1. Vài nét khái quát về thuế carbon
1.1. Khái niệm
Hiện nay, trên thế giới có 37 quốc gia và khu vực đã áp dụng thuế carbon, bao gồm Anh, Pháp, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore...[1] nhưng chưa có một định nghĩa thống nhất về thuế carbon do phụ thuộc vào phương pháp tiếp cận của thuế carbon là phương pháp tiếp cận nhiên liệu hay phương pháp tiếp cận phát thải trực tiếp. Trong đó: (i) Phương pháp tiếp cận nhiên liệu là phương pháp tiếp cận lượng khí thải carbon có liên quan chặt chẽ đến hàm lượng carbon của một loại nhiên liệu cụ thể. Do đó, lượng khí thải từ quá trình đốt cháy nhiên liệu có thể được xác định bằng các yếu tố phát thải carbon được tiêu chuẩn hóa. (ii) Phương pháp tiếp cận phát thải trực tiếp là phương pháp mà thuế carbon hướng đến đối tượng là khí thải được phát thải trực tiếp tại nguồn phát thải, hay nói cách khác, là nơi đốt cháy nhiên liệu và trực tiếp xả thải khí nhà kính ra môi trường mà không cần quan tâm đến khí thải đó xuất phát từ nhiên liệu nào và quy trình đốt cháy cụ thể.
Theo Liên Hợp quốc, thuế carbon được định nghĩa “là một khoản tiền bắt buộc phải nộp cho Nhà nước, đánh vào lượng khí thải carbon hoặc các khí thải khác nhằm mục đích giảm lượng khí thải dựa trên carbon tương ứng (hoặc tương đương) trong khí quyển và do đó được đặc trưng là có cả mục đích kinh tế và hiệu quả môi trường”[2]. Cách định nghĩa này của Liên Hợp quốc phù hợp với định nghĩa chung của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về thuế liên quan đến môi trường là “khoản tiền bắt buộc phải nộp cho Chính phủ, được đánh vào các cơ sở thuế có liên quan đến môi trường”[3]. Định nghĩa về thuế carbon của Liên Hợp quốc cho thấy, định nghĩa của thuế carbon được tiếp cận với phương pháp tiếp cận phát thải trực tiếp, từ đó, thuế carbon sẽ được đánh vào khí thải carbon và các khí nhà kính khác để nhằm thực hiện mục tiêu về kinh tế và môi trường. Tương tự với khái niệm của Liên Hợp quốc, Ngân hàng Thế giới (WB) định nghĩa: “Thuế carbon là một loại thuế nêu rõ giá phát thải khí nhà kính hoặc sử dụng số liệu trực tiếp dựa trên carbon (nghĩa là giá mỗi tCO2e)”[4].
Tuy nhiên, khi dựa trên phương pháp tiếp cận nhiên liệu thì OECD lại định nghĩa, thuế carbon “là một cách tăng chi phí nhiên liệu hóa thạch để khuyến khích bảo tồn năng lượng thông qua việc giảm nhu cầu đối với hàng hóa, dịch vụ sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch (với mức giá đã bao gồm thuế cao hơn phản ánh chi phí môi trường) và thay thế bằng các công nghệ hiệu quả và thân thiện với môi trường hơn”[5]. Với cách tiếp cận này thì thuế carbon sẽ được thu vào đối với các nhiên liệu hóa thạch do dựa trên mối quan hệ giữa hàm lượng carbon có trong các nhiên liệu hóa thạch và khí thải do chúng tạo ra trong quá trình đốt cháy. Do đó, bằng cách tăng giá nhiên liệu sẽ giúp giảm nhu cầu tiêu dùng nhiên liệu dẫn đến việc hạn chế khí nhà kính và đạt được các mục tiêu cụ thể mà thuế carbon đặt ra.
Như vậy, dựa vào cách tiếp cận của thuế carbon và định nghĩa của các tổ chức uy tín trên thế giới về thuế carbon, thuế carbon có thể được hiểu như sau: “Thuế carbon hay thuế đốt cháy nhiên liệu là thuế gián thu, với đối tượng chịu thuế là nhiên liệu hóa thạch hoặc các loại khí nhà kính gây ra hiệu ứng nhà kính và thuế carbon sẽ đạt được mục tiêu là một loại thuế nhằm bảo vệ môi trường thông qua hình thức định giá carbon”.
1.2. Đặc điểm của thuế carbon
Thuế carbon có bản chất giống như các sắc thuế thông thường khác. Bên cạnh đó, thông qua việc nghiên cứu khái niệm của thuế carbon cho thấy, thuế carbon còn có một số đặc điểm cơ bản như sau:
Thứ nhất, thuế carbon là một loại thuế gián thu. Theo đó, thuế carbon sẽ được thu vào sản phẩm chứa hàm lượng carbon khi sử dụng sẽ dẫn đến tình trạng phát thải ra khí nhà kính. Như vậy, thuế carbon sẽ đánh vào tiêu dùng của người dùng cuối cùng (người chịu thuế), còn việc thu thuế đối với tổ chức (chủ thể sản xuất, khai thác, nhập khẩu đối tượng chịu thuế carbon - người nộp thuế) chỉ mang tính chất trung gian để bảo đảm về việc tiến hành thu thuế carbon. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả của sản phẩm chứa hàm lượng carbon do giá thành sản phẩm này được cấu thành có cả thuế carbon. Bằng cách này, thuế carbon có tác dụng điều tiết tiêu dùng của xã hội đối với các sản phẩm có chứa hàm lượng carbon, bởi vì, người tiêu dùng càng sử dụng nhiều sản phẩm chứa hàm lượng carbon thì càng phải chi trả nhiều tiền cho hành vi của mình.
Thứ hai, đối tượng chịu thuế carbon là nhiên liệu hóa thạch hoặc các loại khí nhà kính gây ra hiệu ứng nhà kính. Như vậy, đối tượng chịu thuế carbon có thể là than đá, dầu mỏ, sản phẩm của dầu mỏ hoặc là các loại khí thải như CO2, N2O, CH4... Việc đối tượng chịu thuế carbon được quy định là nhiên liệu hay là các loại khí nhà kính phụ thuộc vào việc các quốc gia tiếp cận thuế carbon theo hướng tiếp cận nhiên liệu hoặc tiếp cận phát thải trực tiếp. Điều này được quy định cụ thể bởi các quốc gia khác nhau với mục đích điều chỉnh khác nhau nhằm phù hợp với hệ thống thuế và hệ thống tính toán phát thải của mỗi quốc gia.
Thứ ba, mục đích của thuế carbon nhằm điều chỉnh lại hành vi sử dụng nhiên liệu hóa thạch hoặc khí nhà kính của các chủ thể phát thải vào môi trường. Bởi lẽ, thuế carbon được đánh vào lượng phát thải carbon hoặc các loại khí nhà kính với một mức thuế suất nhất định, khiến cho chi phí của doanh nghiệp, người tiêu dùng tăng lên nếu các chủ thể không thay đổi xu hướng tiêu dùng, đổi mới công nghệ trong sản xuất để giảm thiểu phát thải carbon hoặc lựa chọn những sản phẩm có lượng phát thải carbon thấp. Do đó, hiệu quả của thuế carbon có thể cân bằng lại thị trường bằng cách xác định thuế bằng với chi phí xã hội của những tác động tiêu cực. Hay nói cách khác, thuế carbon được xem là một biểu hiện đặc trưng của thuế Pigouvian và loại thuế này được xây dựng dựa trên nền tảng cơ bản của nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”.
Thứ tư, thuế carbon là một hình thức định giá carbon hay nói cách khác là một công cụ kinh tế để bảo vệ môi trường. Bởi lẽ, hiện nay, đa số các quốc gia khi áp dụng thuế carbon đưa ra mức thuế suất được xác định bằng một số tiền tuyệt đối tính trên đơn vị 01 tấn CO2 hoặc 01 tấn CO2e phát thải vào môi trường. Từ đó, việc đánh thuế làm cho các hoạt động phát thải khí nhà kính trở nên đắt đỏ hơn thông qua việc áp chi phí cho mỗi tấn khí nhà kính tương đương thải ra khí quyển, từ đó mà thuế carbon có thể đạt được mục tiêu trung hòa carbon.
1.3. Nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền
Nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền (PPP) là một trong những nguyên tắc quan trọng được áp dụng trong lĩnh vực quản lý môi trường ngày càng được phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới do OECD soạn thảo năm 1972[6]. PPP áp đặt trách nhiệm pháp lý đối với người gây ô nhiễm môi trường và yêu cầu người gây ô nhiễm phải bồi thường thiệt hại gây ra cho sức khỏe con người hoặc môi trường về trạng thái ban đầu. Ý tưởng chính của nguyên tắc này là mỗi người gây ô nhiễm phải đạt được mức sản xuất và ô nhiễm có hiệu quả kinh tế, người gây ô nhiễm không chỉ nhìn thấy lợi ích của hoạt động gây ô nhiễm mà còn cả những tác hại đối với người khác hoặc môi trường[7]. Như vậy, nội dung chủ yếu của PPP là xác định chủ thể gây ô nhiễm và số tiền họ phải trả cho hành vi gây ô nhiễm. Các hình thức trả tiền cho hành vi gây ô nhiễm theo PPP được quy định trong pháp luật ở các quốc gia gắn liền với cách hiểu về chủ thể gây ô nhiễm và các căn cứ tính số tiền phải trả cho hành vi gây ô nhiễm theo nguyên tắc này[8]. Tuy nhiên, việc gây ô nhiễm môi trường theo PPP là những hành vi hợp pháp, người phải trả tiền theo PPP bao gồm những chủ thể có hành vi gây tác động xấu tới môi trường trong khuôn khổ pháp luật cho phép, những chủ thể khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên (được xác định chủ yếu vào mục đích, quy mô của việc sử dụng và ảnh hưởng đến môi trường của việc sử dụng) và chủ thể có hành vi xả thải vào môi trường. Tại Việt Nam, PPP được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau và được vận dụng vào các loại thuế, phí phải trả khác nhau khi thực hiện hành vi gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay, pháp luật Việt Nam quy định việc người gây ô nhiễm phải trả tiền được thực hiện dưới hình thức là một khoản phải trả cho các hành vi như sau: Khai thác tài nguyên thiên nhiên (thuế tài nguyên), thuế bảo vệ môi trường, phí bảo vệ môi trường (đối với nước thải, khai thác khoáng sản), tiền phải trả cho việc sử dụng dịch vụ (dịch vụ thu gom rác, dịch vụ quản lý chất thải nguy hại…), tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên và tiền phải trả cho việc sử dụng cơ sở hạ tầng (tiền thuê kết cấu hạ tầng trong khu công nghiệp bao gồm cả tiền thuê hệ thống xử lý chất thải tập trung)[9].
Có thể nói, PPP là phương pháp để bảo đảm sự công bằng trong việc quản lý của Nhà nước về môi trường, bởi lẽ, môi trường là của chung, hành vi làm môi trường xấu đi của mỗi chủ thể trong xã hội là không giống nhau, mức độ ô nhiễm của các chủ thể gây ra là khác nhau nên không thể để tất cả các chủ thể trong phạm vi ảnh hưởng đều phải gánh chịu. Do đó, người nào gây ra ô nhiễm cho môi trường nhiều hơn thì phải thực hiện những nghĩa vụ pháp lý nặng hơn.
1.4. Mối liên hệ giữa nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền và thuế carbon
PPP được xem là một trong những nguyên tắc cốt lõi để sử dụng các công cụ kinh tế nhằm bảo vệ môi trường. Theo đó, thuế carbon là một trong những công cụ kinh tế quan trọng hiện nay bên cạnh thị trường carbon và hữu hiệu để giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Có thể nói rằng, thuế carbon được xây dựng dựa trên nền tảng của PPP, theo đó, PPP sẽ chi phối đến việc thuế carbon có thực sự có hiệu quả trong vấn đề bảo vệ môi trường hay không.
Với nguyên lý căn bản của PPP thì người gây ô nhiễm cần phải trả một số chi phí nhất định để bù đắp lại cho hành vi tác động đến môi trường do hoạt động của mình đến môi trường. Do đó, khi xây dựng thuế carbon, các nhà hoạch định chính sách sẽ cần tính toán chi phí để bảo vệ môi trường để đưa vào giá thành của nhiên liệu khi bán ra thị trường. Như vậy, khi thuế carbon được áp dụng thì giá sản phẩm là đối tượng chịu thuế của thuế carbon sẽ tăng. Đối với thuế carbon thì PPP thể hiện rõ nét nhất thông qua mức thuế suất của thuế carbon. Theo đó, để bảo đảm thuế carbon có hiệu quả nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính, định hướng lại hành vi của người tiêu dùng chuyển dịch sang sử dụng sản phẩm có hàm lượng carbon thấp và thúc đẩy chuyển đổi công nghệ, đòi hỏi mức thuế suất thuế carbon đưa ra phải ở mức đủ cao để thực hiện được mục tiêu của mình. Tuy nhiên, khi thuế carbon được áp dụng sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, do đó, mức thuế suất cũng cần được tính toán hợp lý để tránh gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế và những chủ thể bị ảnh hưởng nhiều bởi thuế carbon như: Doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình, cá nhân có thu nhập thấp. Hiện nay, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khuyến nghị các nước G20 áp dụng thuế carbon ở mức 35 USD/tCO2 (giới hạn dưới) và 70 USD/tCO2 (giới hạn trên) phù hợp với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris năm 2015[10] và Ủy ban cấp cao về giá carbon khuyến nghị, các quốc gia để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính cần phải bảo đảm mức thuế suất tại Kết luận vào năm 2017 rằng, giá carbon cần phải ở mức 40 USD/tCO2 (giới hạn dưới) đến 80 USD/tCO2 (giới hạn trên) vào năm 2020 và đạt 50 USD/tCO2 (giới hạn dưới) đến 100 USD/tCO2 (giới hạn trên) vào năm 2030 để đi đúng hướng nhằm giữ nhiệt độ dưới 02 độ C[11]. Tuy nhiên, việc đưa ra mức thuế suất thuế carbon còn phụ thuộc vào tình hình kinh tế - xã hội để lựa chọn ra một mức thuế suất phù hợp. Theo khảo sát, hiện nay, mức thuế suất thuế carbon của hơn 37 quốc gia, khu vực ban hành và áp dụng thuế carbon thì các quốc gia sẽ có mức thuế suất khác nhau, theo đó, mức thuế suất thuế carbon của các quốc gia trên thế giới dao động từ khoảng 02 USD/tCO2e (Indonesia) đến 137,24 USD/tCO2e (Thụy Điển)[12]. Khoảng cách của mức thuế suất dao động với biên độ lớn giữa các quốc gia và có nhiều mức thuế suất thuế carbon khác nhau như trên xuất phát từ nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng khác biệt, bởi lẽ, sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia là không đồng đều nên các quốc gia phải có sự cân nhắc về chính sách nhằm bảo đảm phù hợp để phát triển bền vững.
Kết quả của nghiên cứu kinh tế học chỉ ra rằng, nếu mức thuế suất thuế carbon của Việt Nam bắt đầu với mức 89.861 đồng (3,86 USD) cho mỗi tCO2 vào năm 2022 và tăng ở mức 10% thực tế mỗi năm được ước tính sẽ giảm lượng phát thải khoảng 11,2% vào năm 2030 và phù hợp với mục tiêu đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) có điều kiện cho năng lượng mà không gây ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế của Việt Nam[13].
2. Một số gợi mở cho Việt Nam
Hiện nay, thuế carbon tại Việt Nam đang là một vấn đề tương đối mới và đang trong quá trình nghiên cứu để tương lai gần có thể bổ sung vào hệ thống pháp luật Việt Nam. Trong bối cảnh Việt Nam đang là một quốc gia đang phát triển, mặc dù hệ thống quản lý thuế của Việt Nam được xây dựng và phát huy hiệu quả, nhưng vẫn chưa thực sự đủ mạnh để có thể kiểm soát những vấn đề phức tạp liên quan đến thuế carbon theo phương pháp tiếp cận phát thải trực tiếp. Ngoài ra, hiện nay, hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển và chưa có nhiều phép thử cho tính ổn định, tính tương thích của hệ thống MRV tại Việt Nam nhằm tạo ra được cơ chế để đo đạc chính xác lượng phát thải khí nhà kính.
Đóng vai trò là công cụ chính sách mới được đề cập trong những năm gần đây, mặc dù chưa có định hướng cụ thể về việc áp dụng thuế carbon nhưng với tính chất cần thiết trong việc làm giảm phát thải khí nhà kính, việc đề xuất áp dụng thuế carbon và xây dựng lộ trình áp dụng thuế carbon rất cần được cân nhắc. Dựa trên việc phân tích khái niệm, đặc điểm của thuế carbon và thông qua nghiên cứu về nội dung, mục đích của PPP và mối liên hệ cơ bản giữa thuế carbon và PPP, đưa ra một số gợi mở liên quan đến thuế carbon đối với Việt Nam như sau:
Thứ nhất, tùy thuộc vào Việt Nam tiếp cận theo phương pháp tiếp cận phát thải trực tiếp hay phương pháp tiếp cận nhiên liệu thì Việt Nam cũng cần tiếp thu về khái niệm của thuế carbon. Theo đó, thuế carbon hay thuế đốt cháy nhiên liệu là thuế gián thu, với đối tượng chịu thuế là nhiên liệu hóa thạch hoặc các loại khí nhà kính gây ra hiệu ứng nhà kính và thuế carbon sẽ đạt được mục tiêu là một loại thuế nhằm bảo vệ môi trường thông qua hình thức định giá carbon. Điều này cung cấp một khái niệm ở góc độ lý luận và thông qua đó, có thể hiểu được đặc điểm của thuế carbon.
Thứ hai, về đối tượng chịu thuế của thuế carbon, Việt Nam có thể nghiên cứu tiếp cận theo hướng đối tượng chịu thuế là nhiên liệu hóa thạch và các sản phẩm phái sinh từ chúng như: (i) Xăng, dầu, dầu nhờn có nguồn gốc hóa thạch; (ii) Các loại than đá; (iii) Khí tự nhiên. Bởi lẽ, ba nhóm đối tượng chịu thuế này là nhóm nhiên liệu được sử dụng phổ biến và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đặc biệt các nhiên liệu này được đốt cháy nhằm sử dụng chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng và sản xuất công nghiệp ở cường độ cao. Trong quá trình đốt cháy các nhiên liệu này đều phát thải ra một số lượng khí nhà kính ở mức độ cao. Việc tăng giá đối với các sản phẩm này giúp đạt được mục tiêu giảm thiểu phát thải khí nhà kính của thuế carbon thông qua định giá carbon có trong nhiên liệu.
Thứ ba, về người nộp thuế, Việt Nam có thể nghiên cứu, quy định người nộp thuế là chủ thể sản xuất, nhập khẩu đối với các đối tượng chịu thuế. Điều này giúp cơ quan quản lý thuế dễ quản lý và thuận tiện cho quá trình thu thuế do số lượng của các đối tượng này ít hơn so với việc thu trực tiếp của người sử dụng sản phẩm, hơn nữa, Việt Nam đã có một hệ thống thuế ổn định và với cách thức này thì cơ quan thuế Việt Nam đã có kinh nghiệm do được thực hiện ở thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt…
Thứ tư, về mức thuế suất thuế carbon, trong quá trình xây dựng thuế carbon tại Việt Nam, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải có sự cân nhắc cẩn thận đối với mức thuế suất của thuế carbon. Theo đó, mức thuế suất của thuế carbon khi ban hành tại Việt Nam cần phải áp dụng một mức thuế suất đủ cao để giúp thực hiện được mục tiêu của thuế carbon là giảm thiểu phát thải khí nhà kính, thay đổi thói quen tiêu dùng và đẩy mạnh đổi mới công nghệ theo hướng carbon thấp. Tuy nhiên, cũng phải bảo đảm rằng, mức thuế suất khi được áp dụng phải nằm trong ngưỡng chịu đựng của nền kinh tế nhằm tránh gây ra hiệu ứng tiêu cực đối với nền kinh tế khi áp dụng thuế carbon. Dựa trên việc nghiên cứu tình hình áp dụng mức thuế suất thuế carbon của các quốc gia trên thế giới, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam và dựa trên nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế, tác giả đề xuất Việt Nam nên lựa chọn mức thuế suất khoảng 05 USD/tCO2.
Thứ năm, khi nghiên cứu áp dụng thuế carbon tại Việt Nam, ngoài việc nghiên cứu PPP thì cần phải có sự kết hợp của các nguyên tắc khác như: Nguyên tắc phòng ngừa, nguyên tắc hiệu quả, nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng khác biệt và nguyên tắc phát triển bền vững để bảo đảm được tính hiệu quả của thuế carbon khi được ban hành và áp dụng tại Việt Nam./.
Nguyễn Văn Dương
Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh
[1]. The World Bank, State and Trends of Carbon Pricing Dashboard, https://carbonpricingdashboard.worldbank.org/, truy cập ngày 25/5/2024.
[2]. United Nations (2021), United Nations Handbook on Carbon taxation for developing countries, New York, tr. 23.
[3]. OECD (2017), OECD report for the G7 Environment Ministers, Italy, tr. 6.
[4]. World Bank Group (2017), Carbon Tax Guide - A Hanbook for Policy Makers, Partnership for Marker Readiness, tr. 27.
[5]. OECD (2001), Environmentally Related Taxes in OECD Countries - Issues and Strategies, OECD Publishing, Paris, tr. 71.
[6]. Nguyễn Ngọc Anh Đào, Pháp luật về sử dụng các công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay, Luận án Tiến sỹ Luật học, Học viện Khoa học Xã hội - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, 2013, tr. 32.
[7]. Abhishek Gaur, Suresh Kumar Gurjar, Sangeeta Chaudhary, Chapter 22: Circular system of resource recovery and reverse logistics approach: key to zero waste and zero landfill - Advanced Organic Waste Management, Elsevier, 2022, pp. 365 - 381, https://doi.org/10.1016/B978-0-323-85792-5.00008-3.
[8]. Võ Trung Tín (2018), Nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền theo pháp luật Việt Nam, Luận án Tiến sỹ Luật học, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 44.
[9]. Võ Trung Tín, Hình thức thực hiện nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=208181, truy cập ngày 26/6/2024.
[10]. Hemangi Gokhale (2021), “Japan’s carbon tax policy: Limitations and policy suggestions.,Current Research in Environmental Sustainability”, Current Research in Environmental Sustainability, Volume 3, 2021, 100082, ISSN 2666-0490, tr. 4.
[11]. World Bank (2023), State and Trends of Carbon Pricing 2023, Washington, tr. 19.
[12]. World Bank (2023), tlđd, tr. 19.
[13]. Thang Nam Do, Paul J. Burke (2021), “Carbon pricing in Vietnam: Options for adoption”, Energy and Climate Change, Volume 2, 100058, ISSN 2666-2787, https://doi.org/10.1016/j.egycc.2021.100058, truy cập ngày 25/5/2024.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 410), tháng 8/2024)