầy đủ về công tác pháp chế khi xác định pháp chế chỉ có nhiệm vụ xây dựng pháp luật, do đó, không cần thiết phải thành lập Phòng Pháp chế. Ở một số địa phương khác, lãnh đạo địa phương coi pháp chế là nhiệm vụ mới, cần phải có nguồn biên chế bổ sung thì mới kiện toàn được các Phòng Pháp chế, do đó, không sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức trong tổng số biên chế của địa phương.
Việc phân công lãnh đạo cơ quan, đơn vị phụ trách công tác pháp chế chưa đúng với yêu cầu của Chính phủ đã được quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP. Ở một số Bộ, ngành và địa phương, người đứng đầu không phụ trách công tác pháp chế mà giao cho cấp phó phụ trách công tác này, nhất là ở địa phương. Hiện nay vẫn còn 24/30 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 34/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang giao cho cấp Phó phụ trách công tác pháp chế.
Công tác phối hợp và chủ động nâng cao trình độ năng lực cho người làm công tác pháp chế Bộ, ngành còn hạn chế. Các lớp tập huấn nghiệp vụ nhằm tăng cường năng lực cho người làm công tác pháp chế chưa nhiều, quy mô nhỏ, trong một số trường hợp còn mang tính hình thức; nội dung tập huấn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là yêu cầu về hội nhập; việc bố trí kinh phí cho việc tổ chức các lớp tập huấn còn nhiều khó khăn. Chương trình đào tạo cử nhân luật cho người làm công tác pháp chế văn bằng hai triển khai còn chậm.
Công tác tham mưu còn hạn chế, chưa đề xuất được giải pháp mang tính đột phá trong việc kiện toàn tổ chức bộ máy pháp chế; nâng cao năng lực người làm công tác pháp chế; chưa xây dựng được các cơ chế phối hợp với các cơ quan nhà nước khác và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong việc giúp tổ chức pháp chế và người làm công tác pháp chế trong các cơ quan, tổ chức này triển khai và thực hiện có hiệu quả công tác pháp chế.
Một số tổ chức pháp chế và người làm công tác pháp chế chưa tự khẳng định được vị trí, vai trò và khả năng về chuyên môn, nghiệp vụ.
3.2.2. Về mặt khách quan
Một số chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy và chính sách tiền lương được ban hành sau Nghị định số 55/2011/NĐ-CP như: Kết luận số 63-KL/TW ngày 27/5/2013 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách chính sách đến năm 2020, theo đó, từ nay đến khi Trung ương thông qua Đề án cải cách tiền lương không bổ sung các loại phụ cấp ưu đãi, trách nhiệm, đặc thù theo ngành, nghề; Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, Nghị quyết số 53/2013/QH13 ngày 11/11/2013 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, trong đó nêu rõ từ nay đến năm 2016, về cơ bản giữ ổn định cơ cấu tổ chức Chính phủ và tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và tiếp tục thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, từ nay đến năm 2016 cơ bản không tăng tổng biên chế của cả hệ thống chính trị (trừ trường hợp lập thêm tổ chức hoặc được giao nhiệm vụ mới).
Một số văn bản quy phạm pháp luật được ban hành không phù hợp với Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, cụ thể: Bộ Nội vụ đã ban hành 01 thông tư và phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ ban hành 13 Thông tư liên tịch quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, trong đó, không quy định Phòng Pháp chế trong cơ cấu tổ chức của các cơ quan này.
4. Các giải pháp chủ yếu
Để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế và chất lượng đội ngũ người làm công tác pháp chế, cần thực hiện một số giải pháp sau:
4.1. Nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo về vị trí, vai trò của công tác pháp chế
Thứ nhất, tiếp tục phổ biến, tuyên truyền về vai trò, vị trí, chức năng của công tác pháp chế và người làm công tác pháp chế theo các quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP tới các cấp, các ngành, tạo chuyển biến căn bản nhận thức của đội ngũ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các cán bộ, công chức về công tác pháp chế, từ đó tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác pháp chế trên phạm vi toàn quốc;
Thứ hai, tăng cường công tác tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về tình hình thực hiện công tác pháp chế tại các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước nhằm giải quyết kịp thời các vướng mắc của công tác pháp chế và nâng cao nhận thức, sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo đối với công tác pháp chế.
4.2. Xây dựng, hoàn thiện thể chế về công tác pháp chế
Nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức bộ máy liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, ngành, địa phương theo hệ thống ngành dọc đảm bảo phù hợp với Nghị định số 55/2011/NĐ-CP.
4.3. Củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế
Thứ nhất, thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 1141-KH/BCSĐCP ngày 11/11/2016 Ban Cán sự Đảng Chính phủ về việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 04/4/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Theo đó, “tiếp tục duy trì tổ chức pháp chế ở các Bộ, ngành, địa phương; đồng thời, căn cứ tình hình cụ thể của mỗi Bộ, ngành, địa phương để sắp xếp, bố trí, ổn định đội ngũ cán bộ bảo đảm đủ về số lượng, có trình độ, chất lượng phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ công việc”;
Thứ hai, tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế, đặc biệt ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và các cơ quan thuộc Chính phủ;
Thứ ba, bố trí biên chế làm công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh theo hướng điều chuyển biên chế trong tổng số biên chế được giao cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
4.4. Tăng cường năng lực đội ngũ người làm công tác pháp chế
Thứ nhất, xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo cho lực lượng cán bộ làm công tác pháp chế nhưng chưa có bằng cử nhân luật phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và tổ chức pháp chế các doanh nghiệp nhà nước ở Trung ương;
Thứ hai, xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn và dài hạn; xây dựng chương trình khung đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn và kiến thức chuyên ngành cho đội ngũ những người làm công tác pháp chế tại các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước;
Thứ ba, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tiếp tục chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức hướng dẫn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ pháp chế.
4.5. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về công tác pháp chế
Nghiên cứu các giải pháp để thực hiện đầy đủ chức năng với vai trò giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác pháp chế trong phạm vi cả nước thông qua các hoạt động:
Thứ nhất, xây dựng các kế hoạch thực hiện công tác pháp chế hàng năm và tổ chức triển khai thực hiện;
Thứ hai, Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho người làm công tác pháp chế Bộ, ngành, địa phương;
Thứ ba, là đầu mối thúc đẩy phối hợp giữa các tổ chức pháp chế;
Thứ tư, kịp thời giải đáp và tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động pháp chế;
Thứ năm, tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác pháp chế ở các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhà nước.
4.6. Tăng cường cơ chế phối hợp thực hiện công tác pháp chế
Một là, thường xuyên tổ chức các Hội nghị, các cuộc tọa đàm, hội thảo nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức pháp chế và những người làm công tác pháp chế ở các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhà nước;
Hai là, có cơ chế phối hợp với tổ chức pháp chế tại các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của người làm công tác pháp chế;
Ba là, tổ chức các hoạt động giao ban cụm giữa các tổ chức pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh trên phạm vi toàn quốc.
Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp