Mặc dù, vẫn còn có những vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện, song có thể nói, việc ghi nhận và thể hiện yếu tố vật quyền trong thế chấp tài sản là một bước tiến mới của Bộ luật Dân sự năm 2015 so với Bộ luật Dân sự năm 2005. Để làm rõ hơn vấn đề này, bài viết sẽ bàn về yếu tố vật quyền trong biện pháp thế chấp tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thực tiễn.
Một cách khái quát nhất, có thể hiểu: “Vật quyền là quyền của một người (cá nhân, pháp nhân) được trực tiếp thực hiện một số hành vi (quyền năng) nhất định do luật định lên một tài sản nhất định (có thể là của mình, có thể là của người khác), qua đó mà thỏa mãn các nhu cầu vật chất và tinh thần của mình”[1]. Trong quan hệ thế chấp, tính chất vật quyền thể hiện ở việc bên nhận thế chấp được tự mình thực hiện các quyền (mang tính chất chủ động và trực tiếp) đối với tài sản thế chấp, cả trên phương diện chiếm hữu (nắm giữ) bản thể vật lý của tài sản để thực hiện thủ tục xử lý[2] và định đoạt tài sản (thông qua các giao dịch mua bán, chuyển nhượng)[3] và hưởng quyền ưu tiên theo thứ tự công khai hóa vật quyền.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 297 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Khi biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì bên nhận bảo đảm được quyền truy đòi tài sản bảo đảm và được quyền thanh toán theo quy định tại Điều 308 của Bộ luật này và luật khác có liên quan”. Với quy định nói trên, lần đầu tiên, hai đặc điểm quan trọng của vật quyền thế chấp đã được ghi nhận một cách minh thị trong Bộ luật Dân sự, đó là quyền truy đòi và quyền thanh toán.
1.1. Bên nhận thế chấp được quyền truy đòi tài sản thế chấp từ người đang chiếm hữu thực tế tài sản thế chấp, không phụ thuộc vào ý chí của bên thế chấp hoặc bên thứ ba đang chiếm hữu thực tế tài sản thế chấp
Bản chất của thế chấp (trong sự phân biệt với biện pháp cầm cố) là tài sản thế chấp không chuyển giao cho bên nhận thế chấp mà vẫn do bên thế chấp (chủ sở hữu tài sản) hoặc người thứ ba trực tiếp nắm giữ, khai thác, sử dụng và làm tăng giá trị kinh tế của tài sản thế chấp (Điều 317, Điều 324 Bộ luật Dân sự năm 2015). Do đó, ở biện pháp thế chấp, tính chất vật quyền thể hiện rõ nhất ở quyền truy đòi tài sản thế chấp và thực hiện việc kê biên, bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm bằng biện pháp thế chấp. Quyền truy đòi tài sản thế chấp được bên nhận thế chấp thực hiện không phụ thuộc vào ý chí của bất kỳ chủ thể nào, bên thế chấp (chủ sở hữu tài sản thế chấp) hay bên đang thực tế chiếm hữu tài sản thế chấp.
Để được quyền truy đòi và định đoạt đối với tài sản thế chấp, bên nhận thế chấp phải thực hiện thủ tục công khai hóa cho người thứ ba biết về vật quyền thế chấp của mình thông qua thiết chế đăng ký. Đây được xem là điều kiện để quyền đối với tài sản thế chấp của bên nhận thế chấp trở thành vật quyền. Trường hợp không công khai hóa vật quyền thế chấp thông qua thiết chế đăng ký, bên nhận thế chấp vẫn có quyền đối với tài sản thế chấp nhưng việc thực hiện quyền lại phụ thuộc vào ý chí và thỏa thuận của các bên trong hợp đồng thế chấp. Còn một khi đã công khai hóa thông qua thiết chế đăng ký thì quyền đối với tài sản thế chấp sẽ trở thành vật quyền và bên nhận thế chấp được thực hiện quyền này một cách chủ động, trực tiếp mà không phụ thuộc vào thỏa thuận với bên thế chấp cũng như ý chí, mong muốn của bất kỳ chủ thể nào. Chủ sở hữu tài sản thế chấp (bên thế chấp) hoặc người đang thực tế chiếm hữu tài sản thế chấp phải tôn trọng và đảm bảo thực thi quyền năng này của bên nhận thế chấp. Cơ chế thực thi vật quyền thế chấp nói trên đảm bảo cho chủ nợ có bảo đảm bằng biện pháp thế chấp khả năng tự mình xử lý tài sản thế chấp và thu hồi lợi ích chính đáng của mình trong một hoàn cảnh đặc biệt nhạy cảm, đó là khi chủ nợ đứng trước nguy cơ không thu hồi được tài sản của mình do con nợ (bên có nghĩa vụ) không thực hiện nghĩa vụ. Như vậy, truy đòi tài sản thế chấp để xử lý là công vụ (biện pháp) pháp lý cần thiết giúp chủ nợ nhận thế chấp nắm giữ tài sản thế chấp để thực hiện thủ tục xử lý nhằm thu hồi nợ, qua đó, giảm thiểu và bù đắp rủi ro do việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ gây ra.
Bộ luật Dân sự năm 2005 không quy định về quyền truy đòi tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm, nhưng Nghị định hướng dẫn Bộ luật Dân sự năm 2005 về giao dịch bảo đảm (Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm) có quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm để xử lý tại Điều 63, mặc dù, chưa rõ ràng về lý thuyết tiếp cận là trái quyền hay vật quyền. Đến Bộ luật Dân sự năm 2015, quyền truy đòi tài sản thế chấp của bên nhận thế chấp mới được ghi nhận trên nền tư duy tiếp cận rõ ràng và mạch lạc hơn về vật quyền thế chấp. Theo quy định của khoản 2 Điều 297 Bộ luật Dân sự năm 2015, khi biện pháp thế chấp phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì bên nhận thế chấp được quyền truy đòi tài sản thế chấp. Nhìn tổng thể, thì quyền truy đòi (quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015) và quyền thu giữ (quy định tại Nghị định số 163/2006/NĐ-CP) cơ bản có nội hàm gần giống nhau, đó đều là quyền lấy lại tài sản từ người đang giữ tài sản để xử lý. Theo chúng tôi, dưới góc độ nào đó, có thể hiểu quyền truy đòi chính là quyền thu giữ. Tuy nhiên, khái niệm quyền truy đòi phù hợp và đúng với tính chất vật quyền của quan hệ thế chấp hơn vì nó phản ánh được quyền theo đuổi của bên nhận thế chấp đối với tài sản thế chấp, ngay cả khi tài sản thế chấp đã được chuyển giao cho người thứ ba. Liên quan đến quy định về quyền truy đòi tài sản của Bộ luật Dân sự năm 2015, có một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, đó là:
Một là, Bộ luật Dân sự năm 2015 mặc dù cho phép bên nhận thế chấp có quyền truy đòi tài sản thế chấp nhưng lại quy định việc giao tài sản thế chấp lại phụ thuộc vào ý chí của người đang giữ tài sản thế chấp. Trường hợp người đang giữ tài sản thế chấp không giao tài sản thế chấp thì bên nhận thế chấp chỉ có thể truy đòi (thu giữ) tài sản thế chấp thông qua thủ tục tư pháp tại Tòa án, trừ trường hợp luật có quy định khác (Điều 301 Bộ luật Dân sự năm 2015). Trong khi đó, pháp luật của một số nước theo lý thuyết vật quyền, ví dụ như Cộng hòa Pháp lại cho phép bên nhận thế chấp có quyền kê biên đối với tài sản thế chấp mà không phụ thuộc vào sự phản kháng của bất kỳ chủ thể nào. Các bên liên quan phải tôn trọng quyền của bên nhận thế chấp và không được phép cản trở việc kê biên của bên nhận thế chấp đối với tài sản thế chấp (Điều 2171 Bộ luật Dân sự Cộng hòa Pháp).
Như vậy, với các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 (khoản 2 Điều 297, Điều 301), quyền truy đòi tài sản thế chấp của bên nhận thế chấp (với tư cách là vật quyền) vẫn bị phụ thuộc và ràng buộc bởi hành vi thực hiện nghĩa vụ “giao” tài sản của người đang giữ tài sản. Bên nhận thế chấp vẫn chưa thể thực hiện quyền (một cách trực tiếp và ngay tức khắc) đối với tài sản thế chấp, hay nói cách khác, chưa thể thực thi quyền lợi của mình đối với tài sản thế chấp một cách trực tiếp và ngay tức khắc đúng như ưu thế và vị thế của vật quyền thế chấp so với trái quyền. Chính vì vậy, nếu chỉ dừng lại ở việc ghi nhận quyền mang tính nguyên tắc của Bộ luật Dân sự năm 2015 mà không có văn bản hướng dẫn chi tiết thêm thì quyền truy đòi vẫn chưa thể là công cụ hữu hiệu giúp bên nhận thế chấp xử lý những vướng mắc đang gặp phải trong thực tiễn xử lý tài sản thế chấp.
Hai là, quyền truy đòi tài sản thế chấp để xử lý mới chỉ là tiền đề pháp lý giúp bên nhận thế chấp thực hiện việc nắm giữ tài sản thế chấp để xử lý. Lẽ đương nhiên, cái cốt lõi đảm bảo quyền truy đòi của bên nhận thế chấp không hẳn chỉ vì quyền này được Bộ luật Dân sự năm 2015 tiếp cận từ lý thuyết vật quyền. Trong bối cảnh hiện tại, vấn đề quan trọng là xây dựng cơ chế bảo đảm quyền truy đòi tài sản thế chấp từ lý thuyết vật quyền, không chỉ ở Bộ luật Dân sự mà còn ở các luật có liên quan đến việc thực thi quyền này của bên nhận thế chấp trong chu trình thế chấp, từ giai đoạn xác lập, thực hiện hợp đồng, đến giai đoạn xét xử, thi hành án và thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản thế chấp cho bên mua. Hay nói cách khác, lý thuyết vật quyền trong Bộ luật Dân sự năm 2015 cần phải được “lan tỏa” đến các luật có liên quan đến việc thực thi quyền của bên nhận thế chấp[4], để bảo đảm bên nhận thế chấp được thực thi quyền này trong một hệ thống pháp luật được tư duy nhất quán và đồng bộ về vật quyền.
Ba là, Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ xác định về nguyên tắc, bên nhận thế chấp có quyền truy đòi tài sản thế chấp. Vấn đề quan trọng cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ là bên nhận thế chấp được quyền truy đòi tài sản thế chấp từ những chủ thể nào? Vì theo Bộ luật Dân sự năm 2015 thì bên thế chấp “được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của luật” (khoản 5 Điều 321). Vậy, bên nhận thế chấp có được quyền truy đòi tài sản thế chấp từ bên mua, bên nhận trao đổi, bên được tặng cho tài sản thế chấp khi tài sản thế chấp đã được chuyển giao quyền sở hữu cho những chủ thể này hay không? Bộ luật Dân sự năm 2015 chưa quy định cụ thể về vấn đề này mà mới chỉ xử lý hệ quả pháp lý của trường hợp bên thế chấp bán, thay thế, trao đổi tài sản thế chấp là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Theo quy định của khoản 4 Điều 321 Bộ luật Dân sự năm 2015, trường hợp bên thế chấp bán, thay thế, trao đổi tài sản thế chấp là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh thì “quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được, tài sản hình thành từ số tiền thu được, tài sản được thay thế hoặc được trao đổi trở thành tài sản thế chấp”. Đối với những tài sản thế chấp khác, không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh thì như đã đề cập, Bộ luật Dân sự năm 2015 chưa quy định một cách rõ ràng và cụ thể về hệ quả pháp lý của trường hợp bên thế chấp bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp.
Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy, thực tiễn tranh chấp tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở là một minh chứng cụ thể của việc thiếu quy định của pháp luật về vấn đề này. Hiện nay, tại nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà ở đang tồn tại thực tế, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở đã thực hiện việc thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho các ngân hàng, nhưng lại không thực hiện thủ tục giải chấp và đăng ký (rút bớt tài sản thế chấp) trước khi bán nhà ở cho người mua. Thực tế này dẫn đến tình trạng, việc xử lý tài sản thế chấp của các ngân hàng gặp nhiều vướng mắc và khoản vay được bảo đảm bằng dự án đầu tư xây dựng nhà ở có nguy cơ chuyển thành khoản vay không có bảo đảm vì tài sản thế chấp đã được chuyển quyền sở hữu sang cho người mua theo quy định của khoản 3 Điều 12 Luật Nhà ở năm 2014 khi bên mua nhận bàn giao nhà ở hoặc đã thanh toán đủ tiền mua nhà ở cho chủ đầu tư. Vụ việc tranh chấp tại chung cư The Harmona, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh là một ví dụ điển hình cho vướng mắc này[5]. Điều đáng nói, sự việc ở The Harmona không phải là cá biệt mà là tình trạng khá phổ biến tại các thành phố lớn có nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà ở như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh[6].
Vấn đề đặt ra là, trong trường hợp này, ngân hàng thực thi quyền chủ nợ của mình đối với tài sản thế chấp như thế nào? Vì theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, ngân hàng được quyền xử lý tài sản thế chấp (là dự án đầu tư xây dựng nhà ở) để thu hồi nợ (khoản 7 Điều 323), trong khi người mua nhà (khi đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với chủ đầu tư hoặc đã nhận bàn giao nhà) thì đã có quyền sở hữu nhà ở (khoản 3 Điều 12 Luật Nhà ở năm 2014).
Tham khảo pháp luật của một số nước theo lý thuyết vật quyền, ví dụ như Nhật Bản, chúng tôi nhận thấy, quyền truy đòi tài sản thế chấp trong trường hợp tài sản thế chấp được chuyển giao quyền sở hữu thông qua hợp đồng mua bán được quy định rất cụ thể và chi tiết. Theo quy định của Bộ luật Dân sự Nhật Bản, bên thế chấp được quyền bán tài sản thế chấp mà không cần có sự đồng ý của bên nhận thế chấp (Điều 380) và việc thế chấp tài sản vẫn có hiệu lực ngay cả khi tài sản thế chấp được chuyển giao cho người khác (được hiểu bao gồm cả chuyển giao thực tế và chuyển giao pháp lý tức chuyển quyền sở hữu)[7]. Trường hợp bên thế chấp bán tài sản thế chấp thì việc thế chấp tài sản sẽ chấm dứt khi người mua thanh toán giá trị tài sản thế chấp đã mua cho bên nhận thế chấp (Điều 377, Điều 378 Bộ luật Dân sự Nhật Bản).
Trong khi đó, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, bên thế chấp không có quyền bán tài sản thế chấp nếu không có sự đồng ý của bên nhận thế chấp hoặc luật không quy định, trừ trường hợp tài sản thế chấp là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh (khoản 4, khoản 5 Điều 321). Như vậy, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, trường hợp tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu bên thế chấp bán tài sản thế chấp mà không có sự đồng ý của bên nhận thế chấp và luật không quy định về việc bên thế chấp được phép bán thì hợp đồng mua bán tài sản thế chấp bị vô hiệu vì vi phạm điều cấm của luật (điểm c khoản 1 Điều 117, Điều 122 Bộ luật Dân sự năm 2015). Trong trường hợp này, mặc dù, hợp đồng mua bán tài sản thế chấp bị vô hiệu nhưng nếu không có sự tự nguyện giao tài sản từ bên mua thì việc thực thi quyền truy đòi tài sản thế chấp của bên nhận thế chấp sẽ gặp khó khăn vì sẽ phải thông qua con đường Tòa án và thi hành án. Trường hợp ngược lại, nếu bên thế chấp bán tài sản thế chấp mà có sự đồng ý của bên nhận thế chấp thì tài sản thế chấp có bị giải chấp hay không, điều này Bộ luật Dân sự năm 2015 lại chưa đề cập. Trong khi, theo quy định tại Điều 327 Bộ luật Dân sự năm 2015, nếu không có sự thỏa thuận giữa các bên, thì trường hợp này không phải là căn cứ chấm dứt thế chấp. Chúng tôi cho rằng, nội dung này cần phải được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ.
1.2. Bên nhận thế chấp được quyền ưu tiên thanh toán theo thứ tự công khai hóa vật quyền thế chấp
Theo quy định của khoản 2 Điều 297 Bộ luật Dân sự năm 2015, khi biện pháp thế chấp phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì bên nhận thế chấp được quyền thanh toán theo quy định tại Điều 308 của Bộ luật này và luật khác có liên quan. Liên quan đến quy định về quyền ưu tiên thanh toán của bên nhận thế chấp của Bộ luật Dân sự năm 2015, chúng tôi có một số nhận xét như sau:
Thứ nhất, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, có những trường hợp, ngay cả khi không công khai hóa vật quyền thế chấp thì bên nhận thế chấp vẫn có quyền ưu tiên thanh toán. Cụ thể là, theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 308 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Trường hợp các biện pháp bảo đảm đều không phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì thứ tự thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập biện pháp bảo đảm”. Như vậy, theo tiếp cận của Bộ luật Dân sự năm 2015, công khai hóa vật quyền thế chấp không phải là điều kiện tiên quyết để bên nhận thế chấp được hưởng quyền ưu tiên thanh toán trong mọi trường hợp.
Thứ hai, Bộ luật Dân sự năm 2015 chưa có điều luật quy định cụ thể về xác định quyền của bên nhận thế chấp trong trường hợp tài sản thế chấp bị cầm giữ dẫn đến trên thực tế, về vấn đề này còn có cách hiểu khác nhau. Có quan điểm cho rằng, trong trường hợp tài sản thế chấp đang bị cầm giữ thì khi xử lý tài sản thế chấp, quyền ưu tiên thanh toán giữa bên nhận thế chấp và bên cầm giữ được xác định theo thứ tự xác lập hiệu lực đối kháng với người thứ ba của các biện pháp bảo đảm này. Tuy nhiên, theo chúng tôi, Bộ luật Dân sự năm 2015 không đặt ra vấn đề và xử lý vấn đề xác định thứ tự ưu tiên thanh toán giữa bên nhận thế chấp và bên cầm giữ vì những lý do cơ bản sau đây:
- Quy định về quyền thanh toán của bên nhận thế chấp tại khoản 2 Điều 297 Bộ luật Dân sự năm 2015 được đặt trong mối liên hệ với Điều 307, Điều 308 Bộ luật Dân sự năm 2015, nghĩa là, được đặt trong mối quan hệ với bên nhận thế chấp, bên nhận cầm cố khác khi xử lý tài sản cầm cố, tài sản thế chấp trong trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện cho nhiều nghĩa vụ. Theo đó, thứ tự ưu tiên thanh toán chỉ được đặt ra (chỉ được xác định) giữa bên nhận thế chấp, bên nhận cầm cố khi xử lý tài sản thế chấp, tài sản cầm cố, chứ không phải giữa bên nhận thế chấp, bên nhận cầm cố với bên khác có quyền đối với tài sản thế chấp, tài sản cầm cố như bên cầm giữ.
- Điều 308 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán giữa “các bên cùng nhận tài sản bảo đảm”, chứ không phải giữa bên nhận thế chấp tài sản với bên cầm giữ. Vì bản chất và mục đích của cầm giữ tài sản không phải là “nhận tài sản” để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ mà là để thực hiện thỏa thuận giữa các bên theo hợp đồng song vụ (Điều 346 Bộ luật Dân sự năm 2015)8. Việc nắm giữ tài sản để thực hiện hợp đồng song vụ chỉ chuyển hóa thành chiếm giữ (chuyển hóa thành biện pháp bảo đảm) khi bên có nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận trong hợp đồng song vụ (Điều 346 Bộ luật Dân sự năm 2015). Nhưng ngay cả khi bên cầm giữ thực hiện hành vi chiếm giữ tài sản thì mục đích của việc chiếm giữ chỉ là nhằm gây sức ép để bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ chứ không phải chiếm giữ là để thực hiện việc xử lý tài sản cầm giữ. Theo Điều 346, Điều 348, Điều 349 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì bên cầm giữ không có quyền xử lý tài sản cầm giữ mà chỉ có quyền chiếm giữ tài sản cho đến khi nghĩa vụ được thực hiện. Do vậy, cầm giữ không phải là biện pháp bảo đảm thuộc phạm vi áp dụng của Điều 307, Điều 308 Bộ luật Dân sự năm 2015.
- Theo quy định của khoản 4 Điều 349 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì bên cầm giữ chỉ có nghĩa vụ “giao lại tài sản cầm giữ khi nghĩa vụ đã được thực hiện”. Như vậy, khi nghĩa vụ chưa được thực hiện thì tài sản thế chấp vẫn do bên cầm giữ chiếm giữ. Nếu muốn có tài sản để xử lý thì bên nhận thế chấp hoặc bên thế chấp phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên cầm giữ. Trong khi, việc thanh toán số tiền thu được từ xử lý tài sản thế chấp và xác định thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên được thực hiện sau khi có kết quả xử lý tài sản thế chấp, nghĩa là, nó phải diễn ra sau khi bên cầm giữ giao tài sản cho bên nhận thế chấp để xử lý. Do đó, không thể xảy ra tình huống xác định thứ tự ưu tiên thanh toán số tiền thu được từ việc bán tài sản thế chấp giữa bên nhận thế chấp với bên cầm giữ vì ngay khi chuyển giao tài sản cho bên nhận thế chấp để xử lý, thì cầm giữ đã chấm dứt theo khoản 1 Điều 350 Bộ luật Dân sự năm 2015, nghĩa là, không còn tồn tại biện pháp bảo đảm “cầm giữ” nữa.
Cách tiếp cận này đã được thể hiện trong Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm. Theo quy định của khoản 10 Điều 1 Nghị định này, thì “trong trường hợp tài sản thế chấp đang bị cầm giữ theo quy định tại Điều 416 Bộ luật Dân sự thì bên cầm giữ có trách nhiệm giao tài sản mà mình đang cầm giữ cho bên nhận thế chấp để xử lý theo quy định của pháp luật sau khi bên nhận thế chấp hoặc bên có nghĩa vụ đã hoàn thành nghĩa vụ đối với bên cầm giữ”. Tuy nhiên, vấn đề này lại chưa thực sự rõ ràng trong các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 nên đã dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau liên quan đến xác định quyền ưu tiên của bên nhận thế chấp trong trường hợp tài sản thế chấp bị cầm giữ.
2. Một số đề xuất, kiến nghị
Để đảm bảo quyền của bên nhận thế chấp đối với tài sản thế chấp với tư cách vật quyền, cần có giải pháp đồng bộ cả về hoàn thiện thể chế và cơ chế thực thi pháp luật. Trước mắt, cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn Bộ luật Dân sự năm 2015 về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, trong đó tập trung làm rõ những dấu hiệu (đặc điểm) của vật quyền thế chấp như quyền truy đòi, quyền ưu tiên của bên nhận thế chấp. Đồng thời, cần nghiên cứu cơ chế cho phép bên nhận thế chấp được trực tiếp thực hiện việc chuyển nhượng tài sản thế chấp cho người mua khi xử lý tài sản thế chấp. Cơ chế này đã được áp dụng đối với tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất nhưng lại chưa được quy định thành một nguyên tắc chung trong Bộ luật Dân sự năm 2015[9].
Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu các cơ chế pháp lý hỗ trợ và đảm bảo thực thi quyền của bên nhận thế chấp của các luật có liên quan như Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Thi hành án dân sự… trên nền tư duy vật quyền của Bộ luật Dân sự năm 2015. Hay nói cách khác, cần “lan tỏa” cơ chế bảo vệ quyền của bên nhận thế chấp đối với tài sản thế chấp theo lý thuyết vật quyền của Bộ luật Dân sự năm 2015 đến các đạo luật nói trên, chứ không chỉ dừng lại ở mức độ ghi nhận quyền trong Bộ luật Dân sự. Trong tố tụng, cần sửa đổi quy định thủ tục rút gọn[10] khi giải quyết yêu cầu giao tài sản của bên nhận thế chấp theo hướng thủ tục này được áp dụng khi hợp đồng thế chấp được công chứng (nghĩa là đã được thừa nhận tính xác thực, tính hợp pháp) và biện pháp thế chấp đã phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba (vật quyền thế chấp đã được thiết lập). Quy định về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn của Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quá chặt chẽ, không phù hợp với việc giải quyết yêu cầu giao tài sản của bên có vật quyền thế chấp, do vậy, thủ tục này vẫn chưa thể được “rút gọn” theo đúng tên gọi của nó. Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành án dân sự. Có như vậy, quy định về vật quyền thế chấp của Bộ luật Dân sự năm 2015 mới thực sự có ý nghĩa và mang lại giá trị thực tiễn.
[1]. “Điểm mới cơ bản và những vấn đề còn tồn tại của Phần thứ hai “Quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản” trong Bộ luật Dân sự năm 2015”, PGS.TS. Dương Đăng Huệ, ThS. Trần Thu Hương, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số chuyên đề “Triển khai thi hành Bộ luật Dân sự năm 2015”, Nxb. Hà Nội, năm 2016.
[2]. Tuy nhiên, về vấn đề này, có quan điểm cho rằng, bên nhận bảo đảm chỉ có quyền đối với giá trị kinh tế của tài sản bảo đảm chứ không phải đối với bản thể vật lý của tài sản bảo đảm. Xem thêm: PGS.TS. Nguyễn Ngọc Điện, “Hoàn thiện các quy định về giao dịch bảo đảm trong Bộ luật Dân sự, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP và Nghị định số 11/2012/NĐ-CP - Nhìn từ cơ sở của lý thuyết về vật quyền bảo đảm”, Tài liệu Tọa đàm tổng kết thi hành Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 10/10/2014.
[3]. Việc định đoạt tài sản thế chấp của bên nhận thế chấp thể hiện ở quyền quyết định cho bên thế chấp được bán tài sản thế chấp trong giai đoạn thực hiện hợp đồng thế chấp và quyền kê biên, bán tài sản thế chấp trong giai đoạn xử lý tài sản thế chấp.
[4].Ví dụ như Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Thi hành án dân sự, các luật có quy định về thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản thế chấp như Luật Đất đai…
[5]. Xem: http://cafef.vn/tu-vu-the-harmona-tphcm-se-cong-khai-du-an-the-chap-ngan-hang-20160625215053627.chn.
[6]. Công văn số 5637/UBND-ĐTMT ngày 17/9/2015 của Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh.
[7]. Quy định này cũng được tiếp cận tương tự tại Điều 2166 của Bộ luật Dân sự Cộng hòa Pháp.
[8]. Ví dụ như nắm giữ tài sản để sửa chữa.
[9]. Xem thêm điểm a khoản 2 Điều 81 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.
[10]. Theo chúng tôi, trong bối cảnh nước ta hiện tại, chưa thể và chưa nên quy định bên nhận thế chấp được quyền tự mình thực hiện quyền truy đòi tài sản thế chấp mà không phụ thuộc vào ý chí của bất kỳ chủ thể nào.