1. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp
Nhằm từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP điện tử, từ tháng 5/2011, Bộ Tư pháp đã nghiên cứu xây dựng, triển khai Phần mềm quản lý LLTP gồm 02 phiên bản: 01 phiên bản dùng chung cho các Sở Tư pháp và 01 phiên bản dành cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia. Cho đến thời điểm hiện tại, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và các Sở Tư pháp đã sử dụng các phiên bản nói trên để hỗ trợ cho công tác xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu và cấp phiếu LLTP. Phần mềm này tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi dữ liệu hai chiều giữa Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và các Sở Tư pháp và được thiết kế mở để các cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin LLTP có thể cung cấp thông tin trực tiếp cho hệ thống khi điều kiện cho phép. Để đáp ứng yêu cầu xây dựng cơ sở dữ liệu theo mô hình 02 cấp, hiện tại, cơ sở dữ liệu này được phân tách và lưu trữ riêng biệt ở 02 máy chủ khác nhau: Cơ sở dữ liệu cấp địa phương bao gồm dữ liệu của 63 Sở Tư pháp; cơ sở dữ liệu cấp trung ương bao gồm dữ liệu của 63 Sở Tư pháp và dữ liệu của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia.
Từ ngày 01/5/2015 đến ngày 31/12/2015, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và các Sở Tư pháp đã bắt đầu thực hiện thử nghiệm việc chuyển thông tin LLTP điện tử. Với những kết quả tích cực đạt được trong thời gian thử nghiệm, từ ngày 01/01/2016 đến nay, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và các Sở Tư pháp chính thức thực hiện cung cấp thông tin dưới dạng điện tử. Hiện nay, đã có 63/63 Sở Tư pháp thực hiện chuyển thông tin dưới dạng dữ liệu điện tử theo quy trình này.
Với sự hỗ trợ của 02 phần mềm nêu trên, tính đến ngày 30/6/2020, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và các Sở Tư pháp đã tiếp nhận 6.180.015 thông tin LLTP. Tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã nhận được 2.117.293 thông tin LLTP, giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù, giấy chứng nhận đặc xá. Trên cơ sở thông tin LLTP nhận được, Trung tâm đã tiến hành xử lý 1.107.024 thông tin LLTP bằng giấy và 65.099 thông tin LLTP điện tử; cung cấp cho các Sở Tư pháp 547.391 thông tin LLTP.
2. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp
2.1. Đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến đáp ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3
Trước năm 2015, việc cấp phiếu LLTP được thực hiện theo phương thức trực tiếp nộp hồ sơ và nhận phiếu LLTP tại trụ sở cơ quan cấp phiếu. Để tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức có thêm nhiều lựa chọn phương thức cấp phiếu LLTP, ngày 08/01/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 19/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thì điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến (Đề án 19). Theo đó, việc cấp phiếu LLTP trực tuyến được thực hiện theo 02 phương thức: (i) Đăng ký cấp phiếu LLTP trực tuyến và nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính; (ii) Gửi hồ sơ yêu cầu cấp phiếu LLTP trực tuyến và nhận kết quả trực tiếp tại trụ sở cơ quan có thẩm quyền cấp phiếu.
Đối với phương thức (i), cá nhân truy cập vào Trang thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền cấp phiếu để đăng ký thông tin vào tờ khai trực tuyến và gửi cho cơ quan có thẩm quyền cấp phiếu. Phần mềm đăng ký LLTP trực tuyến sẽ tự động cấp cho người yêu cầu cấp phiếu một mã số dùng để xác định thứ tự ưu tiên xử lý hồ sơ yêu cầu cấp phiếu. Sau khi hồ sơ được thụ lý, người yêu cầu cấp phiếu có thể dùng mã số này để theo dõi quá trình xử lý hồ sơ. Người yêu cầu cấp phiếu mang bản sao CMND/hộ chiếu đến cơ quan có thẩm quyền cấp phiếu để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ: Nhận tờ khai bằng bản giấy từ cán bộ tiếp nhận hồ sơ, ký vào tờ khai đó và nộp lệ phí. Đối với phương thức (ii), người yêu cầu cấp phiếu làm tờ khai trực tuyến đồng thời đăng tải các giấy tờ kèm theo nhằm giúp cho cơ quan có thẩm quyền cấp phiếu so sánh, đối chiếu những thông tin trong hồ sơ yêu cầu cấp phiếu, bảo đảm sự thống nhất giữa các thông tin và xác định đúng thẩm quyền cấp phiếu. Sau khi có kết quả, người yêu cầu cấp phiếu phải mang bản gốc hoặc bản sao có chứng thực các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký trực tuyến đến cơ quan có thẩm quyền cấp phiếu để đối chiếu và nhận kết quả. Với các phương thức trên cho thấy, việc cấp phiếu trực tuyến như vậy về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu mức độ 3 của dịch vụ hành chính công trực tuyến.
Ngày 14/10/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử. Thực hiện nhiệm vụ được giao cho Bộ Tư pháp tại Nghị quyết này, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và các Sở Tư pháp trong cả nước đã cài đặt phân hệ phần mềm đăng ký cấp phiếu LLTP trực tuyến với quy trình, cách thức tương tự như việc cấp phiếu LLTP trực tuyến theo Đề án 19. Theo số liệu thống kê, sau 03 năm triển khai thực hiện Đề án 19, đã có 60 Sở Tư pháp triển khai phân hệ đăng ký cấp phiếu LLTP trực tuyến do Bộ Tư pháp xây dựng, trong đó có 40 Sở Tư pháp đã triển khai tiếp nhận hồ sơ trực tuyến, có 59.730 trường hợp đăng ký cấp phiếu LLTP trực tuyến được tiếp nhận và xử lý. Trong đó, có 54.959 trường hợp đăng ký tờ khai trực tuyến, nộp hồ sơ trực tiếp và nhận phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính, chiếm 92,01% tổng số trường hợp đăng ký cấp phiếu LLTP được tiếp nhận và xử lý theo Đề án 19 của cả nước và 4.771 trường hợp gửi hồ sơ yêu cầu cấp phiếu LLTP trực tuyến và nhận phiếu LLTP trực tiếp tại trụ sở cơ quan cấp phiếu, chiếm 7,99% tổng số trường hợp đăng ký cấp phiếu LLTP được tiếp nhận và xử lý theo Đề án 19 của cả nước.
Trong quá trình xây dựng và triển khai phần mềm đăng ký cấp phiếu LLTP trực tuyến, để tạo thuận lợi hơn nữa cho người có yêu cầu cấp phiếu LLTP, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và Tổng Công ty cổ phần bưu chính Viettel nghiên cứu tích hợp phân hệ đăng ký cấp phiếu LLTP trực tuyến với dịch vụ nhận hồ sơ yêu cầu cấp phiếu LLTP và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính. Theo đó, sau khi đăng ký tờ khai trực tuyến, cá nhân có thể lựa chọn gửi hồ sơ yêu cầu cấp phiếu LLTP và kết quả qua bưu chính. Sau 03 năm triển khai thực hiện Đề án 19, đã có 57 Sở Tư pháp triển khai tích hợp đăng ký trực tuyến với dịch vụ nhận hồ sơ và phiếu LLTP thông qua dịch vụ bưu chính với 18.509 trường hợp đăng ký tờ khai trực tuyến, gửi hồ sơ yêu cầu và nhận phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính; 1.762 trường hợp đăng ký tờ khai trực tuyến, gửi hồ sơ yêu cầu qua dịch vụ bưu chính và nhận phiếu LLTP trực tiếp tại trụ sở cơ quan cấp phiếu; 1.658 trường hợp đăng ký tờ khai trực tuyến, nộp hồ sơ yêu cầu và nhận phiếu LLTP trực tiếp tại trụ sở cơ quan cấp phiếu.
2.2. Triển khai cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến
Ngày 12/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 274/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Cổng dịch vụ công quốc gia, trong đó đặt ra mục tiêu: “Thực hiện tích hợp để cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, trong đó đến năm 2020, Cổng dịch vụ công Quốc gia tích hợp tối thiểu 30% các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu với người dân, doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương, một số đơn vị cung cấp dịch vụ công và tăng dần mỗi năm 20% cho tới khi tích hợp toàn bộ (100%) các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương”. Ngày 08/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử (Nghị định số 45/2020/NĐ-CP). Để triển khai hiệu quả Đề án Cổng dịch vụ công quốc gia và Nghị định nêu trên, Bộ Tư pháp đã hoàn thành và đưa vào khai thác Cổng dịch vụ công Bộ Tư pháp, thực hiện kết nối Cổng dịch vụ công Bộ Tư pháp với Cổng dịch vụ công quốc gia và triển khai cung cấp 30% các thủ tục hành chính do Bộ Tư pháp thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, trong đó có 03 thủ tục hành chính trong lĩnh vực LLTP.
Hiện nay, các địa phương đang hoàn thiện việc kết nối, tích hợp dữ liệu đăng ký cấp phiếu LLTP giữa hệ thống một cửa điện tử dùng chung của tỉnh/thành phố với phần mềm quản lý LLTP dùng chung cho Sở Tư pháp theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp và phối hợp với Văn phòng Chính phủ triển khai kết nối, đồng bộ thủ tục đăng ký cấp phiếu LLTP giữa Cổng dịch vụ công tỉnh/ thành phố với Cổng dịch vụ công quốc gia để triển khai thuận lợi việc đăng ký cấp phiếu LLTP trên môi trường điện tử theo Nghị định số 45/2020/NĐ-CP.
3. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tra cứu, xác minh thông tin để cấp phiếu lý lịch tư pháp
Thời điểm trước năm 2015, tình trạng trễ hạn cấp phiếu LLTP diễn ra rất phổ biến trên phạm vi toàn quốc, trở thành vấn đề nóng được đưa ra tại các kỳ họp đại biểu Quốc hội, có nhiều địa phương có tỷ lệ trễ hạn lên đến hơn 40%. Ngay tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, việc trễ hẹn cấp phiếu LLTP cũng lên tới 60% số lượng hồ sơ tiếp nhận. Ngoài ra, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia mỗi năm chỉ hỗ trợ các địa phương tra cứu, xác minh thông tin LLTP về án tích đối với khoảng 30 trường hợp.
Nhằm giải quyết triệt để tình trạng chậm thời hạn cấp phiếu LLTP nêu trên, từ cuối năm 2014, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã phối hợp Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát (C53), Bộ Công an nghiên cứu thử nghiệm giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tra cứu, xác minh thông tin để cấp phiếu LLTP (giải pháp “kiềng ba chân”) tại Quy chế số 01/QCPH-TTLLTPQG-C53 ngày 09/7/2015 phối hợp tra cứu, xác minh thông tin để cấp phiếu LLTP. Theo đó, Sở Tư pháp gửi hồ sơ yêu cầu tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp đồng thời tới Trung tâm và C53. Ngay sau khi nhận được, C53 có trách nhiệm tra cứu, xác minh và gửi kết quả tra cứu đến Trung tâm. Trung tâm sẽ kiểm tra, đối chiếu, rà soát những kết quả của C53 này với thông tin có trong cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp của Trung tâm. Trên cơ sở tích hợp dữ liệu giữa kết quả của C53 và kết quả tra cứu tại cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp của Trung tâm, Trung tâm trả lời kết quả tra cứu, xác minh cho Sở Tư pháp để cấp phiếu LLTP. Việc chuyển hồ sơ và trả kết quả giữa Sở Tư pháp - Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia - C53 nêu trên hoàn toàn thông qua phần mềm chuyên dụng trên môi trường mạng internet. Tính đến ngày 31/12/2018, có 48/63 Sở Tư pháp tỉnh/thành phố thực hiện thử nghiệm giải pháp này và số lượng hồ sơ gửi tra cứu là 364.212 trường hợp và hầu hết đều được Trung tâm và C53 trả lời sớm hoặc đúng thời hạn.
Sau hiệu quả của việc triển khai giải pháp “kiềng ba chân” theo Quy chế số 01/QCPH-TTLLTPQG-C53 nêu trên, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong công tác cấp phiếu LLTP cho các đối tượng đương nhiên được xóa án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và những phát sinh trong thực tiễn, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia tiếp tục phối hợp với Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát, Bộ Công an hoàn thiện giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tra cứu, xác minh thông tin để cấp phiếu LLTP và được thể chế hóa bằng Quy chế số 02/QCPH-TTLLTPQG-C53 ngày 28/6/2018 giữa Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát (nay là Cục Hồ sơ nghiệp vụ - V06), Bộ Công an. Theo đó, Sở Tư pháp sẽ thực hiện gửi toàn bộ các hồ sơ nhận được đồng thời đến 03 cơ quan: Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia - Cục Hồ sơ nghiệp vụ, Bộ Công an - Phòng Hồ sơ nghiệp vụ (PV06), Công an tỉnh/thành phố. V06, PV06 có trách nhiệm trả lời kết quả trong thời hạn 05 ngày làm việc, trường hợp có thông tin đến việc khởi tố, kết án thì thời hạn 09 ngày làm việc và cung cấp các bản photo các tài liệu có liên quan như bản án, quyết định thi hành án, giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù… cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia. Trung tâm có trách nhiệm tra cứu trong cơ sở dữ liệu LLTP và tổng hợp kết quả với V06 và PV06 để trả kết quả cho Sở Tư pháp cấp phiếu LLTP. Việc tiếp nhận hồ sơ, tra cứu, xác minh và trả kết quả giữa các đơn vị nêu trên cũng được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng internet qua phần mềm hỗ trợ tra cứu, xác minh, thông tin để cấp phiếu LLTP do Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia phối hợp với đơn vị cung ứng phần mềm xây dựng.
Thực tế hiện nay, mỗi ngày, Trung tâm tra cứu, xác minh và tổng hợp dữ liệu và trả kết quả cho các Sở Tư pháp từ 2000 đến 3.000 trường hợp, bảo đảm độ chính xác của thông tin và thời hạn, qua đó giúp cho Sở Tư pháp trả kết quả sớm hoặc đúng thời hạn cấp phiếu LLTP, rút ngắn thời hạn cấp phiếu LLTP theo tinh thần cải cách hành chính của địa phương. Riêng đối với các hồ sơ thuộc thẩm quyền, Trung tâm đều trả sớm hơn thời hạn Luật định.
Tính đến nay, đã có 63/63 Sở Tư pháp và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thực hiện Quy chế số 02/QCPH-TTLLTPQG-C53 nêu trên. Việc thực hiện Quy chế này trên toàn quốc, đem lại hiệu quả tích cực, giảm đến mức tối thiểu thời gian và chi phí đi lại của người dân; giải tỏa được các điểm “nóng” bức xúc của địa phương, được các địa phương nhiệt tình đón nhận và hoan nghênh, góp phần củng cố niềm tin của người dân đối với cơ quan nhà nước; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thu hút đầu tư; phục vụ kịp thời công tác điều tra, truy tố, xét xử của cơ quan tiến hành tố tụng; tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và góp phần trong việc triển khai hiệu quả Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với các chế định về đương nhiên được xóa án tích cho những người từng bị kết án tái hòa nhập cộng đồng.
3. Hạn chế, bất cập
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác LLTP còn nhiều hạn chế, bất cập cần được nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan:
3.1. Luật Lý lịch tư pháp đã có 10 năm triển khai thực hiện. Tuy nhiên, thực tế kết quả phối hợp cung cấp thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP thời gian qua cho thấy, việc trao đổi, cung cấp thông tin LLTP giữa các đơn vị có liên quan với cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP được thực hiện chủ yếu bằng văn bản giấy và bằng phương thức giao nhận trực tiếp hoặc qua bưu điện. Do vậy, thời gian cho việc cung cấp, đính chính thông tin kéo dài, làm ảnh hưởng đến việc lập, bổ sung, đính chính hồ sơ LLTP, ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ hoàn thiện cơ sở dữ liệu LLTP.
3.2. Sự thiếu đồng bộ về công nghệ thông tin, hạ tầng kỹ thuật giữa các cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin LLTP và cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP dẫn đến việc phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin còn chậm, chưa thực sự hiệu quả. Bên cạnh đó, tiến độ hoàn thiện phần mềm quản lý LLTP phiên bản dùng cho Trung tâm và các Sở Tư pháp cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu LLTP. Phần mềm quản lý LLTP hiện đang được sử dụng tại các Sở Tư pháp và Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia mới chỉ hỗ trợ công tác xử lý thông tin bước đầu, số hóa dữ liệu, cán bộ làm công tác LLTP vẫn phải trực tiếp cập nhật thông tin một cách thủ công vào phần mềm để tạo lập dữ liệu điện tử. Trong khi đó, với số lượng cán bộ làm công tác LLTP hiện nay tại các Sở Tư pháp không thể đáp ứng được yêu cầu xử lý số lượng thông tin LLTP ngày càng nhiều. Ngoài ra, phần mềm hiện nay cũng chưa có tính năng kiểm soát chất lượng dữ liệu được tạo lập vào cơ sở dữ liệu LLTP. Việc khai thác, sử dụng phần mềm hiện nay để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về LLTP chưa thực sự hiệu quả.
3.3. Mặc dù Bộ Tư pháp đã hướng dẫn Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kết nối, tích hợp dữ liệu đăng ký cấp phiếu LLTP giữa hệ thống một cửa điện tử dùng chung của tỉnh/thành phố với phần mềm quản lý LLTP dùng chung cho Sở Tư pháp nhưng hầu hết các địa phương chưa hoàn thành giải pháp kỹ thuật này. Do đó, việc đăng ký cấp phiếu LLTP trực tuyến có nhiều bất cập, Sở Tư pháp phải nhập lại thông tin cấp phiếu của người dân trên Trang đăng ký cấp phiếu LLTP trực tuyến vào phần mềm quản lý thông tin một cửa điện tử của tỉnh gây tốn kém thời gian, công sức, làm gia tăng công việc cho cán bộ giải quyết thủ tục hành chính.
3.4. Hiện nay, Cổng dịch vụ công quốc gia vẫn chưa thực hiện xác thực được việc đăng ký tài khoản cho người dùng là cá nhân đang ở nước ngoài thông qua thuê bao di động (rất ít cá nhân có USB ký số hay SIM ký số). Do đó, ngay cả khi Sở Tư pháp đã tích hợp thành công thủ tục cấp phiếu LLTP lên Cổng dịch vụ công quốc gia cũng như kết nối, tích hợp dữ liệu đăng ký cấp phiếu LLTP giữa hệ thống một cửa điện tử dùng chung của tỉnh/thành phố với phần mềm quản lý LLTP thì đối tượng cá nhân đang ở nước ngoài cũng không thể lựa chọn đăng ký cấp phiếu LLTP trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Mặt khác, Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cổng dịch vụ công quốc gia quy định chức năng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Cổng dịch vụ công trực tuyến là “cung cấp giải pháp xác thực phù hợp với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc sử dụng hệ thống xác thực do Bộ Ngoại giao cung cấp”.
4. Một số định hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lý lịch tư pháp thời gian tới
4.1. Xây dựng giải pháp kỹ thuật mới nhằm giải quyết triệt để tình trạng tồn đọng thông tin lý lịch tư pháp, giúp hoàn thiện và đồng bộ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Sự thiếu đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật giữa các bộ, ngành, địa phương trong quá trình cung cấp thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP là vấn đề lớn. Việc đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất cho tất cả các bộ, ngành, địa phương là giải pháp hay nhưng rất khó khả thi. Do đó, rất cần một giải pháp kỹ thuật giải quyết triệt để tình trạng tồn đọng thông tin LLTP. Theo kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Luật Lý lịch tư pháp, tính đến nay, mặc dù các địa phương đã rất nỗ lực đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP nhưng còn 168.528 thông tin tồn đọng chưa vào sổ tiếp nhận văn bản đến và 465.287 thông tin chưa lập LLTP, cập nhật thông tin LLTP bổ sung. Số lượng thông tin LLTP do các cơ quan có liên quan cung cấp ngày càng nhiều, từ đó, đòi hỏi phải có giải pháp kỹ thuật giải quyết được triệt để tình trạng tồn đọng thông tin LLTP trên toàn quốc. Thời gian qua, được sự ủng hộ của lãnh đạo Bộ Tư pháp, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã nghiên cứu giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin tự động hóa việc xử lý thông tin phục vụ xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác cơ sở dữ liệu LLTP.
Việc xây dựng và triển khai giải pháp này trên cơ sở xây dựng phần mềm trí tuệ nhân tạo về LLTP để tự động hoạt động xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác cơ sở dữ liệu LLTP tại Trung tâm và 63 Sở Tư pháp trong toàn quốc, cụ thể:
- Tự động hóa việc nhập thông tin và cập nhật thông tin: Bằng cách chuyển hóa thông tin dưới dạng văn bản giấy (được thể hiện trong các bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật; quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm về hình sự; quyết định thi hành án hình sự…) thành thông tin dưới dạng cơ sở dữ liệu điện tử (database) nhằm giảm chi phí, thời gian và nhân lực, nâng cao chất lượng thông tin, tạo ra hệ thống thông tin đồng bộ, chính xác.
- Tự động hóa việc quản lý thông tin, thống kê số liệu thông tin, tổng hợp thông tin, tra cứu, phân loại thông tin, tạo lập báo cáo, in ấn biểu mẫu và các yêu cầu khác trong quản lý nhà nước về LLTP.
- Tự động hóa việc vận hành thông tin, phát hiện sai sót, trùng lặp thông tin, cảnh báo thông tin về án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự và Luật Lý lịch tư pháp, kết nối, liên thông dữ liệu với các cơ sở dữ liệu khác.
- Tự động hóa việc khai thác, tra cứu thông tin; thu nhận yêu cầu tra cứu và trả lời kết quả tra cứu; kết xuất phiếu LLTP, tích hợp kết quả tra cứu vào cơ sở dữ liệu.
- Tích hợp với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành liên quan khác.
- Có sự liên kết với cơ sở dữ liệu LLTP sẵn có của phần mềm quản lý LLTP hiện nay.
Phần mềm trí tuệ nhân tạo về LLTP này có các tính năng sau: Tự động hóa công tác nhập liệu; báo cáo thống kê theo thời gian, loại văn bản theo yêu cầu quản lý tức thời; tra cứu theo địa phương, đối tượng, theo yêu cầu quản lý; chức năng cảnh báo tự động xem trên màn hình, in ra văn bản; tự động cập nhật xóa án tích tự động khi đủ điều kiện xóa án tích; hệ thống cấp phiếu trực tuyến, trực tiếp, mọi lúc, mọi nơi.
Giải pháp kỹ thuật này giúp giải quyết triệt để tình trạng tồn đọng thông tin LLTP; cập nhật đầy đủ, kịp thời số lượng thông tin LLTP mới phát sinh; bảo đảm chất lượng thông tin, tính đồng bộ, thống nhất, khách quan, toàn diện và chính xác của thông tin đã được cập nhật; giảm chi phí, thời gian và nhân lực, không phải tăng biên chế tại các Sở Tư pháp; phục vụ có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về LLTP trên phạm vi toàn quốc cũng như ở từng địa phương.
Thời gian qua, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đang phối hợp với Công ty Phần mềm triển khai thử nghiệm phần mềm ở Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh và chuẩn bị thử nghiệm ở một số tỉnh/thành khác.
4.2. Các địa phương cần sớm hoàn thiện các giải pháp kỹ thuật, thực hiện kết nối, tích hợp dữ liệu đăng ký cấp phiếu LLTP giữa hệ thống một cửa điện tử dùng chung của tỉnh/thành phố với phần mềm quản lý LLTP dùng chung cho Sở Tư pháp và phối hợp với Văn phòng Chính phủ triển khai kết nối, đồng bộ thủ tục đăng ký cấp phiếu LLTP giữa Cổng dịch vụ công tỉnh/thành phố với Cổng dịch vụ công quốc gia để triển khai đăng ký cấp phiếu LLTP trực tuyến trên môi trường điện tử theo Nghị định số 45/2020/NĐ-CP.
4.3. Bộ Ngoại giao cần sớm hoàn thiện, cung cấp giải pháp xác thực phù hợp với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc sử dụng hệ thống xác thực trên Cổng dịch vụ công quốc gia để bảo đảm các điều kiện kỹ thuật cần thiết cho việc triển khai các thủ tục hành chính đáp ứng mức độ 4 trực tuyến, trong đó có lĩnh vực LLTP.
4.4. Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp với Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị có liên quan đẩy mạnh triển khai giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong hỗ trợ Sở Tư pháp tra cứu, xác minh thông tin để cấp phiếu LLTP theo Quy chế phối hợp số 02/QCPH-TTLLTPQG-C53.
Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia