Trộm cắp tài sản là một loại tội phạm xảy ra nhiều và phổ biến nhất trong nhóm các tội xâm phạm sở hữu. Trong Bộ luật Hình sự năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 27/11/2015, tội Trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 173 thuộc chương XVI. So với quy định tại Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999, Tội trộm cắp tài sản được sửa đổi một số nội dung về cả dấu hiệu định tội lẫn các tình tiết định khung hình phạt. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin đề cập đến quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về loại tội phạm này và thực tiễn áp dụng pháp luật trong xét xử tội trộm cắp tài sản trong thời gian vừa qua.
1. Quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về Tội trộm cắp tài sản
Tội trộm cắp tài sản là một trong các tội xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt. Do vậy cũng giống như các tội xâm phạm sở hữu khác, tội phạm này xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản. Để gây thiệt hại đến các quyền sở hữu về tài sản, người phạm tội trộm cắp tài sản phải tác động đến tài sản của người chủ sở hữu. Như vậy, về nguyên tắc, đối tượng tác động của tội trộm cắp tài sản phải là tài sản của người khác. Tuy nhiên, trong trường hợp người chủ tài sản đã giao tài sản cho người khác quản lý như cho mượn, giữ hộ… nhưng sau đó lại có hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của mình thì vẫn có thể cấu thành tội trộm cắp tài sản.
Hành vi khách quan của Tội trộm cắp tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản. Hành vi chiếm đoạt này được phân biệt với hành vi chiếm đoạt của các tội khác bởi hai dấu hiệu. Đó là dấu hiệu lén lút và dấu hiệu tài sản đang có chủ.
Thứ nhất, dấu hiệu lén lút: Hành vi chiếm đoạt tài sản của tội trộm cắp tài sản phải là hành vi lén lút lấy đi tài sản của người khác. Điều đó có nghĩa là, hình thức thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội có khả năng không cho phép chủ tài sản biết có hành vi chiếm đoạt khi hành vi này xảy ra[1]. Đồng thời, lén lút cũng có nghĩa là người phạm tội cố tình che giấu hành vi phạm tội của mình đối với người chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản khi phạm tội. Trong thực tiễn, có một số trường hợp, người phạm tội có ý định trộm cắp tài sản của người khác và đã thực hiện ý định đó. Tuy nhiên, trong khi đang thực hiện hành vi khách quan của tội này hoặc ngay sau đó người phạm tội lại bị phát hiện, người phạm tội không thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản một cách lén lút nữa mà họ tiếp tục thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản bằng các thủ đoạn khác thì hành vi phạm tội có thể cấu thành các tội khác tùy từng trường hợp cụ thể[2].
Thứ hai, dấu hiệu tài sản đang có chủ: Tài sản là đối tượng của tội trộm cắp tài sản phải là tài sản đang có chủ. Điều đó có nghĩa là tài sản còn nằm trong sự chiếm hữu của người chủ, tức là tài sản này đang chịu sự chi phối về mặt thực tế của người chủ tài sản hoặc người quản lý tài sản[3]. Người chủ tài sản có thể thực hiện các quyền sở hữu về tài sản như sử dụng, định đoạt tài sản… hoặc tài sản đang còn trong khu vực quản lý, bảo quản của chủ tài sản.
Dấu hiệu chiếm đoạt trong cấu thành tội phạm Tội trộm cắp tài sản được thực tiễn xét xử từ trước đến nay hiểu là chiếm đoạt được[4]. Để xác định thời điểm người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản hay chưa, người ta chia ra thành các trường hợp: Một là, đối với loại tài sản nhỏ gọn thì thời điểm được coi là đã chiếm đoạt được tài sản là khi người phạm tội đã giấu chúng vào người hoặc giấu vào đồ vật mang theo; Hai là, đối với loại tài sản to lớn, cồng kềnh, khó cất giấu thì thời điểm được coi là đã chiếm đoạt được tài sản khi người phạm tội đã vận chuyển được chúng ra khỏi khu vực cất giữ hoặc bảo; Ba là, đối với tài sản không có khu vực bảo quan riêng thì thời điểm đã chiếm đoạt được tài sản là khi người lấy tài sản đã đưa chúng ra khỏi vị trí ban đầu[5].
Hành vi chiếm đoạt được tài sản chỉ coi là cấu thành Tội trộm cắp tài sản nếu thỏa mãn một trong các trường hợp sau[6]:
- Tài sản trộm cắp có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên.
- Tài sản trộm cắp dưới 2 triệu đồng, nhưng thuộc một trong các trường hợp: (i) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; (ii) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; (iii) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
Nhìn chung, Tội trộm cắp tài sản trong Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi về một số dấu hiệu định tội và định khung hình phạt. Cụ thể:
Về dấu hiệu định tội, theo quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999, hành vi trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng chỉ cấu thành tội phạm nếu thuộc một trong ba trường hợp: Gây hậu quả nghiêm trọng; Đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm[7].
Tuy nhiên, quy định này trong Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có sự thay đổi. Theo đó, chỉ duy nhất dấu hiệu “Đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt mà còn vi phạm” được giữ lại. Đối với dấu hiệu “Đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” được thay đổi trong Bộ luật Hình sự năm 2015 bằng cách nhà làm luật liệt kê các điều luật quy định về các tội phạm bị coi là có án tích. Nhìn chung những điều luật được liệt kê tại điểm b khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng là những điều luật quy định về các tội xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt. Tuy nhiên, nhà làm luật bổ sung thêm một tội danh khác không nằm trong nhóm các tội xâm phạm sở hữu nhưng án tích về tội phạm này cũng được xem xét là một trong các dấu hiệu định tội đối với hành vi trộm cắp tài sản, đó là Điều 290 quy định về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản[8].
Dấu hiệu “Gây hậu quả nghiêm trọng”[9] được thay thế bằng dấu hiệu “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”. Bên cạnh đó, nhà làm luật còn bổ sung thêm một trường hợp cũng bị xác định là tội phạm đối với hành vi trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng, đó là “Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại”[10].
Ngoài những thay đổi nêu trên, khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015, còn sửa đổi thuật ngữ “giá trị” thành “trị giá”. Theo đó quy định “Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ...” được sửa đổi thành “Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ...”. Tác giả cho rằng, sự thay đổi này là phù hợp, đảm bảo tính thống nhất so với các thuật ngữ trong luật chuyên ngành. Mọi người thường hay nhầm lẫn hai khái niệm “giá trị” và “trị giá”. Theo đó, giá trị được hiểu là sự cảm nhận mang tính chủ quan của chủ thể đối với một sự vật, hiện tượng hay một trạng thái nào đó. Đối với một sản phẩm, tài sản, dịch vụ thì giá trị thường được hiểu là giá trị sử dụng và những tiện nghi mà sản phẩm, tài sản, dịch vụ đó mang lại[11]. Còn trị giá là định giá một đồ vật hay một vật thể nào đó bằng tiền hay bằng một đơn vị thanh toán tương đương khác[12]. Từ trước tới nay, đối với hành vi trộm cắp tài sản, việc định giá đối với tài sản bị chiếm đoạt có ý nghĩa quan trọng trong việc định tội danh cũng như định khung hình phạt đối người phạm tội. Thực chất đó chính là trị giá của tài sản đó. Do vậy, để đảm bảo tính chính xác về thuật ngữ, việc sửa đổi thuật ngữ “giá trị” thành “trị giá” là điều cần thiết.
Lỗi của người phạm tội trộm cắp tài sản là lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, nhận thức rõ tình trạng sở hữu của tài sản, biết được tài sản họ chiếm đoạt là của người khác và mong muốn chiếm đoạt được tài sản đó[13].
Về hình phạt, so với quy định tại Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999, hình phạt quy định trong Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015 không có nhiều thay đổi ngoài việc bỏ hình phạt tù chung thân tại khoản 4 của điều luật[14]. Theo đó, Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định 4 khung hình phạt[15]. Khung cơ bản quy định mức phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Khung tăng nặng thứ nhất có mức phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Khung tăng nặng thứ 2 có mức phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Khung tăng nặng thứ 3 có mức phạt tù từ 12 năm đến 20. Hình phạt bổ sung cho tội này là phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng.
Về dấu hiệu định khung hình phạt, nhìn chung những dấu hiệu định khung hình phạt đối với Tội trộm cắp tài sản nói riêng và các tội xâm phạm sở hữu nói chung trong Bộ luật Hình sự năm 2015 không có nhiều thay đổi so với các quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999. Cụ thể, trong các khoản 2, 3 và 4 Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015, nhà làm luật bổ sung thêm trường hợp chiếm đoạt tài sản thỏa mãn dấu hiệu định khung về trị giá tài sản quy định tại khung hình phạt liền kề nhẹ hơn những thỏa mãn một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 của Điều luật đó là: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại[16].
Bên cạnh đó, khoản 3 và khoản 4 Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015 được bổ sung thêm tình tiết “lợi dụng thiên tai, dịch bệnh” và “lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp”.
2. Thực tiễn áp dụng pháp luật về Tội trộm cắp tài sản
Nhìn chung, những quy định mới bổ sung trong Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015 về Tội trộm cắp tài sản là phù hợp, đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm nói chung, tội trộm cắp tài sản nói riêng. Tuy nhiên, việc áp dụng thống nhất các dấu hiệu này trong thực tiễn không phải điều dễ dàng. Việc xác định tài sản bị chiếm đoạt là di vật, kỷ vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại là một trong những vấn đề cần được hướng dẫn và giải thích rõ hơn trong việc áp dụng pháp luật về loại tội phạm này. Bên cạnh đó, việc xác định thế nào là trường hợp tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ không phải lúc nào cũng thuận tiễn và dề dàng.
Trong thời gian vừa qua, việc áp dụng pháp luật hình sự về Tội trộm cắp tài sản có nhiều hiệu quả. Việc xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội. Bên cạnh đó, việc áp dụng các tình tiết tăng nặng định khung trong một số trường hợp phạm tội trên thực tế không thật chính xác. Ví dụ trong vụ án xét xử bị cáo Nguyễn Thanh Cần (Cận) về tội danh trộm cắp tài sản của tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh[17]. Vụ án được tóm tắt như sau: Chị Nguyễn Thị Mén và Nguyễn Thanh Cần kết hôn với nhau, quá trình sinh sống cả hai kinh doanh tích lũy được số tài sản 10 lượng vàng 9999; 3,97 chỉ vàng 18k và 05 chỉ vàng 24k. Do thường xuyên xảy ra mâu thuẫn nên đến đầu tháng 01/2012 chị Mén và Cần sống ly thân, cả hai vẫn sống chung một nhà nhưng mỗi người có một phòng riêng. Chị Mén tham gia chơi hụi lĩnh được 97.000.000 đồng, chị Mén mượn của anh Nguyễn Ngọc Phước Hậu 100 triệu đồng. Tất cả tiền, vàng có được chị Mén quản lý trong két sắt để ở phòng ngủ của mình. Cần biết được chị Mén có tài sản để trong két sắt nên có ý định chiếm đoạt. Khoảng 17 giờ ngày 20/5/2012 sau khi đi rẫy về biết chị Mén cùng con không còn ai ở nhà, Cần lấy một cây kìm và 01 cây vít của gia đình đi sang phòng chị Mén dùng tay vặn mạnh cửa phòng cho bung ra, rồi vào phòng dùng kìm, vít đục két sắt lấy hết tiền, vàng ở trong két. Sau khi lấy được tài sản gồm 26 lượng vàng 9999, 15,97 chỉ vàng 24k, 16,39 chỉ vàng 18k và 197.000.000 đồng, Cần dùng cưa sắt cưa cửa sổ phòng tạo hiện trường giả nhằm che giấu hành vi phạm tội của mình, rồi đóng cửa đi ra ngoài. Cần lấy 200.000 đồng trong số tiền lấy được tiêu xài, số còn lại Cần đem gửi, còn vàng Cần đem đến vườn cao su của gia đình chôn giấu, sau đó Cần quay về nhà xem ti vi, đến 00 giờ ngày 21/5/2012, chị Mén về nhà phát hiện bị mất trộm tài sản, Mén có hỏi Cần nhưng Cần trả lời không biết nên trình báo cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tây Ninh tiến hành các hoạt động điều tra thì Cần thừa nhận hành vi phạm tội của mình như đã nêu trên và hướng dẫn cơ quan điều tra đến nơi Cần cất giấu tài sản để thu hồi.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 52/2012/HSST ngày 29/8/2012 của Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh quyết định tuyên bố bị cáo Nguyễn Thanh Cần phạm tội “Trộm cắp tài sản”; áp dụng điểm a khoản 4 Điều 138; điểm g, p khoản 1 khoản 2 Điều 46; Điều 47 của Bộ luật Hình sự năm 1999, xử phạt Nguyễn Thanh Cần 07 (bảy) năm tù.
Khi xem xét vụ án trên, có thể nhận thấy rằng, tài sản mà Cần trộm cắp ở trên bao gồm cả những tài sản thuộc khối tài sản chung hợp nhất của hai vợ chồng. Chính vì thế, cần phải xác định chính xác giá trị tài sản mà Cần chiếm đoạt qua đó định khung hình phạt cho hành vi phạm tội nêu trên. Trong khi đó, việc Tòa án cho rằng hành vi của bị cáo đã cấu thành tội trộm cắp tài sản vì tài sản mà bị cáo chiếm đoạt đang thuộc quyền quản lý hợp pháp của chị Mén và đã xử bị cáo về tội “Trộm cắp tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999 là chưa có cơ sở vững chắc, cần phải điều tra làm rõ số tài sản trên đã được phân chia chưa, tình trạng hôn nhân giữa bị cáo và chị Mén như thế nào để có căn cứ pháp lý vững chắc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi của Cần.
Không chỉ không đúng trong việc áp dụng tình tiết định khung mà tác giả nhận thấy còn có một số trường hợp tòa án đã thiếu sót trong việc áp dụng các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự; cụ thể như trong vụ án Nguyễn Văn Gấm cùng đồng bọn trộm cắp tài sản[18]. Trong vụ án này, chỉ xét trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, bị cáo Nguyễn Văn Gấm (tức Anh Tư) cùng đồng bọn đã thực hiện liên tiếp 50 vụ trộm cắp tài sản với tổng giá trị tài sản chiếm đoạt được lên đến gần một tỷ đồng; chưa kể đến việc bị cáo còn thực hiện nhiều vụ trộm cắp tài sản trên địa bàn các tỉnh khác. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử không áp dụng tình tiết có tính chất chuyên nghiệp đối với bị cáo Gấm. Chúng tôi cho rằng cần phải áp dụng thêm tình tiết tăng nặng tại điểm b khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự năm 1999 đối với bị cáo Gấm vì chỉ trong khoảng thời gian ngắn, bị cáo đã thực hiện rất nhiều vụ trộm cắp tài sản, bị cáo lại không có nghề nghiệp, nên có thể xem xét xác định bị cáo coi tài sản chiếm đoạt được từ việc phạm tội là nguồn sống chính của mình[19]. Do đó, việc Tòa án không áp dụng tình tiết này là một thiếu sót trong việc quyết định hình phạt.
Tóm lại, tội trộm cắp tài sản là một tội phạm xảy ra rất phổ biến trong xã hội hiện nay. Trong thực tiễn áp dụng pháp luật thời gian qua, về cơ bản những bản án đã tuyên là đúng người đúng tội. Hình phạt được áp dụng phù hợp với mức độ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Tuy vậy, trong quá trình xét xử vẫn còn một số điểm mà theo chúng tôi Tòa án đã áp dụng pháp luật chưa thực sự chính xác. Chúng tôi rất mong Tòa án sẽ hạn chế tối đa được những thiếu sót trong quá trình xét xử để đảm bảo sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật. Đồng thời, để góp phần nâng cao hiệu quả của công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm thì các cơ quan hữu quan cần kịp thời hướng dẫn một số quy định của Bộ luật Hình sự về các loại tội phạm nói chung và tội trộm cắp tài sài nói riêng.
Tội trộm cắp tài sản là một trong các tội xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt. Do vậy cũng giống như các tội xâm phạm sở hữu khác, tội phạm này xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản. Để gây thiệt hại đến các quyền sở hữu về tài sản, người phạm tội trộm cắp tài sản phải tác động đến tài sản của người chủ sở hữu. Như vậy, về nguyên tắc, đối tượng tác động của tội trộm cắp tài sản phải là tài sản của người khác. Tuy nhiên, trong trường hợp người chủ tài sản đã giao tài sản cho người khác quản lý như cho mượn, giữ hộ… nhưng sau đó lại có hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của mình thì vẫn có thể cấu thành tội trộm cắp tài sản.
Hành vi khách quan của Tội trộm cắp tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản. Hành vi chiếm đoạt này được phân biệt với hành vi chiếm đoạt của các tội khác bởi hai dấu hiệu. Đó là dấu hiệu lén lút và dấu hiệu tài sản đang có chủ.
Thứ nhất, dấu hiệu lén lút: Hành vi chiếm đoạt tài sản của tội trộm cắp tài sản phải là hành vi lén lút lấy đi tài sản của người khác. Điều đó có nghĩa là, hình thức thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội có khả năng không cho phép chủ tài sản biết có hành vi chiếm đoạt khi hành vi này xảy ra[1]. Đồng thời, lén lút cũng có nghĩa là người phạm tội cố tình che giấu hành vi phạm tội của mình đối với người chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản khi phạm tội. Trong thực tiễn, có một số trường hợp, người phạm tội có ý định trộm cắp tài sản của người khác và đã thực hiện ý định đó. Tuy nhiên, trong khi đang thực hiện hành vi khách quan của tội này hoặc ngay sau đó người phạm tội lại bị phát hiện, người phạm tội không thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản một cách lén lút nữa mà họ tiếp tục thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản bằng các thủ đoạn khác thì hành vi phạm tội có thể cấu thành các tội khác tùy từng trường hợp cụ thể[2].
Thứ hai, dấu hiệu tài sản đang có chủ: Tài sản là đối tượng của tội trộm cắp tài sản phải là tài sản đang có chủ. Điều đó có nghĩa là tài sản còn nằm trong sự chiếm hữu của người chủ, tức là tài sản này đang chịu sự chi phối về mặt thực tế của người chủ tài sản hoặc người quản lý tài sản[3]. Người chủ tài sản có thể thực hiện các quyền sở hữu về tài sản như sử dụng, định đoạt tài sản… hoặc tài sản đang còn trong khu vực quản lý, bảo quản của chủ tài sản.
Dấu hiệu chiếm đoạt trong cấu thành tội phạm Tội trộm cắp tài sản được thực tiễn xét xử từ trước đến nay hiểu là chiếm đoạt được[4]. Để xác định thời điểm người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản hay chưa, người ta chia ra thành các trường hợp: Một là, đối với loại tài sản nhỏ gọn thì thời điểm được coi là đã chiếm đoạt được tài sản là khi người phạm tội đã giấu chúng vào người hoặc giấu vào đồ vật mang theo; Hai là, đối với loại tài sản to lớn, cồng kềnh, khó cất giấu thì thời điểm được coi là đã chiếm đoạt được tài sản khi người phạm tội đã vận chuyển được chúng ra khỏi khu vực cất giữ hoặc bảo; Ba là, đối với tài sản không có khu vực bảo quan riêng thì thời điểm đã chiếm đoạt được tài sản là khi người lấy tài sản đã đưa chúng ra khỏi vị trí ban đầu[5].
Hành vi chiếm đoạt được tài sản chỉ coi là cấu thành Tội trộm cắp tài sản nếu thỏa mãn một trong các trường hợp sau[6]:
- Tài sản trộm cắp có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên.
- Tài sản trộm cắp dưới 2 triệu đồng, nhưng thuộc một trong các trường hợp: (i) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; (ii) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; (iii) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
Nhìn chung, Tội trộm cắp tài sản trong Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi về một số dấu hiệu định tội và định khung hình phạt. Cụ thể:
Về dấu hiệu định tội, theo quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999, hành vi trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng chỉ cấu thành tội phạm nếu thuộc một trong ba trường hợp: Gây hậu quả nghiêm trọng; Đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm[7].
Tuy nhiên, quy định này trong Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có sự thay đổi. Theo đó, chỉ duy nhất dấu hiệu “Đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt mà còn vi phạm” được giữ lại. Đối với dấu hiệu “Đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” được thay đổi trong Bộ luật Hình sự năm 2015 bằng cách nhà làm luật liệt kê các điều luật quy định về các tội phạm bị coi là có án tích. Nhìn chung những điều luật được liệt kê tại điểm b khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng là những điều luật quy định về các tội xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt. Tuy nhiên, nhà làm luật bổ sung thêm một tội danh khác không nằm trong nhóm các tội xâm phạm sở hữu nhưng án tích về tội phạm này cũng được xem xét là một trong các dấu hiệu định tội đối với hành vi trộm cắp tài sản, đó là Điều 290 quy định về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản[8].
Dấu hiệu “Gây hậu quả nghiêm trọng”[9] được thay thế bằng dấu hiệu “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”. Bên cạnh đó, nhà làm luật còn bổ sung thêm một trường hợp cũng bị xác định là tội phạm đối với hành vi trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng, đó là “Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại”[10].
Ngoài những thay đổi nêu trên, khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015, còn sửa đổi thuật ngữ “giá trị” thành “trị giá”. Theo đó quy định “Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ...” được sửa đổi thành “Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ...”. Tác giả cho rằng, sự thay đổi này là phù hợp, đảm bảo tính thống nhất so với các thuật ngữ trong luật chuyên ngành. Mọi người thường hay nhầm lẫn hai khái niệm “giá trị” và “trị giá”. Theo đó, giá trị được hiểu là sự cảm nhận mang tính chủ quan của chủ thể đối với một sự vật, hiện tượng hay một trạng thái nào đó. Đối với một sản phẩm, tài sản, dịch vụ thì giá trị thường được hiểu là giá trị sử dụng và những tiện nghi mà sản phẩm, tài sản, dịch vụ đó mang lại[11]. Còn trị giá là định giá một đồ vật hay một vật thể nào đó bằng tiền hay bằng một đơn vị thanh toán tương đương khác[12]. Từ trước tới nay, đối với hành vi trộm cắp tài sản, việc định giá đối với tài sản bị chiếm đoạt có ý nghĩa quan trọng trong việc định tội danh cũng như định khung hình phạt đối người phạm tội. Thực chất đó chính là trị giá của tài sản đó. Do vậy, để đảm bảo tính chính xác về thuật ngữ, việc sửa đổi thuật ngữ “giá trị” thành “trị giá” là điều cần thiết.
Lỗi của người phạm tội trộm cắp tài sản là lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, nhận thức rõ tình trạng sở hữu của tài sản, biết được tài sản họ chiếm đoạt là của người khác và mong muốn chiếm đoạt được tài sản đó[13].
Về hình phạt, so với quy định tại Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999, hình phạt quy định trong Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015 không có nhiều thay đổi ngoài việc bỏ hình phạt tù chung thân tại khoản 4 của điều luật[14]. Theo đó, Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định 4 khung hình phạt[15]. Khung cơ bản quy định mức phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Khung tăng nặng thứ nhất có mức phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Khung tăng nặng thứ 2 có mức phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Khung tăng nặng thứ 3 có mức phạt tù từ 12 năm đến 20. Hình phạt bổ sung cho tội này là phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng.
Về dấu hiệu định khung hình phạt, nhìn chung những dấu hiệu định khung hình phạt đối với Tội trộm cắp tài sản nói riêng và các tội xâm phạm sở hữu nói chung trong Bộ luật Hình sự năm 2015 không có nhiều thay đổi so với các quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999. Cụ thể, trong các khoản 2, 3 và 4 Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015, nhà làm luật bổ sung thêm trường hợp chiếm đoạt tài sản thỏa mãn dấu hiệu định khung về trị giá tài sản quy định tại khung hình phạt liền kề nhẹ hơn những thỏa mãn một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 của Điều luật đó là: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại[16].
Bên cạnh đó, khoản 3 và khoản 4 Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015 được bổ sung thêm tình tiết “lợi dụng thiên tai, dịch bệnh” và “lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp”.
2. Thực tiễn áp dụng pháp luật về Tội trộm cắp tài sản
Nhìn chung, những quy định mới bổ sung trong Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015 về Tội trộm cắp tài sản là phù hợp, đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm nói chung, tội trộm cắp tài sản nói riêng. Tuy nhiên, việc áp dụng thống nhất các dấu hiệu này trong thực tiễn không phải điều dễ dàng. Việc xác định tài sản bị chiếm đoạt là di vật, kỷ vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại là một trong những vấn đề cần được hướng dẫn và giải thích rõ hơn trong việc áp dụng pháp luật về loại tội phạm này. Bên cạnh đó, việc xác định thế nào là trường hợp tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ không phải lúc nào cũng thuận tiễn và dề dàng.
Trong thời gian vừa qua, việc áp dụng pháp luật hình sự về Tội trộm cắp tài sản có nhiều hiệu quả. Việc xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội. Bên cạnh đó, việc áp dụng các tình tiết tăng nặng định khung trong một số trường hợp phạm tội trên thực tế không thật chính xác. Ví dụ trong vụ án xét xử bị cáo Nguyễn Thanh Cần (Cận) về tội danh trộm cắp tài sản của tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh[17]. Vụ án được tóm tắt như sau: Chị Nguyễn Thị Mén và Nguyễn Thanh Cần kết hôn với nhau, quá trình sinh sống cả hai kinh doanh tích lũy được số tài sản 10 lượng vàng 9999; 3,97 chỉ vàng 18k và 05 chỉ vàng 24k. Do thường xuyên xảy ra mâu thuẫn nên đến đầu tháng 01/2012 chị Mén và Cần sống ly thân, cả hai vẫn sống chung một nhà nhưng mỗi người có một phòng riêng. Chị Mén tham gia chơi hụi lĩnh được 97.000.000 đồng, chị Mén mượn của anh Nguyễn Ngọc Phước Hậu 100 triệu đồng. Tất cả tiền, vàng có được chị Mén quản lý trong két sắt để ở phòng ngủ của mình. Cần biết được chị Mén có tài sản để trong két sắt nên có ý định chiếm đoạt. Khoảng 17 giờ ngày 20/5/2012 sau khi đi rẫy về biết chị Mén cùng con không còn ai ở nhà, Cần lấy một cây kìm và 01 cây vít của gia đình đi sang phòng chị Mén dùng tay vặn mạnh cửa phòng cho bung ra, rồi vào phòng dùng kìm, vít đục két sắt lấy hết tiền, vàng ở trong két. Sau khi lấy được tài sản gồm 26 lượng vàng 9999, 15,97 chỉ vàng 24k, 16,39 chỉ vàng 18k và 197.000.000 đồng, Cần dùng cưa sắt cưa cửa sổ phòng tạo hiện trường giả nhằm che giấu hành vi phạm tội của mình, rồi đóng cửa đi ra ngoài. Cần lấy 200.000 đồng trong số tiền lấy được tiêu xài, số còn lại Cần đem gửi, còn vàng Cần đem đến vườn cao su của gia đình chôn giấu, sau đó Cần quay về nhà xem ti vi, đến 00 giờ ngày 21/5/2012, chị Mén về nhà phát hiện bị mất trộm tài sản, Mén có hỏi Cần nhưng Cần trả lời không biết nên trình báo cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tây Ninh tiến hành các hoạt động điều tra thì Cần thừa nhận hành vi phạm tội của mình như đã nêu trên và hướng dẫn cơ quan điều tra đến nơi Cần cất giấu tài sản để thu hồi.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 52/2012/HSST ngày 29/8/2012 của Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh quyết định tuyên bố bị cáo Nguyễn Thanh Cần phạm tội “Trộm cắp tài sản”; áp dụng điểm a khoản 4 Điều 138; điểm g, p khoản 1 khoản 2 Điều 46; Điều 47 của Bộ luật Hình sự năm 1999, xử phạt Nguyễn Thanh Cần 07 (bảy) năm tù.
Khi xem xét vụ án trên, có thể nhận thấy rằng, tài sản mà Cần trộm cắp ở trên bao gồm cả những tài sản thuộc khối tài sản chung hợp nhất của hai vợ chồng. Chính vì thế, cần phải xác định chính xác giá trị tài sản mà Cần chiếm đoạt qua đó định khung hình phạt cho hành vi phạm tội nêu trên. Trong khi đó, việc Tòa án cho rằng hành vi của bị cáo đã cấu thành tội trộm cắp tài sản vì tài sản mà bị cáo chiếm đoạt đang thuộc quyền quản lý hợp pháp của chị Mén và đã xử bị cáo về tội “Trộm cắp tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999 là chưa có cơ sở vững chắc, cần phải điều tra làm rõ số tài sản trên đã được phân chia chưa, tình trạng hôn nhân giữa bị cáo và chị Mén như thế nào để có căn cứ pháp lý vững chắc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi của Cần.
Không chỉ không đúng trong việc áp dụng tình tiết định khung mà tác giả nhận thấy còn có một số trường hợp tòa án đã thiếu sót trong việc áp dụng các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự; cụ thể như trong vụ án Nguyễn Văn Gấm cùng đồng bọn trộm cắp tài sản[18]. Trong vụ án này, chỉ xét trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, bị cáo Nguyễn Văn Gấm (tức Anh Tư) cùng đồng bọn đã thực hiện liên tiếp 50 vụ trộm cắp tài sản với tổng giá trị tài sản chiếm đoạt được lên đến gần một tỷ đồng; chưa kể đến việc bị cáo còn thực hiện nhiều vụ trộm cắp tài sản trên địa bàn các tỉnh khác. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử không áp dụng tình tiết có tính chất chuyên nghiệp đối với bị cáo Gấm. Chúng tôi cho rằng cần phải áp dụng thêm tình tiết tăng nặng tại điểm b khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự năm 1999 đối với bị cáo Gấm vì chỉ trong khoảng thời gian ngắn, bị cáo đã thực hiện rất nhiều vụ trộm cắp tài sản, bị cáo lại không có nghề nghiệp, nên có thể xem xét xác định bị cáo coi tài sản chiếm đoạt được từ việc phạm tội là nguồn sống chính của mình[19]. Do đó, việc Tòa án không áp dụng tình tiết này là một thiếu sót trong việc quyết định hình phạt.
Tóm lại, tội trộm cắp tài sản là một tội phạm xảy ra rất phổ biến trong xã hội hiện nay. Trong thực tiễn áp dụng pháp luật thời gian qua, về cơ bản những bản án đã tuyên là đúng người đúng tội. Hình phạt được áp dụng phù hợp với mức độ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Tuy vậy, trong quá trình xét xử vẫn còn một số điểm mà theo chúng tôi Tòa án đã áp dụng pháp luật chưa thực sự chính xác. Chúng tôi rất mong Tòa án sẽ hạn chế tối đa được những thiếu sót trong quá trình xét xử để đảm bảo sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật. Đồng thời, để góp phần nâng cao hiệu quả của công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm thì các cơ quan hữu quan cần kịp thời hướng dẫn một số quy định của Bộ luật Hình sự về các loại tội phạm nói chung và tội trộm cắp tài sài nói riêng.
ThS. Nguyễn Thị Lan Anh
Đại học Kiểm sát Hà Nội
Đại học Kiểm sát Hà Nội
[1]Trường Đại học Luật Hà Nội (2012), Giáo trình luật hình sự Việt Nam - Tập 2, Nxb.Công an nhân dân, tr.34.
[2]Xem: Nghị quyết số 01-89/HĐTP ngày 19/4/1989 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
[3]Trường Đại học Luật Hà Nội (2012), Giáo trình luật hình sự Việt Nam - Tập 2, Nxb.Công an nhân dân, tr.35.
[4]Hiện nay chưa có văn bản pháp luật chính thức nào quy định vấn đề này.
[5]Trường Đại học Luật Hà Nội (2012), Giáo trình luật hình sự Việt Nam - Tập 2, Nxb.Công an nhân dân, tr.33.
[6]Xem: Điều 173 BLHS năm 2015.
[7]Xem: Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999.
[8]Xem: Điểm b khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015.
[9]Xem: Khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999.
[10]Xem: Điểm c, d khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015.
[13]Xem: Khoản 1 Điều 10 Bộ luật Hình sự năm 2015.
[14]Xem: Khoản 4 Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999.
[15]Xem: Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015.
[16]Xem them điểm e khoản 2, điểm b khoản 3 và điểm b khoản 4 Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015.
[17]Xem bản án hình sự sơ thẩm số 52/2012/HSST ngày 29 tháng 8 năm 2012 của Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh.
[18]Xem bản án hình sự sơ thẩm số 113/2012/HSST ngày 19/11/2012 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai.
[19]Xem thêm điểm b khoản 1 Điều 48 và một số điều luật trong Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự được quy định tại Điều 5 Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP.