Theo quy định tại Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý, có 07 nhóm đối tượng được Nhà nước bảo đảm cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí: Người có công với cách mạng; hộ nghèo; trẻ em; người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; người thuộc một trong các trường hợp có khó khăn về tài chính (cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sỹ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sỹ còn nhỏ; người nhiễm chất độc da cam; người cao tuổi; người khuyết tật; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; nạn nhân của hành vi mua bán người; người nhiễm HIV).
Để thực hiện việc trợ giúp pháp lý cho các nhóm đối tượng nêu trên, ngày 29/6/2018, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân Tối cao và Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đã ký Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC). Trên cơ sở đó, các hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở Trung ương và cấp tỉnh được thành lập do lãnh đạo Ngành Tư pháp làm Chủ tịch, Phó Chủ tịch hội đồng; các cơ quan có ký kết liên tịch làm thành viên. Có thể nói, đây là cơ sở pháp lý để các hoạt động trợ giúp pháp lý nói chung, trên địa bàn tỉnh Bình Định nói riêng dần từng bước đi vào quy củ và nền nếp. Theo báo cáo của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bình Định, năm 2021, đã có 260 vụ việc có sự tham gia của hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí (trong đó, lĩnh vực hình sự là 232; lĩnh vực dân sự là 27; lĩnh vực hành chính là 01).
Đạt được kết quả đó, có thể nói, các cơ quan tiến hành tố tụng và tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý đã coi trọng công tác thông tin tuyên truyền thông qua việc lắp đặt bảng thông tin trợ giúp pháp lý ngay tại trụ sở của các cơ quan tiến hành tố tụng; cung cấp các loại tờ gấp pháp luật, mẫu đơn đề nghị trợ giúp pháp lý và danh sách trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý cho các cơ quan tiến hành tố tụng để việc hướng dẫn thủ tục trợ giúp pháp lý đến với người dân một cách thuận lợi. Các hình thức thông tin về trợ giúp pháp lý đã góp phần giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng biết được quyền và nghĩa vụ của bị can, bị cáo và các đương sự khác là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý.
Các cơ quan tiến hành tố tụng và tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý đã phối hợp khá nhịp nhàng trong công tác trợ giúp pháp lý; tạo điều kiện cho trợ giúp viên pháp lý, luật sư tham gia ngay tại thời điểm thụ lý vụ án, vụ kiện; cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng; giới thiệu người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, hướng dẫn viết đơn, ký hoặc điểm chỉ, bổ sung các giấy tờ chứng minh người được trợ giúp pháp lý; xếp lịch để các trợ giúp viên và luật sư gặp gỡ đối tượng, giúp họ nhận thức và tự tin hơn trong việc trình bày lời khai, nghiên cứu hồ sơ vụ việc. Chất lượng, hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý được bảo đảm; tính khách quan trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án được nâng cao, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân; chống oan sai trong hoạt động tố tụng. Hoạt động bào chữa, tham gia tranh tụng, luận cứ của trợ giúp viên pháp lý và luật sư tại phiên tòa hầu hết được hội đồng xét xử chấp thuận.
Kết quả kiểm tra của Hội đồng phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Bình Định trong việc thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC tại 03 cơ quan tiến hành tố tụng tại các huyện Phù Cát, Vân Canh, Tây Sơn và Tuy Phước, ngoài những kết quả đạt được nêu trên, các cơ quan tiến hành tố tụng tại các địa phương được kiểm tra vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên xuất phát từ nhận thức của một số lãnh đạo cơ quan tiến hành tố tụng, chưa coi việc trợ giúp pháp lý là một nhiệm vụ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, cơ quan, đơn vị; một số cơ quan có thay đổi cán bộ lãnh đạo nên khó bảo đảm tính liên tục trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về chính sách, quy định điều kiện được trợ giúp pháp lý miễn phí chưa sâu, rộng.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Bình Định