Ở nước ta, chế định Thừa phát lại đã từng tồn tại từ thời Pháp thuộc. Trải qua một khoảng thời gian dài, đến nay chế định này mới được áp dụng lại và đang trong giai đoạn thí điểm. Thể chế hóa chủ trương của Đảng, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14/11/2008 về thi hành Luật Thi hành án dân sự, trong đó quy định việc thí điểm chế định Thừa phát lại. Bộ Tư pháp đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 Về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh. Qua tổng kết cho thấy hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại đã thu được kết quả khả quan, được xã hội, người dân đón nhận tích cực. Từ kết quả này, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, theo đó, xác định giao Chính phủ tiếp tục tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 đến hết ngày 31/12/2015 và tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2015. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 510/QĐ-TTg ngày 25/3/2013 phê duyệt Đề án “Tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại”. Để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thống nhất lựa chọn 13 địa phương (kể cả thành phố Hồ Chí Minh) để mở rộng thí điểm chế định Thừa phát lại.
Hội nghị đã ghi nhận sự thành công bước đầu của công tác thí điểm, trao đổi về những kinh nghiệm, thuận lợi, khó khăn và từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chế định Thừa phát lại.
1. Về khó khăn, vướng mắc
Chế định Thừa phát lại là chế định mới nên không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc nảy sinh như:
- Về nhận thức: Nhiều cơ quan, tổ chức chưa nhận thức rõ ràng, đầy đủ và thiếu sự thống nhất về Thừa phát lại, nên họ chưa có sự phối hợp tốt trong quá trình thực hiện. Nhiều người dân vẫn còn xa lạ với loại hình dịch vụ này, chưa tin tưởng đối với một số việc do Thừa phát lại thực hiện. Có đại biểu còn đề nghị cần phải xác định rõ Thừa phát lại có phải là hoạt động kinh doanh hay là hoạt động gì?
- Về tổ chức nhân sự: Biên chế thực hiện công tác Thừa phát lại còn thiếu, trình độ chuyên môn nghiệp vụ chưa đồng đều…
- Văn bản pháp luật hướng dẫn, chỉ đạo, quy định về Thừa phát lại chưa được hoàn thiện, có những quy định còn thiếu hay còn mâu thuẫn, chưa thống nhất: Chưa có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên trong việc phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức; chưa quy định về kiểm sát lập vi bằng; chưa quy định phạm vi công việc Thừa phát lại; chưa phân biệt tách bạch Thừa phát lại với các hoạt động bổ trợ tư pháp khác (công chứng, luật sư, trợ giúp pháp lý, giám định tư pháp, tư vấn pháp luật…); còn có sự mẫu thuẫn với pháp luật về thuế, nhà đất, tín dụng, đăng ký tài sản…
2. Về đề xuất, kiến nghị
Từ những kinh nghiệm qua việc triển khai thí điểm thời gian qua và để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, các đại biểu cũng đã nêu lên những đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác Thừa phát lại.
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện chủ trương thí điểm chế định Thừa phát lại.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền.
Thứ ba, chú trọng đến công tác phối hợp, cần xây dựng quy chế phối hợp giữa các ban, ngành, cơ quan, tổ chức.
Thứ tư, hoàn thiện pháp luật về Thừa phát lại: Bổ sung những quy định còn thiếu, khắc phục những mâu thuẫn, trong đó cần sửa đổi ngay Nghị định số 61/2009/NĐ-CP vì Nghị định này chỉ áp dụng riêng cho thành phố Hồ Chí Minh.
Thứ năm, cần quan tâm đúng mức đến công tác tuyển chọn vì Thừa phát lại là một chức danh tư pháp do Nhà nước bổ nhiệm, nhân danh và được sử dụng quyền lực trong lĩnh vực tư pháp; cần bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho những người làm công tác này.
Đặc biệt, đại diện của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã nhấn mạnh đề xuất các địa phương trong quá trình thực hiện khi có vướng mắc phải báo cáo ngay để việc kiểm sát được thực hiện từ đầu và có phương án giải quyết ngay, tránh tình trạng vi phạm rồi rất khó xử lý.
Kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường – Trưởng Ban chỉ đạo – đã nêu rõ: Thừa phát lại là một giải pháp đúng đắn trong cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, Thừa phát lại cũng là một trong nhiều lĩnh vực tư pháp đã được Chủ tịch nước hoan nghênh là điểm sáng của ngành Tư pháp giúp người dân tiếp cận dịch vụ bình đẳng, an toàn. Thí điểm Thừa phát lại là tiền đề quan trọng và chúng ta có quyền tin tưởng rằng, việc thí điểm nhất định sẽ thành công, nghề Thừa phát lại sẽ khẳng định được vị trí, vai trò là người bạn đồng hành, hỗ trợ hữu ích cho các cơ quan tư pháp và mọi người dân, tổ chức trong nền tư pháp dân chủ, vì dân. Mặc dù phải thừa nhận một số việc thực hiện còn chậm hoặc rất chậm mà nguyên nhân một phần là do lúng túng về quy trình, thủ tục, một phần do phối kết hợp giữa các ngành với trung ương, địa phương nhưng quan trong là chúng ta đã rút ra được kinh nghiệm cần thiết. Bộ trưởng đã nêu ra những công việc cần phải thực hiện:
Một là, cần phê duyệt triển khai đề án phù hợp với trách nhiệm được giao, khi triển khai cần quan tâm đến sự phối kết hợp chặt chẽ. Địa phương cần khẩn trương hoàn thiện đề án theo đúng yêu cầu, đây là trách nhiệm thuộc giám đốc sở tư pháp và cục trưởng cục thi hành án.
Hai là, cần soạn thảo văn bản pháp luật để hoàn thiện pháp luật về chế định Thừa phát lại. Ban hành các thông tư liên tịch nhằm sửa đổi Nghị định số 61/2009/NĐ-CP.
Bộ trưởng nhấn mạnh Hội nghị cần thống nhất hai nhận thức:
- Thừa phát lại là công lại (giống công chứng viên) do Nhà nước bổ nhiệm (không phải là doanh nhân) để thực hiện dịch vụ công. Văn phòng Thừa phát lại tuy được thành lập dựa trên mô hình doanh nghiệp nhưng không phải là doanh nghiệp, không thể thành lập rồi lại giải thể được. Do đó, cần rất chặt chẽ khi bổ nhiệm Thừa phát lại.
- Thời điểm tổng kết báo cáo Quốc hội vào tháng 10/2015 nhưng không phải Văn phòng Thừa phát lại thành lập ra đến năm 2015 mà chấm dứt. Tháng 10/2015 có thể sẽ được xem xét bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh có một luật về Thừa phát lại.
Ba là, cần hoàn tất thủ tục bổ nhiệm Thừa phát lại, chậm nhất trong tháng 9/2013, các địa phương phải thực hiện hoàn tất thủ tục để Văn phòng Thừa phát lại đi vào hoạt động trong tháng 10/2013.
Bốn là, đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện thí điểm Thừa phát lại trong ngành, địa phương mình.
Ngô Huyền