1.1. Tính tích cực và tiêu cực của truyền thông
- Truyền thông mang tính tích cực khi nó tạo nên cơ sở cho tự do, dân chủ; những thông tin chính xác, kịp thời sẽ giúp cho quyền con người, quyền công dân được bảo đảm, bảo vệ và phát triển. Cuộc cách mạng thông tin đã mở ra một kỷ nguyên mới với các “luật chơi” mới mà không một ai có thể đứng ngoài cuộc[1]. Nó mang lại sự tự do thông tin, sự phát triển quyền lực xã hội ngoài quyền lực nhà nước mà bất cứ chủ thể nào cũng phải coi trọng, đặc biệt nó được người dân ngày càng sử dụng tích cực hơn cả để bảo vệ, phát triển quyền con người, quyền công dân.
- Khi thông tin truyền thông mang tính tiêu cực, thì tác động của nó cũng tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực cho các đối tượng công chúng trong xã hội. Thực tế đã chứng minh không ít trường hợp truyền thông bị lạm dụng vì những mục đích phi pháp, tư lợi, đặc biệt là khi một số nhà báo xịn thiếu đạo đức nghề nghiệp đã lợi dụng để gây ra những phi vụ đen, trong đó có cả những nhà báo từng giữ những cương vị quan trọng và nay, lại xuất hiện thêm các nhà báo rởm, mượn danh báo chí để kiếm chác… Cả hai đối tượng nhà báo trên đều giống nhau ở chỗ: mục đích tác nghiệp không vì cung cấp thông tin, vì công chúng, mà vì những ý đồ cá nhân, xấu xa, tiêu cực[2]… Khi đó, truyền thông tạo ra những làn sóng dư luận tiêu cực lan rộng với tốc độ rất nhanh, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công chúng, nhất là những đối tượng thanh thiếu niên, những đối tượng có trình độ nhận thức còn thấp, không có khả năng chắt lọc thông tin thì dễ bị lôi kéo và có những hành vi tiêu cực cho bản thân và cho cộng đồng xã hội.
1.2. Đối với người dân
Truyền thông đóng vai trò trong việc cung cấp thông tin và tạo ra các xu hướng về lối sống, văn hóa, cách thức ứng xử, hành vi con người. Truyền thông đóng vai trò đặc biệt quan trọng không thể thay thế cho đến thời điểm hiện nay trong thông tin về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng trong nước và trên thế giới; giúp người dân có thông tin nhanh chóng, kịp thời để nhận thức về những vấn đề đã và đang diễn ra xung quanh mình, từ đó tác động đến hành vi, cách thức ứng xử của cá nhân, suy rộng ra là cả xã hội; đồng thời truyền thông cũng đóng vai trò trong học tập, giải trí của người dân, bảo đảm đời sống tinh thần cho con người. Thế mạnh vượt trội của truyền thông chính là tạo lập và định hướng dư luận, tuy vô hình nhưng có sức mạnh của quyền lực xã hội (quyền lực thứ tư bên cạnh cách quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp).
Truyền thông cũng đóng vai trò trong việc cung cấp phương tiện bảo đảm quyền cá nhân, lợi ích cộng đồng, giám sát các hoạt động của nhà nước.
1.3. Đối với chính quyền nhà nước
Ở khía cạnh thứ nhất, truyền thông có vai trò là chuyển tải thông tin về quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa, pháp luật từ nhà nước đến người dân, đặc biệt là vai trò tuyên truyền, phố biến chính sách, pháp luật của nhà nước đến người dân, qua đó tác động trực tiếp đến ý thức và hành vi của người dân. Ở khía cạnh thứ hai, truyền thông là phương tiện để người dân phản ánh ý kiến, nguyện vọng về quyền con người, quyền công dân đối với nhà nước; kiến nghị xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về quyền con người, quyền công dân.
Đối với nhà nước, truyền thông hiện nay có một sức mạnh quan trọng trong việc phát huy quyền lực nhà nước, song cũng có thể tạo ra làn sóng phản đối chính quyền, thậm chí ở cấp độ cao nhất là thay đổi chế độ chính trị, chế độ nhà cầm quyền. Đặc biệt, các hoạt động chống phá chính quyền thường lấy vấn đề nhân quyền làm nội dung và lấy truyền thông về nhân quyền làm phương thức để làm xấu hình ảnh quốc gia, dân tộc; để phá hoại tư tưởng, tác động “tự diễn biến”; kích động tư tưởng ly khai, tự trị ở các vùng dân tộc thiểu số; làm cơ sở để tuyên truyền, vận động các quốc gia khác, các thế lực phản động chống phá.
2. Thực tiễn ảnh hưởng, tác động của truyền thông đến quyền con người và quyền công dân
2.1. Về mặt tích cực
Thứ nhất, đối với người dân
- Về nhận thức: Về cơ bản, truyền thông có tác động tích cực đến nhận thức con người về quyền con người, quyền công dân hơn là tác động tiêu cực. Các phương tiện truyền thông hiên nay đóng một vai trò quan trọng trong nâng cao nhận thức của người đọc về mọi lĩnh vực tri thức của thế giới; đóng vai trò quan trọng, thiết yếu trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về quyền con người, quyền công dân và các biện pháp, cách thức để thực hiện, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, giúp người dân nâng cao nhận thức và khả năng thực hiện. Truyền thông đã và đang trở thành phương tiện truyền đạt kiến thức hữu hiệu nhất ngoài phương tiện dạy học thông thường.
- Về thông tin: Truyền thông đã cung cấp cho người dân thông tin kịp thời về chính sách, pháp luật về quyền con người và những thực tiễn thi hành quyền con người trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Truyền thông cũng giúp người dân có thể phản ánh quan điểm, kiến nghị hay những thông tin về quyền con người đến toàn xã hội, đặc biệt là cơ quan nhà nước. Qua đó, truyền thông đã giúp người dân bảo vệ quyền của mình bằng phương thức “thông tin” cho đối tượng liên quan, nhất là việc thông tin kịp thời những sự kiện xảy ra liên quan đến quyền con người, cùng với vai trò như là thiết chế quyền lực xã hội, buộc các chủ thể liên quan phải có hành vi xử lý kịp thời thông tin truyền thông, bảo vệ quyền con người.
- Về hành vi ứng xử: Thông tin mà báo chí, truyền thông chính thống mang lại thường được suy diễn là thông tin có căn cứ, đồng thời thông tin về quyền con người cũng mang tính nhạy cảm, nên dễ dẫn đến những phản xạ qua hành vi, biểu hiện đơn giản nhất là cảm xúc, thái độ đối với những thông tin tiếp nhận được (đặc biệt là các phát biểu, thể hiện ý chí của mình về các thông tin), cao hơn nữa là những hành vi phản ứng (như việc tránh đi qua các vùng bị bão lũ, thiên tai, tắc đường; tẩy chay các hàng hóa có thông tin xấu vể chất lượng...).
Thứ hai, đối với nhà nước
- Đối với công tác hoạch định chính sách của Nhà nước: Truyền thông là một công cụ kết nối giới nghiên cứu chính sách. Truyền thông cũng có thể ảnh hưởng gián tiếp, ví dụ như các đại biểu quốc hội có thể hướng sự chú ý của mình vào một vấn đề phản ánh qua truyền thông và sau đó tìm hiểu thêm về nó, và xem xét thảo luận đưa vào nghị trình chính sách. Đôi khi, sự rò rỉ thông tin từ chính nghị trường có thể trở thành một vấn đề thu hút dư luận, và làm thay đổi một đề xuất hay giải pháp chính sách.
Truyền thông cũng tác động khác nhau đối với các nhà hoạch định chính sách khác nhau tùy mức độ quan tâm và vị trí của mỗi đại biểu quốc hội. Các báo chí chuyên ngành lại có thể ảnh hưởng nhiều hơn với lĩnh vực của nó.
Truyền thông góp phần quan trọng để đưa ra ý kiến người dân, chuyên gia nói riêng và xã hội nói chung về các quy định vừa được ban hành sắp có hiệu lực. Nó góp phần đưa chính sách về quyền con người, quyền công dân được người dân nhận thức kịp thời khi có hiệu lực (như chính sách về chế độ, chính sách của công dân trong thời gian đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự có hiệu lực từ 08/4/2016; Người nước ngoài được sở hữu nhà trong Luật Kinh doanh bất động sản 2014...); đồng thời nó cũng phản ánh “lập tức” ý kiến của người dân đối với các quy định không hợp lý, vi phạm pháp luật (như thông tin về quy định “ngực lép” không được lái xe trong các năm 2008, 2013 và quy định này đã bị bãi bỏ trước khi có hiệu lực; thông tin về việc công nhân đình công và những ý kiến phân tích về chế độ nhận trợ cấp 1 lần của xã hội sau khi công nhân nghỉ việc theo Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã được Quốc hội tiếp thu sửa đổi bằng một nghị quyết trước khi Luật này có hiệu lực...).
- Đối với tổ chức thi hành chính sách liên quan đến quyền con người, quyền công dân: Thông qua báo chí, truyền thông, chính sách của Nhà nước đã được truyển tải đến người dân có điều kiện theo dõi thường xuyên, qua đó giúp cho Nhà nước thực hiện chức năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật.
2.2. Về mặt tiêu cực
- Thông tin truyền thông dường như mới chỉ mang tính chất hỗ trợ tương giao giữa thông tin và việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân mà chưa thực sự quan tâm bảo vệ, phát triển quyền con người, quyền công dân.
Biểu hiện đặc thù dễ nhận thấy nhất là: Các tổ chức báo chí, truyền thông thường đưa ra một lượng thông tin lớn, đa chiều với nhiều quan điểm, cách nhìn nhận khác nhau về một vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân - nhiều trường hợp làm cho “thông tin bị rối loạn” (có nhiều tổ chức phải đính chính lại thông tin), đặc biệt là các thông tin liên quan đến một số tội phạm gây bức xúc cho xã hội (như tội giết người, tội hiếp dâm...). Đến khi các hướng thông tin đã được xử lý rõ ràng, vụ việc đã được giải quyết xong thì báo chí, truyền thông thường không có nhiều thông tin làm rõ vấn đề để thông tin đầy đủ, chính xác về quyền con người có được bảo đảm hay không. Thậm chí các báo chí, truyền thông không quan tâm việc đăng tải thông tin, làm cho vai trò hỗ trợ bảo vệ quyền con người của truyền thông trong nhiều trường hợp bị quên đi.
- Nhiều trường hợp báo chí, truyền thông đưa thông tin sai sự thật được đẳng tải, trích dẫn rầm rộ, tạo thành làn sóng dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người bị hại, song các thông tin đính chính, thông tin xử lý sai phạm hay giải pháp bảo vệ, khôi phục quyền lợi người bị hại lại bị xem nhẹ, không có cơ hội tạo thành “làn sóng” thông tin như thông tin sai sự thật ban đầu.
- Với tư cách là cá nhân con người, những người thực thi công vụ cũng không tránh khỏ những tác động tiêu cực mà truyền thông mang lại. Sự tác động tiêu cực này lúc này không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân họ mà nó còn tác động đến hành vi công vụ mà họ thực hiện, tức là ảnh hưởng trực tiếp đến Nhà nước và xã hội, như nhận thức sai lệch trong xây dựng chính sách, pháp luật; tạo phản ứng tiêu cực của xã hội trong thi hành pháp luật[3]; báo chí tác động lên công luận và công luận tác động lên hội đồng xét xử...
- Truyền thông cũng là một trong những phương tiên được các thế lực thù địch lợi dụng đển tuyên truyền chống phá Nhà nước, chế độ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội với luận thuyết “Nhân quyền cao hơn chủ quyền”, sử dụng nhân quyền như một mục tiêu xuyên suốt để chống phá cách mạng Việt Nam, phá hoại cuộc sống hoà bình, ổn định của nhân dân ta. Với phương thức thông tin thổi phồng, bóp méo các sự kiện, xuyên tạc sự thật về nhân quyền để đánh lừa và gây hoang mang trong dư luận xã hội, những thông tin này gây căng thẳng, mâu thuẫn giữa các tầng lớp nhân dân với Đảng, với chính quyền và tạo ra những điểm nóng về chính trị - xã hội, kích động tâm lý về bất công, bất bình đẳng xã hội, gieo rắc hận thù, tạo mâu thuẫn, xung đột giữa các tầng lớp xã hội, các bộ phận dân chúng với nhau và với các cấp chính quyền.
3. Những giới hạn hợp lý mà pháp luật cần điều chỉnh đối với truyền thông trong bảo vệ quyền con người và quyền công dân
Thứ nhất, báo chí, truyền thông phải có đủ năng lực, cơ sở để thông tin chính xác, tích cực về quyền con người, quyền công dân
Tập trung quy hoạch và tổ chức thực hiện quy định mới của Luật Báo chí năm 2016 về trách nhiệm của Nhà nước phát triển báo chí tại một điều riêng biệt (Điều 5). Nhà nước có trách nhiệm ban hành chiến lược, quy hoạch phát triển và quản lý hệ thống báo chí; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm trong các lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nhân lực về chuyên môn, nghiệp vụ và quản lý hoạt động báo chí, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại cho các cơ quan báo chí; Nhà nước đặt hàng báo chí phục vụ một số nhiệm vụ liên quan đến các nhóm đối tượng đặc thù...
Quyền con người, quyền công dân là một trong những điểm mới quan trọng trong Hiến pháp năm 2013 về tính toàn diện, tính nguyên tắc về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tính kế thừa và phát triển của các bản Hiến pháp trước đây và thành tựu của 30 năm đổi mới. Tuy nhiên, quyền con người, quyền công dân chưa phải là lĩnh vực được quan tâm tập huấn cho báo chí, truyền thông, mặc dù xét về ý nghĩa chính trị và tầm quan trọng đặc biệt của nó thì rất cần thết có chương trình, kế hoạch tập huấn sâu rộng cho báo chí, truyền thông. Ngoài ra, cần bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh quy định của Luật Báo chí về quyền và nghĩa vụ của nhà báo, cơ quan truyền thông.
Thứ hai, truyền thông về quyền con người, quyền công dân phải chịu sự ràng buộc về mặt pháp lý đối với chủ thể quản lý nhà nước và người dân, tổ chức
- Các tổ chức truyền thông chịu sự chỉ đạo, giám sát về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước, bảo đảm tính “tôn chỉ”, “mục đích” truyền thông bám sát định hướng của Nhà nước, trong đó phải kể đến các lĩnh vực liên quan đến quyền con người, quyền công dân thường được truyền thông đưa tin trên các lĩnh vực văn hóa, du lịch, kinh tế, xã hội, pháp luật, tư pháp...
- Nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền tự do báo chí của người dân đồng thời với nghĩa vụ của cơ quan báo chí, truyền thông trong việc giúp đỡ những người yếu thế thực hiện quyền này. Thực tế cho thấy, quyền tự do báo chí của người dân chưa thực sự hữu hiệu, đặc biệt là tính kịp thời và bảo đảm quyền cho các đối tượng yếu thế. Điều này đặt ra cho việc hoàn thiện pháp luật về truyền thông cần hướng đến việc cung cấp khả năng thực hiện quyền thông tin truyền thông của con người, đặc biệt là các đối tượng khó khăn trong việc tiếp cận thông tin.
Bên cạnh việc xây dựng hệ thống báo chí, truyền thông bảo vệ quyền con người, cũng cần thiết nghiên cứu xây dựng những thiết chế hỗ trợ bảo vệ quyền con người trong giới truyền thông. Những thiết chế có thể được sử dụng để giám sát sự bảo vệ và phát triển quyền con người, quyền công dân.
Thứ ba, xác định giới hạn về nội dung truyền thông về quyền con người, quyền công dân
- Cần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả truyền thông về quyền con người thông qua các kênh, các phương tiện khác nhau, trong đó nhấn mạnh vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho toàn dân về quyền con người, thực hiện tốt cam kết của Việt Nam về chương trình hành động giáo dục về quyền con người.
- Nội dung truyền thông cần được nghiên cứu xác định những giới hạn nhất định để bảo đảm không xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân. Như việc giới hạn đó theo “nguyên tắc gây hại”, “nguyên tắc xúc phạm” hoặc xung đột với các quyền khác theo quy định của Luật Báo chí năm 2016 và các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là việc “xâm phạm bí mật đời tư” của công dân.
- Tiếp tục xây dựng văn bản hướng dẫn Luật Báo chí để tạo khung pháp lý rộng rãi và nghiêm khắc, đồng thời bảo hộ mạnh mẽ bằng các định chế cần và đủ cho cơ quan báo chí, nhà báo tác nghiệp một cách tự do theo khuôn khổ các quy định từ việc cung cấp thông tin cho báo chí, tới quyền và nghĩa vụ bảo mật nguồn tin của cơ quan báo chí và nhà báo.
Thứ tư, pháp luật về truyền thông giới hạn các hoạt động truyền thông vi phạm quyền con người, quyền công dân thông qua các chế tài xử lý vi phạm pháp luật
- Cần tập trung thực hiện nghiêm chỉnh những quy định mới của Luật Báo chí năm 2016 về cải chính thông tin, hình thức xin lỗi của các loại hình báo chí.
- Hoàn thiện pháp luật về xử phạm vi phạm hành chính theo hướng nâng cao hơn nữa mức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực này, đặc biệt chú ý đến các trường hợp gây thiệt hại nghiêm trọng đến uy tín, danh dự, nhâm phẩm của người khác hay gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản (có thể hàng tỷ đồng).
Thứ năm, truyền thông nói chung và truyền thông về quyền con người, quyền công dân phải đặt dưới sự quản lý của Đảng, Nhà nước về tổ chức và hoạt động
Báo chí ở Việt Nam là báo chí cách mạng, báo chí phải đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng, quản lý của Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân và hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật. Nhà nước quy định về chính sách phát triển báo chí, trong đó cần hướng đến một hệ thống báo chí, truyền thông tinh gọn, hiệu quả, hạn chế xu hướng phát triển tràn lan các loại hình báo chí và nhiều đầu mối quản lý cơ quan báo chí như hiện nay.
Cần tăng cường trách nhiệm quản lý báo chí, truyền thông của các cơ quan chủ quản theo đúng tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ, phương hướng hoạt động đã đề ra theo quy định của Luật Báo chí năm 2016, hạn chế tình trạng không chịu trách nhiệm về những thông tin tiêu cực mà báo chí, truyền thông đã đưa tin như trong thời gian vừa qua.
(Bài viết là sản phẩm của Đề tài khoa học cấp Bộ "Tăng cường vai trò của thiết chế truyền thông trong bảo vệ quyền con người và quyền công dân ở Việt Nam")