Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 702/QĐ-UBND kế hoạch triển khai Đề án “Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại” trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ngày 22/3/2014, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 1051/QĐ-UBND cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại TP Vinh, có trụ sở tại số 15B, đường Hà Huy Tập, TP Vinh, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp với hình thức công ty hợp danh, trên cơ sở đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại. Nhờ đó, bước đầu đã tạo được sự đồng thuận, quyết tâm của các cơ quan có trách nhiệm trực tiếp triển khai thí điểm và nâng cao nhận thức của người dân đối với chế định này. Bài viết dưới đây đã nêu nên những kết quả bước đầu, những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thực hiện chế định Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Nghệ An, những nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới nhằm đưa Thừa phát lại ngày một phát triển, đi sâu vào đời sống của người dân hơn.
Nghệ An được Bộ Tư pháp lựa chọn là một trong 13 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại. Để triển khai thực hiện, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã kịp thời chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội và các quy định của Chính phủ về việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại địa phương. Nhờ đó, bước đầu đã tạo được sự đồng thuận, quyết tâm của các cơ quan có trách nhiệm trực tiếp triển khai thí điểm và nâng cao nhận thức của người dân đối với chế định này.
Để tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, nhiều giải pháp đồng bộ đã được đặt ra. Trước hết là đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng. Trên cơ sở kế hoạch truyền thông, phổ biến về chế định Thừa phát lại của Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp - cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tiến hành nhiều hình thức tuyên truyền như: Tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ Thừa phát lại và các văn bản pháp luật có liên quan cho các cá nhân, tổ chức, đơn vị; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Nghệ An, Báo Công an Nghệ An lồng ghép, xây dựng các chương trình, tin bài để thông tin, giới thiệu về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tác động của chế định Thừa phát lại và việc triển khai thí điểm chế định này trên phạm vi toàn tỉnh; viết các tin bài trên các số Tập san Pháp luật và Đời sống (với số lượng gần 20.000 cuốn) và trên các báo địa phương thuộc quản lý của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; biên soạn và phát hành tờ gấp tìm hiểu về chế định Thừa phát lại với số lượng hơn 11.000 bản để cung cấp cho các huyện, thành phố, thị xã, các Văn phòng Thừa phát lại nhằm truyền thông, phổ biến cho cán bộ, nhân dân; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Nghệ An xây dựng phóng sự với thời lượng 15 - 20 phút mỗi phóng sự để phản ánh một số kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh; mở chuyên trang về Thừa phát lại trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh, thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật và hoạt động liên quan để làm kênh thông tin chính thống, toàn diện về việc thí điểm chế định Thừa phát lại.
Cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức các cuộc họp Ban Chỉ đạo Đề án tỉnh Nghệ An, có sự tham gia của các Văn phòng Thừa phát lại và các cơ quan, đơn vị có liên quan, nhằm kịp thời phát hiện các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, từ đó đề xuất, hướng dẫn, chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ.
Để nâng cao năng lực quản lý, phương pháp thực hiện thí điểm Thừa phát lại tại địa phương, Ban Chỉ đạo và Văn phòng Thừa phát lại đã có chuyến đi học tập kinh nghiệm triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh - địa phương đi đầu, thực hiện khá tốt, có hiệu quả việc thí điểm.
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành có liên quan thường xuyên có văn bản yêu cầu các Văn phòng Thừa phát lại cung cấp thông tin, báo cáo tình hình triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, phản ánh những khó khăn, vướng mắc và đề xuất những giải pháp tháo gỡ.
Ngoài ra, việc thành lập và đăng ký hoạt động cho 02 Văn phòng Thừa phát lại thành phố Vinh và Kim Tiến Tây bắc Nghệ An (huyện Diễn Châu) đã đúng lộ trình theo Đề án và Kế hoạch đã đề ra. Đến hết năm 2015, 02 Văn phòng Thừa phát lại đã tống đạt 25.794 văn bản, thu được hơn 2 tỷ đồng; lập 60 vi bằng, thu được 69,5 triệu đồng; xác minh điều kiện thi hành án được 16 vụ việc, thu được 89 triệu đồng và tổ chức thi hành án được 13 vụ việc, thu hơn 401 triệu đồng; trong 06 tháng đầu năm 2016, các Văn phòng Thừa phát lại đã đăng ký 12 vi bằng (chỉ bằng 1/3 so với năm 2015), thu được 24 triệu đồng.
Tại hội nghị tổng kết 02 năm triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại Nghệ An, Ủy ban nhân dân đánh giá cao sự tham mưu tích cực của các ngành có liên quan trong tổ chức triển khai thực hiện; hiệu quả hoạt động Thừa phát lại bước đầu cho thấy, đây là chủ trương về xã hội hóa một số hoạt động tư pháp được ghi trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về một chủ trương mới của Đảng, Nhà nước, tạo cơ chế để người dân tăng cường tính chủ động, tích cực trong các quan hệ dân sự, hành chính. Trong đó, việc lập vi bằng của Thừa phát lại được người dân đón nhận hết sức tích cực vì đã tạo thêm một công cụ pháp lý để người dân tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong thực hiện các giao dịch dân sự và trong các quá trình tố tụng tư pháp. Hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại bên cạnh các cơ quan thi hành án của Nhà nước đã tạo điều kiện để người dân có thêm sự lựa chọn phù hợp với năng lực, điều kiện của cá nhân khi yêu cầu thi hành án dân sự.
2. Những khó khăn, vướng mắc
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trong thời gian qua vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc. Do chế định Thừa phát lại đang trong thời gian thí điểm nên mô hình tổ chức, hoạt động, phạm vi công việc và các cơ chế, điều kiện hoạt động chưa được quy định cụ thể. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền còn hạn chế nên một số cấp ủy, chính quyền, các ngành, cán bộ và nhân dân chưa hiểu và nhận thức đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của chế định Thừa phát lại, do vậy, còn nhiều hạn chế trong phối hợp, tổ chức thực hiện.
Ngoài ra, sự phối hợp của một số ngành liên quan chưa đồng bộ, chưa chỉ đạo tích cực các đơn vị cấp dưới thực hiện nghiêm túc việc bàn giao văn bản tống đạt, chậm hoặc không bàn giao, gây khó khăn cho các Văn phòng Thừa phát lại. Một số đơn vị không chỉ đạo các ban, ngành có liên quan phối hợp với các Văn phòng Thừa phát lại khi thực hiện.
Hơn nữa, đội ngũ Thừa phát lại và nhân viên Văn phòng Thừa phát lại còn mỏng, năng lực, trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp còn hạn chế; còn thiếu nguồn Thừa phát lại để thành lập thêm Văn phòng Thừa phát lại theo Kế hoạch đã đề ra.
Trong tổ chức thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn do kinh phí phục vụ triển khai chế định Thừa phát lại còn hạn chế, đặc biệt là nguồn kinh phí cho công tác truyền thông, phổ biến chế định Thừa phát lại. Chương trình bồi dưỡng, đào tạo Thừa phát lại và thư ký Thừa phát lại chưa thực sự hiệu quả, thời gian đào tạo ngắn nên kỹ năng và nghiệp vụ hoạt động của Thừa phát lại chưa cao.
Sau khi có Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26/11/2015 của Quốc hội về thực hiện chế định Thừa phát lại, chế định Thừa phát lại đã chính thức được thực hiện trên địa bàn cả nước; công tác quản lý nhà nước về Thừa Phát lại được chuyển giao từ Tổng cục Thi hành án dân sự sang Cục Bổ trợ tư pháp quản lý nên một số nội dung chưa có quy định cụ thể, nhất là nguồn kinh phí thực hiện việc tống đạt chưa được cấp dẫn đến khó khăn cho các Văn phòng Thừa Phát lại khi thực hiện công việc.
3. Một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới
Để thực hiện tốt Nghị quyết số 107/2015/QH13, Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 14/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 107/2015/QH13, vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND và Quyết định số 1148/QĐ-UBND ngày 21/3/2016 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị Quyết số 107/2015/QH13 trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Trong đó, yêu cầu các sở, ban, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã thực hiện có hiệu quả một số nội dung như:
Một là, tập trung tuyên truyền chế định Thừa phát lại cho cán bộ, công chức và người dân hiểu về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Thừa phát lại, vai trò, sự cần thiết của chế định Thừa phát lại.
Hai là, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, các cấp trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ tham mưu trực tiếp như:
- Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác Thừa phát lại, tổ chức việc thanh tra, kiểm tra hoạt động Thừa phát lại;
- Cục Thi hành án dân sự tỉnh chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện nơi thực hiện chế định Thừa phát lại chuyển giao các văn bản cho các Văn phòng Thừa phát lại thực hiện tống đạt, phối hợp hỗ trợ Văn phòng Thừa phát lại trong việc tổ chức thi hành án dân sự;
- Các ngành có liên quan như: Công an tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Nghệ An, cơ quan thuế, bảo hiểm xã hội, hải quan… phối hợp, hỗ trợ Thừa phát lại thực hiện các nhiệm vụ trong quyền hạn của mình theo quy định;
- Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát Thanh - Truyền hình tỉnh và Báo Nghệ An phối hợp với Sở Tư pháp tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về chế định Thừa phát lại;
- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã tuyên truyền về Thừa phát lại trên trang thông tin điện tử của huyện, thành phố, thị xã; phối hợp với Sở Tư pháp và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức tăng cường công tác tuyên truyền về Thừa phát lại; chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng và các cơ quan chuyên môn phối hợp, hỗ trợ cho Thừa phát lại thực hiện công việc về thi hành án dân sự theo quy định của Luật Thi hành án dân sự và các văn bản pháp luật có liên quan;
- Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh chỉ đạo các Tòa án nhân dân cấp huyện chuyển giao việc tống đạt văn bản cho Thừa phát lại thực hiện; thông tin cho Sở Tư pháp việc thực hiện các công việc về tống đạt văn bản, thi hành án dân sự, số lượng và chất lượng của vi bằng được sử dụng làm chứng cứ trong xét xử tại Tòa án nhân dân tỉnh và Tòa án nhân dân huyện, thành phố, thị xã; Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tăng cường công tác giám sát việc triển khai thực hiện các hoạt động của Thừa phát lại.
Trên cơ sở Chỉ thị, Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, các ngành, các cấp sẽ có những giải pháp và sự phối hợp đồng bộ để tổ chức thực hiện có hiệu quả chế định Thừa phát lại trên địa bàn.
Sở Tư pháp Nghệ An