1. Hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong thời gian qua
Xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) đặc biệt là từ khi Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Đề án tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Để tổ chức thực hiện tốt công tác TGPL trên địa bàn, thời gian qua, Trung tâm TGPL của tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ góp phần giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội.
Để đưa pháp luật vào cuộc sống, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân, thời gian gần đây, mạng lưới cộng tác viên, nhất là đội ngũ luật sư, cũng tăng cường tham gia các hoạt động TGPL cho người nghèo và đối tượng chính sách tại các địa bàn phức tạp, các vùng, miền khó khăn. Hiện nay, đội ngũ cộng tác viên của trung tâm trợ giúp pháp lý là 414 người, trong đó có 29 luật sư. Hình thức trợ giúp được tiến hành linh hoạt, phù hợp với đặc điểm từng vùng miền, từng đối tượng với nội dung phong phú, ngắn gọn để người dân dễ hiểu, dễ nhớ và dễ tiếp nhận. Đặc biệt là hoạt động tuyên truyền thông qua hình thức TGPL lưu động cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn luôn được các cấp, các ngành và địa phương đẩy mạnh thực hiện. Tại các buổi TGPL lưu động, ngoài việc trả lời trực tiếp trên loa truyền thanh của xã, phường, thị trấn và tư vấn trực tiếp cho người dân, các đoàn TGPL còn cung cấp tờ rơi, tờ gấp pháp luật và thực hiện giới thiệu văn bản pháp luật mới; tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người tham dự với các nội dung chủ yếu liên quan đến chế độ chính sách cho người có công với cách mạng; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; thừa kế quyền sử dụng đất;…
Hiện nay, Trung tâm TGPL tỉnh Nghệ An đã thành lập 33 câu lạc bộ TGPL, lắp đặt 190 bảng thông tin và 195 hộp tin về TGPL tại các xã nghèo và thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Việc mở rộng chi nhánh tại các địa bàn có đông đối tượng thuộc diện TGPL ở huyện Tương Dương, huyện Diễn Châu và thị xã Thái Hòa đã góp phần giải quyết vướng mắc, tranh chấp ngay tại cơ sở, góp phần giảm đơn thư, khiếu kiện vượt cấp, kéo dài. Mở rộng mô hình hoạt động của mạng lưới chi nhánh TGPL cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ TGPL ở cơ sở, nhằm kịp thời phát hiện và có hình thức TGPL thích hợp ngay từ khi vụ việc mới phát sinh. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các ngành, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các đợt TGPL lưu động, để người dân được nhanh chóng tiếp cận với hệ thống tổ chức thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL và chủ động đưa ra các yêu cầu, vướng mắc pháp luật để được thụ hưởng dịch vụ pháp lý miễn phí. Ngoài ra còn tổ chức TGPL thông qua đội ngũ luật sư cũng đã đem đến cho người dân những thông tin pháp luật hữu ích, giải đáp những thắc mắc, giúp người dân hiểu hơn về các trình tự, thủ tục hành chính cần thiết khi giải quyết công việc, tránh việc đi lại nhiều lần dẫn đến tốn kém thời gian, tiền bạc và công sức của người dân.
Với nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai, nên hiệu quả công tác TGPL được nâng lên rõ rệt. Chất lượng vụ việc TGPL ngày càng được đảm bảo, vụ việc đã hoàn thành được thẩm định chặt chẽ và đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc TGPL do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành kèm theo Thông tư số 02/2013/TT-BTP ngày 05/01/2013. Trong năm 2014, Trung tâm TGPL tỉnh Nghệ An và các chi nhánh đã thụ lý được 2.341 vụ việc, trong đó: 2.002 vụ việc tư vấn (1.267 vụ việc do trợ giúp viên pháp lý và chuyên viên thực hiện; 15 vụ việc do luật sư là cộng tác viên thực hiện; 722 vụ việc do các cộng tác viên khác thực hiện tại địa phương và từ các đợt lưu động), 25 vụ việc bảo vệ quyền lợi, 215 vụ việc bào chữa, 97 vụ việc xác minh kiến nghị, 02 vụ việc đại diện ngoài tố tụng. Tổ chức được 136 đợt TGPL lưu động về tận thôn, xóm, bản tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Tuyên truyền pháp luật cho 12.956 lượt người và TGPL cá biệt cho 1.820 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2013, tổng số lượng vụ việc TGPL giảm đáng kể với 955 vụ việc (năm 2013 là 3.296 vụ việc). Có thể khẳng định công tác TGPL trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, góp phần bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích của người dân.
2. Một số tồn tại và khó khăn
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác TGPL trên địa bản tỉnh Nghệ An vẫn còn gặp không ít khó khăn, do một số nguyên nhân chủ yếu sau:
Thứ nhất, đa số các vụ việc được thực hiện chủ yếu bằng hình thức tư vấn; số vụ việc tham gia tố tụng chiếm tỉ lệ ít (chỉ chiếm 10%) so với nhu cầu thực tế.
Thứ hai, lực lượng trợ giúp viên còn mỏng; đội ngũ cộng tác viên là luật sư lại không mặn mà và cũng chưa huy động được nguồn lực là tổ chức hành nghề luật sư đăng ký tham gia TGPL.
Thứ ba, hiệu quả hoạt động của mô hình câu lạc bộ TGPL không cao. Nhiều câu lạc bộ sau khi được thành lập nhưng không tổ chức sinh hoạt hoặc sinh hoạt không đều; nội dung các buổi sinh hoạt không phong phú, nhàm chán và thiếu hấp dẫn, tình huống pháp luật đưa ra trao đổi còn chung chung thiếu thực tế; đội ngũ cán bộ tham gia TGPL chủ yếu là kiêm nhiệm nên các câu lạc bộ hầu như không phát huy được vai trò của mình. Mặc dù Trung tâm TGPL tỉnh Nghệ An đã chú trọng công tác tuyên truyền về TGPL nhưng trên thực tế người thực hiện TGPL còn chưa được chú trọng đúng mức dẫn đến nhiều cơ quan, ban, ngành và đa số người dân không biết được vai trò, nhiệm vụ của trợ giúp viên hay người thực hiện TGPL.
Thứ tư, nguồn kinh phí kinh phí hỗ trợ cho sinh hoạt còn hạn chế hoặc không có.
Thứ năm, hiệu quả công tác phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng còn hạn chế, số lượng vụ việc do các cơ quan tố tụng giới thiệu chưa nhiều, có nơi, có lúc còn tồn tại những tiêu cực trong công tác phối hợp (như hướng dẫn đương sự, bị can, bị cáo viết đơn từ chối TGPL).
Thứ sáu, tình trạng khó khăn về trụ sở của Trung tâm TGPL vẫn chưa được giải quyết. Theo đó, Trung tâm TGPL là đơn vị sự nghiệp hạng II, tại văn phòng Trung tâm hiện có 12 biên chế, tính sự phát triển đến năm 2015 tăng lên 17 biên chế nhưng chỉ được bố trí 4 phòng làm việc chật hẹp vừa là nơi làm việc, vừa là nơi tiếp dân, vừa là nơi giao dịch công việc của đội ngũ cộng tác viên, do đó ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chung của Trung tâm TGPL, đặc biệt không thuận lợi cho hoạt động TGPL riêng lẻ khi có yêu cầu.
Thứ bảy, do địa bàn các huyện miền núi rộng, đường sá đi lại khó khăn, có những thôn, bản đi bộ nửa ngày mới tới nơi, trong khi nguồn nhân lực làm công tác TGPL còn mỏng, nên mặc dù cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Bên cạnh đó, do đặc điểm cuộc sống bà con là ban ngày đi làm nương rẫy xa, có khi vào tận trong rừng sâu, nên thường phải tổ chức các buổi sinh hoạt vào buổi tối, số lượng người tham gia hạn chế.
3. Những giải pháp trong thời gian tới
Tại hội nghị triển khai nhiệm năm 2015, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm TGPL tập trung một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao chất lượng và hiệu quả các vụ việc trợ giúp pháp lý. Tăng cường số lượng, chất lượng đúng chức năng, thẩm quyền, bảo đảm trật tự, kỷ cương và lợi ích hợp pháp của các đối tượng được trợ giúp, tránh thông qua công tác trợ giúp làm tăng khiếu kiện không đúng pháp luật.
Hai là, đẩy mạnh hoạt động TGPL đặc biệt là các hoạt động xác minh, kiến nghị, hoà giải, tham gia tố tụng; tăng số lượng, nâng cao chất lượng; phối hợp các ngành liên quan để TGPL cá biệt cho công dân.
Ba là, tổ chức hình thức TGPL lưu động tại các huyện theo kế hoạch. Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong lĩnh vực tố tụng và hoạt động phối hợp với Hội Cựu chiến binh tỉnh.
Bốn là, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động TGPL của trợ giúp viên, chuyên viên, cộng tác viên, câu lạc bộ TGPL để nâng cao hiệu quả hoạt động TGPL
Nguyễn Quế Anh