Theo quy định của Nghị định số 22/2017/NĐ-CP thì hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp. Phạm vi giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại bao gồm: Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; tranh chấp giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng hòa giải thương mại. Cùng với trung tâm trọng tài thì trung tâm hòa giải thương mại là một trong hai tổ chức hòa giải thương mại được quy định tại Điều 18 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP.
Triển khai thực hiện Nghị định số 22/2017/NĐ-CP, cho đến nay đã có hai trung tâm hòa giải được thành lập là Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam và Trung tâm Hòa giải thương mại Quốc tế Việt Nam (VICMC). Trong phạm vi bài viết này, tác giả đề cập đến quy trình, thủ tục thành lập trung tâm hòa giải thương mại nói chung theo Nghị định số 22/2017/NĐ-CP và giới thiệu Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) cùng với Quy tắc hòa giải của Trung tâm này.
1. Khái quát về quy trình, thủ tục thành lập trung tâm hòa giải thương mại
Trung tâm hòa giải thương mại được thành lập theo quy định của Nghị định số 22/2017/NĐ-CP là trung tâm có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; hoạt động không vì mục đích lợi nhuận; được lập chi nhánh, văn phòng đại diện ở trong nước và nước ngoài; cơ cấu tổ chức của trung tâm hòa giải thương mại do điều lệ của trung tâm quy định. Chủ tịch trung tâm hòa giải thương mại là hòa giải viên thương mại; tên của trung tâm hòa giải thương mại được đặt bằng tiếng Việt bao gồm cụm từ “Trung tâm hòa giải thương mại”, không trùng lặp, không gây nhầm lẫn với tên của các tổ chức hòa giải thương mại khác đã được cấp giấy phép thành lập, không vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
- Về thủ tục thành lập trung tâm hòa giải thương mại, Điều 21 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP quy định: Công dân Việt Nam có đủ tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại muốn thành lập trung tâm hòa giải thương mại gửi 01 bộ hồ sơ đến Bộ Tư pháp. Hồ sơ bao gồm: (i) Giấy đề nghị thành lập trung tâm hòa giải thương mại theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành; (ii) Danh sách sáng lập viên; (iii) Giấy tờ chứng minh sáng lập viên đủ tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP; (iv) Dự thảo Quy tắc hòa giải của trung tâm (nội dung của Quy tắc hòa giải của trung tâm không được trái quy định của pháp luật). Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Tư pháp cấp giấy phép thành lập cho trung tâm hòa giải thương mại; trường hợp từ chối thì phải thông báo lý do bằng văn bản. Người bị từ chối có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.
- Về đăng ký hoạt động trung tâm hòa giải thương mại, Điều 22 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP quy định: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày quyết định cấp giấy phép thành lập của trung tâm hòa giải thương mại có hiệu lực, trung tâm gửi hồ sơ đăng ký hoạt động đến Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi trung tâm đặt trụ sở. Hết thời hạn này, nếu trung tâm hòa giải thương mại không đăng ký hoạt động thì giấy phép thành lập không còn giá trị, trừ trường hợp có lý do chính đáng.
Hồ sơ đăng ký hoạt động trung tâm hòa giải thương mại bao gồm: (i) Giấy đề nghị đăng ký hoạt động theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành; (ii) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu giấy phép thành lập trung tâm; (iii) Giấy tờ chứng minh về trụ sở của trung tâm. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động cho trung tâm hòa giải thương mại; trường hợp từ chối thì phải thông báo lý do bằng văn bản. Sở Tư pháp gửi bản sao giấy đăng ký hoạt động của trung tâm hòa giải thương mại cho Bộ Tư pháp. Trung tâm hòa giải thương mại được hoạt động kể từ ngày được cấp giấy đăng ký hoạt động. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được cấp giấy đăng ký hoạt động, trung tâm hòa giải thương mại phải đăng báo hằng ngày của Trung ương hoặc báo địa phương nơi đăng ký hoạt động trong ba số liên tiếp.
- Những hoạt động của tổ chức hòa giải thương mại bao gồm: (i) Thực hiện hoạt động hòa giải thương mại; (ii) Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên thương mại; (iii) Thu thù lao và các khoản thu hợp pháp khác có liên quan đến hoạt động hòa giải thương mại; (iv) Xây dựng tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại và quy trình xét chọn, lập danh sách, xóa tên hòa giải viên thương mại trong danh sách hòa giải viên thương mại của tổ chức mình; (v) Chỉ định hòa giải viên thương mại theo yêu cầu của các bên; (vi) Các quyền khác theo quy định của Nghị định số 22/2017/NĐ-CP và pháp luật có liên quan.
2. Trung tâm Hòa giải Việt Nam và Quy tắc hòa giải
2.1. Hoạt động của Trung tâm Hòa giải Việt Nam
Để triển khai việc cung cấp dịch vụ hòa giải theo Nghị định số 22/2017/NĐ-CP, ngày 29/4/2018, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã tổ chức lễ ra mắt Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) và công bố Quy tắc hòa giải của Trung tâm (có hiệu lực từ ngày 01/7/2018).
Hiện nay, hòa giải thương mại đang là xu hướng được sử dụng nhiều trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Đa số các doanh nghiệp đều sử dụng trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, đặc biệt là phối hợp giữa hòa giải thương mại và trọng tài thương mại (vừa sử dụng trọng tài viên và hòa giải viên trong việc giải quyết tranh chấp). Do đó, việc thành lập Trung tâm Hòa giải Việt Nam là một vấn đề thiết thực, giúp cho môi trường kinh doanh tốt hơn và xử lý các vấn đề tranh chấp một cách mềm mại hơn. Đồng thời, giúp xã hội tìm ra cách thực hiện việc giải quyết các tranh chấp không chỉ trong thương mại mà còn trong cả đời sống kinh tế.
Trung tâm Hòa giải Việt Nam thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam là trung tâm hòa giải đầu tiên của Việt Nam. Tại lễ ra mắt, Trung tâm Hòa giải Việt Nam đã giới thiệu Ban Giám đốc Trung tâm cùng với danh sách hòa giải viên đợt 1. Theo đó, Trung tâm Hòa giải Việt Nam có 51 hòa giải viên, trong đó có 38 hòa giải viên Việt Nam và 13 hòa giải viên nước ngoài. Với đội ngũ hòa giải viên là các chuyên gia hàng đầu, có kinh nghiệm, uy tín trong các lĩnh vực pháp luật và kinh tế, cũng như được đào tạo chuyên sâu về giải quyết tranh chấp nói chung và hòa giải thương mại nói riêng, Trung tâm Hòa giải Việt Nam mong muốn sẽ trở thành địa chỉ được các doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn khi có tranh chấp xảy ra[1].
Sau một năm đi vào hoạt động, Trung tâm Hòa giải Việt Nam đã có những bước tiến nhất định. Với công cụ giải quyết tranh chấp thương mại mới là hòa giải thương mại đã giúp doanh nghiệp tìm được phương án giải quyết tranh chấp hiệu quả nhất. Thực tế cho thấy, bên cạnh con đường giải quyết tranh chấp bằng Tòa án, trọng tài thì hòa giải chính là phương án giải quyết có lợi cho cả hai bên. Đồng thời, phương thức hòa giải thương mại đã phát huy quyền chủ động tối đa của hai bên trong quá trình giải quyết tranh chấp, giảm thiểu rủi ro, chi phí cho doanh nghiệp, thông qua đó góp phần vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam. Lãnh đạo Trung tâm Hòa giải Việt Nam tin tưởng rằng, trong thời gian tới, cùng với giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, thì hòa giải thương mại tại Trung tâm Hòa giải Việt Nam sẽ được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận[2].
Tính tới thời điểm hiện tại, Trung tâm Hòa giải Việt Nam đã nhận được 05 yêu cầu giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại và đáng chú ý cả 05 vụ đều trong lĩnh vực xây dựng với tổng trị giá tranh chấp lên đến 934,5 tỷ đồng[3]. Tuy các tranh chấp có yếu tố phức tạp nhưng với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực pháp luật và kinh tế đã giúp doanh nghiệp tìm được phương án giải quyết tranh chấp hiệu quả nhất.
Trong thời gian tới, để đến gần hơn với cộng đồng doanh nghiệp, Trung tâm Hòa giải Việt Nam cần đẩy mạnh công tác truyền thông để nhiều doanh nghiệp biết đến Trung tâm Hòa giải Việt Nam cũng như những lợi thế của việc sử dụng con đường hòa giải thương mại.
2.2. Quy tắc hòa giải
Quy tắc hòa giải của Trung tâm Hòa giải Việt Nam (sau đây gọi là Quy tắc hòa giải) được chắp bút bởi tổ biên tập với sự tham gia của các chuyên gia hòa giải của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới giúp đảm bảo thủ tục hòa giải tại Trung tâm Hòa giải Việt Nam sẽ đáp ứng đầy đủ các nguyên tắc của một thủ tục hòa giải điển hình trên thế giới. Bộ Quy tắc cũng đã được góp ý chi tiết và kỹ lưỡng từ các chuyên gia về các thủ tục tố tụng tại Việt Nam để đảm bảo thủ tục hòa giải của Trung tâm Hòa giải Việt Nam tuân thủ các khuôn khổ và dựa trên cơ sở Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại.
Quy tắc hòa giải của Trung tâm Hòa giải Việt Nam bao gồm 15 điều, mô tả các trình tự, các bước tiến hành, các hướng dẫn cũng như các nguyên tắc bắt buộc của một thủ tục hòa giải tại Trung tâm Hòa giải Việt Nam. Theo đó, bất cứ bên nào khi có tranh chấp, dù đã có hay chưa có một thỏa thuận hòa giải, nếu mong muốn giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, đều có thể theo các hướng dẫn tại Điều 3 (về bắt đầu hòa giải khi có thỏa thuận hòa giải) và Điều 4 (về bắt đầu hòa giải khi chưa có thỏa thuận hòa giải) Quy tắc hòa giải.
- Những đặc điểm chính của thủ tục hòa giải tại Trung tâm Hòa giải Việt Nam:
+ Sự đồng thuận của các bên trong suốt quá trình hòa giải: Thủ tục hòa giải sẽ không thể diễn ra nếu có bất cứ một bên nào không muốn tham gia hòa giải hoặc tiếp tục hòa giải, đây là sự khác biệt căn bản giữa một thủ tục hòa giải với bất cứ thủ tục tố tụng nào (trọng tài hay Tòa án) (Điều 3, Điều 4, Điều 13 Quy tắc hòa giải). Theo đó, khi chưa có thỏa thuận hoà giải, một bên muốn bắt đầu thủ tục hoà giải có thể gửi bản đề nghị hoà giải tới Trung tâm với nội dung đề nghị bên còn lại giải quyết tranh chấp giữa các bên thông qua hoà giải tại Trung tâm theo Quy tắc này. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Trung tâm nhận được bản đề nghị hoà giải, Trung tâm chuyển bản đề nghị hoà giải tới bên được đề nghị. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được bản đề nghị hoà giải, bên được đề nghị gửi bản trả lời đề nghị tới Trung tâm về việc đồng ý hay từ chối tiến hành hoà giải. Trung tâm có thể hỗ trợ các bên để các bên đạt được thỏa thuận hoà giải. Trường hợp bên được đề nghị hoà giải chấp nhận hoà giải, Trung tâm hướng dẫn các bên thực hiện theo quy định tại Điều 3 Quy tắc này. Trường hợp bên được đề nghị hoà giải từ chối hoà giải hoặc không gửi bản trả lời đề nghị, thủ tục hoà giải theo Quy tắc này sẽ không được thực hiện.
+ Yêu cầu về tính độc lập, vô tư, khách quan và trung thực của hòa giải viên được đặt ra ở mức rất cao: Không có thủ tục khiếu nại tư cách hòa giải viên, nếu có thông tin về bất kỳ sự việc nào có thể gây nghi ngờ về sự độc lập, vô tư, khách quan và trung thực của hòa giải viên, thủ tục chỉ định mới/thay thế hòa giải viên sẽ được bắt đầu, trừ khi các bên đồng ý bằng văn bản rằng vẫn đồng ý hòa giải viên này (Điều 5, Điều 7 Quy tắc hòa giải).
+ Nguyên tắc hai tầng bảo mật: Toàn bộ các thông tin, trao đổi trong thủ tục hòa giải sẽ được giữ bí mật giữa các bên và hòa giải viên; các thông tin, trao đổi được một bên đưa ra trong phiên họp riêng giữa bên đó với hòa giải viên còn phải được giữ bí mật giữa bên cung cấp thông tin và hòa giải viên (Điều 8, Điều 11 Quy tắc Quy tắc hòa giải). Cụ thể, theo khoản 5 Điều 8 thì các phiên hoà giải được thực hiện không công khai, trừ khi các bên có thoả thuận khác; trước khi phiên hoà giải diễn ra, hoà giải viên và tất cả các bên phải được thông báo một cách kịp thời về những người khác muốn tham gia phiên hoà giải đó, việc tham gia của những người này phải được sự đồng ý của hoà giải viên và bên còn lại. Điều 11 quy định: (i) Trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác bằng văn bản, hoà giải viên, các bên và người khác tham gia vào thủ tục hoà giải phải giữ bí mật về mọi thông tin có được từ thủ tục hoà giải; (ii) Nội dung văn bản về kết quả hoà giải thành cũng phải được hoà giải viên và các bên giữ bí mật, trừ trường hợp việc công khai là cần thiết để phục vụ việc công nhận và thi hành kết quả hoà giải thành đó; (iii) Bất cứ thông tin nào được trao đổi giữa một bên với hoà giải viên trong phiên họp riêng là bí mật và không được tiết lộ tới bất kỳ bên nào khác tham gia hoà giải, trừ khi có sự đồng ý trước của bên đã cung cấp thông tin; (iv) Không ai được ghi âm, ghi hình hay ghi biên bản chính thức của bất cứ giai đoạn nào của thủ tục hoà giải, trừ hoà giải viên được thực hiện ghi chép để phục vụ cho việc tiến hành hoà giải; (v) Bất kỳ tài liệu hoặc bất kỳ thông tin nào chỉ có thể có được thông qua thủ tục hoà giải không được sử dụng làm chứng cứ trong các thủ tục tố tụng tại tòa án, trọng tài hoặc các thủ tục tố tụng khác sau này. Các bên không được yêu cầu hoà giải viên làm nhân chứng trong bất kỳ thủ tục tố tụng nào đối với tranh chấp đã qua thủ tục hoà giải hoặc tranh chấp khác phát sinh từ cùng giao dịch đó.
- Một số nội dung cơ bản của Quy tắc hòa giải: Quy tắc này quy định cụ thể về vai trò của Trung tâm Hòa giải Việt Nam trong việc điều phối, hỗ trợ và thúc đẩy thủ tục hòa giải (Điều 4, Điều 8 Quy tắc hòa giải) để đảm bảo rằng các thủ tục hòa giải được vận hành tuân thủ pháp luật, linh hoạt, thân thiện, hiệu quả và mang lại sự hài lòng cho doanh nghiệp sử dụng dịch vụ hòa giải tại Trung tâm Hòa giải Việt Nam; chỉ định hòa giải viên (Điều 5); người đại diện và người trợ giúp các bên trong hòa giải (Điều 6); vai trò, trách nhiệm của hòa giải viên (Điều 7); trách nhiệm của các bên trong hòa giải (Điều 10); chấm dứt thủ tục hòa giải (Điều 11); chấm dứt thủ tục hòa giải (Điều 13); phí hòa giải và chi phí phát sinh (Điều 14) và điều khoản mẫu.
+ Về thủ tục tiến hành hoà giải: Trước hết, Trung tâm điều phối các công việc hành chính của thủ tục hoà giải trên cơ sở tham vấn với các bên (gồm các công việc như sắp xếp phòng họp và ấn định ngày tổ chức các phiên hoà giải tại trụ sở của Trung tâm hoặc tại địa điểm khác theo sự thỏa thuận của các bên; gửi thông báo, tài liệu của vụ tranh chấp tới các bên và hoà giải viên và cung cấp các hỗ trợ hành chính khác). Khi bắt đầu tiến hành hoà giải, hoà giải viên có thể yêu cầu mỗi bên gửi tới hoà giải viên bản trình bày ý kiến của mình về các vấn đề đang tranh chấp.
Hoà giải viên có thể tổ chức các phiên hoà giải chung để trao đổi với các bên hoặc các phiên hoà giải riêng với từng bên. Một bên có thể yêu cầu có phiên hoà giải riêng với hoà giải viên tại bất cứ thời điểm nào của thủ tục hoà giải. Các phiên hoà giải có thể được thực hiện bằng hình thức teleconference, video conference hoặc các hình thức khác.
Trước hoặc sau các phiên hoà giải nói trên, hoà giải viên có thể gặp trực tiếp hoặc liên lạc bằng bất cứ hình thức nào khác với một bên hoặc các bên trong nỗ lực giúp các bên hoà giải toàn bộ tranh chấp. Mỗi bên có thể tự mình hoặc theo gợi ý của hoà giải viên, thông báo cho hoà giải viên biết về các đề xuất của mình liên quan tới giải pháp hoà giải.
+ Thủ tục hoà giải chấm dứt trong các trường hợp: (i) Khi các bên đạt được kết quả hoà giải thành; (ii) Khi hoà giải viên, sau khi tham khảo ý kiến các bên, tuyên bố bằng văn bản rằng theo ý kiến của hoà giải viên thì việc tiếp tục thủ tục hoà giải không có khả năng đạt được kết quả; (iii) Khi một hoặc các bên thông báo bằng văn bản tới hoà giải viên rằng bên đó muốn chấm dứt hoà giải; (iv) Khi bên được yêu cầu hoà giải từ chối tiến hành hoà giải hoặc không gửi bản trả lời tới Trung tâm trong thời hạn mà Trung tâm ấn định; (v) Khi thời hạn thanh toán phí hoà giải theo yêu cầu của Trung tâm đã hết mà không có hành động phù hợp nào được thực hiện. Trung tâm thông báo bằng văn bản cho các bên và hoà giải viên về việc chấm dứt thủ tục hoà giải.