Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Đắk Lắk được thành lập năm 1998, tên gọi ban đầu là Trung tâm Trợ giúp pháp lý của Nhà nước tỉnh Đắk Lắk, đến năm 2007, được đổi tên thành Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Đắk Lắk (Trung tâm) theo Quyết định số 323/QĐ-UBND ngày 07/02/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk.
Trải qua gần 20 năm, với công sức và tâm huyết của người làm trợ giúp pháp lý, cùng với sự quan tâm của các cấp ủy, lãnh đạo chính quyền địa phương, sự chia sẻ của các hội, đoàn thể…, những thành quả đạt được của công tác trợ giúp pháp lý thực sự rất đáng ghi nhận. Công tác trợ giúp pháp lý đã khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong việc giúp đỡ về pháp lý cho đông đảo người nghèo, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số và một số đối tượng khác, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần không nhỏ vào việc ổn định trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Khởi đầu với 04 cán bộ, trong đó, Giám đốc và kế toán của Trung tâm đều kiêm nhiệm, đến nay, đội ngũ người làm trợ giúp pháp lý đã được nâng lên với số lượng là 30 công chức, viên chức với 07 trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên trợ giúp pháp lý là luật sư có 23 người, cộng tác viên khác là 131 người. Có 03 Chi nhánh của Trung tâm ở liên huyện, 12/22 văn phòng, công ty luật, tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý.
Tính từ năm 2007 đến hết năm 2016, Trung tâm đã thực hiện 18.000 vụ việc trợ giúp pháp lý trong tổng số gần 20.000 vụ việc của toàn tỉnh; hỗ trợ, cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý cho hơn 18.000 lượt người với hơn 1.000 vụ việc tham gia tố tụng; tư vấn pháp luật hơn 16.000 vụ việc (trong đó, tư vấn pháp luật thông qua các đợt trợ giúp pháp lý lưu động là hơn 13.000 vụ); hàng chục vụ thực hiện bằng hình thức đại diện ngoài tố tụng, hòa giải và hình thức khác. Trong tổng số 18.000 lượt người được trợ giúp pháp lý do Trung tâm thực hiện, có khoảng 8.000 lượt người nghèo, 8.000 người dân tộc thiểu số, gần 700 người có công, trong số đó, có hàng chục người già, hàng trăm trẻ em, người khuyết tật…
Nhìn vào những kết quả đạt được, những cán bộ làm công tác trợ giúp pháp lý hôm nay không quên công sức của những người đi trước, những người dũng cảm mở đường để đưa trợ giúp pháp lý đến với người dân. Trước đây, khi chưa có Luật Trợ giúp pháp lý, văn bản chỉ đạo triển khai công tác trợ giúp pháp lý mới chỉ được ghi nhận tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII năm 1997 với việc khẳng định cần “tạo điều kiện cho người nghèo được hưởng dịch vụ tư vấn pháp luật miễn phí” và Quyết định số 734/TTg ngày 06/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách.
Trăn trở trước việc hầu hết các cán bộ không hiểu tường tận trợ giúp pháp lý là gì, người dân không ai biết đến trợ giúp pháp lý, nằm ngay trung tâm thành phố đông đúc là thế mà trụ sở Trung tâm vẫn vắng vẻ, có cán bộ làm công tác trợ giúp pháp lý lúc bấy giờ đã không ngồi đợi dân, đợi việc, xuống tận cơ sở, vào từng nhà, đến từng buôn giải thích, thuyết phục… để người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người yếu thế hiểu được việc trợ giúp pháp lý một cách giản dị nhất rằng, đó là việc Nhà nước cử cán bộ giúp dân bảo vệ quyền lợi của mình khi có vướng mắc về pháp luật mà họ không phải trả tiền. Rồi đến việc thuyết phục các cán bộ của các ngành, các địa phương rằng, trợ giúp pháp lý là trách nhiệm của Nhà nước, của mỗi cán bộ, để khắc phục thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước, không phải việc cán bộ ban ơn, bố thí… Kiên nhẫn mà bao dung, tâm huyết mà đồng cảm, những việc làm vô tư, trong sáng của công tác trợ giúp pháp lý đã dần thuyết phục, lấy được niềm tin không chỉ của người dân mà còn của đội ngũ cán bộ các ngành, các địa phương trong tỉnh.
Từ kinh nghiệm của tỉnh Đắk Lắk, chủ trương đưa trợ giúp pháp lý về cơ sở đã được ghi nhận trong Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 với hình thức “trợ giúp pháp lý lưu động”. Sau này, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, của kinh tế - xã hội, hình thức “trợ giúp pháp lý lưu động” có thể không còn được sử dụng, nhưng trước đây, trẻ em, người già, người khuyết tật, những người dân tộc thiểu số không biết đọc, biết viết, không nói được tiếng Việt, những người nghèo, e ngại mỗi khi đến cơ quan công quyền… hẳn sẽ không bao giờ quên được sự hỗ trợ vô tư, tận tâm của những cán bộ trợ giúp pháp lý, giúp họ biết được mình có quyền lợi và đòi được quyền lợi mà không phải trả tiền cho người thực hiện trợ giúp pháp lý. Những ánh mắt biết ơn, những bàn tay siết chặt của họ chính là phần thưởng vô giá cho người làm trợ giúp pháp lý, là động lực để người làm trợ giúp pháp lý gắn bó với nghề.
Tiếp nối truyền thống hết lòng vì người dân, công tác trợ giúp pháp lý của tỉnh ngày càng được củng cố và hướng tới chất lượng, hiệu quả. Chỉ tính trong hai năm 2015 và 2016, Trung tâm đã thụ lý và thực hiện trợ giúp pháp lý cho 5.138 vụ việc với 5.138 lượt người. Trong đó, thực hiện tư vấn 4.651 vụ việc, tham gia tố tụng 478 vụ việc, đại diện ngoài tố tụng 09 vụ việc. Tỷ lệ việc tham gia tố tụng hằng năm đều có xu hướng tăng. Tính riêng giai đoạn 2015 - 2016, đã thụ lý và thực hiện 478 vụ việc, chiếm 50% trên tổng số vụ việc tham gia tố tụng trong 10 năm hoạt động.
Trong quá trình tham gia tố tụng, người thực hiện trợ giúp pháp lý đã bảo vệ thành công quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều đối tượng, được cơ quan tố tụng chấp nhận quan điểm của người thực hiện trợ giúp pháp lý yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung, cho bị cáo được hưởng án treo, giảm nhẹ, miễn trách nhiệm hình sự; đặc biệt, số vụ người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia ngay từ giai đoạn điều tra ngày càng tăng. Trong lĩnh vực dân sự, không ít vụ người thực hiện trợ giúp pháp lý bảo vệ thành công quyền, lợi ích hợp pháp cho đối tượng, nhiều vụ án được đình chỉ hoặc hòa giải thành… được đối tượng hài lòng về kết quả hỗ trợ.
Riêng hoạt động trợ giúp lưu động, chỉ trong hai năm 2015 và 2016, Trung tâm và 03 Chi nhánh đã thực hiện hàng trăm đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã nghèo, thôn, buôn đặc biệt khó khăn thu hút hơn 10.000 người tham dự; tại các buổi lưu động, đã hỗ trợ tư vấn, giải đáp pháp luật hàng ngàn vụ việc cho các đối tượng hưởng trợ giúp pháp lý, đồng thời, truyền thông về pháp luật trợ giúp pháp lý cũng như các lĩnh vực pháp luật thiết thực khác cho đông đảo người dân tham dự.
Chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý ngày càng được nâng lên, nhất là trong hoạt động tham gia tố tụng thể hiện qua kết quả đánh giá chất lượng vụ việc với tỷ lệ hơn 80% vụ việc đạt chất lượng tốt. Đội ngũ người trợ giúp viên, luật sư - cộng tác viên khi tham gia tố tụng đều nhận được sự hỗ trợ, phối hợp tận tình của các cơ quan tiến hành tố tụng, đồng thời, nhận được sự đánh giá cao của các cơ quan này về tinh thần, thái độ phục vụ đối tượng.
Nhìn lại chặng đường gần 20 năm, Trung tâm đã đóng góp thiết thực vào những thành tựu chung của địa phương về phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Nhờ đó, vai trò của công tác tư pháp nói chung và của công tác trợ giúp pháp lý nói riêng trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk ngày càng được khẳng định, củng cố và tăng cường.
Hiện nay, công tác trợ giúp pháp lý đang đặt trong bối cảnh có sự thay đổi lớn về mặt thể chế và yêu cầu ngày càng cao từ thực tiễn. Sau khi quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013, các thể chế pháp lý mới liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư năm 2012; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012; Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013; các luật, bộ luật về tố tụng đã có cơ chế bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của người dân…
Nhận thức được vai trò, trách nhiệm của công tác trợ giúp pháp lý và của người thực hiện trợ giúp pháp lý, Trung tâm đã xác định rõ phương hướng hoạt động trong thời gian tới, ngoài việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ý thức tận tâm gắn bó với nghề của đội ngũ cán bộ thì cần tranh thủ sự ủng hộ của lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan tố tụng để đưa hoạt động trợ giúp pháp lý đi vào chiều sâu, chú trọng tăng số lượng, chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, nhất là hình thức tham gia tố tụng.
Muốn thực hiện được mục tiêu trên thì cần tham mưu các cấp lãnh đạo xây dựng, hoàn thiện văn bản chỉ đạo triển khai Luật Trợ giúp pháp lý ngay sau khi được ban hành; củng cố, kiện toàn bộ máy Trung tâm và Chi nhánh cho phù hợp tình hình địa phương; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông pháp luật về trợ giúp pháp lý đến với nhân dân để mọi người đều biết và nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò của công tác trợ giúp pháp lý; tăng cường các biện pháp bảo đảm khác để công tác trợ giúp pháp lý phát triển ổn định, bền vững… góp phần đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống, đưa Trung tâm trở thành địa chỉ hỗ trợ pháp lý tin cậy của người nghèo, người có công và các đối tượng yếu thế khác.
Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Đăk Lăk