1. Đặt vấn đề
Hợp đồng là loại giao dịch mà quá trình hình thành trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, bao gồm: (i) Giai đoạn giao kết hợp đồng; (ii) Giai đoạn thực hiện hợp đồng; (iii) Giai đoạn chấm dứt hợp đồng. Trong hợp đồng, các bên có sự thỏa thuận thống nhất ý chí với nhau nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ. Để đạt được sự thống nhất ý chí giữa các bên trong hợp đồng (biểu hiện bằng việc ký kết hợp đồng, trên cơ sở đó, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ của họ) thì giữa các bên phải trải qua giai đoạn chuẩn bị cho việc hình thành hợp đồng, giai đoạn này khoa học pháp lý gọi là giai đoạn đàm phán giao kết hợp đồng.
Bên cạnh đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, đàm phán được xác định là bước thứ hai của quá trình giao kết hợp đồng, được đánh giá là khâu quan trọng trong quá trình giao kết hợp đồng. Trong giai đoạn này, các bên trao đổi thông tin, thảo luận các hướng đi phù hợp cho việc hình thành hợp đồng. Việc thương lượng, thỏa thuận của các bên trong giai đoạn này sẽ tuân theo nguyên tắc chung của việc giao kết hợp đồng. Vì vậy, nghiên cứu về nguyên tắc trung thực, thiện chí trong đàm phán giao kết hợp đồng không chỉ có ý nghĩa đối với thực tiễn thực hiện hợp đồng mà còn cung cấp lý giải cần thiết cho quá trình hoàn thiện pháp luật về hợp đồng.
Trên thế giới, không có hệ thống pháp luật nào lại không ghi nhận nguyên tắc tự do hợp đồng, tuy nhiên, đây không phải là một nguyên tắc tuyệt đối. Nguyên tắc trung thực, thiện chí đóng vai trò như một giới hạn của sự tự do hợp đồng. Thiện chí, trung thực là nguyên tắc được ghi nhận trong nhiều hệ thống pháp luật nhưng có sự khác biệt trong cách tiếp cận. Trong hệ thống pháp luật Common law, các bên trong quá trình đàm phán giao kết hợp đồng không có nghĩa vụ tuân theo nguyên tắc trung thực, thiện chí đối với bên còn lại. Do đó, họ được hưởng quyền tự do hoàn toàn trong việc rút khỏi đàm phán mà không phải chịu trách nhiệm đối với chi phí của các bên còn lại, trách nhiệm chỉ phát sinh khi hợp đồng được giao kết. Ngoại lệ của sự tự do đàm phán này dựa trên ba thuyết: “Restitution” - căn cứ vào sự làm lợi bất chính của một bên đối với bên kia trong giai đoạn đàm phán; “misrepresentation” - căn cứ vào việc cung cấp thông tin sai trong giai đoạn đàm phán liên quan đến ý định giao kết hợp đồng thực sự; “promissory estoppel” - căn cứ vào lời hứa thực hiện của một bên với mục đích hướng bên kia tiến hành đàm phán[1]. Ba lý thuyết này bảo vệ bên đàm phán có niềm tin hợp lý về việc các bên sẽ đạt đến thỏa thuận cuối cùng. Khác với hệ thống pháp luật Common law, nguyên tắc trung thực, thiện chí thể hiện qua khái niệm trách nhiệm tiền hợp đồng được áp dụng tại nhiều hệ thống pháp luật trên thế giới, đặc biệt là các nước theo hệ thống pháp luật Civil law. Trên cơ sở học thuyết “Culpa in contrahendo”[2] (lỗi trong giao kết hợp đồng), đây là lỗi dẫn đến việc hủy hợp đồng do sự vi phạm nghĩa vụ thành thực và nghĩa vụ thiện chí, trung thực của một bên trong giai đoạn đàm phán.
Bài viết này tập trung nghiên cứu nguyên tắc trung thực, thiện chí thể hiện thông qua nghĩa vụ thông tin trong đàm phán giao kết hợp đồng (bao gồm nghĩa vụ cung cấp thông tin và nghĩa vụ bảo mật thông tin) dựa trên quan điểm so sánh giữa pháp luật hợp đồng của Vương quốc Anh và Việt Nam, từ đó rút ra những kinh nghiệm hoàn thiện pháp luật về giao kết hợp đồng cho Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
2. Nguyên tắc trung thực, thiện chí thể hiện qua nghĩa vụ thông tin trong đàm phán giao kết hợp đồng theo pháp luật của Vương quốc Anh
Theo tiền lệ, các Tòa án ở Vương quốc Anh không thực sự cởi mở và ủng hộ học thuyết về thiện chí trong pháp luật hợp đồng. Điều đó được hiểu rằng, không có nguyên tắc pháp lý về thiện chí giữa các bên của hợp đồng, đồng nghĩa với việc không có sự bắt buộc phải thiện chí trong thời điểm đàm phán giao kết hợp đồng. Điều này trái ngược với hệ thống pháp luật Civil law, vì hệ thống này ghi nhận có một nguyên tắc nền tảng là các bên phải thiện chí trong đàm phán và thực hiện nghĩa vụ hợp đồng[3].
Sự miễn cưỡng của Tòa án ở Vương quốc Anh trong việc công nhận nghĩa vụ thiện chí một phần là do lo ngại rằng có thể sẽ làm suy yếu đi sự độc lập, rõ ràng và tính tự do của hợp đồng. Tuy nhiên, quy định chung của pháp luật hợp đồng tại Vương quốc Anh vẫn có sự phù hợp và đi theo các nguyên tắc thiện chí. Cụ thể, trong quá trình đàm phán giao kết hợp đồng, các bên thường sẽ trao đổi và đưa ra một số đề nghị, yêu cầu của mình để đàm phán. Pháp luật hợp đồng công nhận rằng, một bên có quyền yêu cầu hủy bỏ hợp đồng trong trường hợp bên kia đưa ra đề nghị không trung thực khi giao kết hợp đồng. Điều này có thể sẽ khiến hợp đồng bị vô hiệu. Bồi thường thiệt hại cũng có thể được áp dụng chỉ khi có sự bồi thường này mới có thể giúp bên bị thiệt hại[4].
Trong quan hệ hợp đồng, không bên nào chịu ràng buộc phải cung cấp thông tin trong phạm vi hiểu biết của mình, nếu thông tin đó có khả năng ảnh hưởng đến quyết định giao kết hợp đồng của bên còn lại. Tuy nhiên, thực tiễn pháp luật về hợp đồng ở Vương quốc Anh cho thấy, một bên có thể cung cấp thông tin thông qua một số biểu hiện như sử dụng ngôn từ, hành động như gật đầu, lắc đầu, cái nháy mắt hoặc nụ cười… Những biểu hiện đó được coi là bằng chứng về việc cung cấp tài liệu. Tuy nhiên, nghĩa vụ chủ động cung cấp thông tin trên thực tế vẫn bị hạn chế. Điều này là do các bên không thể cung cấp thông tin mà không đạt được lợi ích của riêng họ. Cung cấp thông tin mang tính chiến thuật trước rồi mới đàm phán với bên kia thực tế là không hợp lý. Nắm giữ thông tin để sử dụng vào thời điểm thích hợp là rất quan trọng để đạt được lợi ích cá nhân trong đàm phán hợp đồng. Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến cho rằng, người mua có nghĩa vụ cẩn trọng, quy tắc Caveat Emptor được áp dụng trong khía cạnh này[5]. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là người bán được quyền từ chối trả lời câu hỏi của người mua và sử dụng Caveat Emptor làm lý do. Như vậy, mặc dù pháp luật hợp đồng của Vương quốc Anh không công nhận nguyên tắc thiện chí, trung thực trong đàm phán giao kết hợp đồng nhưng vẫn công nhận một số yếu tố tồn tại của nguyên tắc này, bao gồm việc cung cấp thông tin sai lệch. Điều này gián tiếp thể hiện có sự tồn tại của nghĩa vụ thiện chí, trung thực khi đàm phán giao kết hợp đồng.
Bên cạnh đó, pháp luật hợp đồng của Vương quốc Anh cũng áp dụng nguyên tắc chung về bồi thường thiệt hại do làm lợi bất chính (restitution). Cụ thể, trường hợp này là một bên tham gia đàm phán thất bại đã yêu cầu bồi thường số tiền kiếm được bất chính của bên kia do không đi đến ký kết hợp đồng. Trong vụ án William Lacey (Hounslow) Ltd vs Davis[6], nguyên đơn là những người xây dựng đã tốn kém nhiều kinh phí chuẩn bị cho việc xây dựng lại các cơ sở mà họ đang đàm phán để tiếp quản việc tái thiết từ chủ sở hữu, tuy nhiên, những chủ sở hữu này đã bán cơ sở của mình cho bên thứ ba thay vì tiếp tục xây dựng lại. Tòa án cho rằng, nguyên đơn nên được hưởng phần tiền tương xứng cho công việc họ đã làm (quantum meruit). Tuy nhiên, chỉ có thể yêu cầu bồi thường tương xứng cho công việc được thực hiện trong thời điểm đàm phán hợp đồng nếu công việc được đề cập đã mang lại lợi ích tài chính cho bên chấm dứt đàm phán[7].
Theo thường lệ, thời điểm nghĩa vụ hợp đồng bắt đầu có hiệu lực là khi đạt được thỏa thuận mà không phải trước đó. Tuy nhiên, đây là một quan niệm mang tính chất truyền thống. Ngay khi đàm phán giao kết hợp đồng, một bên không thể tùy tiện nói bất cứ điều gì họ muốn với bên còn lại. Mỗi bên phải kiềm chế để không truyền đạt thông tin một cách không trung thực và không được lừa dối bên kia bằng những tuyên bố phóng đại và vô căn cứ. Đạo luật Mô tả Thương mại năm 1968 (TDA 1968), Đạo luật Bảo vệ Người tiêu dùng năm 1987 (CPA 1987), các điều khoản không công bằng trong Quy định về hợp đồng người tiêu dùng năm 1999 (UTCCR 1999) và Quy định bảo vệ người tiêu dùng (bán hàng từ xa) 2000 (CPR 2000) giải thích rằng, cách tiếp cận chung là đưa ra các giải pháp đặc biệt, phạt bên lừa dối, để đối phó với các vấn đề về sự không công bằng hơn là áp dụng nguyên tắc trung thực.
Promissory estoppel là một trong những giải pháp đặc biệt được đề cập thường xuyên nhất để ngăn chặn việc lạm dụng quyền. Giải pháp này sẽ được áp dụng nếu một bên thay đổi ý định và cố gắng rút lại lời hứa của mình, sau khi hứa hẹn[8]. Trong trường hợp này, một bên có thể được bồi thường thiệt hại trên cơ sở một lời hứa được đưa ra và tin tưởng lời hứa đó là “hợp lý”, sau đó dẫn đến thiệt hại. Đây cũng là một minh chứng khác cho sự tồn tại gián tiếp của nguyên tắc trung thực, thiện chí trong luật hợp đồng của Vương quốc Anh.
Ngoài ra, có thể thấy, trong pháp luật của Vương quốc Anh, nghĩa vụ bảo mật thông tin trong đàm phán giao kết hợp đồng được đặt ra, có cơ sở pháp lý dựa trên lý thuyết làm giàu bất chính[9]. Quy định này cho thấy, các bên tham gia vào quá trình đàm phán có nghĩa vụ trả lại số tiền họ đã kiếm được bằng việc làm của mình dẫn đến nghĩa vụ của bên đàm phán (người nhận thông tin) phải trả lại những gì mình đã đạt được với chi phí mà bên đàm phán kia phải chịu do sử dụng thông tin bí mật.
Nhìn chung, pháp luật về nghĩa vụ thông tin hợp đồng của Vương quốc Anh đang phát triển theo hướng có thể đáp ứng khái niệm thiện chí, trung thực và điều này có thể giúp luật pháp của Vương quốc Anh linh hoạt hơn trên thị trường thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, việc áp dụng nghĩa vụ thông tin trên cơ sở nguyên tắc trung thực, thiện chí trong đàm phán giao kết hợp đồng được chấp nhận một cách cẩn trọng ở Vương quốc Anh và không là nguyên tắc chủ đạo, xuyên suốt trong lĩnh vực hợp đồng.
3. Nguyên tắc trung thực, thiện chí thể hiện qua nghĩa vụ thông tin trong đàm phán giao kết hợp đồng theo pháp luật Việt Nam
Có sự ảnh hưởng không nhỏ từ các nước thuộc hệ thống pháp luật Civil law, các nhà lập pháp của Việt Nam đã luôn coi trọng nguyên tắc trung thực, thiện chí trong việc điều chỉnh các quan hệ dân sự. Tại Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về trung thực, thiện chí như sau: “Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực”. Quy định này có sự kế thừa từ Điều 9 Bộ luật Dân sự năm 1995. Tuy nhiên, khác với Bộ luật Dân sự năm 2005, nguyên tắc trung thực, thiện chí trong Bộ luật Dân sự hiện hành không còn được quy định riêng tại một điều luật. Việc thay đổi này không thực sự ảnh hưởng tới vai trò của nguyên tắc trung thực, thiện chí như một nguyên tắc cơ bản. Bộ luật Dân sự năm 2015 một lần nữa khẳng định nguyên tắc trung thực, thiện chí tồn tại trong giai đoạn xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự đóng vai trò là nền tảng cho việc đặt ra nghĩa vụ của các bên trong quá trình đàm phán giao kết hợp đồng. Thiện chí được hiểu là ý định tốt, mong muốn đi đến một kết quả tốt. Việc buộc một bên phải quan tâm tới lợi ích của mình mà bỏ qua lợi ích của đối tác là xử sự không phù hợp với yêu cầu của thiện chí. Trung thực là ngay thẳng, thật thà, đúng sự thật, không làm cho sự việc sai lệch đi[10]. Nhìn chung, trong quá trình đàm phán thì nguyên tắc trung thực, thiện chí được hiểu là ý định, suy nghĩ tốt và luôn thực lòng đi đến kết quả tốt nhất khi giải quyết một việc nhất định[11]. Như vậy, với nguyên tắc này, các bên tham gia hợp đồng được bảo đảm sự an toàn trong quá trình đàm phán giao kết hợp đồng.
Nguyên tắc trung thực, thiện chí được Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định trên cơ sở tôn trọng quyền con người, quyền công dân đã được nêu rõ tại khoản 2 và khoản 4 Điều 15 Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác... Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”. Như vậy, để thực hiện các quy định nêu trên của Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã cụ thể hóa bằng việc đưa ra nguyên tắc thiện chí, trung thực khi các chủ thể tham gia giao dịch dân sự. Điều đó hoàn toàn phù hợp về lý luận cũng như về thực tiễn. Nội dung của nguyên tắc thiện chí, trung thực cho thấy, khi tham gia giao dịch, các chủ thể phải hợp tác, giúp đỡ nhau ngay từ khi đàm phán giao kết hợp đồng. Cùng với việc quan tâm, tôn trọng các lợi ích hợp pháp của chủ thể khác, các bên tham gia giao dịch còn phải tìm mọi biện pháp cần thiết để thực hiện các cam kết, thỏa thuận và hạn chế các thiệt hại gây ra cho nhau.
Quy định tại Điều 387 Bộ luật Dân sự năm 2015 về nghĩa vụ thông tin trong giao kết hợp đồng chính là quy định trực tiếp của nguyên tắc trung thực, thiện chí trong giao kết hợp đồng. Có thể thấy, nguyên tắc trung thực được biểu hiện qua nghĩa vụ cung cấp thông tin “ảnh hưởng đến việc giao kết”; còn nguyên tắc thiện chí được biểu hiện qua nghĩa vụ bảo mật thông tin “không sử dụng thông tin bí mật cho mục đích riêng hoặc mục đích trái pháp luật”. Việc quy định về hậu quả pháp lý là bồi thường thiệt hại của bên vi phạm tại khoản 3 Điều 387 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên khi giao kết hợp đồng.
Trên cơ sở nguyên tắc trung thực và thiện chí được áp dụng ngay từ giao kết hợp đồng, Điều 387 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có bước tiến mới khi áp đặt cho bên nhận được thông tin có nghĩa vụ bảo mật thông tin theo hướng không được tiết lộ hay sử dụng thông tin mang tính bảo mật, cụ thể:
- Khoản 2 Điều 387 Bộ luật Dân sự năm 2015 ghi nhận: “Trường hợp một bên nhận được thông tin bí mật của bên kia trong quá trình giao kết hợp đồng thì có trách nhiệm bảo mật thông tin và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích riêng của mình hoặc cho mục đích trái pháp luật khác”. Trước đây, nghĩa vụ bảo mật thông tin trong giao kết hợp đồng là vấn đề chưa được pháp luật Việt Nam quan tâm nhiều và chỉ đặt ra chủ yếu dựa trên sự thỏa thuận hợp đồng. Với quy định độc lập về nghĩa vụ bảo mật thông tin trong giao kết hợp đồng hiện nay đã đủ minh thị để xác định đây là loại nghĩa vụ ngoài hợp đồng.
- Khoản 3 Điều 387 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định rõ trách nhiệm của bên vi phạm: “Bên vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”. Có thể thấy, khi nhận được thông tin bí mật của bên kia trong quá trình giao kết, bên nhận thông tin có nghĩa vụ bảo mật các thông tin đó và không được phép khai thác, sử dụng trái với mục đích của bên cung cấp thông tin, nếu gây ra thiệt hại sẽ phải bồi thường.
Bộ luật Dân sự năm 2015 đã tạo ra hành lang pháp lý góp phần cân bằng quyền và nghĩa vụ của các bên trong giao kết hợp đồng khi ghi nhận nghĩa vụ bảo mật thông tin và hậu quả pháp lý do vi phạm. Mặc dù có quy định về nghĩa vụ thông tin từ nguyên tắc trung thực, thiện chí trong giao kết hợp đồng, tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2015 vẫn còn tồn tại một số bất cập cần được hướng dẫn cụ thể:
Thứ nhất, khoản 3 Điều 387 Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ quy định trách nhiệm “bồi thường” mà không quy định rõ đó là trách nhiệm hợp đồng hay ngoài hợp đồng. Điều này, dẫn đến hai quan điểm: Quan điểm thứ nhất coi bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ thông tin là trách nhiệm ngoài hợp đồng và theo đó sẽ áp dụng các quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng để giải quyết. Quan điểm thứ hai cho rằng, các bên có thỏa thuận về nghĩa vụ thông tin (thường ở dạng một thỏa thuận hợp đồng) mà vi phạm nghĩa vụ thông tin dẫn tới trách nhiệm hợp đồng thì sẽ áp dụng các quy định điều chỉnh thực hiện hợp đồng để giải quyết.
Thứ hai, Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ quy định chung về “nghĩa vụ cung cấp thông tin” và “nghĩa vụ bảo mật thông tin” mà không có giải thích thế nào là thông tin cần cung cấp hay thông tin phải bảo mật. Với tư cách là đạo luật chung, Bộ luật Dân sự cần quy định nghĩa vụ thông tin là một nghĩa vụ có giới hạn, thời hạn làm tiền đề cho các luật chuyên ngành đưa ra các quy định cụ thể tương ứng với đặc thù về đối tượng điều chỉnh của mình.
4. Quan điểm pháp luật hợp đồng so sánh giữa Vương quốc Anh với Việt Nam và đề xuất hướng hoàn thiện pháp luật Việt Nam
Để nhận định được những ưu điểm về nghĩa vụ thông tin từ cách tiếp cận nguyên tắc thiện chí trong pháp luật hợp đồng của Vương quốc Anh, chúng ta cần phải hiểu cơ sở nền tảng cho sự tiếp cận của họ. Quan điểm truyền thống của Vương quốc Anh đã được Bingham LJ tóm tắt trong vụ việc Interfoto Picture Library Ltd v Stiletto Visual Programs Ltd[12]. Điểm đặc biệt là pháp luật Vương quốc Anh không yêu cầu khái niệm thiện chí vì nó có một loạt các nguyên tắc khác phục vụ cùng một mục đích. Một sự phản đối mang tính nguyên tắc hơn đã được đưa ra trong quyết định của Thượng Nghị viện trong vụ Walford vs Miles[13] liên quan đến giai đoạn đàm phán hợp đồng. Lord Ackner đã thể hiện quan điểm rằng, thiện chí trái ngược với nguyên tắc tự do hợp đồng, trong đó mỗi bên có thể thực hiện bất kỳ công đoạn nào họ muốn để thúc đẩy lợi ích của mình, miễn là hành vi của họ không dẫn đến việc truyền đạt thông tin sai lệch. Trong vụ việc Mid Essex Hospital Services NHS Trust v Compass Group UK and Ireland Ltd[14], Lord Justice Moore-Bick đã cảnh báo về sự nguy hiểm khi cho rằng, nguyên tắc chung về thiện chí thường được viện dẫn hoặc lạm dụng để phá hoại các điều khoản mà các bên đã đạt được thỏa thuận.
Tuy nhiên, chúng ta không nên hiểu rằng, luật pháp Vương quốc Anh hoàn toàn phản đối việc đặt ra nghĩa vụ thông tin trên cơ sở thiện chí trong đàm phán giao kết hợp đồng, các tác giả phản ánh về mối lo ngại về nghĩa vụ đàm phán là khái niệm không khả thi trong thực tế. Hơn nữa, khi các Tòa án ở Vương quốc Anh dần quen thuộc hơn với các khái niệm như hợp đồng mang tính thỏa thuận, thì người ta dần chấp nhận rằng các cuộc đàm phán thương mại không phải lúc nào cũng mang tính xung đột và các bên có thể thực hiện nghĩa vụ hợp tác và giao dịch công bằng theo ý chí tự nguyện của bản thân. Cụ thể, vụ việc Petromec Inc v Petroleo Brasileiro[15] đã đặt ra vấn đề, nếu bản thân các bên đã trực tiếp đồng ý với điều khoản đàm phán một cách thiện chí, thì Tòa án sẽ cân nhắc việc có nên tôn trọng ý chí của các bên khi đàm phán giao kết hợp đồng hay không?
Xét trong bối cảnh của Việt Nam, không khó để nhận thấy Việt Nam vẫn còn tồn tại những điểm chưa rõ ràng về nghĩa vụ thông tin trên cơ sở nguyên tắc thiện chí, trung thực, mặc dù đã chính thức công nhận về sự tồn tại của nó từ rất nhiều năm. Điều này có thể là do những khó khăn trong việc xác định phạm vi và sự ảnh hưởng khi vi phạm nguyên tắc này. Cũng giống như các Tòa án ở Vương quốc Anh đã nhận định, nghĩa vụ thông tin trên cơ sở nguyên tắc về thiện chí là quá trừu tượng và việc trực tiếp áp dụng có thể gây ra thêm những khó khăn trong việc phân tích pháp lý. Xét về mặt khách quan, điều này có thể ảnh hưởng tới sự ổn định, tính chắc chắn và minh bạch của pháp luật. Vì vậy, khi phân tích về pháp luật hợp đồng ở Vương quốc Anh, chúng ta thấy rõ ba trường hợp đàm phán vi phạm về tính thiện chí, trung thực (missrepresentation, restitution, promissory estoppel), kèm theo các quy định rất rõ ràng về điều kiện, phương thức nhận định với các chế tài cụ thể. Tham khảo kinh nghiệm cũng cho thấy, luật pháp Vương quốc Anh đã đưa ra sự bảo vệ rộng rãi đối với thông tin được tiết lộ trong giai đoạn đàm phán giao kết hợp đồng; bên cạnh việc bảo vệ thông tin bí mật liên quan đến thương mại và công nghiệp, sự bảo vệ này bao gồm bí mật chính trị, gia đình, cá nhân và các bí mật khác, vì luật pháp Vương quốc Anh không phân biệt giữa các loại thông tin bí mật được bảo vệ.
Tham khảo kinh nghiệm pháp luật của thế giới, Việt Nam cân nhắc có thể bổ sung một số nội dung để làm rõ pháp luật về nghĩa vụ thông tin trên cơ sở nguyên tắc thiện chí như sau:
Thứ nhất, cần xác định cụ thể hơn về giới hạn, thời hạn thông tin: Trong giai đoạn giao kết hợp đồng, các bên có thể cung cấp cho nhau rất nhiều thông tin khác nhau và không phải thông tin nào cũng buộc một bên phải cung cấp hay buộc phải bảo mật. Xác định phạm vi thông tin, thời hạn bảo mật thông tin có ý nghĩa rất lớn, tạo ra sự minh bạch cho các bên. Vì vậy, nếu không quy định cụ thể về giới hạn thông tin cần cung cấp và bảo mật, thời gian bảo mật thông tin và những trường hợp ngoại lệ mà bên nhận được thông tin có thể được hoặc phải tiết lộ thông tin bí mật của bên kia sẽ tạo ra nhiều “kẽ hở” của pháp luật và tranh chấp sẽ trở nên phổ biến. Pháp luật Việt Nam cần xây dựng theo hướng, tùy từng loại hợp đồng, các bên khi giao kết hợp đồng phải xác định nghĩa vụ thông tin cụ thể. Ngoài ra, về thời hạn bảo mật thông tin cũng chưa có quy định cụ thể, pháp luật thế giới đang cân nhắc theo ba xu hướng: Xu hướng thứ nhất cho rằng, nghĩa vụ duy trì tính bảo mật của thông tin là một nghĩa vụ vĩnh viễn không có giới hạn về thời gian. Xu hướng thứ hai cho rằng, thời hạn của nghĩa vụ giữ bí mật thông tin có thể được xác định dựa trên tiêu chí tầm quan trọng về kinh tế và thương mại của thông tin bí mật. Xu hướng thứ ba phổ biến hơn cả khi cho rằng nghĩa vụ này phải được giới hạn trong một khoảng thời gian hợp lý.
Thứ hai, cần xác định hậu quả pháp lý phát sinh do vi phạm nghĩa vụ thông tin khi giao kết hợp đồng: Trách nhiệm pháp lý phát sinh từ việc vi phạm nghĩa vụ thông tin khi giao kết hợp đồng là trách nhiệm dân sự. Việc vi phạm nghĩa vụ thông tin khi giao kết hợp đồng là vi phạm nghĩa vụ trên cơ sở luật định (ngoài hợp đồng) mà không phải loại vi phạm nghĩa vụ phát sinh trên cơ sở của sự thỏa thuận (hợp đồng). Do đó, các yếu tố về trách nhiệm pháp lý ngoài hợp đồng sẽ tồn tại để yêu cầu bồi thường.
Tuy nhiên, với quy định chưa rõ ràng tại Điều 387 Bộ luật Dân sự năm 2015, câu hỏi đặt ra là, khoản lợi nếu bên nhận được thông tin bí mật sử dụng các thông tin đó một cách bất hợp pháp hay tiết lộ cho bên thứ ba thì được xử lý như thế nào? Có thể thấy, khoản lợi này là những khoản lợi không có căn cứ pháp luật, vì vậy, quy định nghĩa vụ hoàn trả của bên có hành vi vi phạm được coi là xu thế của pháp luật đương đại. Cụ thể, tại Điều 2:302 Bộ nguyên tắc Luật Hợp đồng châu Âu (PECL) quy định về nghĩa vụ bảo mật như sau: “Nếu thông tin bí mật được một bên đưa ra trong quá trình thương lượng, bên kia phải có nghĩa vụ không tiết lộ thông tin đó hoặc không sử dụng thông tin đó cho các mục đích riêng bất kể liệu hợp đồng sau đó có được ký kết không. Việc vi phạm nghĩa vụ này có thể làm phát sinh quyền được bồi thường thiệt hại cho những thiệt hại đã xảy ra và hoàn trả những lợi ích đã có được của bên vi phạm”. Đồng thời, tại Điều 2.1.16 Bộ Nguyên tắc Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế năm 2004 về nghĩa vụ bảo mật cũng quy định: “Thực hiện không đúng nghĩa vụ này có thể phải bồi thường thiệt hại, nếu có, bao gồm lợi ích mà bên kia có thể thu được từ bí mật này”. Tiếp thu kinh nghiệm trong các Bộ nguyên tắc trên, pháp luật Việt Nam cân nhắc ghi nhận ngoài việc phải bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ bảo mật thông tin khi giao kết hợp đồng thì bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm trả lại những khoản lợi ích thu được từ việc vi phạm đó.
Nhìn chung, pháp luật hợp đồng của Vương quốc Anh và Việt Nam đã dựa trên nguyên tắc chung về thiện chí, trung thực để áp đặt nghĩa vụ thông tin khi giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, việc khai thác nguyên tắc trung thực, thiện chí theo hướng thừa nhận nghĩa vụ thông tin ở mỗi quốc gia có sự khác nhau. Chính vì vậy, việc nghiên cứu pháp luật hợp đồng so sánh sẽ giúp cho các hệ thống pháp luật xích lại gần nhau hơn trong bối cảnh phát triển của toàn cầu.
TS. Đỗ Thị Hoa
ThS. Hoàng Đắc Quý
Khoa Luật, Đại học Thương Mại
[1]. Nhà pháp luật Việt - Pháp, Các thuật ngữ hợp đồng thông dụng, 2019, tr. 345.
[2]. H. RoLand, Lexique juridique, Expressions latines (xuất bản lần thứ 3), Litec 2004, page. 53.
[3]. Sana Mahmud (2016), Is there a general principle of good faith under English law?, https://www.fenwickelliott.com, truy cập ngày 22/4/2023.
[4]. Levins (2022), The law of misrepresentation, Levins Solicitors, https://levinslaw.co.uk, truy cập ngày 22/4/2023.
[5]. Smith v. Hughes (1871), https://ipsaloquitur.com, truy cập ngày 22/4/2023.
[6]. William Lacey (Hounslow) Ltd v Davis (1957), https://www.isurv.com, truy cập ngày 22/4/2023.
[7]. Regalian Properties Plc v London Docklands Development Corporation (1995), https://www.isurv.com, truy cập ngày 22/4/2023.
[8]. Hughes v. Metropolitan Rly Co. (1877). https://ipsaloquitur.com, ngày 22/4/2023.
[9]. Osama Ismail Mohammad Amayreh, Izura Masdina Mohamad Zakri, Pardis Moslemzadeh Tehrani, Yousef Mohammad Shandi (2019) The pre-contractual obligation to confidentiality of information in the palestinian civil code draft and its role in maintaining economic contractual equilibrium. UUM Journal of Legal.
[10]. Đỗ Văn Đại, Luật hợp đồng Việt Nam - Bản án và bình luận bản án, Tập 1, Nxb. Hồng Đức - Hội Luật gia Việt Nam, 2018, tr. 119.
[11]. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam, Tập I, Nxb. Tư pháp, 2022, tr. 52 - 54.
[12]. Interfoto Picture Library Ltd v Stiletto Visual Programs Ltd (1987), https://ipsaloquitur.com, truy cập ngày 22/4/2023.
[13]. Walford vs Miles (1992), https://ipsaloquitur.com, truy cập ngày 22/4/2023.
[14]. Mid Essex Hospital Services NHS Trust v Compass Group UK and Ireland Ltd (2013). https://www.bailii.org, truy cập ngày 22/4/2023.
[15]. Petromec Inc v Petroleo Brasileiro (2004), https://www.isurv.com, truy cập ngày 23/4/2023.