Lần này, đoàn chúng tôi lên thôn 1 xã Trà Linh và thôn 4 xã Trà Nam đem theo cái luật để giúp cho bà con xóa đói, giảm nghèo, trong đó có xóa đói, giảm nghèo về pháp luật. Trà Linh và Trà Nam là các xã xa trung tâm huyện, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân còn thiếu thốn, nên chúng tôi đã đem lên cho bà con nơi đây các tờ rơi, tờ gấp ở một số lĩnh vực như: Trợ giúp pháp lý, đất đai, hôn nhân gia đình, quy định về bảo vệ rừng… để bà con tìm hiểu và thực hiện.
Tại buổi trợ giúp pháp lý đầu tiên vào ngày 22/4/2014 ở thôn 1 xã Trà Linh có hơn 80 người tham dự, số người có đơn là 20 người; còn ngày 23/4/2014, buổi trợ giúp pháp lý tại thôn 4 xã Trà Nam có 60 người tham dự, trong đó có 10 người có đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý. Tại hai buổi trợ giúp pháp lý lần này, ai ai cũng chăm chú nghe đoàn trợ giúp pháp lý phổ biến Luật Trợ giúp pháp lý, một số nội dung cơ bản của Hiến pháp năm 2013, Luật Đất đai năm 2013 và một số chính sách mới của Chính phủ đối với đồng bào dân tộc thiểu số như: Chính sách hỗ trợ học sinh trung học phổ thông vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg ngày 24/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 56/2013/QĐ-TTg ngày 07/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg ngày 18/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Chính sách tín dụng đối với hộ cận nghèo theo Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg ngày 23/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng về phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số…
Sau khi nghe tuyên truyền, phổ biến pháp luật xong là đến phần tư vấn, bà con có nhiều ý kiến thắc mắc và đã được đoàn tư vấn, hướng dẫn tận tình, chu đáo, nội dung các câu hỏi tập trung vào chế độ huân, huy chương bị thất lạc do cháy và chưa được hưởng chế độ; giấy khai sinh bị mất, thất lạc; bồi thường thiệt hại do gia súc thả rông làm thiệt hại hoa màu của bà con; việc nhà bị hư hỏng nhưng Nhà nước chưa hỗ trợ kịp thời…
Phát biểu trước đoàn trợ giúp pháp lý, ông Hồ Văn Iếu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trà Nam đã chân thành cảm ơn đoàn trợ giúp pháp lý đã đem những kiến thức pháp luật đến với đồng bào vùng cao và mong rằng, những năm tới, cũng chương trình này, sẽ có nhiều nội dung phong phú hơn, có thời gian nhiều hơn để bà con có điều kiện tiếp cận với pháp luật nhiều hơn nữa.
Ngoài việc tư vấn pháp luật, ông Trần Văn Đài, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Nam Trà My cũng đã tranh thủ hướng dẫn thủ tục, trình tự để xin cấp lại khai sinh, đính chính hộ tịch như tên, tuổi, chữ lót để bà con thuận tiện trong việc thực hiện một số hành vi cải chính hộ tịch theo yêu cầu.
Đôi điều trăn trở
Đầu tiên, có thể thấy, đời sống của đồng bào 02 xã nói trên vô cùng khó khăn, sống chủ yếu tự cung, tự cấp bằng nương rẫy và sự trợ giúp của Nhà nước. Theo ông Hồ Văn Huy - Trưởng thôn cho biết: Thôn 4 xã Trà Nam có 98 hộ, 345 nhân khẩu, chia thành 5 nóc, trong đó, hộ nghèo là 83, hộ thoát nghèo là 15. Tôi hỏi, 15 hộ thoát nghèo là đối tượng nào, thì được thôn trưởng trả lời là gồm những người hưởng lương, trợ cấp của Nhà nước, người được hưởng chính sách người có công, còn lại là hộ nghèo. Như vậy, hộ nghèo ở nơi đây lên đến 84,6%, một tỷ lệ quá lớn. Rõ ràng, đời sống của người dân nơi đây quá khó khăn và không biết bao giờ thì họ thoát nghèo được chứ chưa mơ đến làm giàu trên mảnh đất đầy núi và đá này. Một thực tế là, Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (hiện nay là 63 huyện nghèo) bắt đầu từ năm 2009 đến nay là 6 năm, mặc dù có nhiều chương trình giảm nghèo, nhưng mới chỉ thực hiện được một số nội dung quan trọng như: Điện, đường, trường, trạm; còn lại, đời sống của người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn: Nhà ở còn tạm bợ, chưa có nước sinh hoạt, chưa có hầm vệ sinh, chưa có đường vào nóc…, thậm chí, còn có lối sống lạc hậu như nuôi gia súc ngay dưới nhà rông, làm mất vệ sinh, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người dân trong làng…
Việc học cái chữ của con cái người dân nơi đây thì sao? Đúng là vẫn còn khó khăn lắm. Chúng tôi tận mắt chứng kiến, cũng vào sáng ngày 23/4/2014, một lớp học mẫu giáo của điểm trường thôn 4 xã Trà Nam, trường thì cũng tương đối ổn, nhưng lớp học thì có một cô giáo trẻ từ miền xuôi lên đang dạy 2 em nhỏ khoảng 5 tuổi. Chúng tôi hỏi cô giáo vì sao lớp chỉ có 2 em học sinh? Cô trả lời, ở trên này việc dạy và học còn khó khăn lắm, do nhà ở quá xa, đi lại khó khăn nên phụ huynh không muốn cho con, em mình đến lớp. Do vậy, thỉnh thoảng nhà trường phải phối hợp với Ban nhân dân thôn để đi đến từng nhà động viên việc đưa con, em đến trường.
Là người trợ giúp pháp lý, cũng nhờ Chương trình 52, chúng tôi mới có điều kiện đi đến những vùng đặc biệt khó khăn, mới thấy và hiểu được những khó khăn của đồng bào. Xuất phát từ đáy lòng mình, chúng tôi cũng tỏ lòng khâm phục và chia sẻ những khó khăn mà bà con nơi đây đã chịu đựng để bám đất, bám rừng mà xây dựng quê hương với bao nhiêu gian khó, bộn bề. Về phần mình, chúng tôi nguyện cố gắng, đem hết khả năng vốn có của mình để góp một phần nhỏ vào nâng cao hiểu biết pháp luật cho bà con. Trên đường trở về, trong lòng mỗi người chúng tôi đều có một nỗi niềm trăn trở là làm thế nào, có giải pháp cụ thể nào để bà con nơi đây vươn lên thoát nghèo, trước mắt là có nhà ở khu định cư tập trung, có đường liên thôn, liên nóc, để con cái họ thuận tiện cho việc học hành, có hầm vệ sinh…; đi đôi với việc tạo điều kiện về đất, giống, kỹ thuật, để bà con sản xuất, chăn nuôi một cách hợp lý theo từng vùng. Có như vậy, việc giảm nghèo nhanh và bền vững mới được thực hiện một cách thiết thực nhất đối với đồng bào vùng cao. Chúng tôi cũng suy nghĩ rằng, có thể nghiên cứu lồng ghép các chương trình giảm nghèo, tập trung có trọng tâm, trọng điểm, phát huy hiệu quả các chương trình một cách tốt nhất, để giải quyết các khó khăn của bà con trong một thời gian sớm nhất. Đó cũng là trăn trở của những người làm công tác trợ giúp pháp lý, nhưng đồng thời cũng là nguyện vọng tha thiết của chính quyền địa phương và bà con nơi đây, mong rằng, những ước mơ này sớm trở thành hiện thực.
Chúng tôi cũng thông báo cho bà con là Chương trình số 52/2010/QĐ-TTg của Chính phủ cũng chỉ mới thực hiện được 4 năm, sẽ đồng hành cùng bà con cho đến năm 2020, với những hoạt động trợ giúp pháp lý bổ ích, thiết thực như: Trợ giúp pháp lý lưu động; cấp tờ rơi, tờ gấp; hỗ trợ sinh hoạt câu lạc bộ, tổ hòa giải; đào tạo cán bộ tư pháp - hộ tịch học văn hóa, học nghề…, sẽ góp phần tạo điều kiện cho bà con nâng cao hiểu biết pháp luật, vươn lên thoát nghèo, trong đó có nghèo về pháp luật
Lê Hằng Vân