1. Thực trạng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng cháy, chữa cháy cho công nhân lao động trong khu công nghiệp theo chức năng của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an Thành phố Hà Nội
Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) Công an Thành phố Hà Nội đã chủ động thường xuyên phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, bằng nhiều hình thức với nội dung hấp dẫn và thiết thực để tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và hướng dẫn công nhân lao động tại các khu công nghiệp kiến thức về PCCC, qua đó, tuyên truyền, vận động công nhân lao động tham gia vào công tác bảo đảm an toàn về PCCC khu công nghiệp. Do đó, đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo công nhân lao động, thực sự có tác dụng giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của ban quản lý khu công nghiệp, ban lãnh đạo các nhà máy trong khu công nghiệp và công nhân lao động trong các khu công nghiệp. Chỉ tính riêng năm 2020 - 2022, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an Thành phố Hà Nội đã tổ chức đăng 2.320 tin, bài; phát sóng 1.173 phóng sự, phim tài liệu về PCCC; phát hành 8.997 băng rôn, khẩu hiệu và 925.005 tờ rơi, khuyến cáo về PCCC; in sao, phát hành 1.296 băng, đĩa CD tuyên truyền về công tác an toàn PCCC; tổ chức tuyên truyền, huấn luyện về PCCC và CNCH được 9.732 buổi cho 1.419.778 lượt người tham gia[1]. Bên cạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn được coi trọng thì công tác xây dựng phong trào quần chúng PCCC cũng được lực lượng Cảnh sát PCCC rất quan tâm. Hàng năm, lực lượng Cảnh sát PCCC đã chủ động tập trung chỉ đạo và phối hợp giúp các cấp, các ngành xây dựng mới, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở theo quy định của pháp luật PCCC. Mỗi năm đã hướng dẫn các khu công nghiệp xây dựng mới và củng cố được hàng trăm đội dân phòng, đội PCCC cơ sở. Hình thức tuyên truyền từng bước được đổi mới. Tham mưu với Ủy ban nhân dân Thành phố củng cố, kiện toàn, đào tạo, hướng dẫn, huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng PCCC tại chỗ. Công tác biểu dương, nhân rộng các mô hình phong trào và điển hình tiên tiến trong công tác PCCC và CNCH được quan tâm chỉ đạo thực hiện rộng khắp.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội vẫn còn những hạn chế, tồn tại như:
Một là, hệ thống văn bản pháp luật quy định về PCCC chưa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về PCCC.
Một số văn bản quy phạm pháp luật về PCCC chậm đổi mới. Một số quy định về tiêu chuẩn ban hành từ khá lâu, có những nội dung đã lạc hậu, không còn phù hợp với điều kiện thực tế phát triển kinh tế - xã hội, ứng dụng khoa học công nghệ PCCC mới đưa vào sử dụng ở Việt Nam hiện nay nhưng vẫn chưa được soát xét, sửa đổi định kỳ. Thậm chí, có văn bản pháp luật mới được ban hành 02 - 03 năm gần đây nhưng đến nay đã bộc lộ nhiều thiếu sót, đang phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện.
Hai là, ý thức của công nhân lao động trong các khu công nghiệp về PCCC chưa cao.
Một bộ phận công nhân lao động chưa có thói quen tìm hiểu pháp luật nên thiếu hiểu biết cần thiết về các quy định, nội quy PCCC; hiệu quả tuyên truyền, vận động công nhân lao động trong các khu công nghiệp bảo đảm an toàn về PCCC chưa cao.
Ba là, tuyên truyền, vận động công nhân lao động trong các khu công nghiệp bảo đảm an toàn về PCCC chưa có tính chiến lược.
Việc tuyên truyền, vận động chưa bài bản, mang tầm chiến lược và có tính phát hiện, dự báo mà thiên về phản ánh và xử lý những vấn đề có tính thời sự, chủ yếu là tuyên truyền, định hướng khi có cháy, nổ xảy ra; chưa nghiên cứu đầy đủ diễn biến tình hình cháy, nổ và tâm lý của công nhân lao động trong các khu công nghiệp để đưa ra nội dung tuyên truyền phù hợp. Nội dung tuyên truyền chưa quan tâm giải thích, phân tích một cách thấu đáo, cặn kẽ, có sức thuyết phục những nội dung liên quan, nhất là những vấn đề nảy sinh trong quá trình tổ chức, thực hiện như liên quan đến bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, chức năng cứu nạn, cứu hộ của Cảnh sát PCCC và CNCH.
Bốn là, công tác chỉ đạo, định hướng thông tin thiếu kịp thời.
Hoạt động tuyên truyền, vận động là hoạt động có định hướng, nhưng nhìn chung, việc định hướng còn chậm, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý trong xã hội. Nguyên nhân của tình trạng này là do công tác chỉ đạo, định hướng thông tin, sự phối hợp với các cơ quan báo chí của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH còn chưa chặt chẽ, lúng túng, bị động...
Năm là, chất lượng cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCC và CNCH chưa đáp ứng yêu cầu.
Chất lượng cán bộ làm hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCC và CNCH nhìn chung còn thiếu về số lượng (là cán bộ kiểm tra kiêm nhiệm, họ xác định việc chính là kiểm tra PCCC và công việc kiểm tra PCCC luôn trong tình trạng quá tải), còn yếu về năng lực.
Sáu là, quan hệ phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH với các lực lượng khác chưa chặt chẽ.
Trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCC và CNCH cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp chưa chặt chẽ và thường xuyên, nhiều nơi mới chỉ dừng ở mức thời vụ, phong trào và hình thức… đã hạn chế hiệu quả hoạt động tuyên truyền, vận động. Ở một số khu công nghiệp, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH chưa chủ động phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng, báo đài ở trung ương và địa phương trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCC.
2. Một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động công nhân lao động trong các khu công nghiệp bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy
Thứ nhất, tổ chức xây dựng, biên soạn tài liệu tuyên truyền, vận động.
Một trong những yếu tố có tác động trực tiếp đến công tác tuyên truyền, vận động công nhân lao động trong các khu công nghiệp bảo đảm an toàn về PCCC là nội dung tuyên truyền. Nội dung tuyên truyền, vận động cần sâu sắc, dễ hiểu, thực tế. Cho đến nay, việc nghiên cứu xây dựng, biên tập tài liệu tuyên truyền cụ thể cho đối tượng là công nhân lao động trong các khu công nghiệp chưa sâu, chưa có giáo trình, giáo án hay tài liệu chuyên sâu tuyên truyền. Khi tuyên truyền tại khu công nghiệp, cán bộ làm công tác tuyên truyền thường sử dụng kiến thức chung, vận dụng các văn bản, quy chuẩn, tiêu chuẩn... theo quan điểm cá nhân, nên tùy từng cán bộ mà có cách tuyên truyền khác nhau, làm cho đối tượng được tuyên truyền có nhận thức khác nhau về an toàn PCCC đối với các khu công nghiệp. Chính vì vậy, đòi hỏi lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cần tổ chức xây dựng, biên soạn tài liệu tuyên truyền, vận động bảo đảm bám sát với thực tế, đặc điểm hoạt động của khu công nghiệp.
Theo đó, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cần chủ động thực hiện tốt một số nội dung cụ thể sau:
- Lựa chọn cán bộ có trình độ nghiệp vụ chuyên sâu về PCCC, có năng lực sư phạm tốt, có kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, từ đó, thành lập tổ biên soạn tài liệu chuyên sâu tuyên truyền, vận động.
- Tiến hành điều tra, khảo sát, nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến khu công nghiệp và công tác bảo đảm an toàn về PCCC. Nội dung cần tập trung vào một số vấn đề như: Vị trí địa lý; kiến trúc xây dựng các khu công nghiệp; chất cháy chủ yếu; nguồn lửa; nguồn nhiệt; khả năng cháy lan; trình độ văn hóa, nhận thức của người lao động làm việc tại khu công nghiệp; công tác PCCC tại đây; sự quan tâm của người đứng đầu, chủ hộ trong công tác PCCC... các vi phạm quy định về PCCC tại khu công nghiệp và nguyên nhân dẫn đến các vi phạm đó; nguyên nhân, thời gian, công tác chữa cháy và những tác động kéo theo khi xảy ra cháy khu công nghiệp.
- Trên cơ sở điều tra, khảo sát, nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm và thực tiễn, tổ biên soạn xây dựng đề cương, bản thảo, lấy ý kiến các chuyên gia, đồng nghiệp làm công tác tuyên truyền, vận động và cả những người là đối tượng được tuyên truyền... nhằm thống nhất các quan điểm, khắc phục những vấn đề còn hạn chế, định hướng để nội dung được xây dựng phù hợp với tình hình thực tế. Tổ chức biên soạn thành tài liệu chuẩn để phục vụ cho công tác tuyên truyền, vận động công nhân lao động đồng thời tổ chức triển khai đến cán bộ làm công tác tuyên truyền, vận động tiến hành thực hiện thống nhất tại các khu công nghiệp và trong toàn lực lượng.
- Nội dung tài liệu được xây dựng phải bảo đảm kết cấu chung gồm các phần: Phần mở đầu: Giới thiệu tổng quan về thực trạng và công tác phát triển khu công nghiệp tại địa phương. Phần I: Thực trạng công tác PCCC tại các khu công nghiệp; tình hình cháy khu công nghiệp và các vấn đề có liên quan. Phần II: Các văn bản về Luật Phòng cháy và chữa cháy; quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan. Phần III: Kiến thức cơ bản về cháy và cháy khu công nghiệp. Phần IV: Kỹ thuật cá nhân, cách sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ và xử lý các tình huống khi xảy ra cháy.
Trên cơ sở nội dung tài liệu được biên soạn, tùy theo việc áp dụng hình thức tuyên truyền để xây dựng nội dung cụ thể cho phù hợp.
Thứ hai, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động.
Khu công nghiệp là nơi tập trung đông người, trong đó, trình độ hiểu biết, nhận thức của người lao động tại đây cũng khác nhau nên việc áp dụng các hình thức tuyên truyền phải đa dạng, phong phú. Cần nghiên cứu, lựa chọn nhiều hình thức truyên truyền để sử dụng cùng một lúc và nội dung phải được chắt lọc, xây dựng một cách phong phú thì mới thu hút được nhiều đối tượng tuyên truyền tham gia. Đồng thời, căn cứ trên các điều kiện thực tế, phương thức tuyên truyền mới, hiện đại, hấp dẫn người được tuyên tuyền mà chọn hình thức phù hợp để xây dựng mô hình tuyên truyền điểm. Đối với điều kiện, môi trường hoạt động tại khu công nghiệp, cần tập trung tổ chức đồng thời một số hình thức tuyên truyền và mô hình tuyên truyền cụ thể sau:
- Tập huấn nghiệp vụ PCCC, đây là hình thức tuyên truyền phát huy hiệu quả nhất nhằm trang bị cho người được tập huấn kiến thức sâu các văn bản pháp luật về PCCC.
- Tuyên truyền thông qua hệ thống phát thanh, phát hình nội bộ tại khu công nghiệp. Thông tin về pháp luật PCCC, tình hình cháy, tình hình hoạt động PCCC tại khu công nghiệp, tình hình vi phạm về an toàn PCCC, gương người tốt việc tốt trong công tác PCCC, các tiểu phẩm tuyên truyền.
- Tuyên truyền bằng pano, áp phích, khẩu hiệu, hình thức này thường được bố trí tại những nơi trang trọng, dễ nhìn, dễ thấy như ở cổng ra vào, cầu thang máy, cầu thang bộ, lối đi,... có tác dụng ngay đối với mọi người trong khu công nghiệp, với mọi thành phần trong xã hội, trình độ nhận thức khác nhau.
- Phát tờ rơi, tổ chức ký cam kết bảo đảm an toàn về PCCC. Sử dụng hình thức này là tập trung vào đối tượng cố định, thường xuyên sinh hoạt, làm việc tại đây. Việc ký cam kết tạo ra ý thức trách nhiệm càng cao, thời gian phát cũng có thể được kéo dài sáu tháng hoặc một năm một lần.
Thứ ba, xây dựng mô hình tuyên truyền.
Các bước tiến hành xây dựng mô hình cụ thể như sau:
- Mô tả mô hình: Mô hình tuyên truyền, vận động hoạt động dựa trên hệ thống phát hình nội bộ tại các khu công nghiệp nhằm truyền tải thông tin về kiến thức pháp luật, nghiệp vụ công tác PCCC, thời gian phát vào các giờ nghỉ, nội dung chương trình được thay đổi theo tháng, quý.
- Lựa chọn hình thức tuyên truyền: Tuyên truyền tổng hợp.
- Phương thức tuyên truyền: Tuyên truyền thông qua hệ thống phát hình nội bộ tại các khu công nghiệp.
- Xây dựng nội dung chương trình: Dựa trên nội dung tuyên truyền được biên soạn phục vụ công tác tuyên truyền, vận động dàn dựng thành các tiểu phẩm, xây dựng phóng sự, đoạn phim ngắn giới thiệu các bài giảng về an toàn PCCC khu công nghiệp, cách sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ, phổ biến kiến thức pháp luật.
- Xây dựng kế hoạch: Phối hợp xây dựng, triển khai mô hình tuyên truyền, vận động qua hệ thống phát hình nội bộ tại các khu công nghiệp.
- Tổ chức khai thác: Sau khi mô hình hoàn chỉnh bàn giao lại cho chủ đầu tư tổ chức khai thác sử dụng, căn cứ vào nhiệm vụ của các đơn vị có liên quan sẽ cung cấp nội dung tuyên truyền, kiểm tra việc thực hiện theo kế hoạch đề ra.
Thứ tư, xây dựng đội ngũ tuyên truyền.
- Xây dựng cán bộ công an làm công tác tuyên truyền:
+ Căn cứ Thông tư số 63/2013/TT-BCA ngày 21/11/2013 của Bộ Công an quy định về điều lệnh kiểm tra của cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thì trường hợp quản lý theo cơ sở, một cán bộ kiểm tra phòng cháy và chữa cháy quản lý không vượt quá 70 cơ sở (trong đó, số cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ không vượt quá 25% trong tổng số 70 cơ sở) để bố trí số lượng cán bộ phù hợp.
+ Công tác đào tạo, bồi dưỡng phải có định hướng, mục tiêu rõ ràng, theo phương châm: Tăng đào tạo chuyên sâu, giảm đào tạo nâng cao ngoài ngành, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ tuyên truyền.
+ Sắp xếp, bố trí cán bộ làm công tác quản lý địa bàn tuyên truyền, vận động cần bảo đảm sắp xếp, bố trí cán bộ đúng trình độ chuyên môn, luân chuyển cán bộ không có chuyên môn hoặc có trình độ chuyên môn thấp, năng lực kém sang thực hiện các nhiệm vụ khác.
- Xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở tại khu công nghiệp: Trước hết, phải xác định đối tượng để bồi dưỡng, đào tạo trở thành tuyên truyền viên cơ sở, đây là khâu rất quan trọng. Đồng thời, đề xuất các cấp lãnh đạo mở lớp bồi dưỡng, đào tạo nguồn với hình thức phối hợp đào tạo. Bên cạnh đó, tổ chức triển khai, sử dụng đội ngũ tuyên truyền viên tại khu công nghiệp, lực lượng này được giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn.
Thứ năm, tăng cường phối hợp trong việc triển khai, tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền, vận động.
Nội dung quy chế phối hợp cần thể hiện rõ mục đích, yêu cầu, mục tiêu hướng tới và cần phải đạt được; thể hiện nội dung cần phối hợp; phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng đơn vị có liên quan; xác định thời gian thực hiện cụ thể. Trong tổ chức thực hiện phải có sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế, thiếu sót, xây dựng phương hướng hoàn thiện cho mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu lâu dài.
Tóm lại, để bảo đảm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động công nhân lao động trong các khu công nghiệp bảo đảm an toàn về PCCC khu công nghiệp, cần phải kết hợp nhiều giải pháp, từ công tác quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về PCCC đến việc vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện PCCC, đặc biệt là sự tham gia quản lý trực tiếp của chủ đầu tư, ban quản lý khu công nghiệp, công nhân lao động tại khu công nghiệp thì mới mang đến sự an toàn về PCCC. Tuy nhiên, trước tình hình còn có sự thờ ơ, xem nhẹ trách nhiệm về công tác PCCC của một bộ phận công nhân lao động tại khu công nghiệp, tâm lý ỷ lại, coi việc PCCC là trách nhiệm của chủ đầu tư hay của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH... dẫn đến khi xảy ra cháy khu công nghiệp đã gây thiệt hại nghiêm trọng. Do đó, công tác tuyên truyền, vận động công nhân lao động trong các khu công nghiệp bảo đảm an toàn về PCCC tại các khu công nghiệp của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH phải được nghiên cứu, tìm ra những thiếu sót để có giải pháp khắc phục nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, vận động, vận dụng các nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp nhằm kịp thời đưa kiến thức pháp luật, nghiệp vụ về PCCC đến được chủ đầu tư, ban quản lý khu công nghiệp và công nhân lao động để họ nắm vững và thực hiện tốt.
Thiếu tá, ThS. Nguyễn Thị Thanh Thủy
Khoa Nghiệp vụ cơ bản, Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy
[1]. Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an Thành phố Hà Nội, Báo cáo công tác PCCC và CNCH năm 2020 - 2022.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 384), tháng 7/2023)