Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân đã khẳng định: “PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng”. Với tầm quan trọng của công tác này, ngày 20/6/2012, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật được ban hành, trong đó có quy định quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân; nội dung, hình thức PBGDPL; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và các điều kiện bảo đảm cho công tác PBGDPL. Trên cơ sở đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành ở trung ương và địa phương nói chung, tỉnh Hậu Giang nói riêng đã ban hành nhiều văn bản, trong đó có Chỉ thị số 32-CT/TU ngày 12/9/2017 của Tỉnh ủy Hậu Giang về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Các văn bản này quy định, hướng dẫn và yêu cầu các cơ quan chuyên môn, cơ quan nhà nước triển khai, thực hiện PBGDPL bằng nhiều hình thức phù hợp, đưa công tác này đi vào thực chất, hiệu quả hơn.
Trong những năm qua, công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã có những bước phát triển mới, được tổ chức dưới nhiều hình thức thiết thực, phong phú, sinh động, phù hợp hơn, ngày càng đi vào nề nếp, thống nhất, hiệu quả, đã giáo dục, nâng cao kiến thức, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân. Đến nay, nhận thức trong nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của pháp luật đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng sâu sắc, toàn diện và đầy đủ hơn. Từ đó, góp phần tích cực vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật.
Tuy nhiên, theo quy luật khách quan, yêu cầu phát triển của cuộc sống, đời sống nhân dân ngày càng nâng lên, thời gian làm việc trong nhân dân ngày càng nhiều, nên cần áp dụng các hình thức tuyên truyền cho phù hợp trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết. Qua đó, một số hình thức PBGDPL cần quan tâm, đẩy mạnh như:
Một là, tăng cường PBGDPL qua mạng xã hội Zalo, Facebook, Youtube và các mạng xã hội khác.
Hiện nay, cán bộ, công chức, viên chức, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở, người lao động và phần lớn người dân đều có điện thoại kết nối mạng 3G, 4G. Với điều kiện thuận lợi đó cùng với quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật “công dân có quyền được thông tin về pháp luật và có trách nhiệm chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật”, cần thiết kết nối Zalo, Facebook với nhân dân trên địa bàn tỉnh trong PBGDPL. Định kỳ (ngày, tuần, tháng) đưa các chủ đề, nội dung ngắn gọn, cô đọng, chính xác của pháp luật đến với nhân dân, nhằm hạn chế tình trạng người dân “ngại” đọc vì nội dung quá dài.
Hai là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL.
Trước yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cần phải phát huy tối đa hiệu quả công tác PBGDPL trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và để bảo đảm thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL, cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau đây:
- Đưa đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật, các tài liệu nghiệp vụ PBGDPL, nhất là tài liệu tập huấn chuyên sâu về các văn bản mới ban hành. Cập nhật đầy đủ, có hệ thống các thông tin pháp luật lên Cổng thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Hậu Giang. Với nhiều thông tin đa dạng, phù hợp, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của đông đảo nhân dân.
- Cổng thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Hậu Giang kết nối, liên thông với cổng/trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ Tư pháp, các sở, ngành, đoàn thể, địa phương của tỉnh. Đưa các tài liệu PBGDPL chuyên biệt cho từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực cụ thể và tài liệu PBGDPL chuyên sâu cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; cán bộ làm công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh để nhân dân khi có nhu cầu thì dễ dàng tiếp cận, khai thác và sử dụng.
- Thường xuyên tổ chức các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức pháp luật; thi đố vui pháp luật; các cuộc thi sáng tác các tiểu phẩm với chủ đề về PBGDPL và có giải thưởng cao trong các hình thức này, nhằm thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật.
Ba là, đổi mới phương thức triển khai pháp luật cho lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục củng cố, kiện toàn và có các giải pháp cụ thể để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật gắn với các vụ việc, tình huống, sự kiện pháp lý cụ thể trong quá trình triển khai. Luật, nghị quyết, pháp lệnh và các văn bản của trung ương, địa phương ban hành có tác động trực tiếp đến nhân dân, doanh nghiệp, người lao động và cơ quan, tổ chức thì phải kịp thời triển khai trực tiếp cho báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh bằng các hình thức phù hợp, trước khi văn bản có hiệu lực thi hành.
Trong mỗi nội dung tuyên truyền, ngoài chuẩn bị các nội dung về sự cần thiết, quan điểm chỉ đạo về việc ban hành và các nội dung cơ bản, trọng tâm của văn bản pháp luật thì báo cáo viên pháp luật phải có chuẩn bị đầy đủ các công cụ hỗ trợ phù hợp cho việc triển khai thực hiện, như máy chiếu, hình ảnh minh họa cho nội dung... Cần dành thời gian và đưa ra ít nhất 02 tình huống có liên quan thiết thực, mới trong mỗi văn bản triển khai. Các đại biểu tham dự cần phải tương tác, có ý kiến giải đáp, đánh giá cho tình huống đó và báo cáo viên đưa ra đáp án trên cơ sở quy định pháp luật đang triển khai. Với hình thức trình bày như vậy thì người nghe không thụ động mà phải nghĩ, phải đọc văn bản để tìm phương án trả lời tình huống, giúp họ nhớ lâu hơn.
Theo tài liệu tập huấn về “Nhạy cảm giới trong hòa giải ở cơ sở” của tiến sĩ Phan Thị Lan Hương - Trường Đại học Luật Hà Nội cho thấy, cần áp dụng cho đại biểu tham dự các phương pháp là: Vừa đọc văn bản, vừa nghe - nhìn, vừa tham gia cùng tìm hiểu, học hỏi thì sẽ nhớ nhiều nội dung hơn khi chỉ nghe giảng.
Bốn là, thực hiện nghiêm việc tổ chức sinh hoạt “Ngày Pháp luật” trong cơ cơ quan, đơn vị và trong dân.
Với quy định mỗi tháng một lần và căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các ấp, khu vực… xem xét tổ chức sinh hoạt “Ngày Pháp luật” bằng các hình thức phù hợp. Nội dung sinh hoạt là các văn bản pháp luật do trung ương, địa phương mới ban hành, văn bản về chuyên môn, nghiệp vụ của ngành mình và các chủ đề, lĩnh vực pháp luật “nóng” được mọi người quan tâm, tìm hiểu. Thực hiện nghiêm quy định đó, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các doanh nghiệp và nhân dân sẽ hiểu biết sâu về các lĩnh vực pháp luật được triển khai.
Năm là, đẩy mạnh và đổi mới công tác PBGDPL trên các phương tiện truyền thông đại chúng và cơ quan chuyên ngành đối với các văn bản pháp luật có liên quan trên địa bàn tỉnh.
Cơ quan báo, đài và các phương tiện truyền thông đại chúng trên địa bàn tỉnh, nhất là trong bối cảnh đổi mới báo chí gắn với truyền thông đa phương tiện, tương tác đa chiều và phản ứng thông tin nhanh nhạy hiện nay, ngoài việc đăng, phát các văn bản pháp luật liên quan ở trung ương và địa phương sau khi ban hành thì phải tuyên truyền theo chiều rộng hết các văn bản mà Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật yêu cầu tuyên truyền trong nhân dân trước khi văn bản có hiệu lực thi hành. Báo, đài phải thực sự trở thành diễn đàn phản ánh tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của người dân đối với pháp luật; giáo dục nêu gương người tốt, việc tốt trong tuân thủ, chấp hành pháp luật.
Cơ quan chuyên ngành có liên quan đối với các văn bản pháp luật do trung ương và địa phương ban hành thì tuyên truyền theo chiều sâu, cụ thể, chi tiết cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân bằng các hình thức phù hợp.
Sáu là, đổi mới giáo dục pháp luật trong nhà trường gắn với xây dựng con người Hậu Giang phát triển toàn diện, có trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật.
Không chỉ giáo dục, nâng cao ý thức, kiến thức pháp luật mà còn gắn với giáo dục kỹ năng, hành vi ứng xử phù hợp với pháp luật, tôn trọng và chấp hành pháp luật. Gắn kết chặt chẽ hơn giữa quy định của pháp luật với thực hành thông qua các tình huống, vụ việc pháp lý cụ thể để phát huy vai trò, tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học.
Chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy và học pháp luật trong các nhà trường, bảo đảm có đầy đủ phẩm chất, năng lực; không chỉ là một nhà giáo dục mà còn là một nhà thực hành pháp luật, một báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật tích cực; một gương sáng trong tự học tập, tìm hiểu pháp luật; tuân thủ và chấp hành pháp luật; thực sự là tấm gương để học sinh noi theo. Nâng cao hiệu quả các hoạt động giáo dục pháp luật ngoại khóa ngoài giờ lên lớp, như các cuộc thi, trò chơi, tình huống pháp luật… để huy động những người hành nghề trong lĩnh vực pháp luật, nhất là đội ngũ luật sư, luật gia tham gia tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật trong nhà trường, gắn với các tình huống, vụ việc, sự kiện thực tế nảy sinh trong nhà trường.
Bảy là, đổi mới các hoạt động PBGDPL thông qua thực tế pháp lý của các đối tượng.
Tăng cường đưa gương người tốt, việc tốt qua các phương tiện truyền thông đại chúng và pa nô, áp phích. Cán bộ, công chức, viên chức phải thực sự phát huy vai trò nêu gương, tích cực, chủ động, tự giác trong học tập, tìm hiểu pháp luật, tuân thủ và chấp hành pháp luật; mỗi người là một báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật tích cực; giải thích, thuyết phục để người dân hiểu, tin và theo, tự giác chấp hành pháp luật. Gắn kết công tác PBGDPL với công tác hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật và hoạt động nghề nghiệp của các tổ chức hành nghề trong lĩnh vực pháp luật. Nâng cao hiệu quả truyền thông pháp luật qua hệ thống thông tin cơ sở, khai thác, sử dụng có hiệu quả Tủ sách pháp luật điện tử.
Tám là, PBGDPL về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, tính quyết định của pháp luật.
Nhằm nâng cao ý thức tự giác tìm hiểu pháp luật, chấp hành pháp luật trong nhân dân thì vận động, thuyết phục người dân tuân thủ, chấp hành pháp luật, giải thích đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người dân; giải thích, thuyết phục, giáo dục để mỗi người dân có ý thức tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật; nắm bắt và hiểu biết đầy đủ về nội dung, tinh thần của các quy định của pháp luật; xây dựng niềm tin, luôn tin tưởng vào pháp luật; vận dụng pháp luật khi tham gia quan hệ xã hội; biết so sánh hành vi của mình với quy định của pháp luật để kiềm chế, không thực hiện hành vi pháp luật cấm hoặc không được thực hiện; biết sử dụng pháp luật để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi các quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm hại hoặc đe dọa xâm hại…
Thực hiện tốt các hình thức trên, nhân dân sẽ dễ dàng tiếp cận pháp luật, tự giác tìm hiểu, nâng cao kiến thức pháp luật và có ý thức chấp hành nghiêm pháp luật.
Đồng Việt Phương
Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang
Ảnh: internet