Một sự kiện vừa xảy ra thu hút hầu hết các tờ báo lao vào săn tin. Đó là vụ hơn trăm cảnh sát vây bắt hai trùm giang hồ đất Kinh Bắc khoác áo doanh nhân. Điều đáng nói và đáng quan tâm là, hai nghi can bị bắt bởi có những hành vi xã hội đen có tổ chức là “cưỡng đoạt tài sản” và “tàng trữ vũ khí trái phép” này không phải là những người xa lạ với giới truyền thông, thậm chí còn gần gũi, quen thuộc và không ít lần báo chí đã đánh bóng tên tuổi cho họ. Chính nhờ truyền thông, họ đã nổi tiếng trước khi các hành vi phạm pháp bị phanh phui và họ càng nổi tiếng hơn sau khi bị bắt cũng nhờ truyền thông.
Trường hợp của Hưng “sóc” từ lâu đã được tạo dựng thành hình ảnh đáng khâm phục của một tội phạm hoàn lương. Đã có hàng trăm bài báo của các tờ báo khác nhau ca ngợi hành động, nghĩa cử của vị Trưởng thôn xuất thân trộm cắp, nay đã “rửa tay gác kiếm” biết làm giàu cho bản thân, sống có ích cho xã hội, là công dân mẫu mực, người có nhiều cống hiến cho cộng đồng, một tấm gương về lòng thiện nguyện, đóng góp công sức, tiền của xây chùa tích đức,… Rất nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp chính quyền, đoàn thể càng làm cho cánh nhà báo yên tâm mà ca ngợi vì đã có “chứng chỉ” bảo lãnh. Và như một hiệu ứng qua lại, báo chí viết bài vinh danh thì lại là cơ sở cho các cấp chính quyền, đoàn thể tiếp tục khen tặng, ghi công trên cơ sở của các… bài báo. Điển hình và là đỉnh điểm cho sự tác động qua lại của truyền thông và danh hiệu là việc Nguyễn Thành Hưng được nhận danh hiệu: “Nhân tố mới thời đại Hồ Chí Minh” của Ban Tuyên giáo Trung ương trao tặng vào năm 2013. Khởi thủy việc này là cuộc thi viết về nhân tố mới do truyền thông phát động, kết thúc cuộc thi thì không những tác giả được trao giải, mà nhân vật trong tác phẩm của họ cũng được vinh danh. Từ một cuộc thi với chủ đề “Nhân tố mới thời đại Hồ Chí Minh” đã trở thành một danh hiệu phong cho một con người cụ thể chỉ trong thời gian rất ngắn, vượt khỏi giới hạn, khuôn khổ của một cuộc thi, một danh hiệu rất to tát, mang tầm cả một thời đại nghiễm nhiên “trình làng” mà không cần đến các thang bậc danh hiệu chính thức được Nhà nước công nhận. Vinh danh rồi, “nhân tố mới” thực chất là một tên trùm xã hội đen, làm thế nào bây giờ?! Trách nhiệm của những người vinh danh “xã hội đen” đến đâu, pháp luật điều chỉnh hành vi này như thế nào ?
Tương tự như chiến hữu Hưng “sóc”, đại ca Minh cũng không ít lần được vinh danh, Công ty Đại An của ông ta từng được công nhận là “Tập thể lao động xuất sắc”, bản thân ông cũng nhận được nhiều sự tưởng thưởng xứng đáng với sự đóng góp cho Ngành Thuế cũng như phát triển môn võ ngay tại công ty cho công nhân của mình và quan chức ở ngoài thụ giáo. Ông ta cũng biết làm tốt công tác truyền thông để làm bình phong che chắn cho những tội ác của mình. Liệu nhị vị đại ca xứ Kinh Bắc này lộ diện là những trùm giang hồ thứ thiệt có gây ra một cuộc khủng hoảng truyền thông như trước đây Trương Văn Cam đã gây ra cho giới báo chí, làm tổn thất đáng kể cho danh dự, uy tín của báo chí khi trót bảo vệ và tôn vinh tội phạm. Thậm chí, còn đẩy vị trưởng thượng của làng báo Việt Nam vào tình trạng thân bại danh liệt, chịu án tù đầy!
Hiện tượng hành xử theo kiểu giang hồ, hoạt động theo băng nhóm xã hội đen có tổ chức đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn trong thời gian gần đây. Những vụ đã lộ ra ánh sáng như vụ giết người trên xe ô tô, cạnh trụ sở Bộ Công an, trên đường Phạm Văn Đồng có sự tham gia của Phó Ban tổ chức Quận ủy Cầu Giấy; vụ bảo kê cho lữ đoàn xe tải trên đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai mà Bộ trưởng Bộ Giao thông gọi đích danh là hành vi xã hội đen; vụ giang hồ đất Cảng trỗi dậy với những vụ thanh toán đẫm máu; các thế lực đằng sau việc khai thác cát, khoáng sản; các vụ bắt cóc, tống tiền, đòi nợ thuê,… của những băng nhóm chuyên nghiệp,… là một thực tế khiến nhiều người lo ngại, đe dọa trực tiếp đến trật tự trị an xã hội và cuộc sống yên lành của người dân.
Vai trò và trách nhiệm của truyền thông là cảnh báo tội phạm, lên án cái ác, phanh phui các hành vi sai trái, khơi gợi cái thiện, kêu gọi mọi người đồng lòng chống lại sự đen tối, bất công,… chứ không phải thích thú với các tình tiết thú tính nảy nở trong tế bào tội phạm rồi truyền bá cho đồng bào thích thú theo. Cái vụ Lê Văn Luyện được báo chí phản ánh chi tiết đến mức xuất hiện nhiều trẻ vị thành niên tự hào khoe mình là “đàn em Lê Văn Luyện”. Chỉ nội việc này thôi cũng đủ để có một cái nhìn xác đáng về mối quan hệ giữa truyền thông và tội phạm đang diễn biến như thế nào!
Bình Sơn
Ảnh: ST