Trong những năm vừa qua, các doanh nghiệp của Việt Nam, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước đã ngày càng phát triển, không ngừng lớn mạnh cả về số lượng, quy mô về vốn, công nghệ và ngày càng tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đem lại, cũng có nhiều nguy cơ, thách thức đặt ra, trong đó có thách thức về môi trường. Một số pháp nhân thương mại trong sản xuất, kinh doanh, nhằm giảm thiểu chi phí sản xuất, tăng doanh thu đã triệt để lợi dụng mọi kẽ hở pháp luật, yếu kém trong quản lý, tập trung khai thác lợi thế cạnh tranh bằng tài nguyên sẵn có, sử dụng máy móc thiết bị cũ, lạc hậu, công nhân có tay nghề thấp, nguyên liệu đầu vào giá rẻ... Hậu quả tất yếu là tài nguyên của quốc gia đang dần cạn kiệt, môi trường tự nhiên bị hủy hoại, sức khỏe của người dân, cộng đồng bị ảnh hưởng, an ninh môi trường, an ninh đầu tư và tính bền vững của nền kinh tế đất nước bị đe dọa. Vì vậy, pháp luật cần có những chế tài đủ mạnh để răn đe, ngăn chặn các pháp nhân thương mại có hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, đồng thời khôi phục những thiệt hại đang hiện hữu.
1. Trách nhiệm pháp lý của pháp nhân thương mại đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh
Pháp nhân thương mại bao gồm các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác[1]. Tuy vậy, không phải tất cả các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế đang hoạt động trong nền kinh tế đều là pháp nhân thương mại mà chỉ các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đáp ứng điều kiện để trở thành pháp nhân và/hoặc được luật điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của nó ghi nhận là pháp nhân thì mới là pháp nhân thương mại. Theo quy định của pháp luật hiện hành[2], các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế không phân biệt tính chất sở hữu và nguồn vốn đầu tư được tổ chức dưới các loại hình như công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã đều là các pháp nhân thương mại. Trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh, tổ hợp tác là những doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh nhưng không được pháp luật ghi nhận là pháp nhân. Vì thế loại chủ thể này không thuộc phạm vi và đối tượng nghiên cứu trong bài viết này.
Như vậy, các doanh nghiệp và hợp tác xã là pháp nhân thương mại có tư cách chủ thể độc lập khi tham gia các quan hệ pháp luật, sẽ thụ hưởng quyền và gánh vác các nghĩa vụ pháp lý theo quy định của pháp luật. Các pháp nhân thương mại là các chủ thể kinh doanh chủ yếu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay và tất nhiên cũng là chủ thể chủ yếu của hành vi gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Những hành vi vi phạm pháp luật của pháp nhân thương mại trong quá trình sản xuất kinh doanh gây ra ô nhiễm môi trường là những hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, cũng như vi phạm pháp luật khác, đó là một trong các hành vi: Chôn vào môi trường đất chất thải độc; lấp chất thải độc hại vào môi trường đất; đổ chất thải ra môi trường đất, nước…; xả chất thải của nhà máy sản xuất kinh doanh vào môi trường nước và không khí… với một lượng chất thải độc hại đưa vào môi trường bị pháp luật không cho phép hoặc cấm. Việc làm này đã là làm biến đổi thành phần của môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến con người và sinh vật. Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, pháp nhân thương mại có thể vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
Các loại trách nhiệm pháp lý của pháp nhân thương mại đối với hành vi gây ra ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh bao gồm:
- Trách nhiệm dân sự: Việc pháp nhân thương mại buộc phải bồi thường thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân khác là do pháp nhân thương mại đó đã thực hiện hành vi gây ô nhiễm môi trường, hành vi này đã gây ra những thiệt hại về vật chất, tinh thần, sức khỏe, tính mạng cho các tổ chức, cá nhân đó. Theo đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của pháp nhân thương mại có hành vi gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh là loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Giữa pháp nhân thương mại và tổ chức, cá nhân bị thiệt hại có thể có hoặc không tồn tại quan hệ hợp đồng, nhưng hành vi của pháp nhân thương mại đã gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật về môi trường, hành vi đó đã xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và đã gây thiệt hại cho tổ chức và cá nhân đó, không liên quan đến quyền và nghĩa vụ trong quan hệ hợp đồng giữa các bên. Chế định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường được thiết lập để nhằm khôi phục, bù đắp thiệt hại đã phát sinh và răn đe phòng ngừa hành vi vi phạm.
- Trách nhiệm hành chính: Hành vi vi phạm pháp luật hành chính về quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường là hành vi của pháp nhân thương mại đã xâm phạm quy tắc quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường, có lỗi, chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự (không phải là tội phạm), theo quy định của pháp luật thì hành vi này phải bị xử phạt vi phạm hành chính. Trách nhiệm hành chính là sự áp dụng những biện pháp cưỡng chế hành chính mang tính chất xử phạt hoặc khôi phục lại những quyền và lợi ích bị xâm hại được quy định trong chế tài của quy phạm pháp luật hành chính được thực hiện bởi cơ quan quản lý nhà nước.
- Trách nhiệm hình sự: Là hậu quả pháp lý bất lợi mà pháp nhân phạm tội phải gánh chịu và được thể hiện bằng việc Tòa án áp dụng hình phạt và các biện pháp cưỡng chế khác được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đối với pháp nhân thương mại phạm tội gây ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là hình thức trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc nhất. Tính chất nghiêm khắc vượt trội của trách nhiệm hình sự thể hiện ở chỗ pháp nhân thương mại phạm tội sẽ bị Tòa án kết án và phải chịu hình phạt và các biện pháp tư pháp. Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc của pháp luật hình sự, không chỉ hạn chế quyền tự do, quyền tài sản, quyền chính trị, thậm chí còn có thể chấm dứt vĩnh viễn sự hoạt động của pháp nhân thương mại phạm tội. Theo đó, khi pháp nhân thương mại phạm tội xâm phạm đến môi trường có thể phải chịu hậu quả pháp lý là chịu hình phạt chính, bao gồm: Phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ngoài hình phạt chính, pháp nhân thương mại còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn, phạt tiền khi không áp dụng là hình phạt chính. Trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại nói chung và pháp nhân thương mại phạm tội gây ô nhiễm môi trường nói riêng lần đầu tiên được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
2. Thực trạng xử lý hành vi gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các pháp nhân thương mại ở Việt Nam
- Giải quyết hành vi gây ô nhiễm môi trường của các pháp nhân thương mại theo quy định của pháp luật dân sự
Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, trong số những vụ án dân sự được Tòa án thụ lý và giải quyết liên quan đến việc bồi thường thiệt hại dân sự ngoài hợp đồng, thì số vụ án dân sự liên quan đến kiện đòi bồi thường thiệt hại về tổn thất tinh thần, sức khỏe, tính mạng, tài sản của các tổ chức, cá nhân đối với pháp nhân thương mại hoạt động sản xuất, kinh doanh có hành vi gây ô nhiễm môi trường chiếm tỷ lệ rất thấp. Thực tế khi giải quyết những vụ án này Tòa án gặp nhiều khó khăn, bởi vì: (i) Trong những vụ án liên quan đến hành vi gây ô nhiễm môi trường kiện đòi bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tinh thần, tính mạng và tài sản rất khó xác định được thiệt hại thực tế, cũng như mối quan hệ nhân quả trực tiếp giữa hành vi gây ô nhiễm môi trường với hậu quả xảy ra; (ii) Việc tiến hành thu mẫu, giám định thực tế gặp nhiều khó khăn, người dân bị tổn hại khó đưa ra bằng chứng chứng minh và không có chuyên môn trong việc thu thập chứng cứ, bản thân họ là những người nông dân lao động không có điều kiện thuê luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình, cũng như không có tiền để thực hiện hoạt động xét nghiệm mẫu; (iii) Quy định pháp luật còn chung chung, không rõ ràng dẫn đến khó áp dụng để giải quyết.
- Xử lý hành vi gây ô nhiễm môi trường của các pháp nhân thương mại theo quy định của pháp luật hành chính
Theo thống kê, số vụ phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây ô nhiễm môi trường đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh năm sau giảm hơn so với năm trước, tuy nhiên số vụ vi phạm vẫn còn nhiều, đặc biệt nhiều doanh nghiệp vì lợi nhuận, cạnh tranh chấp nhận nộp phạt để vi phạm. Điều này cho thấy, hiệu lực, hiệu quả của các biện pháp xử phạt hành chính đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường trên thực tiễn chưa cao, chính vì thế các pháp nhân thương mại không thấy “sợ” khi bị xử phạt. Theo đó, cần phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật về các biện pháp xử lý hành chính, xử phạt hành chính, sao cho những biện pháp chế tài này khi áp dụng phải đủ mạnh, đủ sức trừng trị, răn đe để các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh phải biết tôn trọng pháp luật, cũng như đảm bảo môi trường sống an toàn cho các tổ chức và người dân.
- Xử lý hành vi gây ô nhiễm môi trường của các pháp nhân thương mại theo quy định của pháp luật hình sự
Từ năm 2008 đến năm 2018, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường đã phát hiện và xử lý 124.226 vụ vi phạm về gây ô nhiễm môi trường. Trong đó, xử lý hình sự 2.847 vụ, số vụ còn lại xử phạt hành chính[3]. Tuy nhiên, không có vụ án hình sự nào xử lý đối với pháp nhân thương mại có hành vi gây ô nhiễm môi trường, nguyên do là Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) không quy định pháp nhân là chủ thể của tội phạm, do đó nếu pháp nhân thương mại có hành vi gây ô nhiễm môi trường ở thời điểm này thì cũng chỉ bị xử phạt hành chính, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo báo cáo của Cục Thống kê - Viện kiểm sát nhân dân tối cao, sau hơn hai năm Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực, với nhiều vụ án về môi trường đã được khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử, nhưng có một thực trạng là chưa có vụ án hình sự nào được cơ quan điều tra khởi tố bị can đối với pháp nhân thương mại có hành vi gây ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân là do trên thực tế rất khó chứng minh, làm rõ được các yếu tố là điều kiện cần và đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Điều này đã làm cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh đã bất chấp mọi thủ đoạn, tiếp tục có hành vi gây ô nhiễm môi trường mà không sợ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Từ thực trạng này đặt ra việc cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các quy định của pháp luật hình sự về các hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo mọi hành vi phạm tội đều bị phát hiện và xử lý nghiêm minh trước pháp luật, đảm bảo môi trường sống an toàn cho các tổ chức, cá nhân, tránh gây ra những tổn thất, thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân đó.
3. Kiến nghị hoàn thiện trách nhiệm pháp lý đối với pháp nhân thương mại có hành vi gây ô nhiễm môi trường
Một là, hoàn thiện các quy định pháp luật về trách nhiệm dân sự của pháp nhân thương mại gây ra ô nhiễm môi trường
Đã có nhiều biện pháp được đưa ra nhằm ngăn chặn, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, trong đó có các biện pháp pháp lý quy định rõ trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại đối với pháp nhân thương mại đã có hành vi gây ô nhiễm môi trường và làm thiệt hại đến các tổ chức, cá nhân khác. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, những quy định hiện hành về cơ chế giải quyết yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại trong lĩnh vực dân sự còn rất chung chung, mang tính nguyên tắc, chưa khả thi khi áp dụng trong thực tế. Do vậy, phần lớn các vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại của các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn khi giải quyết do chưa có sự thống nhất về cách hiểu và áp dụng các quy định pháp luật hiện hành.
Trách nhiệm dân sự của pháp nhân thương mại khi thực hiện hành vi gây ô nhiễm môi trường làm thiệt hại cho các tổ chức cá nhân khác được xác định là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Do đó, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể hoặc hoàn thiện các quy định về bồi thường dân sự ngoài hợp đồng cho các trường hợp kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong những vụ án dân sự mà bên bị thiệt hại khởi kiện đòi pháp nhân thương mại gây ô nhiễm môi trường làm thiệt hại đến tinh thần, sức khỏe, tính mạng và tài sản của các tổ chức, cá nhân. Cụ thể, cần hướng dẫn và làm rõ các vấn đề như: Xác định các thiệt hại do ô nhiễm môi trường; xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với môi trường; quyền yêu cầu pháp nhân thương mại bồi thường thiệt hại về môi trường (đối với thiệt hại về môi trường có hai dạng thiệt hại là thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường và thiệt hại gây ra cho tài sản, tính mạng, sức khỏe của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại phải được tách ra riêng thành hai chủ thể khác nhau); yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường là một dạng tranh chấp về môi trường; vấn đề chứng minh được mức độ thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường gây ra; nộp tiền tạm ứng án phí khi khởi kiện...
Hai là, hoàn thiện quy định pháp luật về trách nhiệm hành chính đối với pháp nhân thương mại gây ô nhiễm môi trường
Thực tế việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường đối với pháp nhân thương mại gây ô nhiễm môi trường thời gian qua cho thấy, các biện pháp cưỡng chế hành chính chưa thực sự đủ mạnh, mức xử phạt thấp, các chế tài áp dụng chưa đủ sức răn đe, dẫn đến hạn chế tác dụng giáo dục, phòng ngừa đối với những hành vi gây ô nhiễm môi trường của các pháp nhân thương mại. Thậm chí, có trường hợp doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh đã lựa chọn giải pháp “tiêu cực” là chấp nhận bị xử phạt để vi phạm. Do đó, cần có những biện pháp, chế tài xử lý mạnh mẽ, nghiêm khắc hơn nữa để hạn chế việc các doanh nghiệp tiếp tục có hành vi gây ô nhiễm môi trường. Cụ thể, cần hoàn thiện các quy định pháp luật về trách nhiệm hành chính đối với pháp nhân thương mại gây ô nhiễm môi theo hướng: (i) Quy định cụ thể trách nhiệm của người quản lý môi trường nếu để xảy ra việc các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn mà mình quản lý; (ii) Các văn bản pháp luật quy định về xử lý hành chính đối với các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường cần có sự kết nối, đồng bộ, rõ ràng và cụ thể hơn nữa. Qua đó, tạo sự thống nhất trong các quy định của pháp luật, làm tăng tính hiệu lực, hiệu quả, thực thi của pháp luật; (iii) Tiếp tục rà soát, sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, cũng như pháp luật xử phạt hành chính, xử lý hành chính theo hướng tăng mức xử phạt, áp dụng các biện pháp cưỡng chế mạnh như dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nếu tái phạm, phong tỏa tài sản để thực hiện hoạt động đền bù, khắc phục hậu quả hoặc bồi thường thiệt hại.
Ba là, hoàn thiện các quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại có hành vi gây ô nhiễm môi trường
Để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội có hành vi gây ra ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xác định rõ các pháp nhân thương mại này đã bất chấp sự an toàn của môi trường sống gây ô nhiễm môi trường, như: Chôn, lấp, đổ thải bừa bãi ra môi trường; mua bán, kinh doanh các loại chất thải độc hại ra môi trường; phát tán các chất thải độc hại ra môi trường sống… gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến chế độ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, gây thiệt hại nghiêm trọng đến môi trường sống. Thực tiễn, việc xử lý các pháp nhân thương mại có hành vi gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn do quy định của pháp luật còn nhiều điểm bất cập, gây khó khăn trong hoạt động chứng minh tội phạm. Do đó, cần nghiên cứu và hoàn thiện những vấn đề cụ thể như:
- Để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại về tội gây ô nhiễm môi trường, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xác định chính xác hậu quả cũng như thiệt hại mà hành vi phạm tội gây ra đối với môi trường sống an toàn cần phải được đảm bảo. Theo đó, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải ra quyết định trưng cầu giám định chuyên môn, xác định chính xác về việc: Các chất thải, nước thải, bụi, khí thải, chất độc hại, chất bức xạ, khúc xạ, nhiễu xạ, phóng xạ mà các pháp nhân thương mại gây ra trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh đã gây nguy hại như thế nào đối với môi trường sống. Kết luận giám định cũng phải nêu rõ các thông số kỹ thuật an toàn cho môi trường đã vượt quá ngưỡng là bao nhiêu; hủy diệt môi trường sống như thế nào; chất phóng xạ gây nhiễm xạ có ở mức vượt quy chuẩn kỹ thuật hoặc vượt mức giới hạn cho phép hay không, có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của các tổ chức, cá nhân khác…? Ngoài ra, các cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định được thời điểm pháp nhân thương mại gây ra hậu quả đó, đặc biệt cần chứng minh về mối quan hệ nhân quả trực tiếp giữa hành vi gây ô nhiễm môi trường và hậu quả gây ra đối với các tổ chức, cá nhân khác. Qua đó làm căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can, điều tra, truy tố, xét xử đối với pháp nhân thương mại có hành vi phạm tội gây ô nhiễm môi trường.
- Vấn đề “lỗi” đặt ra với pháp nhân thương mại thực hiện hành vi gây ô nhiễm môi trường hiện nay cũng nhiều quan điểm và ý kiến trái chiều, vì vậy, cần nghiên cứu và hoàn thiện chế định “lỗi” trong Bộ luật Hình sự cho phù hợp với thực tế.
- Thực tế hiện nay có trường hợp các công ty, doanh nghiệp khi thành lập đăng ký ngành nghề không có mục tiêu vì lợi nhuận, do đó được xác định không phải là pháp nhân thương mại. Sau đó, trong quá trình hoạt động doanh nghiệp đã thay đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh có đối tượng kinh doanh có mục tiêu lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên của công ty. Khi những pháp nhân này thực hiện hành vi phạm tội thì có bị xác định là pháp nhân thương mại không? Pháp luật hiện nay chưa quy định về vấn đề này, nên cũng đặt ra cần nghiên cứu và hoàn thiện.
- Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) chưa có quy định về miễn trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội trong luật, mà chỉ áp dụng đối với cá nhân phạm tội. Có thể thấy rằng, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội xuất phát từ việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân người đại diện cho pháp nhân về hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện. Nếu cá nhân người đại diện cho pháp nhân đáp ứng các điều kiện để được miễn trách nhiệm hình sự theo luật định, thì pháp nhân thương mại vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự vì không có quy định nào thể hiện việc pháp nhân thương mại phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự. Do vậy, chưa đảm bảo sự công bằng, bình đẳng trước pháp luật đối với cá nhân hay tổ chức có hành vi phạm tội.
- Khoản 1 Điều 78 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: “Đình chỉ hoạt động có thời hạn là tạm dừng hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường hoặc an ninh, trật tự, an toàn xã hội và hậu quả gây ra có khả năng khắc phục trên thực tế”. Quy định này chưa thật sự chính xác, nếu đã gây thiệt hại đến “tính mạng” mà hậu quả gây ra lại “có khả năng khắc phục trên thực tế” là mâu thuẫn, vì gây thiệt hại đến tính mạng rõ ràng không thể khắc phục được. Do vậy, cần sửa đổi quy định này cho phù hợp.
- Đối với pháp nhân thương mại, thì thương hiệu, uy tín và danh tiếng trên thương trường là điều doanh nghiệp nào cũng đặt ra mục tiêu hướng tới. Pháp luật hình sự của nhiều quốc gia trên thế giới như: Cộng hòa Pháp, Hà Lan, Bỉ… đều quy định hình phạt “niêm yết bản án, quyết định đã được Tòa án tuyên hoặc thông báo bản án, quyết định đó trên các phương tiện nghe nhìn” để răn đe, cảnh tỉnh đối với các pháp nhân khác và bản thân pháp nhân đã phạm tội. Theo tác giả, pháp luật hình sự Việt Nam nên quy định hình phạt bổ sung này đối với pháp nhân thương mại có hành vi phạm tội gây ô nhiễm môi trường nói riêng, có hành vi phạm tội thuộc các loại tội phạm khác nói chung.
Học viện Tư pháp
[2]. Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Hợp tác xã năm 2012, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010…
[3]. Báo cáo tổng kết của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an năm 2018.