Có thể nói, khi đưa pháp luật đi vào cuộc sống thì doanh nghiệp là đối tượng có những nét đặc thù, là lực lượng quan trọng của nền kinh tế. Vì vậy, việc hỗ trợ pháp lý cho đối tượng này cần được thực hiện bằng cơ chế riêng, cụ thể đã được quy định trong Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (Nghị định số 66/2008/NĐ-CP), theo đó, xác định rõ nội dung, hình thức và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc triển khai thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Ngày 05/5/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 585/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn năm 2010 - 2014 (Quyết định số 585/QĐ-TTg), trong đó có 03 dự án gồm: Hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động thông tin pháp lý cho doanh nghiệp; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên một số hoạt động cụ thể; tăng cường năng lực cho cơ quan tổ chức thực hiện chức năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Để triển khai Nghị định số 66/2008/NĐ-CP và Quyết định số 585/2008/QĐ-TTg (đã được bổ sung bằng Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 28/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện và điều chỉnh nội dung các dự án của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn năm 2010 - 2014), các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các địa phương đã ban hành nhiều văn bản như chỉ thị, quyết định, kế hoạch triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 12/10/2010 hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Bộ Tư pháp đã ban hành kế hoạch tổng thể triển khai Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2014, giai đoạn 2015-2020.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển để tổ chức thực hiện những quy định của pháp luật liên quan đến doanh nghiệp; Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020.
Ngày 12/6/2017, Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó, tại Điều 14 đã quy định về hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trên cơ sở các quyết định, cơ chế đã được phê duyệt, Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã tổ chức phổ biến, quán triệt triển khai nội dung các văn bản trên trong Ngành Tư pháp, các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức đại diện doanh nghiệp để triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
2. Định hướng xây dựng mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017
Điều 14 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 quy định về hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý như sau:
“…2. Các bộ, cơ quan ngang bộ, trong phạm vi, nhiệm vụ quyền hạn của mình, xây dựng mạng lưới tổ chức cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (sau đây gọi là mạng lưới tư vấn viên). Doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn, giảm chi phí tư vấn khi sử dụng dịch vụ tư vấn thuộc mạng lưới tư vấn viên.
3. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan, tổ chức, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện các hoạt động sau đây để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa:
a) Xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về pháp luật.
b) Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý để cung cấp thông tin, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tư vấn pháp luật…”.
Việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam thông qua mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn trên cơ sở Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nên được thiết kế và định hướng trong thời gian tới như sau:
Thứ nhất, thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn ở Việt Nam với các mục tiêu chủ yếu là:
- Vận hành hệ thống tư vấn pháp luật tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn với sự tham gia của các luật sư, luật gia, tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên tư vấn pháp luật, cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;
- Xây dựng giải pháp tổng thể về cơ chế, chính sách hỗ trợ, phương án tài chính nhằm hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn;
- Tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật đối với doanh nghiệp tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, góp phần thúc đẩy sản xuất, ổn định xã hội, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh tại Việt Nam;
- Thông qua hệ thống mạng lưới tư vấn pháp luật để nắm bắt được những bất cập của chính sách, pháp luật, qua đó từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh tại Việt Nam.
Thứ hai, đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp (chỉ giới hạn áp dụng đối với đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa) và tổ chức, cá nhân kinh doanh tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Thứ ba, hoạt động tư vấn của mạng lưới được triển khai theo 02 phương thức:
- Phương thức trực tiếp: Doanh nghiệp có nhu cầu được tư vấn chủ động tiếp cận hệ thống mạng lưới.
- Phương thức gián tiếp: Hệ thống mạng lưới xây dựng kế hoạch, chương trình đáp ứng yêu cầu tìm hiểu và hỗ trợ tư vấn của doanh nghiệp.
Thứ tư, các hình thức tư vấn pháp luật của mạng lưới:
- Giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp[1]: Giải đáp bằng văn bản; giải đáp thông qua mạng điện tử; giải đáp trực tiếp; giải đáp thông qua điện thoại.
- Hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp doanh nghiệp soạn thảo các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của họ;
- Tư vấn cho doanh nghiệp trong việc áp dụng đúng pháp luật;
- Cung cấp thông tin pháp lý liên quan trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
(Hoạt động tư vấn thuộc mạng lưới có thể nghiên cứu phương án có hỗ trợ một phần kinh phí cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tranh tụng tại các cơ quan tài phán nhằm góp phần giúp doanh nghiệp đứng vững khi gặp những rủi ro pháp lý trong kinh doanh[2]).
Thứ năm, nội dung tư vấn pháp luật thuộc hoạt động của mạng lưới bao gồm các lĩnh vực chủ yếu như: Tư vấn doanh nghiệp; tư vấn đối với các lĩnh vực pháp lý cụ thể liên quan trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; tư vấn hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục hành chính liên quan trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Thứ sáu, nguyên tắc xây dựng, vận hành, tổ chức hoạt động mạng lưới:
- Việc xây dựng, vận hành, tổ chức hoạt động mạng lưới phải đảm bảo tính gắn kết, thống nhất trong quản lý, điều hành, triển khai thực hiện hoạt động từ trung ương tới địa phương và giữa các địa phương với nhau;
- Việc xây dựng, quản lý, vận hành mạng lưới đảm bảo sự tham gia của các cơ quan nhà nước ở trung ương, địa phương, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, các luật sư, luật gia, đồng thời huy động tối đa nguồn lực hỗ trợ trong và ngoài nước;
- Việc hình thành, tổ chức hoạt động mạng lưới phải đảm bảo tính gắn kết, hỗ trợ hiệu quả cho các hoạt động khác thuộc Chương trình 585;
- Việc tổ chức, vận hành, duy trì, phát triển hệ thống mạng lưới thuộc phạm vi nguồn lực của Chương trình 585;
- Hoạt động tư vấn của mạng lưới là hoạt động mang tính chất xã hội, không nhằm mục đích lợi nhuận;
- Việc lựa chọn cơ quan, đơn vị, cộng tác viên tham gia hoạt động mạng lưới phải mang tính khả thi.
Thứ bảy, mạng lưới được tổ chức, vận hành theo 03 cấp độ là trung ương, địa phương và cộng tác viên tư vấn pháp luật.
- Ở trung ương: Bộ Tư pháp (thông qua Ban Quản lý Chương trình 585) đóng vai trò Ban Tổ chức, điều hành mạng lưới tại trung ương (mô hình Hàn Quốc đang thực hiện).
- Ở địa phương (gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương): Chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị được lựa chọn làm đầu mối triển khai thực hiện hoạt động mạng lưới tại địa phương; lựa chọn cơ quan, đơn vị làm đầu mối điều hành, quản lý và vận hành hoạt động mạng lưới tại địa phương; điều kiện đảm bảo việc tổ chức quản lý, vận hành, phát triển hoạt động mạng lưới tại địa phương.
3. Kiến nghị hoàn thiện cơ chế để thực hiện hiệu quả hơn mạng lưới tư vấn pháp luật trong thời gian tới
Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 18/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện và điều chỉnh nội dung các dự án của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 - 2014, thực hiện giai đoạn 2015 - 2020 đã xác định, việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thông qua mạng lưới tư vấn pháp luật cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn là nhiệm vụ trọng tâm và quan trọng trong giai đoạn 2015 - 2020.
Việc thực hiện mạng lưới tư vấn pháp luật cho các doanh nghiệp trong thời gian qua ngoài một số kết quả đạt được như hình thành mạng lưới tư vấn ban đầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thì vẫn còn nhiều hạn chế như chưa phát huy hiệu quả các hoạt động mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, chưa thu hút các luật sư, luật gia, chuyên gia pháp lý tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp… Vì vậy, để triển khai hiệu quả hơn nữa hoạt động này theo đúng tinh thần quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cơ bản sau:
Thứ nhất, tổ chức đánh giá việc triển khai mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp trên phạm vi cả nước để tổng kết trong năm 2017, trong đó xác định đối tượng thụ hưởng của mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp trọng tâm là doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp sáng tạo trên cả nước.
Thứ hai, thực hiện đổi mới công tác, phương pháp triển khai mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp trên phạm vi cả nước nhằm đảm bảo thiết thực, hiệu quả thông qua các đoàn luật sư, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp.
Thứ ba, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 66/2008/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 16/10/2010 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn lập dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thông qua mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo là nhiệm vụ quan trọng mà Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm trong giai đoạn hiện nay. Việc triển khai hiệu quả công tác này sẽ góp phần giúp cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền gần với doanh nghiệp hơn, lắng nghe tiếng nói, hơi thở của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo để xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động doanh nghiệp tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và hội nhập quốc tế.
Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp
[1]. Khoản 3 Điều 10 Nghị định số 66/2008/NĐ-CP quy định các hình thức giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp.
[2]. Hàn Quốc hỗ trợ pháp lý việc tư vấn mạng lưới cho doanh nghiệp nhỏ và vừa 1/3 kinh phí dịch vụ pháp lý tham gia tố tụng, tối đa không quá 2.000 USD/vụ việc/doanh nghiệp.