Abstract: The paper analyses the theoretical overview of the justice and judicial power in the view of many famous scholars in the world as well as judicial power in some modern polity. On this basis, the paper approaches the judicial power in Vietnam and gives some basic factors that can affect the independence of the court system Vietnam in implementing judicial power - a constitutional right of the court according to the Constitution of Vietnam in 2013.
Khái niệm “tư pháp” được hiểu dưới nhiều góc độ khác nhau, theo nghĩa rộng nhất, tư pháp là sự công bằng, công lý và các thiết chế nhằm duy trì, bảo đảm sự công bằng, bảo vệ nền công lý. Trong tiếng Anh, tư pháp là “Justice” nghĩa là công lý, là một trong ba nhánh quyền lực để tổ chức và duy trì trật tự xã hội, xuất phát từ lý thuyết về sự phân chia quyền lực, được khởi xướng bởi các nhà triết học xưa, nhưng chỉ đến thời kỳ La Mã cổ đại, mới thực sự hiện hữu trong đời sống xã hội. Theo John Locke (1632 - 1704), một nhà triết học người Anh, thì quyền lực của Nhà nước là quyền lực của nhân dân. Nhân dân nhường một phần quyền của mình cho Nhà nước qua khế ước, theo đó, để chống lại độc tài, phải thực hiện sự phân quyền thành 3 lĩnh vực: Lập pháp, hành pháp và liên hợp. Theo đó, quyền lập pháp là quyền lực cao nhất trong Nhà nước và phải thuộc về Nghị viện. Quyền hành pháp phải thuộc về Nhà vua. Nhà vua lãnh đạo việc thi hành pháp luật, bổ nhiệm các chức vụ, Chánh án và các quan chức khác. Hoạt động của Nhà vua phụ thuộc vào pháp luật và không có đặc quyền nhất định nào với Nghị viện nhằm không cho phép Nhà Vua thâu tóm toàn bộ quyền lực về tay mình và xâm phạm vào các quyền tự nhiên của công dân. Nhà vua thực hiện quyền liên hợp là giải quyết các vấn đề chiến tranh, hòa bình và đối ngoại.
Những luận điểm phân quyền của J.Locke đã được học giả vĩ đại người Pháp Montesquieu phát triển một cách toàn diện và độc lập thành học thuyết tam quyền phân lập. Tiếp thu và phát triển tư tưởng về thể chế chính trị tự do, chống chuyên chế, Montesquieu xây dựng học thuyết phân quyền với mục đích tạo dựng những thể chế chính trị bảo đảm tự do cho người dân. Theo đó, quyền hành pháp và quyền liên hợp trong luận điểm của J.Locke tiếp tục được phân chia rõ hơn nữa, tách hẳn quyền thi hành pháp luật ra khỏi quyền xét xử. Theo ông, tự do chính trị của công dân là quyền mà người ta có thể làm mọi cái mà pháp luật cho phép. Pháp luật là thước đo của tự do, Montesquieu cho rằng, thể chế chính trị tự do là thể chế mà trong đó, quyền lực tối cao được phân thành ba quyền: Lập pháp, hành pháp và tư pháp. Ông cho rằng: “Trong bất cứ quốc gia nào đều có ba thứ quyền: Quyền lập pháp, quyền thi hành những điều hợp với quốc tế công pháp và quyền thi hành những điều trong luật dân sự”. Sự tiến bộ trong tư tưởng phân quyền của Montesquieu so với tư tưởng của J.Locke là đã tách quyền lực xét xử - quyền tư pháp ra độc lập với các thứ quyền khác và các quyền lực đều cân bằng nhau, không quyền nào cao hơn quyền nào. Montesquieu chủ trương phân quyền để chống lại chế độ chuyên chế, thanh toán nạn lạm quyền, để chính quyền không thể gây hại cho người bị trị và bảo đảm quyền tự do cho nhân dân.
Từ nguồn gốc hình thành trong học thuyết tam quyền thì quyền tư pháp là quyền xét xử, được thực hiện thông qua cơ quan có chức năng xét xử là Tòa án. Đây là quyền áp dụng các quy định của pháp luật có liên quan để xác định rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, hậu quả pháp lý của các bên tham gia tranh chấp dựa trên những tình tiết khách quan của vụ việc. Thực hiện quyền tư pháp là việc pháp luật được áp dụng, được tôn trọng và được thực thi. Thực hiện quyền tư pháp là một trong những cách hữu hiệu để quyền lập pháp mang giá trị xã hội đích thực và được tôn trọng trong thực tế. Quyền tư pháp gắn với Tòa án và chỉ Tòa án là cơ quan duy nhất có chức năng thực hiện quyền tư pháp, vì vậy, Tòa án còn được gọi là cơ quan tư pháp và chỉ Tòa án mới là cơ quan tư pháp. Đó là quan niệm về quyền tư pháp và cơ quan tư pháp của nhiều quốc gia trên thế giới, từ thời điểm hình thành học thuyết tam quyền lực cho đến hiện nay.
2. Quyền tư pháp trong một số chính thể hiện đại
Trong khoa học từ trước đến nay, sự phân biệt cụ thể các mô hình chính thể chủ yếu dựa vào quan hệ giữa quyền lập pháp và quyền hành pháp mà ít thấy vai trò của quyền tư pháp. Người ta nhận thức rằng, dưới góc độ chính thể, không thấy sự khác nhau giữa tư pháp của hình thức Nhà nước này với tư pháp của hình thức Nhà nước khác. Điều này được lý giải là: Dù Nhà nước được tổ chức theo hình thức này hay hình thức khác, thì tư pháp với đặc tính của nó vẫn tồn tại độc lập[1].
Theo truyền thống, đối tượng tác động của quyền tư pháp là các tranh chấp trong nhân dân và tranh chấp giữa nhân dân với Nhà nước. Nhưng cùng với xu hướng phát triển của dân chủ, Tòa án còn xem xét cả hành vi của các quan chức hành pháp, thậm chí là cả Tổng thống trong chính thể cộng hòa tổng thống. Như vậy, tương quan quyền lực trong mô hình chính thể có sự quan hệ giữa tư pháp và hành pháp. Hơn nữa, quyền tư pháp còn xem xét cả hành vi của Quốc hội lập pháp. Cùng với việc mở rộng đối tượng xét xử của Tòa án đối với các hoạt động của Chính phủ và Quốc hội, quyền tư pháp không còn thuần túy mang tính chất tố tụng mà thực tế trên phương diện nào đó trở thành một nhánh quyền lực ngày càng quan trọng, là một yếu tố không thể bỏ qua trong việc xem xét toàn diện mô hình chính thể ở các quốc gia hiện đại.
2.1. Quyền tư pháp trong chính thể cộng hòa tổng thống
Chính thể cộng hòa tổng thống, mà điển hình ở Mỹ, là một mô hình chính thể áp dụng nguyên tắc phân quyền một cách cứng rắn. Sự kìm chế và đối trọng không chỉ được thể hiện trong quan hệ lập pháp và hành pháp mà còn trong quan hệ giữa tư pháp với lập pháp và hành pháp. Hiến pháp của Mỹ quy định: “Quyền tư pháp Hợp chủng quốc được trao cho một Tòa án tối cao, và cho những Tòa án ở cấp thấp hơn mà Quốc hội có thể đôi khi quyết định và thiết lập”[2]. Tòa án Mỹ là một thể chế độc lập hành xử quyền tư pháp theo đúng mô hình tam quyền phân lập mà Montesquieu đã đưa ra. Các Chánh án do Tổng thống bổ nhiệm, Quốc hội phê chuẩn và có nhiệm kỳ suốt đời. Hiến pháp trực tiếp thành lập và phân định thẩm quyền của Tòa án tối cao Mỹ. Quốc hội không thể thay đổi các quyền của Tòa án tối cao được ấn định trong Hiến pháp. Hoạt động tài phán của Tòa án không chịu sự can thiệp của lập pháp và hành pháp.
2.2. Quyền tư pháp trong các chính thể đại nghị
Các Nhà nước theo chính thể đại nghị đều áp dụng nguyên tắc phân quyền một cách mềm dẻo. Biểu hiện rõ nét tính chất mềm dẻo của nguyên tắc phân quyền, quan hệ giữa các nhánh quyền lực là chế độ bất tín nhiệm Chính phủ và sự lật đổ Quốc hội. Nếu như trong chính thể cộng hòa tổng thống, do sự phân quyền cứng rắn, Tòa án độc lập hành xử quyền tư pháp, phán quyết của Tòa án tối cao là phán quyết cuối cùng, thì trong chính thể quân chủ đại nghị điều này lại không hẳn như vậy. Trong chính thể quân chủ đại nghị ở Anh, quyền tư pháp không chỉ thuộc về Tòa án, mà còn thuộc về Nghị viện. Trước khi Tòa án tối cao Vương quốc Anh ra đời và chính thức hoạt động từ ngày 01/10/2009, thì Thượng nghị viện là cấp xét xử cao nhất[3]. Đây chính là biểu hiện cho thấy học thuyết tam quyền phân lập không được thực hiện triệt để ở Anh trong thời gian dài. Ở chính thể cộng hòa đại nghị, Tòa án có quyền hủy bỏ một đạo luật vi phạm Hiến pháp. Ở các nước này thường tồn tại Tòa án Hiến pháp hay một cơ quan tương tự với tư cách là cơ quan tư pháp chuyên trách có thẩm quyền tài phán về hành vi lập pháp của Quốc hội, phán xét về tính hợp hiến của các văn bản pháp luật mà Quốc hội ban hành. Sau chiến tranh thế giới thứ I, nhiều nước châu Âu đã tổ chức Tòa án bảo hiến như Tiệp Khắc (theo Hiến pháp năm 1920), Áo (theo Hiến pháp năm 1920), Tây Ban Nha (theo Hiến pháp năm 1931). Sau chiến tranh thế giới thứ II, có hai quốc gia đã tổ chức Tòa án bảo hiến là Tây Đức và Ý[4]. Ở chính thể cộng hòa đại nghị, nếu đạo luật được xác nhận là vi hiến, Tòa án Hiến pháp tuyên bố hủy bỏ, không còn giá trị pháp lý. Ở đây, công dân nào cũng có quyền đệ đơn lên Tòa án Hiến pháp yêu cầu xem xét tính hợp hiến của một đạo luật nào đó. Những điều nói trên cho thấy, sự phân quyền giữa tư pháp với lập pháp và hành pháp trong chính thể cộng hòa đại nghị cũng là tương đối.
2.3. Quyền tư pháp trong chính thể cộng hòa lưỡng tính
Điển hình là Pháp, vừa có đặc điểm của chính thể cộng hòa tổng thống, vừa có đặc điểm của chính thể cộng hòa đại nghị. Tư pháp ở chính thể cộng hòa lưỡng tính giống với chính thể cộng hoà tổng thống và khác với chính thể cộng hòa đại nghị ở chỗ cơ quan tư pháp không thể hủy bỏ đạo luật do cơ quan lập pháp ban hành; nhưng nó khác với chính thể cộng hòa tổng thống và giống chính thể cộng hòa đại nghị ở chỗ tồn tại một cơ quan bảo vệ Hiến pháp chuyên biệt là Hội đồng bảo hiến. Hội đồng bảo hiến không hoàn toàn như Tòa án hiến pháp. Trong khoa học, người ta vẫn chưa thống nhất về bản chất của mô hình này. Favoreu cho rằng, Hội đồng bảo hiến Pháp “không khác với những Tòa án hiến pháp về thành phần, về thẩm quyền lẫn hoạt động của mình”[5]. Mô hình Hội đồng bảo hiến cho thấy nét đặc thù trong mối quan hệ giữ tư pháp với lập pháp và hành pháp của chính thể cộng hòa lưỡng tính ở Pháp.
Như vậy, quyền tư pháp là một nhánh quyền lực nhà nước không chỉ mang tính chất tố tụng mà còn mang yếu tố chính trị. Trong các chính thể khác nhau có sự khác nhau trong quan hệ giữa quyền tư pháp với quyền lập pháp và quyền hành pháp[6].
3. Tính độc lập của hệ thống Tòa án Việt Nam trong việc thực hiện quyền tư pháp
Ở Việt Nam, chúng ta đang xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Chúng ta có tiếp cận các tư tưởng pháp lý của các nước, các hệ thống pháp luật trên thế giới. Vì vậy, lý thuyết về tam quyền phân lập cũng được nhà nước ta tiếp thu có chọn lọc. Không cứng nhắc tiếp thu toàn bộ và rập khuôn, chúng ta vận dụng vào tình hình thực tế đất nước, kết quả của sự tiếp thu được thể hiện trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, khóa VII, năm 1995; Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII... Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có sự phân công phối hợp giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp với mục tiêu dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Một Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Theo học thuyết tam quyền phân lập thì ba thứ quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp phải độc lập với nhau, khống chế, đối trọng lẫn nhau, với một số nước sự độc lập ấy là cứng nhắc.
Ở Việt Nam, ba quyền lực nhà nước đó là sự phân công phối hợp với nhau, nói độc lập hoàn toàn cũng không đúng mà nói không độc lập thì cũng không hoàn toàn sai. Cơ quan tư pháp bao gồm: Tòa án nhân dân các cấp, Tòa án quân sự các cấp và Tòa án nhân dân tối cao. Tòa án trên nguyên tắc là cơ quan xét xử độc lập với nhánh hành pháp. Tuy nhiên, Hiến pháp Việt Nam không quy định rõ ràng quy chế tam quyền phân lập, tức là không tách riêng ba nhánh quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp ra mà cả ba nhánh này đều phải phối hợp trong công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật dưới sự lãnh đạo thống nhất và toàn bộ của Đảng[7]. Do vậy, tính độc lập của Ngành Tòa án còn khá nhiều hạn chế.
Quyền lực nhà nước được sinh ra trước hết tất cả phải thuộc về nhân dân, lấy cơ sở để thực hiện và vì lợi ích của nhân dân. Quyền lực nhà nước trong đó có quyền tư pháp phải được thực hiện một cách minh bạch, công khai, dân chủ, thống nhất theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật. Pháp luật ở Việt Nam được làm ra là để cụ thể hóa những chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, sau khi cụ thể hóa thành Hiến pháp và các đạo luật thì tinh thần thượng tôn pháp luật phải được ghi nhận, tôn trọng và thực hiện trên thực tế. Vấn đề đặt ra ở đây là liệu hệ thống Tòa án Việt Nam có độc lập trong việc thực hiện quyền tư pháp hay không?. Đây là một câu hỏi lớn và có nhiều quan điểm khác nhau. Theo quan điểm cá nhân, không chỉ có hệ thống Tòa án mà các cơ quan tư pháp khác ở Việt Nam cũng chưa thực sự độc lập để thực hiện quyền tư pháp[8]. Các chính sách, mục tiêu cải cách tư pháp đang mong muốn sự độc lập này nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc, tồn tại mang tính cơ bản cần nhận diện và khắc phục như sau:
Thứ nhất, Tòa án của chúng ta đặt theo địa giới hành chính, nằm dưới sự chỉ đạo, ảnh hưởng to lớn của lập pháp và hành pháp[9]
- Ở cấp tối cao, việc thành lập Tòa án nhân dân tối cao và các thành viên của Tòa án nhân dân tối cao phụ thuộc chặc chẽ vào quyền lập pháp. Ở các nước theo tam quyền phân lập, thì tư pháp là một nhánh quyền lực riêng, độc lập, đối trọng với các quyền hành pháp và quyền lập pháp. Ở Việt Nam, chế độ tập quyền xã hội chủ nghĩa đã tồn tại trong một thời gian dài dường như làm cho quyền hành pháp và quyền tư pháp yếu thế hơn, phụ thuộc hơn đôi khi có sự nhầm tưởng quyền tư pháp và quyền hành pháp là hai nhánh của quyền lập pháp. Cụ thể, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao được sự giới thiệu của Chủ tịch nước lên Quốc hội và được Quốc hội bầu và làm việc theo nhiệm kì của Quốc hội. Chịu trách nhiệm trước Quốc hội và phải trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
- Ở cấp dưới, Tòa án được phân bổ theo địa giới hành chính, chịu sự giám sát, chỉ đạo, quản lý của nhiều cơ quan của Tòa án cấp trên trực tiếp, Hội đồng nhân dân cùng cấp và đặc biệt của tổ chức Đảng ở địa phương. Đôi khi quyết định của thẩm phán bị ảnh hưởng bởi ý kiến chỉ đạo của những chủ thể này dẫn đến việc khó có thể thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và chức năng của mình theo đúng quy định của pháp luật[10].
Thứ hai, về vấn đề làm luật: Đại biểu Quốc hội đa phần cũng là những đại biểu kiêm nhiệm, nhiều người không có chuyên môn ngành luật, nhưng vẫn tham gia biểu quyết luật, điều đó cũng ảnh hưởng đến chất lượng và nội dung của các đạo luật này. Thông thường, văn bản luật liên quan đến lĩnh vực của ngành nào sẽ do ngành đó tự xây dựng và trình dự án luật, do đó cũng làm cho chức năng làm luật của Quốc hội có nhiều khía cạnh hình thức và việc giải thích pháp luật của Quốc hội sẽ có nhiều khó khăn, bởi văn bản đó không thực sự do mình làm ra[11], đây cũng là một trong những yếu tố làm cho việc thực hiện quyền tư pháp của Tòa án gặp nhiều khó khăn.
Thứ ba, cơ chế “án tại hồ sơ”, Tòa án dường như thụ động trước Viện kiểm sát, cơ quan điều tra. Bản cáo trạng của Viện kiểm sát dường như là định hướng nhiều khi là y án. Vai trò của thẩm phán không nhiều trong mô hình tố tụng thẩm vấn, không phải là mô hình tố tụng tranh tụng như các nước theo dòng họ Common Law nên vai trò của luật sư cũng bị yếu thế hơn so với kiểm sát viên thay mặt Nhà nước thực hiện quyền công tố. Thẩm phán ở Việt Nam không có chức năng sáng tạo luật mà chỉ cứng nhắc áp dụng pháp luật. Chúng ta cũng không giống các nước theo dòng họ Civil Law có hệ thống luật thành văn đầy đủ và đồ sộ nên đôi khi vấn đề “tiên phát” thì Tòa án lúng túng xin ý kiến khắp nơi mà không tự mình giải quyết theo nguyên tắc pháp lý được. Đây cũng thể hiện sự không độc lập của Tòa án và nhu cầu cần có thêm nguồn luật mới như án lệ.
Thứ tư, thẩm phán ở một số quốc gia phát triển hoạt động xét xử được bổ nhiệm suốt đời, thu nhập cao, chất lượng tốt và đặc biệt là được coi trọng và có địa vị xã hội nên họ khó có thể tiêu cực để đánh đổi sự nghiệp của mình chỉ vì một vụ việc cụ thể nào đó. Với nhiệm kỳ thẩm phán đa số các quốc gia được bổ nhiệm suốt đời và độc lập với lập pháp và hành pháp, nên phán xét có phần công minh bởi họ cũng có tâm lý yên tâm tích lũy kiến thức và kinh nghiệm hơn so với chúng ta.
Bên cạnh đó, việc hình thành thẩm phán của chúng ta cũng có những điều kiện tương đối “nhẹ nhàng” hơn so với nhiều quốc gia khác, xuất phát điểm của thẩm phán chúng ta chỉ cần có trình độ cử nhân luật, trong khi đó nhiều quốc gia như: Anh, Mỹ, Pháp, Đức tiêu chuẩn phải là luật sư để có kiến thức thực tiễn và trình độ chuyên môn cao.
Để Tòa án thực hiện tốt nhiệm vụ hiến định thì quyền tư pháp không chỉ là quyền xét xử mà còn là quyền kiểm tra, đánh giá và kết luận về tính hợp pháp và có căn cứ của các quyết định, hành vi tố tụng do các cơ quan tư pháp thực hiện trong suốt quá trình tố tụng và thi hành bản án, quyết định của Tòa án, có như vậy thì việc giải quyết, xử lý các vụ án mới bảo đảm đúng pháp luật, tránh oan, sai và bỏ lọt tội phạm. “Quyền tư pháp” là những quyền sinh ra từ hoạt động xét xử và chỉ có Tòa án mới có quyền hạn chế quyền tự do, tước bỏ quyền sống của con người theo pháp luật và Tòa án thực hiện quyền tư pháp để bảo vệ công lý; do đó, các hoạt động tố tụng của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân là nhằm phục vụ cho hoạt động xét xử. Chính vì vậy, Tòa án phải xem xét các hoạt động tố tụng từ khi bắt, giam giữ, khởi tố vụ án, khởi tố bị can và quá trình điều tra, truy tố. Nếu phát hiện các hoạt động tố tụng trước đó không đúng thì Tòa án yêu cầu làm lại hoặc tự mình thực hiện các hoạt động điều tra để làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án.
Hơn nữa, trước yêu cầu bảo đảm tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đòi hỏi mọi biện pháp ngăn chặn hoặc cưỡng chế của Nhà nước, nếu hạn chế quyền con người, quyền công dân thì phải được Tòa án xem xét, hoặc kiểm tra để thay đổi, hủy bỏ trong trường hợp việc áp dụng các biện pháp đó là trái pháp luật hoặc không cần thiết. Quyền tư pháp không chỉ là quyền xét xử, mà còn bao gồm các quyền năng khác được giao cho Tòa án thực hiện, nên Tòa án phải có quyền đánh giá, kết luận về tính hợp pháp và có căn cứ của các quyết định, hành vi tố tụng; xem xét, áp dụng hoặc thay đổi các biện pháp ngăn chặn hoặc cưỡng chế của Nhà nước; quyết định, giám sát việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
Tóm lại, quyền tư pháp thực sự đã được coi là quyền hiến định, nhưng để có thể thực hiện quyền này trước hết phải có cách hiểu thống nhất và tiếp cận quyền này một cách chính xác. Mặc dù vậy, để Tòa án thực hiện được quyền này không nên chỉ dừng lại được ghi nhận trong Hiến pháp mà cần phải có những quy định chi tiết và cụ thể. Việc Tòa án có thực sự độc lập về tổ chức và hoạt động vẫn cần có nhiều thay đổi và cải cách mạnh mẽ hơn trong tương lai vừa giúp hệ thống Tòa án thực hiện được chức năng, nhiệm vụ của mình và cũng nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của các quan hệ xã hội hiện nay.
Đại học Luật Hà Nội
[1]. Nguyễn Đăng Dung, Một số vấn đề về Hiến pháp và bộ máy nhà nước, Nxb. Giao thông vận tải, H, 2001, tr.432.
[2]. The federalist, Appendix V The constitution of the United States, P.594.
[3]. Những đại chính thể ở Châu Âu, Trung tâm nghiên cứu Việt Nam, Sài Gòn, 1964, tr.145.
[4]. Lê Đình Chân, Luật Hiến pháp, Khuôn mẫu dân chủ, cuốn II, Sài Gòn 1975, tr.78.
[5]. Favoreu L. - Toà án bảo hiến. Dẫn theo Nguyễn Đức Lam, Cơ quan bảo vệ Hiến pháp ở các nước, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 7, 2001, tr.27.
[6]. Bùi Ngọc Sơn, Khoa Luật Đại học Quốc gia, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 4 năm 2002.
[7]. Vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước xin phép không trình bày trong bài viết này. Mô hình Đảng lãnh đạo toàn bộ hoạt động của các cơ quan nhà nước là mô hình kinh điển của Liên Xô trước đây.
[8]. Cho dù quyền tư pháp được hiểu theo nghĩa nào đi nữa thì hệ thống cơ quan tư pháp ở Việt Nam, trong đó có hệ thống Tòa án cũng chưa độc lập.
[9]. Điển hình là nguyên tắc song trùng trực thuộc.
[10]. Không tạo ra sự độc lập cũng là một yếu tố cho thấy sự yếu kém về năng lực về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của thẩm phán tòa cấp dưới.
[11]. Ở Việt Nam, cơ quan giải thích Hiến pháp, luật và pháp lệnh là Ủy ban thường vụ Quốc hội.