Cơ quan hành chính nhà nước Ba Lan bao gồm cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương và cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương bao gồm Chính phủ và các bộ. Cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương của Ba Lan được chia làm 03 cấp: Cấp 01 bao gồm các tỉnh (hay còn gọi là cấp tỉnh); cấp 02 bao gồm các thành phố và các huyện (còn gọi là cấp huyện); cấp 03 bao gồm các xã, thị trấn (còn gọi là cấp xã). Cơ quan hành chính Ba Lan được chia làm 16 tỉnh, đứng đầu mỗi tỉnh là các Tỉnh trưởng do Thủ tướng Ba Lan bổ nhiệm. Trong bài viết này, tác giả tập trung nghiên cứu về tuyển dụng công chức ở Ba Lan.
1. Nguyên tắc tuyển dụng công chức
- Nguyên tắc bình đẳng, công bằng: Việc tuyển dụng công chức của Ba Lan không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, giới tính, dòng dõi gia đình, niềm tin tôn giáo hoặc thái độ chính trị. Công dân có đủ điều kiện tuyển dụng đều có thể trở thành công chức. Mọi công dân có quyền được làm việc ở trong cơ quan nhà nước, với điều kiện là đáp ứng yêu cầu chung theo quy định của Hiến pháp, Luật Công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng như các yêu cầu được ghi trên thông báo các vị trí việc làm còn trống. Việc thông báo tuyển dụng công chức phải được thông báo rộng rãi trên cả nước qua công báo, cũng như ấn phẩm điện tử và các báo thương mại…
Mặt khác, việc tuyển dụng công chức ngoài điều kiện là công dân của Ba Lan thì các ứng viên tuyển dụng còn là thành viên trong khu vực liên minh Châu Âu và các quốc gia ký kết điều ước quốc tế với Ba Lan. Tòa án công lý Châu Âu có quyền xem xét các kháng cáo liên quan đến việc Ba Lan không chấp thuận các ứng viên thuộc liên minh Châu Âu thi tuyển công chức.
- Nguyên tắc cạnh tranh: Tuyển dụng công chức ở Ba Lan được dựa trên sự cạnh tranh lành mạnh giữa những ứng viên đáp ứng được các yêu cầu chung như: Công dân đủ tuổi chịu trách nhiệm pháp lý, có bằng đại học liên quan hoặc chứng chỉ học thuật, lý lịch rõ ràng và có sức khỏe phù hợp với công việc sẽ làm. Những người thi tuyển công chức có nghĩa vụ đáp ứng các yêu cầu cụ thể theo yêu cầu của công việc thực tế sẽ làm, cả về kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn thông qua một số kỳ thi và sơ yếu lý lịch là cần thiết.
- Nguyên tắc thực tài: Việc tuyển dụng công chức phải dựa vào những ứng viên tốt nhất phù hợp cho hệ thống công vụ. Đây được coi là một phương tiện để xóa bỏ những thông lệ cũ như gia đình trị, sự bảo trợ chính trị, thương mại và sự hối lộ khi xin việc trong khu vực công.
2. Nội dung tuyển dụng công chức ở Ba Lan
2.1. Yêu cầu tuyển dụng công chức
Điều kiện tuyển dụng công chức phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện sau: Là công dân Ba Lan, có thể là công dân thuộc Liên minh Châu Âu và công dân của nước khác miễn là họ được tuyển dụng trên lãnh thổ Ba Lan tuân thủ theo Điều ước Quốc tế đã ký kết. Công dân không vi phạm pháp luật hoặc cố ý vi phạm tài chính; có trình độ cần thiết cho vị trí nhất định, được hưởng một danh tiếng hoàn hảo.
2.2. Thẩm quyền tuyển dụng công chức
Bộ Công vụ của Ba Lan là cơ quan quản lý việc tuyển dụng công chức trong phạm vi toàn quốc. Bộ Công vụ phải có trách nhiệm thông báo tuyển dụng công khai tại cơ quan, khu vực công cộng và ngoài ra phải thông báo tuyển dụng trên Bản tin Bộ Tư pháp, Bản tin của Thủ tướng.
Nội dung thông báo của cơ quan tuyển dụng công chức bao gồm: Tên, địa chỉ cơ quan, đặc điểm riêng của công việc, yêu cầu, mô tả công việc, phạm vi công việc, danh sách các tài liệu cần thiết, địa điểm và ngày nộp hồ sơ.
2.3. Phương thức tuyển dụng công chức
Một Ủy ban độc lập được thành lập để đánh giá các ứng viên tham gia dự tuyển công chức. Nguyên tắc công bằng, khách quan và đúng thủ tục sẽ là nguyên tắc chủ đạo cho hoạt động của Ủy ban này. Bất kỳ thành viên nào của Ủy ban có người thân hoặc bạn thân của một ứng viên hoặc của gia đình của các ứng viên đều bị yêu cầu phải rút khỏi Ủy ban.
Một kỳ thi nhằm kiểm tra kiến thức của các ứng viên, tất cả trong số họ được yêu cầu phải có bằng đại học liên quan hoặc các chứng chỉ cần thiết. Kiến thức này đặc biệt liên quan tới lĩnh vực luật công (hệ thống luật về Hiến pháp, hành chính, thuế và ngân sách của đất nước). Những đối tượng này được bổ sung bởi các đối tượng cụ thể coi là phù hợp với các lĩnh vực cụ thể, nơi mà các vị trí trống được tuyển dụng (ví dụ như luật lao động và an sinh xã hội cho các thanh tra về lao động, hải quan và các quy định thương mại quốc tế về sự thanh tra của hải quan, lý thuyết tổ chức và kế toán cho các quản trị viên). Người đứng đầu của cơ quan sẽ giám sát quy trình tuyển dụng cho đội ngũ công chức (các nhân viên công vụ, các công chức).
Tuyển dụng cho các vị trí công chức cấp cao, theo Luật Công chức, được coi là hợp pháp khi có một sự thăng tiến trong công chức. Các ứng viên cho các vị trí này phải có tư cách công chức. Theo các quy định, người đứng đầu cơ quan quản lý trực tiếp của quá trình tuyển dụng và Thủ tướng thông qua việc đề cử các quan chức cấp cao. Một Hội đồng các chuyên gia gồm sáu người (các giáo sư đại học, các chuyên gia nhân sự và các công chức) kiểm tra các ứng viên. Quy trình bắt đầu bằng việc làm quen với bản mô tả công việc của cơ quan có liên quan, tiếp theo là công bố các vị trí tuyển dụng trên bảng tin công chức. Sau đó, ban tuyển dụng và lựa chọn trong cơ quan công chức chuẩn bị một danh sách các ứng viên. Ban này đóng vai trò như là ban thư ký của nhóm chuyên gia. Ban này xem xét danh sách và các ứng cử viên được lựa chọn trải qua một cuộc thi viết với ba phần, đánh giá kiến thức, năng lực tâm lý, giải quyết vấn đề thực tiễn. Một cuộc phỏng vấn có cấu trúc với ban tuyển dụng là bước tiếp theo. Ứng viên nào đạt được kết quả tốt nhất sẽ nhận được một đề nghị, nhưng Bộ trưởng có liên quan có thể từ chối các ứng viên đã đạt điểm cao nhất mà không cần phải đưa ra lý do. Ứng viên bị loại có thể khiếu nại với người đứng đầu cơ quan chống lại quyết định của ban tuyển dụng, sau đó là Tòa án hành chính, nhưng Tòa án có thể xem xét những khía cạnh thủ tục chính thức, không xem xét nội dung của quyết định.
Luật Công chức cho phép thuyên chuyển ngang bên trong và ngang qua các bộ và các tổ chức của cơ quan nhà nước, vị trí tuyển được công bố trên bảng tin công chức. Thuyên chuyển cũng có thể là bắt buộc, áp đặt lên một công chức dưới những điều kiện nhất định nếu được khẳng định như là người quan trọng nhất của cơ quan. Tuy nhiên, nhìn chung, thuyên chuyển ngang không phải là khả thi và không được khuyến khích.
2.4. Quy trình tuyển dụng công chức
- Thông báo tuyển dụng công chức và tiếp nhận hồ sơ dự tuyển;
- Tổ chức tuyển dụng công chức;
- Thông báo kết quả tuyển dụng công chức.
2.5. Tập sự
Người quan tâm nộp đơn ứng tuyển trải qua các thủ tục chuyên môn và theo quyết định của người đứng đầu của cơ quan nơi mà các có vị trí tuyển dụng trống, được đưa ra một hợp đồng lao động có thời hạn giới hạn trong ba năm.
Trong thời gian này, những người được ký hợp đồng phải có một thời gian làm "công chức dự bị" để học được các kiến thức lý thuyết và các kỹ năng thực tiễn cần thiết cho vị trí việc làm. Giai đoạn chuẩn bị này kéo dài 06 tháng và phải được kết thúc trong vòng 18 tháng đầu tiên sau khi được ký kết hợp đồng. Các công chức dự bị phải tuân theo cuộc kiểm tra, nếu đánh giá tích cực, các ứng viên được nhận một hợp đồng lao động không thời hạn. Các sinh viên tốt nghiệp của các trường hành chính quốc gia được miễn dự bị công chức. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thể rút ngắn thời gian tập sự nếu ứng viên chứng minh kiến thức và kinh nghiệm phù hợp với kế hoạch tập sự đã đưa ra. Vào cuối giai đoạn tập sự, công chức có thể bị sa thải khỏi hệ thống công vụ, do hiệu suất làm việc không đạt yêu cầu hoặc được xác nhận là một công chức vĩnh viễn, suốt đời.
3. Liên hệ với việc tuyển dụng công chức ở Việt Nam
Việc tuyển dụng công chức ở Việt Nam theo quy định Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành như Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Nghị định số 01/NĐHN-BNV ngày 03/10/2013 của Bộ Nội vụ qui định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức. Qua các quy định của pháp luật, tác giả nhận thấy rằng có một số điểm giống nhau cơ bản trong việc tuyển dụng công chức của Việt Nam và Ba Lan về nguyên tắc tuyển dụng đều tuyển dụng theo nguyên tắc cạnh tranh; điều kiện, yêu cầu tuyển dụng có văn bằng, chứng chỉ phù hợp; phương thức tuyển dụng chủ yếu qua hình thức thi tuyển; quy trình tuyển dụng đều trải qua ba bước; đều có thời gian tập sự.
Tuy nhiên, do Việt Nam và Ba Lan có vị trí địa lý, dân cư, tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục tập quán, lịch sử hình thành... khác nhau, nên việc tuyển dụng công chức cũng có nhiều điểm khác biệt. Cụ thể là:
Thứ nhất, về nguyên tắc tuyển dụng công chức: Ba Lan nhấn mạnh việc tuyển dụng theo nguyên tắc bình đằng, công bằng và nguyên tắc thực tài. Đây là những nội dung cốt lõi của việc xây dựng chế độ công vụ, công chức hiện đại, chính quy. Ở Việt Nam, pháp luật hiện hành chưa có những quy định cụ thể về nguyên tắc tuyển dụng như trên, xu hướng cải cách chế độ công vụ, công chức của Việt Nam cũng đang hướng tới điều này.
Thứ hai, về yêu cầu, điều kiện tuyển dụng công chức: Ở Ba Lan phải là công dân Ba Lan hoặc có thể là công dân của các quốc gia trong khu vực liên minh Châu Âu (EU) và các nước khác có ký điều ước quốc tế với Ba Lan. Tuy nhiên, việc tuyển dụng công chức của Việt Nam theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 36 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định điều kiện tuyển dụng công chức có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Như vậy, về đối tượng dự tuyển công chức ở Ba Lan có phần quy định “mở hơn” so với Việt Nam.
Thứ ba, về thẩm quyền tuyển dụng công chức: Thẩm quyền tuyển dụng công chức ở Ba Lan trao cho cơ quan đó là Bộ Công vụ. Ở Việt Nam, theo quy định tại Điều 39 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 có rất nhiều cơ quan thực hiện tuyển dụng công chức như Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước thực hiện tuyển dụng và tuyển dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý; Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước thực hiện tuyển dụng công chức trong các cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý; bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tuyển dụng và phân cấp tuyển dụng công chức trong các cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý... Ở Ba Lan thẩm quyền quản lý được giao cho một đơn vị chủ trì quản lý công tác tuyển dụng, từ đó, việc tuyển dụng công chức sẽ mang tính chuyên nghiệp. Đối với Việt Nam, việc tuyển dụng công chức có nhiều cơ quan thực hiện tuyển dụng công chức.
Thứ tư, về tập sự: Điểm khác biệt chủ yếu của việc tuyển dụng công chức ở Ba Lan đối với Việt Nam đó là ở Ba Lan có “công chức dự bị”, thời gian từ 06 tháng đến 18 tháng, sinh viên của Học viện Hành chính được miễn chế độ công chức dự bị này.
Các quy định tuyển dụng công chức của Ba Lan tương đối đầy đủ và hoàn thiện về các nội dung như yêu cầu, điều kiện tuyển dụng công chức, căn cứ tuyển dụng công chức, quy trình tuyển dụng công chức, tập sự công chức từ trung ương đến địa phương. Từ đó, góp phần xây dựng nền hành chính của Ba Lan ngày càng chuyên nghiệp, mẫn cán, không thiên vị, trung thực, trung lập chính trị đáp ứng sự mong đợi của xã hội. Qua bài viết, tác giả đã nhấn mạnh tới một số điểm giống nhau cơ bản, cũng như những điểm khác biệt trong quá trình tuyển dụng công chức ở Ba Lan và Việt Nam. Đó là cơ sở lý thuyết mang tính gợi mở trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tuyển dụng công chức ở Việt Nam trong giai đoạn mới./.
Học viện Hành chính Quốc gia