1. Thực trạng quy định pháp luật về quyền bí mật đời tư nay là quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình
1.1. Nội dung pháp luật điều chỉnh quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình
Theo quy định tại Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 có thể xác định nội dung pháp luật điều chỉnh quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình như sau:
Thứ nhất, cá nhân có quyền bất khả xâm phạm đối với các thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình
Bí mật cá nhân, bí mật gia đình là những thông tin về tinh thần, vật chất, quan hệ xã hội hoặc những thông tin khác liên quan đến cá nhân, đến gia đình trong quá khứ cũng như trong hiện tại, những thông tin đó được pháp luật bảo vệ và được bảo mật bằng những biện pháp mà pháp luật thừa nhận. Đời sống riêng tư là khái niệm rộng, bao gồm những suy nghĩ, hành động, những sự việc, quan hệ liên quan đến cá nhân mà cá nhân giữ cho riêng mình, những vấn đề thuộc về đời sống riêng tư tuy không phải là các bí mật nhưng vẫn được pháp luật bảo hộ. Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã nhấn mạnh về các quyền nhân thân này (đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình), yêu cầu sự tuyệt đối tôn trọng (bất khả xâm phạm) và được pháp luật bảo vệ. Khi có hành vi xâm phạm, cá nhân có quyền áp dụng các phương thức do pháp luật quy định để bảo vệ quyền lợi của mình.
Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được bản thân cá nhân đó đồng ý, tương tự, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên của gia đình đồng ý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Như vậy, những hành vi thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình nhưng không được phép của chủ sở hữu thông tin sẽ bị coi là hành vi xâm phạm quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Chẳng hạn như, hành vi sử dụng phương tiện điện tử để quay phim, chụp ảnh, ghi âm lại cuộc nói chuyện, xâm nhập, sao chụp các vật phẩm chứa đựng thông tin cá nhân, chiếm đoạt kỷ vật cá nhân, xem hồ sơ bệnh án của cá nhân mà mình không có thẩm quyền xem hoặc những hành vi tự ý lưu giữ, sao chép các thông tin bí mật đời tư của người khác, mua bán, trao đổi những thông tin về đời tư người khác một cách trái phép; hành vi tiết lộ thông tin mà mình đã thu thập được hoặc đang có quyền quản lý, lưu trữ các thông tin đó cho người khác những người không được phép thu thập, tiếp cận thông tin theo quy định của pháp luật, thậm chí công bố chúng trên các phương tiện thông tin đại chúng như tivi, báo, mạng internet... Có thể nói, quy định này hướng tới việc tôn trọng đời sống riêng tư của mỗi cá nhân, mỗi gia đình trong xã hội, cá nhân và gia đình có quyền công bố hoặc không công bố các thông tin liên quan đến sự riêng tư của họ, khi họ không công bố - điều đó có nghĩa là các thông tin này được coi là “bí mật”.
Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự còn quy định việc đảm bảo bí mật riêng tư của cá nhân, gia đình trong trường hợp có những chủ thể khác được quyền tiếp cận do gắn liền với các hợp đồng. Thông thường, ở đây tồn tại một cam kết giữ bí mật giữa hai bên, bên được cung cấp thông tin cần phải giữ kín những thông tin tiếp nhận được từ chủ sở hữu thông tin trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng.
Thứ hai, cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật đối với thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của mình
Khi xã hội ngày càng phát triển, việc trao đổi thông tin được thực hiện bằng nhiều cách thức khác nhau. Thư tín, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân là một trong những phương tiện truyền tải hoặc lưu giữ thông tin liên lạc giữa cá nhân với những người khác. Những thông tin được chuyển tải có thể chứa đựng bí mật đời tư của cá nhân hoặc những bí mật gia đình, có thể là những lời hỏi thăm mang tính chất tình cảm, công việc hoặc bất kỳ nội dung nào khác, tuy nhiên dù thế nào cũng không thể bị người khác tự tiện xâm phạm. Đó là quyền tự do dân chủ chính đáng của mọi công dân, bảo đảm cho sinh hoạt xã hội an toàn một cách cần thiết.
Hành vi xâm phạm bí mật đời tư liên quan đến thư tín, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân bao gồm các hành vi: Thu thập, công bố thông tin được truyền tải, ngăn cản hoặc làm gián đoạn sự truyền tải thông tin, tiêu hủy thông tin. Ví dụ như, hành vi tự ý bóc mở, tráo đổi thư, bưu kiện, bưu phẩm của cá nhân; đọc, nghe trộm, thu trộm thông tin trên mạng viễn thông, trộm cắp, sử dụng trái phép mật khẩu, khóa mật mã và thông tin riêng của cá nhân khác; tiếp theo hành vi thu thập thông tin trái phép, chủ thể tiếp cận thông tin đã công khai tiết lộ nội dung thông tin cho chủ thể khác hoặc hành vi làm nhiễu sóng, dùng thiết bị vô hiệu hóa các phương tiện thông tin, phát tán virus để phá hoại thông tin liên lạc thông qua các phương tiện điện tử; hành vi chiếm đoạt, làm mất, tiêu hủy thư tín, điện tín của cá nhân... Những hành vi trên đây có thể được thực hiện với bất cứ động cơ, mục đích gì tuy nhiên vẫn được xác định là hành vi xâm phạm quyền riêng tư, quyền bí mật đời tư của cá nhân.
Để đảm bảo sự tương thích trong các văn bản pháp luật, ngoài Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, trong Luật Bưu chính, Luật Viễn thông cũng ghi nhận nguyên tắc bảo mật là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của hoạt động bưu chính, viễn thông. Những hành vi xâm phạm nguyên tắc này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, chịu trách nhiệm dân sự hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, cần lưu ý việc bóc mở, kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân vẫn có thể diễn ra trong trường hợp luật định như nhằm bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia, đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự...
1.2. Điểm tiến bộ và hạn chế trong quy định pháp luật điều chỉnh quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình
1.2.1. Điểm tiến bộ
Như đã chỉ ra ở trên, tên điều luật đã được sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới, theo hướng mở rộng và cụ thể hơn so với quyền bí mật đời tư, trên cơ sở đó nội dung được quy định tại các điều khoản cũng có nhiều thay đổi.
Thứ nhất, Bộ luật Dân sự năm 2005 khẳng định, quyền bí mật đời tư của cá nhân “được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”, nhưng với Bộ luật Dân sự năm 2015 thì quyền đó không chỉ là được tôn trọng mà còn là quyền “bất khả xâm phạm” - tức là yêu cầu một sự tuyệt đối tôn trọng và đương nhiên nếu có hành vi xâm phạm thì pháp luật sẽ phải bảo vệ. Tính chất bảo hộ, đảm bảo thực hiện cũng đã được nâng cao hơn. Về mặt câu chữ, không khó để nhận ra thuật ngữ “bất khả xâm phạm” có ý nghĩa mạnh mẽ hơn so với thuật ngữ “được tôn trọng”. Việc sửa đổi từ ngữ cho thấy sự rõ ràng, rành mạch trong tư duy của các nhà làm luật khi khẳng định không ai được quyền xâm phạm đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người khác. Tất nhiên để có thể đảm bảo thực hiện quyền bất khả xâm phạm này của cá nhân cũng cần phải có các chế tài phù hợp để những quyền này được thực hiện trên thực tế.
Thứ hai, khoản 2 Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã bổ sung thêm 02 hành vi được coi là xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Nếu trước đây chỉ giới hạn ở việc thu thập và công bố thông tin liên quan đến bí mật đời tư thì nay luật quy định ngoài thu thập, công khai (tiết lộ thông tin) còn có lưu giữ, sử dụng thông tin mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu thông tin. Điều này góp phần làm rõ, chi tiết hơn phạm vi của các hành vi xâm phạm, hỗ trợ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Tòa án trong quá trình giải quyết tranh chấp liên quan đến quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.
Thứ ba, ghi nhận “bí mật gia đình” bên cạnh bí mật đời tư của cá nhân. Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau...”. Mỗi cá nhân đều là thành viên của gia đình nào đó nên có những thông tin không phải chỉ là bí mật riêng tư hoặc thuộc đời sống riêng tư của riêng cá nhân mà còn là của chung các thành viên trong cùng một gia đình. Chính vì vậy, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên của gia đình đồng ý. Quy định như vậy rất hợp lý vì nếu chỉ bảo vệ quyền riêng tư cá nhân thì sẽ dẫn đến quyền riêng tư của gia đình bị bỏ ngỏ và sẽ thật khập khiễng nếu chỉ bảo vệ những thông tin riêng tư, bí mật của cá nhân mà không bảo vệ những thông tin về đời sống, bí mật gia đình.
Thứ tư, tại khoản 3 Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015, thay thế “các hình thức thông tin điện tử khác” bằng cụm từ “cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác”. Đây là quy định kịp thời, phù hợp với thực trạng của xã hội, với sự phát triển của công nghệ thông tin, có thêm căn cứ để Nhà nước có thể xử lý các vụ việc xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình thông qua cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.
Thứ năm, một điểm mới đáng lưu ý tại khoản 4 Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 đó là quy định về việc đảm bảo bí mật riêng tư của cá nhân, gia đình trong trường hợp các bên trong hợp đồng đã biết được thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của đối phương trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng nhưng không được phép tiết lộ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Có thể nói quy định này siết chặt hơn quy chế bảo mật thông tin của khách hàng, đối tác vẫn lỏng lẻo lâu nay của chúng ta, ngăn chặn các hành vi lạm dụng lòng tin của nhau trong quan hệ hợp đồng để nhằm mục đích trục lợi gây thiệt hại về danh dự, uy tín của cá nhân là chủ thể xác lập, thực hiện hợp đồng.
Từ những phân tích trên cho thấy, Nhà nước đã có sự quan tâm sâu sắc hơn đến quyền bí mật đời tư của cá nhân, Bộ luật Dân sự mới bên cạnh tính kế thừa đã có những quy định chặt chẽ, nâng cao và mở rộng hơn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.
1.2.3. Điểm hạn chế
Dù đã sửa đổi, bổ sung theo hướng tiếp cận mới, tuy nhiên việc hiểu và áp dụng những quy định đó trong thực tế vẫn còn những hạn chế nhất định như:
Thứ nhất, trong luật chưa đưa ra một khái niệm cụ thể về “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình”.
Trước đây cũng chưa hề có một quy định rõ ràng như thế nào là “bí mật đời tư”. Trong luật chỉ ghi nhận về quyền bí mật đời tư, coi đó là quyền mà các chủ thể có liên quan, được xác định phải tôn trọng, mặc dù trên thực tế “bí mật đời tư” được đề cập khá nhiều trong các văn bản pháp luật cũng như các văn bản áp dụng, hướng dẫn thi hành pháp luật của Nhà nước. Đây cũng chính là một trong những khó khăn mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền gặp phải khi áp dụng pháp luật để giải quyết các tranh chấp liên quan bí mật đời tư hoặc xử lý những hành vi xâm phạm bí mật đời tư. Bởi lẽ, quyền bí mật đời tư được xây dựng trên khái niệm bí mật đời tư. Muốn xác định được phạm vi của quyền bí mật đời tư đòi hỏi chúng ta phải xác định được khái niệm về bí mật đời tư. Tình trạng tương tự có thể diễn ra khi chưa có khái niệm nào về “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình”.
Thứ hai, những quy định đặt ra còn khá chung chung, chưa xác định rõ giới hạn và cách nhận diện những thông tin như thế nào sẽ thuộc vào phạm vi “bất khả xâm phạm”
Phạm vi đời sống riêng tư của một cá nhân được xác định ra sao? Những dạng thông tin như thế nào được coi là bí mật cá nhân, bí mật gia đình bất khả xâm phạm nhất là đối với những cá nhân, những gia đình thường xuyên xuất hiện trước công chúng và được nhiều người biết đến? Có sự khác nhau về quyền đối với đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình giữa người bị tạm giữ, khởi tố về hình sự với người đã bị kết án không? Việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, công bố thông tin riêng, nhận dạng cá nhân được thực hiện thế nào? Những câu hỏi này đều là các vấn đề có thể gây tranh cãi khó đi đến hồi kết, nếu không được luật hóa bằng các quy định cụ thể.
Quy định không rõ ràng sẽ dẫn đến cách hiểu khác nhau, cùng với sự tùy tiện trong quá trình thực thi pháp luật có thể khiến rất nhiều trường hợp chính hoạt động của cơ quan nhà nước (cơ quan điều tra, Tòa án) và của báo chí lại trở thành “chủ thể” của hành vi xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Dưới góc độ này, quy định của luật chưa thực sự mang lại ý nghĩa thiết thực.
Thứ ba, Bộ luật Dân sự quy định chưa đầy đủ các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến việc bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình
Quy định về các hành vi bị nghiêm cấm là để nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Trong bối cảnh phát triển công nghệ thông tin hiện đại, bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân. Sự phổ biến của internet khiến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của cá nhân có thể bị lan truyền, phát tán với tốc độ cực nhanh chỉ sau một cú nhấp chuột, không chỉ giới hạn ở Việt Nam mà còn trên phạm vi thế giới, hệ quả là gây ra những thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống, công việc, danh dự, nhân phẩm của người trong cuộc. Chính vì thế, càng quy định chặt chẽ, rõ ràng và đầy đủ những hành vi bị nghiêm cấm thì Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền càng có cơ sở để áp dụng hậu quả pháp lý bất lợi đối với những chủ thể thực hiện hành vi này, từ đó quyền và lợi ích của cá nhân có thể được đảm bảo đầy đủ và chính xác hơn.
Các hành vi bị cấm liên quan đến việc xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình đã được mở rộng so với trước đây, bao gồm: Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân mà không được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình mà không được các thành viên gia đình đồng ý. Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả, các hành vi bị cấm do pháp luật quy định vẫn chưa đầy đủ, bởi lẽ bên cạnh những hành vi này còn có hành vi tiêu hủy, làm mất thông tin của cá nhân cũng có thể xếp vào nhóm hành vi xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và cần phải được nghiêm cấm. Tiêu hủy thông tin là hành vi cố ý của một chủ thể nhằm làm cho thông tin đó không còn tồn tại trên thực tế, làm mất thông tin là hành vi được thực hiện với lỗi vô ý của chủ thể làm cho thông tin đó không còn tồn tại, ngoài sự kiểm soát của chủ sở hữu thông tin. Như vậy, thay vì bí mật đó bị chiếm đoạt (thu thập) hoặc công khai cho người khác biết thì chủ thể xâm phạm đã cố ý hoặc vô ý làm cho bí mật không còn tồn tại (tiêu hủy, làm mất), điều này gây hậu quả đôi khi không hề nhỏ bởi trong nhiều trường hợp vật chứa đựng thông tin đó chỉ có duy nhất một bản, một vật.
Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự cũng có quy định liên quan đến “giới hạn” của quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình - đó là có thể thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin về đời tư của cá nhân trong trường hợp luật có quy định khác, không cần tới sự đồng ý của chủ sở hữu thông tin.
Thứ tư, luật chưa tính đến những trường hợp có thể làm ảnh hưởng tới quvền lợi của người thứ ba thì phải được người thứ ba đồng ý trừ trường hợp theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, đây cũng là vấn đề cần chú ý khi sửa đổi Bộ luật Dân sự về quyền đối với đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.
Có thể nói, chưa bao giờ nguy cơ xâm phạm về quyền đối với đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình lại cao như hiện nay, chính vì vậy, nếu không làm rõ được khái niệm “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình”, nếu không chỉ rõ được ranh giới giữa an toàn và vi phạm thì “đời sống riêng tư”, “bí mật cá nhân”, “bí mật gia đình” khó có thể được bảo đảm và bảo vệ một cách hiệu quả.
2. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật nhằm bảo vệ sự riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong đời sống hiện đại
Hoàn thiện các quy định pháp luậ tnhằm bảo vệ sự riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là một trong những vấn đề trọng tâm khi xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật dân sự nói riêng. Các giải pháp hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này bao gồm:
2.1. Sửa đổi quy định của Bộ luật Dân sự điều chỉnh quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình
Hiện nay, “quyền bí mật đời tư” đã được sửa đổi thành “quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình”. Tuy nhiên, quy định này vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định, có ảnh hưởng rất lớn đến việc áp dụng pháp luật để giải quyết các tranh chấp liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Để có cơ sở pháp lý hoàn chỉnh, chính xác, khách quan và thống nhất trong việc áp dụng pháp luật để xác định, xử lý các hành vi xâm phạm cần phải sửa đổi điều luật này theo hướng:
Một là, đưa ra một định nghĩa cụ thể, xác định rõ thế nào là đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình? Đây sẽ là cơ sở để xác định một thông tin cụ thể có được coi là thuộc về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình hay không, là căn cứ pháp lý để bảo vệ quyền của cá nhân đối với đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình khi quyền đó bị xâm phạm.
Hai là, xác định giới hạn và nhận diện những thông tin nào thuộc vào phạm vi “bất khả xâm phạm” của đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình?
Ba là, đối với các hành vi bị cấm bổ sung thêm hành vi tiêu hủy, làm mất thông tin của cá nhân.
Bốn là, bổ sung quy định về việc được phép thu thập, lưu trữ, sử dụng, công khai thông tin về đời tư của cá nhân nhưng nếu ảnh hưởng đến quyền lợi của người thứ ba thì phải được người thứ ba đồng ý trừ trường hợp theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
2.2. Ban hành văn bản dưới luật nhằm hướng dẫn thi hành và bảo vệ quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình
Ban hành văn bản dưới luật hướng dẫn về quyền đối với đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh chúng ta xây dựng và ban hành Bộ luật Dân sự năm 2015 chưa lâu. Các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về “quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình” mới chỉ là những quy định mang tính chất chung nhất. Bộ luật Dân sự năm 2015 không thể liệt kê tất cả các thông tin được coi là thuộc về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình cũng như các hành vi xâm phạm, các biện pháp bảo vệ quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Chính vì thế, trước mắt, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao cần ban hành Nghị quyết hướng dẫn quy định của Bộ luật Dân sự đối với “quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình”, từ đó có thể tiến tới việc Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự đối với “quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình”. Sự lúng túng của một số Toà án trong việc giải quyết tranh chấp liên quan đến nhóm quyền này trong thời gian qua là một trong những minh chứng cho thấy sự cần thiết ban hành văn bản hướng dẫn liên quan đến quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, điều đó khiến cho việc hiểu và áp dụng pháp luật được thống nhất. Cụ thể, văn bản hướng dẫn được đề cập ở trên phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
Một là, cần giải thích rõ khái niệm để mọi người dễ dàng hiểu được thế nào là đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình
Hai là, đối với những thông tin được coi là thuộc về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình: Văn bản hướng dẫn cần khái quát chung các đặc điểm liên quan đến thông tin được coi là thuộc về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Sau đó có thể có sự liệt kê một cách cụ thể, chi tiết các thông tin được coi thuộc về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.
Ba là, đối với các hành vi bị coi là xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình: Cần xác định giới hạn của đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, trên cơ sở đó xác định rõ ràng, cụ thể các hành vi bị coi là xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình cũng như những hành vi không bị coi là xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong những trường hợp cụ thể.
Bốn là, đối với các biện pháp bảo vệ quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình: Các biện pháp bảo vệ quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình phải được mô tả chi tiết với những yêu cầu cụ thể liên quan đến việc áp dụng các biện pháp này để bảo vệ quyền lợi cho chủ thể liên quan đến quyền bí mật đời tư.
2.3. Hoàn thiện và sửa đổi các quy định trong một số văn bản pháp luật chuyên ngành có liên quan đến việc thực hiện quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình
Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được quy định trong Bộ luật Dân sự, tuy nhiên những biểu hiện cụ thể của quyền này lại có thể được liệt kê trong một số văn bản pháp luật chuyên ngành khác như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Báo chí, Luật Xuất bản, các văn bản pháp luật về y tế, bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin... Do đó, đồng thời với việc sửa đổi, bổ sung các quy định tương ứng trong Bộ luật Dân sự cần phải rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan trong những văn bản pháp luật chuyên ngành.
Chẳng hạn, cần có những quy định rõ ràng, cụ thể hơn về các trường hợp được phép và không được phép cung cấp thông tin về người phạm tội trong cấp trích lục, sao bản án; về trách nhiệm bảo mật thông tin liên quan đến người lao động hoặc cán bộ, công chức làm việc trong cơ quan nhà nước của bên sử dụng lao động, bên tuyển dụng; về trách nhiệm của cơ quan thuế, tổ chức tín dụng trong việc bảo mật các thông tin của người nộp thuế, thông tin của khách hàng, trừ những trường hợp đặc biệt do pháp luật quy định. Tương tự như vậy, trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin cũng cần có các quy định đảm bảo sự bảo mật đối với các thông tin của khách hàng, những người tham gia vào các giao dịch thông qua cơ sở dữ liệu, thông điệp điện tử. Trong trường hợp này, việc tiết lộ bí mật của khách hàng cho những người khác biết không chỉ đơn thuần là xâm phạm đến bí mật đời tư mà cần phải coi đó là hành vi phạm tội để xử lý theo quy định của pháp luật. Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Báo chí, Luật Xuất bản cũng cần có các quy định cụ thể để hạn chế đến mức tối đa các hành vi bị coi là xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Ví dụ, trong việc khai thác thông tin, hình ảnh liên quan đến người thực hiện hành vi phạm tội hoặc “bị cho là thực hiện hành vi phạm tội”: Về nguyên tắc nếu chưa có bản án kết tội có hiệu lực của Toà án thì một cá nhân vẫn được coi là chưa có tội, tuy nhiên nhiều trường hợp trước đó mọi thông tin, hình ảnh liên quan đến người này đã bị báo giới khai thác một cách triệt để, bất luận đó là thông tin gì liên quan đến người bị “cho là thực hiện hành vi phạm tội”. Đây cũng chính là một trong những biểu hiện cụ thể của hành vi xâm phạm quyền về đời sống riêng tư...
Tóm lại, các giải pháp hoàn thiện pháp luật đối vớiquyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình cần phải được thực hiện một cách đồng bộ, có như vậy, việc điều chỉnh pháp luật để đảm bảo quyền riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình mới thực sự có hiệu quả, nhất là trong đời sống hiện đại.
Trường Đại học Thương mại
Tài liệu tham khảo:
1. Phùng Trung Tập, ‘‘Bí mật đời tư bất khả xâm phạm’’, Tạp chí Luật học số 6/1996;
2. ThS. Lê Văn Sua, ‘‘Quyền bí mật đời tư cần được hướng dẫn cụ thể’’, Tạp chí Luật sư Việt Nam số 5/2016;
3. ThS Nguyễn Thị Vinh Hương (2017), “Pháp luật về quyền bí mật đời tư ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp”, Đề tài Nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, Trường Đại học Thương mại;
4. Lê Đình Nghị (2007), “Quyền bí mật đời tư theo pháp luật dân sự Việt Nam”, Luận án Tiến sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội.