Tại buổi tọa đàm, đại diện Sở Tư pháp và đại diện các phòng, ban, tổ chức trực thuộc Sở Tư pháp đã giới thiệu những vấn đề tổng quan về tình hình công tác tư pháp của Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai. Tổ chức bộ máy, cán bộ của Sở Tư pháp hiện nay gồm có: 01 Giám đốc, 02 Phó Giám đốc và 16 lãnh đạo cấp phòng và tương đương; Sở Tư pháp hiện có 05 phòng chuyên môn nghiệp vụ, 02 phòng tổ chức tham mưu, tổng hợp và 05 đơn vị sự nghiệp thuộc Sở với 31 công chức, 32 viên chức, 02 lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ. Tuy với số lượng biên chế còn ít, có những phòng có số lượng biên chế ít hơn số nhiệm vụ chuyên môn được giao (như Phòng Hành chính tư pháp có 05 biên chế thực hiện các công việc về hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, con nuôi, lý lịch tư pháp, trong đó, 04 biên chế phục vụ công tác lý lịch tư pháp), song với sự quyết tâm và chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Sở Tư pháp, sự nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của công chức, viên chức, người lao động, Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong 09 tháng đầu năm 2018.
Nhiều mặt công tác đã có những điểm sáng, những mô hình hay có thể nghiên cứu, nhân rộng trong Ngành Tư pháp như: Công tác xây dựng, thẩm định, góp ý, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện bài bản, 100% văn bản gửi đến đều được Sở Tư pháp thẩm định đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được tổ chức sâu rộng với nhiều mô hình tiêu biểu như: Đề án “Đẩy mạnh phổ biến nội dung cơ bản của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân giai đoạn 2015 - 2020”; Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017 - 2021”; Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động, người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2017 - 2021”; Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2017 - 2021 trên địa bàn tỉnh Gia Lai”; Đề án “Tăng cường vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” đã được thực hiện qua việc tổ chức 03 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho 250 người có uy tín trong cộng đồng dân cư tại 03 huyện biên giới Ia Grai, Chư Prông, Đức Cơ…; toàn tỉnh đã tiếp nhận 1.807 vụ việc, hòa giải thành 1.621 vụ việc (chiếm tỷ lệ 89,7%); hoàn thành việc tiêu chuẩn hóa cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã trong năm 2018 (kế hoạch đề ra là đến 31/12/2019)…
Kết luận buổi tọa đàm, đồng chí Trần Hoàng Hưng - Phó Tổng biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đánh giá cao kết quả đạt được và chia sẻ những khó khăn, thách thức trong công tác của Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai. Thay mặt Tạp chí, đồng chí trân trọng cám ơn Lãnh đạo và các công chức, viên chức, người lao động của Sở Tư pháp đã chủ động phối hợp, tạo điều kiện cho buổi tọa đàm được tiến hành thuận lợi và đạt kết quả tốt đẹp; cảm ơn các đại biểu đã tích cực thảo luận, cung cấp thêm nhiều thông tin liên quan đến công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là những đặc thù của hoạt động tư pháp ở tỉnh Gia Lai. Đồng chí Trần Hoàng Hưng cũng khuyến khích các cộng tác viên của Sở Tư pháp tích cực nghiên cứu, viết bài cộng tác với Tạp chí, đồng thời khẳng định rằng, những vấn đề mà các đại biểu đã nêu trong buổi tọa đàm sẽ được thông tin trong các ấn phẩm của Tạp chí./.