Luật Lý lịch tư pháp được ban hành đã đặt nền móng pháp lý quan trọng cho việc xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu và cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Một trong những nhiệm vụ quan trọng được giao cho Bộ Tư pháp là “Triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng cơ sở dữ liệu và quản lý lý lịch tư pháp” (điểm h khoản 3 Điều 9 Luật Lý lịch tư pháp). Thực hiện tốt nhiệm vụ này, trong những năm qua, Ngành Tư pháp không ngừng nỗ lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xây dựng cơ sở dữ liệu, cấp Phiếu lý lịch tư pháp và hỗ trợ các Sở Tư pháp tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp, qua đó đem lại nhiều kết quả tích cực thể hiện trên các mặt như: Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc hỗ trợ các Sở Tư pháp tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp, qua đó rút ngắn tối đa thời gian cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lý lịch tư pháp còn hạn chế, bất cập cần nhìn nhận, đánh giá khách quan.
Trên đây là những nội dung được đề cập trong bài viết “Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lý lịch tư pháp” tại ấn phẩm 200 trang “Mười năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp” xuất bản năm 2021 của Tạp chí Dân chủ và pháp luật. Ngoài những vấn đề nêu trên, trong bài viết này, tác giả còn đưa ra một số định hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lý lịch tư pháp thời gian tới như: (i) Xây dựng giải pháp kỹ thuật mới nhằm giải quyết triệt để tình trạng tồn đọng thông tin lý lịch tư pháp, giúp hoàn thiện và đồng bộ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; (ii) Các địa phương sớm hoàn thiện các giải pháp kỹ thuật: Thực hiện kết nối, tích hợp dữ liệu đăng ký cấp Phiếu lý lịch tư pháp giữa hệ thống một cửa điện tử dùng chung của tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương với phần mềm quản lý lý lịch tư pháp dùng chung cho Sở Tư pháp và phối hợp với Văn phòng Chính phủ triển khai kết nối, đồng bộ thủ tục đăng ký cấp Phiếu lý lịch tư pháp giữa cổng dịch vụ công tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương với Cổng dịch vụ công quốc gia để triển khai đăng ký cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến trên môi trường điện tử; (iii) Bộ, ngành có liên quan sớm hoàn thiện, cung cấp giải pháp xác thực phù hợp với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc sử dụng hệ thống xác thực trên Cổng dịch vụ công quốc gia để bảo đảm các điều kiện kỹ thuật cần thiết cho việc triển khai các thủ tục hành chính đáp ứng mức độ 4 trực tuyến, trong đó có lĩnh vực lý lịch tư pháp; (iv) Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp với cơ quan hồ sơ nghiệp vụ đẩy mạnh triển khai giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong hỗ trợ các Sở Tư pháp tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lý lịch tư pháp
Luật Lý lịch tư pháp được ban hành đã đặt nền móng pháp lý quan trọng cho việc xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu và cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Một trong những nhiệm vụ quan trọng được giao cho Bộ Tư pháp là “Triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng cơ sở dữ liệu và quản lý lý lịch tư pháp” (điểm h khoản 3 Điều 9 Luật Lý lịch tư pháp).