Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp và được coi là sự thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân khi họ thuộc các trường hợp đặc biệt cần phải được Nhà nước và xã hội quan tâm giúp đỡ. Nhà nước đóng vai trò quản lý, điều phối nguồn nhân lực và tài chính bảo đảm hoạt động trợ giúp pháp lý có hiệu quả, đồng thời hoàn thiện chính sách trợ giúp pháp lý trong các chương trình giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, không để người dân đói nghèo về pháp luật.
Trợ giúp pháp lý với tính chất là một dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp, ngay từ đầu những năm 2000 đã được xác định là một trong những hoạt động cần được phát triển theo hướng xã hội hóa. Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đều khẳng định phải đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo và các đối tượng chính sách theo hướng xã hội hóa. Chủ trương xã hội hóa trợ giúp pháp lý đã được thể chế hóa trong Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 ban hành theo Quyết định số 678/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định nhất quán đường lối “phát triển trợ giúp pháp lý ổn định, bền vững, cung ứng dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời, đầy đủ, có chất lượng cho người dân thuộc diện được trợ giúp pháp lý trên cơ sở phát huy vai trò nòng cốt trong tổ chức thực hiện của Nhà nước, huy động triệt để sự tham gia của các nguồn lực xã hội, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, góp phần bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của công dân khi có vướng mắc pháp luật, bảo vệ công lý, công bằng xã hội, tăng hiệu quả thực thi công vụ và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống”. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 và Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam cho thấy, công tác xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý vẫn còn chậm, việc huy động các nguồn lực con người và nguồn lực tài chính chưa hiệu quả. Trong khi hệ thống tổ chức trợ giúp pháp lý của Nhà nước còn nhiều hạn chế, số lượng và chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý còn khoảng cách xa so với yêu cầu thực tiễn.
Báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 cũng như Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 - 2025 cho thấy, mới chỉ có một phần khá nhỏ các nguồn lực xã hội được huy động cho công tác trợ giúp pháp lý [1]. Các tổ chức đăng ký tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý theo chủ trương xã hội hóa còn ít, chưa có chính sách phù hợp để thu hút được các tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật có uy tín và kinh nghiệm tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý, chưa gắn kết được quyền lợi và trách nhiệm của tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý với quyền lợi và trách nhiệm của các cá nhân thuộc những tổ chức đó khi thực hiện trợ giúp pháp lý theo phân công của tổ chức. Sau 09 năm thi hành Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, số lượng luật sư - cộng tác viên tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý mới chỉ chiếm khoảng 1/10 tổng số luật sư trong cả nước (tính đến tháng 6/2015 là 1.239 người, phân bổ không đồng đều giữa các địa phương). Nhiều luật sư - cộng tác viên trợ giúp pháp lý mới hành nghề, chưa có nhiều kinh nghiệm, năng lực tham gia tố tụng còn hạn chế. Kinh phí cấp cho hoạt động trợ giúp pháp lý chủ yếu từ ngân sách địa phương, không đồng đều giữa các địa phương và không ổn định trong các năm; các dự án hợp tác quốc tế, nhất là nguồn ODA hỗ trợ cho hoạt động trợ giúp pháp lý từ năm 2010 hầu như đã không còn. Quỹ Trợ giúp pháp lý Việt Nam được thành lập trong nhiều năm qua nhưng nguồn thu hầu như không có do Nhà nước chưa có chính sách huy động tài trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước một cách phù hợp.
Chính vì vậy, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 01/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 - 2025 đã xác định: “Đổi mới công tác trợ giúp pháp lý theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa với lộ trình phù hợp với đặc thù từng vùng, miền, khu vực” với nhiều giải pháp mạnh mẽ, có tính chiến lược nhằm thu hút hiệu quả các tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật có uy tín trong các lĩnh vực, các cá nhân luật sư, luật gia có kinh nghiệm tham gia cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý, bảo đảm cho các đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý được cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời, chất lượng tương đương với dịch vụ mà luật sư cung cấp trên thị trường.
1. Về các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý
Theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý, trong đó, các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý chính là lực lượng được huy động từ xã hội để thực hiện trợ giúp pháp lý theo 02 phương thức: Tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý và tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý. Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 còn quy định hình thức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý giữa các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý với Sở Tư pháp - cơ quan quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý tại địa phương. Quy định về ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý được kỳ vọng sẽ góp phần khắc phục một số bất cập trong thực tiễn thu hút nguồn lực xã hội. Bằng cơ chế ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý, sẽ hạn chế tối đa hiện tượng các tổ chức chỉ đăng ký tham gia nhưng không thực hiện trợ giúp pháp lý; đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích của các cá nhân thành viên - luật sư, tư vấn viên pháp lý về việc làm (thực hiện vụ, việc trợ giúp pháp lý) và về thu nhập từ hưởng thù lao theo vụ, việc cụ thể với lợi ích của tổ chức (thu nhập từ việc thực hiện đúng hợp đồng, thực hiện được trách nhiệm xã hội, nâng cao uy tín nghề nghiệp của tổ chức). Ngoài ra, việc ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý, cơ quan quản lý nhà nước có thể huy động được các tổ chức hành nghề luật sư hay Trung tâm tư vấn pháp luật lớn có năng lực và điều kiện để thực hiện các vụ việc trợ giúp pháp lý khó, phức tạp. Để tạo điều kiện cho các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý, đặc biệt là các Trung tâm tư vấn pháp luật chưa đáp ứng đủ điều kiện theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 có thể tiếp tục cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý, khoản 2 Điều 48 quy định chuyển tiếp của Luật này cho phép các tổ chức trong thời hạn 01 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành, phải đáp ứng các điều kiện theo quy định trên cơ sở kiện toàn tổ chức, nhân sự.
2. Về các cá nhân tham gia trợ giúp pháp lý
Theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, ngoài trợ giúp viên pháp lý của Nhà nước, người thực hiện trợ giúp pháp lý được huy động từ xã hội gồm có: Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo phân công của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý; tư vấn viên pháp luật có 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên làm việc tại tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý; cộng tác viên trợ giúp pháp lý.
Với luật sư, được thực hiện trợ giúp pháp lý theo 02 phương thức: (i) Trực tiếp ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm trợ giúp pháp lý và (ii) Thực hiện trợ giúp pháp lý theo phân công của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý (hoặc tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý, hoặc tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Sở Tư pháp).
Với tư vấn viên pháp luật, họ phải có 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên làm việc tại tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý. Việc quy định điều kiện này là cần thiết nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng tư vấn pháp luật trong các vụ, việc trợ giúp pháp lý.
Với cộng tác viên trợ giúp pháp lý, chỉ những người đã nghỉ hưu có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe, có nguyện vọng thực hiện trợ giúp pháp lý và trước khi về hưu đã là trợ giúp viên pháp lý; thẩm phán, thẩm tra viên, kiểm tra viên, điều tra viên, chấp hành viên, thẩm tra viên thi hành án dân sự; chuyên viên làm công tác pháp luật tại các cơ quan nhà nước. Ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, căn cứ nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân và điều kiện thực tế tại địa phương, Giám đốc Sở Tư pháp theo đề nghị của Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cấp thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý. Cộng tác viên trợ giúp pháp lý ký hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý và chỉ thực hiện trợ giúp pháp lý bằng hình thức tư vấn pháp luật tại địa phương. Cộng tác viên trợ giúp pháp lý sẽ bị thu hồi thẻ cộng tác viên nếu không thực hiện trợ giúp pháp lý trong thời gian 02 năm liên tục, trừ trường hợp do nguyên nhân khách quan.
Để hỗ trợ người được trợ giúp pháp lý có đầy đủ thông tin và dễ dàng tiếp cận, lựa chọn người thực hiện trợ giúp pháp lý, nhất là những người được huy động từ xã hội, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định trách nhiệm của Sở Tư pháp công bố danh sách người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương, đăng tải trên Trang Thông tin điện tử của Sở Tư pháp và gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tư pháp. Đây là giải pháp góp phần đảm bảo tính công khai, minh bạch, công bằng và cạnh tranh bình đẳng giữa những người thực hiện trợ giúp pháp lý.
3. Về huy động nguồn tài chính từ xã hội cho công tác trợ giúp pháp lý
Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 xác định nguồn tài chính cho công tác trợ giúp pháp lý bao gồm: Nguồn ngân sách nhà nước; đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác. Bên cạnh đó, cũng khuyến khích các tổ chức, luật sư, cá nhân khác tự nguyện thực hiện trợ giúp pháp lý theo nguyên tắc “kinh phí cho hoạt động trợ giúp pháp lý của tổ chức tự nguyện thực hiện do tổ chức đó tự bảo đảm”... Nhà nước ghi nhận và tôn vinh các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp cho hoạt động trợ giúp pháp lý dưới mọi hình thức, thông qua đó, khẳng định sự ủng hộ và thừa nhận của Nhà nước và xã hội về trách nhiệm xã hội và những đóng góp của cơ quan, tổ chức, cá nhân cho sự phát triển xã hội, do đó, uy tín nghề nghiệp của tổ chức, cá nhân được nâng cao.
Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 cũng giao cho Bộ Tư pháp trách nhiệm “tiếp nhận hỗ trợ, đóng góp của tổ chức, cá nhân cho công tác trợ giúp pháp lý”, đồng thời, là cơ quan quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý, giúp Chính phủ thực hiện công tác khen thưởng trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý, trong đó có việc vinh danh các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp cho công tác trợ giúp pháp lý. Bộ Tư pháp cũng trực tiếp thực hiện công tác hợp tác quốc tế về trợ giúp pháp lý, thông qua đó tìm kiếm các chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho hoạt động trợ giúp pháp lý, kể cả việc lồng ghép hỗ trợ tài chính cho trợ giúp pháp lý trong các chương trình, dự án xoá đói giảm nghèo bền vững tại Việt Nam.
Có thể nói, trợ giúp pháp lý là một chính sách lớn, có tính nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý (đặc biệt là những người nghèo, người yếu thế trong xã hội), góp phần vào việc nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân, từ đó có những hành vi ứng xử đúng pháp luật. Đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí thường là người nghèo, người có công với cách mạng và những người yếu thế trong xã hội như: Người già cô đơn, người tàn tật, trẻ em, người dân tộc thiểu số. Với nhiều hình thức trợ giúp pháp lý như: Tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và các hình thức trợ giúp khác, ngày càng có nhiều người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em, người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn... được thụ hưởng quyền tiếp cận các dịch vụ pháp lý.
Xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý là một chủ trương lớn của Đảng đã được nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 nhằm thu hút các nguồn lực xã hội, sự tham gia của tổ chức, cá nhân chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong công tác trợ giúp pháp lý, tăng thêm cơ hội, khả năng tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý của người dân, giảm bớt gánh nặng công việc lên các cơ quan nhà nước. Bởi vậy, nên khuyến khích các tổ chức luật sư tham gia tự nguyện hỗ trợ pháp lý cho người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Điều này một mặt tận dụng được trí tuệ, trình độ, nguồn lực trong xã hội; mặt khác, sẽ góp phần làm giảm gánh nặng cho Nhà nước về biên chế, ngân sách và các chi phí hành chính khác./.
Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bắc Ninh
[1]. Đến tháng 6/2015 trên toàn quốc có 56/203 Công ty luật, 226/806 Văn phòng luật sư, 82/124 Trung tâm tư vấn pháp luật đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý, nhưng thực tế chỉ có một phần rất nhỏ, hầu như không đáng kể các tổ chức này có nhận việc và thực hiện trợ giúp pháp lý với tư cách tổ chức.