Thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, các quan điểm, chủ trương của Đảng, các luật có liên quan về quyền tiếp cận thông tin pháp luật của công dân, ngày 22/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg). Đây là một bước tiến trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức hành chính ở cấp xã nhằm tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương, nhất là ở cấp cơ sở trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Việc thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá tiếp cận pháp luật có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao nhận thức, giáo dục ý thức tôn trọng, tuân thủ và chấp hành pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền được thông tin về pháp luật; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức cấp xã trong thực thi công vụ; cải thiện điều kiện tiếp cận thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, giải quyết thủ tục hành chính, phát huy dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
1. Kết quả đạt được
Một là, đã phát huy được vai trò của Ngành Tư pháp trong việc làm đầu mối tham mưu Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Để hoàn thiện thể chế và bảo đảm kinh phí thực hiện nhiệm vụ, Sở Tư pháp đã phối hợp với Sở Tài chính, các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 15/2014/NQ-HĐND ngày 23/7/2014 quy định một số mức chi thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, trong đó, quy định các mức chi cho công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Nhằm triển khai thi hành kịp thời, đồng bộ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Sở Tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện[1], trong đó, triển khai thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 201/KH-UBND ngày 22/11/2021 (Kế hoạch số 201/KH-UBND) với các quy định cụ thể về nội dung, phân công trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị, qua đó đã phát huy được vai trò của các ngành, các cấp trong tổ chức thực hiện, như: (i) Giao Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, các cơ quan, đơn vị biên soạn tài liệu tuyên truyền, viết tin, bài tuyên truyền, tổ chức tọa đàm, các chương trình truyền thông, thông tin về việc triển khai và kết quả thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh; (ii) Sở Tư pháp chủ trì ban hành hoặc tham mưu ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; (iii) Sở Tư pháp phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng tài liệu nhằm quán triệt, phổ biến, tập huấn nội dung cơ bản của Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg; tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, tham mưu thực hiện công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; (iv) Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thành lập Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật; thực hiện quy trình đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức tự chấm điểm, đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí; (v) Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị tổ chức kiểm tra, khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân về hiệu quả xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; sơ kết, tổng kết việc thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg.
Sở Tư pháp đã biên soạn 04 bộ tài liệu, sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ; in, cung cấp 1.200 cuốn cho các cơ quan, đơn vị. Triển khai Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, Sở Tư pháp đã biên soạn bộ tài liệu “Hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật” hướng dẫn cụ thể về nội dung, điểm số, cách tính điểm các tiêu chí, chỉ tiêu, tài liệu để đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu, tài liệu được hoàn thành ngay trong tháng 12/2021 để kịp thời hướng dẫn các cơ quan, đơn vị triển khai Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg từ đầu năm 2022.
Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp huyện, thành phố đã tham mưu tổ chức 42 hội nghị, lớp tập huấn cho 3.050 lượt đại biểu đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; các cơ quan, đơn vị, phòng ban tham mưu theo dõi các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật; Văn phòng điều phối nông thôn mới; lãnh đạo, công chức cấp xã. Xây dựng Chuyên mục “Chuẩn tiếp cận pháp luật” trên Trang Thông tin điện tử Sở Tư pháp; thường xuyên đăng tải, cập nhật tin, bài, tài liệu, văn bản lên Chuyên mục “Chuẩn tiếp cận pháp luật”. Thực hiện đăng tải lên Trang Thông tin điện tử của Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và đề nghị Cổng Thông tin điện tử tỉnh đăng tải danh sách xã đạt chuẩn và không đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hàng năm bảo đảm đúng thời gian quy định.
Sở Tư pháp đã trình Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh ban hành 05 kế hoạch kiểm tra, tự kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có nội dung kiểm tra việc thực hiện quy định xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Ủy ban nhân dân huyện, thành phố ban hành 35 kế hoạch kiểm tra công tác tư pháp; tổ chức kiểm tra trực tiếp tại 05 Ủy ban nhân dân cấp huyện, 08 Ủy ban nhân dân cấp xã; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tự kiểm tra, báo cáo kết quả tự kiểm tra theo quy định.
Hai là, có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị trong việc theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện các tiêu chí đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, qua đó đã phát huy được tính chủ động, trách nhiệm trong tổ chức thực hiện.
Để phát huy được tính chủ động, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và là căn cứ để đánh giá, kiểm tra, trong Kế hoạch số 201/KH-UBND, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị trong việc theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện các tiêu chí đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, theo đó: (i) Sở Tư pháp chủ trì đối với chỉ tiêu 1 của tiêu chí 1; các chỉ tiêu 1, 2, 3, 4 và 5 của tiêu chí 2; chỉ tiêu 1 và 3 của tiêu chí 3; (ii) Thanh tra tỉnh chủ trì đối với chỉ tiêu 1 của tiêu chí 5; (iii) Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì đối với chỉ tiêu 2 của tiêu chí 5; (iv) Sở Nội vụ chủ trì đối với chỉ tiêu 2 của tiêu chí 1; các chỉ tiêu của tiêu chí 4; chỉ tiêu 3 của tiêu chí 5; (v) Sở Tài chính chủ trì đối với chỉ tiêu 6 của tiêu chí 2; chỉ tiêu 2 của tiêu chí 3; (vi) Công an chủ trì đối với chỉ tiêu 4 của tiêu chí 5. Trên cơ sở nhiệm vụ được phân công, các cơ quan, đơn vị đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu; hướng dẫn đơn vị cấp huyện, cấp xã theo ngành dọc tổ chức thực hiện và tự chấm điểm, đánh giá theo quy định, qua đó đã nâng cao chất lượng thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu trên địa bàn tỉnh.
Ba là, có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan, đơn vị với Văn phòng Điều phối nông thôn mới trong việc tổ chức thực hiện, đánh giá tiêu chí 18.5 trong Bộ Tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.
Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, một số cơ quan, đơn vị theo dõi các tiêu chí, chỉ tiêu là thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia cấp tỉnh, cấp huyện đã chủ động tham mưu, chỉ đạo thực hiện tiêu chí 18.5 trong Bộ Tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, từ năm 2017 đến nay đã tham gia Hội đồng thẩm định, đánh giá đề nghị công nhận 54 xã đạt nông thôn mới, trong đó bảo đảm không có xã nào không đạt nông thôn mới do không đạt tiêu chí 18.5.
Bốn là, Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện tốt các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, tự đánh giá, chấm điểm, đề nghị công nhận theo quy định.
Cấp xã là cấp cơ sở trực tiếp tổ chức thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, xác định việc thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu có vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng, tuân thủ và chấp hành pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền được thông tin về pháp luật, xây dựng xã nông thôn mới, đô thị văn minh, trên cơ sở hướng dẫn của các cơ quan, đơn vị và qua tập huấn nghiệp vụ, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn đã nhanh chóng tổ chức triển khai thực hiện quy định xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn, ban hành các kế hoạch thực hiện các quy định của Thủ tướng Chính phủ, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho công chức theo dõi, tổ chức thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu; hàng năm, ban hành kế hoạch thực hiện; tổ chức rà soát, tự chấm điểm, hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp huyện đánh giá bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, thời gian theo quy định, kết quả đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn đều đạt tỷ lệ cao.
Năm là, phát huy vai trò của Ủy ban nhân dân cấp huyện trong chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện; tổ chức đánh giá, công nhận khách quan, công khai, công bằng và đúng quy định của pháp luật.
Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thuộc tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện quy định xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ; việc triển khai Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg được thực hiện kịp thời, bài bản, ngay trong tháng 12/2021, 07/07 huyện, thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện; phân công các phòng, ban theo dõi, hướng dẫn thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu; triển khai thực hiện đến các xã, phường, thị trấn, đặc biệt là các quy định mới trong Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg về tiêu chí, điều kiện công nhận, trình tự, thủ tục đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và quy định của Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg (Thông tư số 09/2021/TT-BTP) về nội dung, điểm số, cách tính điểm các tiêu chí, chỉ tiêu; tài liệu đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu, các biểu mẫu phục vụ việc đánh giá, công nhận.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố đã thành lập Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật bảo đảm về thành phần, số lượng theo quy định. Hội đồng, thành viên Hội đồng thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, tổ chức đánh giá, công nhận bảo đảm đúng quy định về thời gian, trình tự, thủ tục. Kết quả đánh giá, từ năm 2017 đến nay, có 676/699 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; 23 xã, phường, thị trấn không đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì việc thực hiện quy định xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang vẫn còn có một số tồn tại, hạn chế, như: Một số cơ quan, đơn vị chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu được phân công, chưa sát sao hướng dẫn cơ sở thực hiện; Ủy ban nhân dân một số xã, phường, thị trấn chưa quan tâm đề ra các giải pháp để thực hiện có hiệu quả các tiêu chí, chỉ tiêu, một số nơi thực hiện còn hình thức; công tác biểu dương, khen thưởng chưa được thực hiện kịp thời.
2. Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện quy định về xã, phường thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Từ những kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế nêu trên, trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, phát huy được vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ quản lý nhà nước; thường xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành phát huy vai trò, trách nhiệm, chủ động tham mưu, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Thứ hai, Sở Tư pháp làm tốt vai trò là cơ quan đầu mối tham mưu thực hiện ở địa phương, chủ động phối hợp với các ngành, các cấp để thực hiện; khẩn trương tổ chức tập huấn nghiệp vụ để triển khai các quy định mới tại Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP, bảo đảm triển khai thực hiện các quy định này thống nhất, đồng bộ trên địa bàn tỉnh ngay từ đầu năm. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp xã, phường, thị trấn chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hoặc việc đánh giá, công nhận không đúng quy định pháp luật.
Thứ ba, các cơ quan, đơn vị được giao theo dõi các tiêu chí, chỉ tiêu chủ động theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị đối với các tiêu chí, chỉ tiêu thực hiện không hiệu quả, chất lượng kém.
Thứ tư, Ủy ban nhân dân cấp xã thường xuyên đánh giá việc thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu, xác định chính xác những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, từ đó đề ra các giải pháp để khắc phục, bảo đảm việc thực hiện thực chất, có hiệu quả.
Thứ năm, Ủy ban nhân dân cấp huyện tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn cấp xã thực hiện; tổ chức đánh giá, công nhận bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan, công bằng, đúng quy định pháp luật; thực hiện và chỉ đạo thực hiện các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Thực hiện tốt các giải pháp nêu trên, trong thời gian tới, việc thực hiện quy định xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang sẽ đạt được kết quả cao hơn nữa, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang
[1]. Kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 17/10/2013 thực hiện Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg ngày 24/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở; Kế hoạch số 47/KH-UBND ngày 23/6/2017 thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.