Phát triển bảo hiểm y tế toàn dân phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, đại diện Bộ Y tế cho biết, sau hơn 15 năm thi hành, Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 đã thực sự đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn, tính phù hợp của chính sách, chế độ bảo hiểm y tế theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro, là cơ chế bảo đảm nguồn tài chính cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các quy định của Luật đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, hạn chế. Điều này đã đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế nhằm tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả bảo hiểm y tế, bảo đảm thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế bao gồm 02 điều: Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, trong đó đã sửa đổi, bổ sung các nội dung của 36 điều, bổ sung 01 điều và một số khoản; Điều 2 là hiệu lực thi hành của Luật. Trên cơ sở đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế được xây dựng tập trung vào 04 nhóm chính sách, cụ thể: (i) Điều chỉnh đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan; (ii) Điều chỉnh phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ bảo hiểm y tế và yêu cầu chăm sóc sức khoẻ trong từng giai đoạn; (iii) Điều chỉnh các quy định bảo hiểm y tế có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; (iv) Phân bổ sử dụng quỹ bảo hiểm y tế hiệu quả.
Khắc phục các tồn tại, vướng mắc mang tính cấp bách
Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cơ bản nhất trí với các nội dung được đưa ra trong Dự thảo Luật. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đưa ra bất cập trong việc áp dụng quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu đưa vào các nội dung sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Luật, cụ thể: Theo quy định tại khoản 6 Điều 2 và Điều 29 Luật Bảo hiểm y tế hiện hành, một trong những nội dung giám định y tế được đưa ra gồm “kiểm tra, đánh giá việc chỉ định điều trị, sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế cho người bệnh” làm cơ sở để thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Quy định này trên thực tiễn thực hiện chưa được hiệu quả do kết quả kiểm tra, đánh giá thường dựa trên ý chí chủ quan của người thực hiện, dẫn đến một số vướng mắc, chưa bảo đảm tính công bằng trong việc thanh, quyết toán chi phí.
Ngoài ra, đại biểu còn đưa ra một số nội dung đề nghị cho cơ quan soạn thảo cân nhắc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung như: Trách nhiệm của cơ sở khám, chữa bệnh trong việc cung ứng thuốc cho người bệnh; thực hiện chuyển đổi số, xác thực định danh điện tử trong khám, chữa bệnh; vấn đề về điều chuyển thuốc giữa các cơ sở y tế; thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế...
Theo đại diện Bộ Quốc phòng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế có một số nội dung liên quan đến Luật Cơ yếu, Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Dân quân tự vệ, do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát kỹ lưỡng các nội dung, tránh chồng chéo. Cùng với đó, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tách riêng nội dung “học viên quân đội nhân dân, học viên công an nhân dân người Việt Nam và người nước ngoài; học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí người Việt Nam và người nước ngoài được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế” thành một điều khoản riêng để thống nhất với các quy định khác của dự thảo Luật.
Phát biểu kết luận phiên thẩm định, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đánh giá cao các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định và sự chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng của Bộ Y tế. Theo Thứ trưởng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế có tác động nhiều đến người dân, đặc biệt là các đối tượng khó khăn, yếu thế. Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát các khó khăn, vướng mắc của hoạt động bảo hiểm y tế trong thực tế để sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế một cách bài bản và bảo đảm phù hợp với các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, đánh giá tác động cụ thể đối với từng đối tượng, đặc biệt là các đối tượng yếu thế, đồng thời nghiên cứu quy định giao dự toán cho cơ quan bảo hiểm y tế; xây dựng cơ chế thống nhất quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về y tế trong công tác giám định y tế; làm rõ quy định về phòng khám, cơ sở khám tư nhân...
Thùy Dung