Luật Đất đai năm 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 ngày 18/01/2024 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 (Luật Đất đai năm 2024). Đạo luật này thay thế cho Luật Đất đai năm 2013 với 16 chương và 260 điều đã thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao (Nghị quyết số 18-NQ/TW) với những sửa đổi, bổ sung về quản lý và sử dụng đất nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế pháp lý, khơi thông, phát huy nguồn lực đất đai, tạo động lực đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; trong đó, có những sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Luật Đất đai năm 2024 được thông qua là một bước phát triển của công tác lập pháp nói chung và hoàn thiện pháp luật đất đai nói riêng. Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, với việc thông qua Luật Đất đai năm 2024, Quốc hội đã hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV theo đúng Hiến pháp năm 2013, đúng chủ trương, đường lối của Đảng, mà trực tiếp là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 18-NQ/TW. Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp này, cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 06 vừa qua và có hiệu lực đồng thời từ ngày 01/01/2025 đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao[1]. Để góp phần triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024 nói chung và các quy định sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng trên thực tế thì việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao sự hiểu biết về những nội dung cơ bản của Đạo luật này có ý nghĩa quan trọng, bởi lẽ, chỉ có hiểu biết đầy đủ, sâu sắc về những nội dung cơ bản thì mới áp dụng đúng, chính xác; tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định về vấn đề này trên thực tế.
1. Những sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong Luật Đất đai năm 2024
Trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số được quy định tại Điều 16 Luật Đất đai năm 2024. Tìm hiểu nội dung các quy định này tham chiếu với Luật Đất đai năm 2013 cho thấy có những sửa đổi, bổ sung chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, Luật Đất đai năm 2013 dành 01 điều (Điều 27) quy định về trách nhiệm của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số với nội dung mang tính nguyên tắc chung, thiếu chi tiết, cụ thể mà muốn triển khai trên thực tế cần có những văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Theo đó: “1. Có chính sách về đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng; 2. Có chính sách tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn có đất để sản xuất nông nghiệp”.
Luật Đất đai năm 2024 ra đời thay thế Luật Đất đai năm 2013 cũng dành 01 điều (Điều 16) quy định về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, Điều luật này quy định đầy đủ, toàn diện và cụ thể hơn về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ hai, Luật Đất đai năm 2024 quy định về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số với những sửa đổi, bổ sung, cụ thể như sau:
- Bổ sung quy định Nhà nước có chính sách hỗ trợ đất đai lần đầu cho cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng để bảo đảm ổn định cuộc sống thông qua các phương thức cụ thể như: (i) Giao đất ở trong hạn mức và được miễn, giảm tiền sử dụng đất; (ii) Cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở trong hạn mức giao đất ở và được miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với đất có nguồn gốc được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận hoặc được thừa kế, tặng cho, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật; (iii) Giao đất nông nghiệp trong hạn mức không thu tiền sử dụng đất; (iv) Cho thuê đất phi nông nghiệp không phải là đất ở để sản xuất, kinh doanh và được miễn, giảm tiền thuê đất; (v) Diện tích giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 16 Luật Đất đai năm 2024 được tính cho tổng diện tích đất được Nhà nước giao, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong quá trình thực hiện các chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
- Sửa đổi, bổ sung quy định có chính sách hỗ trợ đất đai để bảo đảm ổn định cuộc sống cho cá nhân là người dân tộc thiểu số đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất quy định tại khoản 2 Điều 16 nhưng nay không còn đất hoặc thiếu đất so với hạn mức mà thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như sau: (i) Trường hợp không còn đất ở thì được giao tiếp đất ở, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở trong hạn mức giao đất ở và được miễn, giảm tiền sử dụng đất. Trường hợp thiếu đất ở thì cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở trong hạn mức giao đất ở và được miễn, giảm tiền sử dụng đất; (ii) Trường hợp không còn hoặc thiếu đất nông nghiệp thì được giao tiếp đất nông nghiệp trong hạn mức không thu tiền hoặc cho thuê đất phi nông nghiệp không phải là đất ở để sản xuất, kinh doanh và được miễn, giảm tiền thuê đất.
- Bổ sung quy định đất để thực hiện chính sách quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 16 được bố trí từ quỹ đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý hoặc từ quỹ đất thu hồi theo quy định tại khoản 29 Điều 79 Luật Đất đai năm 2024.
- Bổ sung quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế và quỹ đất của địa phương quyết định diện tích giao đất, cho thuê đất để thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số theo quy định tại khoản 3 Điều 16.
- Bổ sung quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành chính sách hỗ trợ của địa phương về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và tổ chức thực hiện.
- Bổ sung quy định hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp xã rà soát, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện về các trường hợp không còn, thiếu hoặc không có đất để giao đất, cho thuê đất theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 16; các trường hợp vi phạm chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, các trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại khoản 3 Điều 16 mà không còn nhu cầu sử dụng đất mà phải thu hồi đất để tiếp tục thực hiện chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định tại Điều 16.
- Bổ sung quy định kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thu hồi đất theo quy định tại khoản 29 Điều 79 Luật Đất đai năm 2024; kinh phí đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và các chi phí khác để thực hiện chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số được bố trí từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
2. Một số giải pháp triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2024 nói chung và những sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng
Để nhanh chóng triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024 nói chung và những sửa đổi, bổ sung về trách nhiệm của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng trong cuộc sống và phát huy tác dụng tích cực thì Chính phủ, bộ, ngành, các địa phương cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau đây:
Một là, Thủ tướng Chính phủ cần ban hành một chỉ thị về tổ chức thực hiện Luật Đất đai năm 2024 nhằm chỉ đạo thống nhất triển khai thực hiện Đạo luật quan trọng này trong phạm vi cả nước. Đồng thời, Chính phủ xem xét thành lập Tổ theo dõi thi hành Luật Đất đai năm 2024; chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn nảy sinh trong quá trình thực hiện. Trước mắt, cần khẩn trương thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024 tại Thông báo số 32/TB-VPCP ngày 30/01/2024 của Văn phòng Chính phủ.
Hai là, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Ủy ban Dân tộc miền núi và các bộ, ngành, đoàn thể quần chúng, tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban nhân dân các cấp… tổ chức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về Luật Đất đai năm 2024 nói chung và những sửa đổi, bổ sung chủ yếu về thu hồi đất nói riêng đến các tầng lớp nhân dân; đồng bào các dân tộc thiểu số, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; mọi đối tượng sử dụng đất; đến các cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành, địa phương xây dựng đề án tuyên truyền bao gồm công tác tập huấn cho Ủy ban nhân dân và cán bộ làm công tác quản lý đất đai các cấp; truyền thông chính sách cho người dân, doanh nghiệp về các quy định mới của Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành[2]… Bởi vì, chỉ có hiểu biết đầy đủ, kịp thời thì mới chấp hành và thực hiện tốt Luật Đất đai năm 2024.
Ba là, cần rà soát hệ thống pháp luật để phát hiện những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập giữa Luật Đất đai năm 2024 với các đạo luật khác có liên quan để kịp thời sửa đổi, bổ sung bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ về nội dung giữa các quy định của các đạo luật có liên quan.
Bốn là, Chính phủ cần nhanh chóng xây dựng các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024; Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan soạn thảo thông tư hướng dẫn thi hành các nghị định của Chính phủ; hướng dẫn về điều khoản chuyển tiếp khi Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành (từ ngày 01/01/2025).
Năm là, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các địa phương xây dựng hệ thống thông tin quốc gia về đất đai, cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, giá đất… theo quy định của Luật Đất đai năm 2024 để bảo đảm các điều kiện thi hành[3].
Sáu là, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính xây dựng đề án kiện toàn tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của cơ quan làm công tác quản lý nhà nước về đất đai, các tổ chức dịch vụ công bảo đảm hiệu lực, hiệu quả theo quy định của Luật Đất đai năm 2024[4].
Bảy là, Ủy ban nhân dân các cấp cần xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, nguồn lực vật chất cần thiết để tổ chức thi hành có hiệu quả Luật Đất đai năm 2024 trên địa bàn địa phương mình quản lý khi Đạo luật này có hiệu lực thi hành.
PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến & Nguyễn Duy Quang
Trường Đại học Luật Hà Nội
[1]. Những điểm mới quan trọng trong Luật Đất đai (sửa đổi), https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/nhung-diem-moi-quan-trong-trong-luat-dat-dai-sua-doi-119240122073750637.htm, truy cập ngày 24/01/2024.
[2]. Văn phòng Chính phủ (2024), Thông báo số 32/TB-VPCP ngày 30/01/2024 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024.
[3]. Văn phòng Chính phủ (2024), tlđd.
[4]. Văn phòng Chính phủ (2024), tlđd.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 399), tháng 2/2024)