Cùng với vai trò, ý nghĩa chung của pháp luật trong đời sống chính trị, xã hội, CSPLTHADS có vai trò đặc thù trong hỗ trợ thể chế THADS và nâng cao hiệu quả hoạt động THADS, thể hiện ở những điểm cơ bản sau đây:
Thứ nhất, chính sách pháp luật thi hành án dân sự là phương tiện thể chế hoá quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng về thi hành án dân sự
Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo đảm hiệu lực của các bản án, quyết định của Tòa án trong bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, giữ gìn kỷ cương, “phép nước”, trong nhiều văn kiện của Đảng đã dành sự quan tâm lớn cho công tác THADS, chỉ ra các chủ trương về công tác thi hành án, điều kiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị, chính sách, chế độ đối với những người làm công tác THADS, đặc biệt chú ý đến cơ chế tổ chức và hoạt động quản lý công tác THADS, đồng thời, cũng nhấn mạnh phải kịp thời ban hành các văn bản pháp luật ở tầm đạo luật tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác tổ chức và hoạt động thi hành án[1]. Đường lối, chính sách của Đảng chỉ đạo phương hướng xây dựng pháp luật, chỉ đạo nội dung pháp luật và chỉ đạo việc tổ chức thực hiện pháp luật. Do vậy, CSPLTHADS có vai trò quan trọng trong việc thể chế hóa đúng đắn, kịp thời và đầy đủ đường lối, chính sách của Đảng về THADS, làm cho đường lối, chính sách đó đi vào cuộc sống. Ví dụ, chính sách xã hội hóa hoạt động THADS của Đảng được nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị đã được thể chế hóa thành CSPLTHADS được quy định trong Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14/11/2008 của Quốc hội về việc thi hành Luật Thi hành án dân sự và là tiền đề cho sự ra đời của một nghề mới ở Việt Nam - nghề Thừa phát lại.
Thứ hai, chính sách pháp luật thi hành án dân sự là cơ sở bảo đảm các quyền tự do cơ bản của con người, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quá trình thi hành án
Về cơ bản, CSPLTHADS đã chứa đựng những quy định cần thiết về bảo vệ quyền con người, đã được quy định trong các văn bản pháp luật quốc tế cũng như trong hệ thống pháp luật THADS của Việt Nam. Yêu cầu quan trọng đầu tiên đối với mọi bản án, quyết định của Tòa án là phải được thi hành nghiêm chỉnh trên thực tế vì quyền lợi của người được thi hành án. Họ phải được khôi phục lại những gì họ đã bị mất, bị thiệt hại do phía bên kia gây ra, nên theo bản án, quyết định của Tòa án, họ được bù đắp lại thông qua việc thi hành nhanh chóng, kịp thời và đầy đủ các quyền và nghĩa vụ. Đồng nghĩa, người phải thi hành án trong các vụ án dân sự là người phải chịu hậu quả pháp lý bất lợi, như phải bồi thường thiệt hại, phải lấy tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp của mình chuyển giao cho người khác, hoặc phải thực hiện hoặc không được thực hiện một công việc nào đó vì quyền lợi của người được thi hành án... Tuy nhiên, người phải thi hành án vẫn được bảo đảm quyền được sinh hoạt của con người ở mức tối thiểu cần thiết để đảm bảo duy trì cuộc sống bình thường của họ, phù hợp với các yêu cầu đặt ra về bảo đảm quyền con người được quy định tại các Công ước quốc tế về nhân quyền, ví dụ: “Ai cũng có quyền được làm việc”[2]; “Ai cũng có quyền được hưởng một mức sống khả quan về phương diện sức khỏe và an lạc cho bản thân và gia đình kể cả thức ăn, quần áo, nhà ở, y tế và những dịch vụ cần thiết khác”[3]; “Các quốc gia thành viên ký kết công ước này thừa nhận cho mọi người quyền được hưởng một mức sống khả quan và cho bản thân và gia đình, đủ cơm ăn, áo mặc và nhà ở”[4]. CSPLTHADS của Việt Nam qua các thời kỳ cũng có những quy định tương ứng nhằm bảo đảm những quyền này được thực hiện trong quá trình thi hành án. Khi đương sự lâm vào điều kiện, hoàn cảnh khó khăn mà không thể tiếp tục thi hành phần dân sự trong bản án, quyết định hình sự của Tòa án thì CSPLTHADS nhân đạo của Nhà nước luôn đóng vai trò quan trọng. Ví dụ, chính sách miễn thi hành án đối với những khoản thu cho ngân sách nhà nước có giá trị không quá 500.000 đồng nếu thời gian tổ chức thi hành án đã quá 05 năm, tính đến thời điểm Luật Thi hành án dân sự năm 2008 có hiệu lực thi hành (ngày 01/7/2009)[5]. Chính sách này đã góp phần giảm số lượng lớn án dân sự tồn đọng trong nhiều năm mà không có khả năng thu hồi, giảm áp lực cho chấp hành viên và cho ngành THADS. Chính vì vậy, CSPLTHADS sẽ là một cơ chế hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tối thiểu của đương sự.
Các quyền và tự do của con người là những giá trị xã hội có ý nghĩa to lớn hàng đầu đối với từng cá nhân cũng như cả cộng đồng được quy định tại Hiến pháp, theo đó, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật. Pháp luật THADS với những quy định chặt chẽ, chi tiết về thủ tục thi hành án nhằm bảo đảm sự tuân thủ nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của con người và của công dân. Pháp luật THADS có nhiệm vụ khôi phục lại tình trạng ban đầu các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên bị hành vi vi phạm pháp luật xâm hại. Quyền tự định đoạt của đương sự được pháp luật THADS ghi nhận và cụ thể hóa thể hiện ở các quy định về quyền yêu cầu thi hành án, tôn trọng sự tự nguyện và thỏa thuận thi hành án của những người phải thi hành án, người được thi hành án và những người có liên quan. Về vấn đề này, nhiều nước trên thế giới cũng rất coi trọng và đánh giá cao vai trò của pháp luật THADS trong việc bảo vệ quyền con người, thậm chí coi THADS cũng là một quyền cơ bản của con người, mặc dù Công ước châu Âu ngày 04/11/1950 về quyền con người và tự do cơ bản không dự kiến việc bảo đảm thi hành án, thế nhưng Tòa án nhân quyền châu Âu lại có hai suy luận theo hướng này và cho rằng, thi hành án cũng là một quyền cơ bản của con người. Theo đó, Tòa án nhân quyền châu Âu cho rằng, thời gian cần thiết để buộc thi hành một văn bản tư pháp phải được tính trong thời gian hợp lý mà Công ước yêu cầu các quốc gia tôn trọng nhằm mang lại công lý cho công dân. Điều đó thể hiện rất rõ mối liên hệ tự nhiên giữa việc có được một bản án, quyết định của Tòa án với việc thi hành nó: “Bản án sẽ không có tác dụng gì nếu như không được thi hành”. Trên cơ sở tuyệt đối hóa mối quan hệ tất yếu giữa bản án, quyết định của Tòa án với thi hành án, Tòa án nhân quyền châu Âu đã suy luận thêm rằng, cưỡng chế thi hành án cũng là một quyền cơ bản của con người[6].
Thứ ba, chính sách pháp luật thi hành án dân sự góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa
Pháp luật quy định các quyền và nghĩa vụ của công dân, đồng thời, cũng thiết lập nên các thiết chế để bảo vệ các quyền đó khỏi sự xâm phạm bất hợp pháp thông qua các bộ máy công quyền như công an, hệ thống nhà tù, Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân và cơ quan THADS. Mọi sự xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể khác đã được Hiến pháp, pháp luật quy định đều bị áp dụng các chế tài để xử lý. Tiến trình bảo vệ, khôi phục lại các quyền và lợi ích bị xâm hại có thể theo trình tự tố tụng dân sự, tố tụng hành chính hoặc tố tụng hình sự. Tuy nhiên, các quyền và lợi ích hợp pháp bị thiệt hại không đương nhiên được thỏa mãn nếu mới chỉ dừng lại ở giai đoạn có được bản án, quyết định của Tòa án. Giai đoạn thi hành án là giai đoạn cuối cùng khẳng định công lý có được bảo đảm hay không, bản án, quyết định của Tòa án có được thi hành hiệu quả trên thực tế hay không và quyền lợi thực tế của bên bị thiệt hại có được khôi phục hay không. Do vậy, CSPLTHADS chính là yếu tố bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Ngoài ra, nguyên tắc pháp chế đòi hỏi phải tôn trọng tính tối cao của Hiến pháp và luật, đồng thời, phải có đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật phản ánh đúng đắn quy luật vận động khách quan của xã hội, cũng như những đặc thù của quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình thi hành án, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân, điều chỉnh có hiệu quả tổ chức và hoạt động THADS. Pháp chế đòi hỏi các quy định về trình tự, thủ tục thi hành án phải được chấp hành một cách nghiêm chỉnh và thống nhất trong từng địa phương và trên phạm vi toàn quốc. Các cơ quan thi hành án phải có trách nhiệm tổ chức thi hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định của Tòa án; mọi cơ quan, tổ chức và công dân phải thực hiện đúng và đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình trong quá trình thi hành án, loại trừ các hành vi lạm quyền cũng như chống đối, cản trở, can thiệp trái pháp luật vào quá trình thi hành án, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình thi hành án, bao gồm những vi phạm pháp luật từ phía người có nghĩa vụ thi hành án hoặc có liên quan và những người có trách nhiệm tổ chức việc thi hành án.
Thứ tư, chính sách pháp luật thi hành án dân sự là cơ sở để thiết lập, củng cố và tăng cường tổ chức bộ máy các cơ quan thi hành án
Để nâng cao hiệu quả của công tác THADS, điều trước hết là phải quan tâm xây dựng, kiện toàn bộ máy cơ quan thi hành án theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, trong đó nêu rõ: “Cần sớm xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan thi hành án, bảo đảm các quyết định, bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được tôn trọng và thi hành nghiêm chỉnh”. Để bộ máy các cơ quan thi hành án hoạt động hiệu quả, đòi hỏi phải xác định đúng cơ chế quản lý, mô hình tổ chức hợp lý, khoa học, xác định đúng chức năng, thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về thi hành án, cơ quan thi hành án và các đơn vị trực thuộc, phải xác lập mối quan hệ đúng đắn giữa chúng, phải có những phương pháp tổ chức và hoạt động phù hợp để tạo ra một cơ chế đồng bộ, đồng thời nâng cao được tính độc lập và trách nhiệm của cơ quan thi hành án. Tất cả những điều này chỉ có thể thực hiện được khi dựa trên cơ sở vững chắc của những nguyên tắc và quy định cụ thể của pháp luật THADS. Ví dụ, để phù hợp với điều kiện cụ thể về nguồn công chức làm công tác thi hành án tại các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, Quốc hội đã có CSPLTHADS được quy định tại Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14/11/2008 về việc thi hành Luật Thi hành án dân sự liên quan đến công tác bổ nhiệm chấp hành viên, theo đó, Quốc hội đã giao Chính phủ quy định những cơ quan THADS cụ thể ở các địa bàn vùng núi, được tuyển chọn người có trình độ cử nhân luật làm chấp hành viên không qua thi tuyển trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã cụ thể hóa bằng việc ban hành quy định: “Việc tuyển chọn, bổ nhiệm chấp hành viên không qua thi tuyển thuộc địa bàn biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được áp dụng kể từ ngày 01/7/2015 đến hết ngày 30/6/2020, khi có đủ các điều kiện theo quy định”[7].
Thứ năm, chính sách pháp luật thi hành án dân sự là cơ sở để tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong công tác thi hành án
Thi hành án dân sự là hoạt động hành chính - tư pháp phức tạp, tính hiệu quả của nó không chỉ được quyết định bởi năng lực, sự cố gắng của cơ quan thi hành án chuyên trách, mà còn tùy thuộc vào sự tham gia của chính quyền địa phương, của các cơ quan nhà nước khác, các tổ chức xã hội và của mọi công dân. Nói cách khác, thi hành án không chỉ là hoạt động chuyên môn thuần túy của cơ quan thi hành án, chấp hành viên mà còn là trách nhiệm của các cấp chính quyền và toàn xã hội. Do vậy, pháp luật THADS phải có những quy định cụ thể, chặt chẽ về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan hữu quan này với cơ quan thi hành án trong từng giai đoạn của quá trình thi hành án, ví dụ: Trách nhiệm của Tòa án trong việc giải thích quyền yêu cầu thi hành án, chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án để thi hành; giải thích, đính chính kịp thời những sai sót, những điểm chưa rõ ràng trong phần quyết định của bản án, giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình kê biên tài sản thi hành án... hoặc trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc phối hợp với chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, cử đại diện chứng kiến việc cưỡng chế thi hành án, hỗ trợ lực lượng, phương tiện để cưỡng chế thi hành án... CSPLTHADS đã được thể hiện cụ thể tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 06/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác THADS. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Bộ Tư pháp cần xác định rõ định hướng phát triển hoạt động THADS phải gắn liền với yêu cầu xây dựng nền tư pháp nhân dân trong sạch vững mạnh, phù hợp với quan điểm của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 về xây dựng Chính phủ “kiến tạo, phát triển, liêm chính và phục vụ nhân dân”. Hệ thống THADS cần quyết liệt đổi mới; chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về THADS; tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phối hợp liên ngành, đặc biệt là phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong hoạt động thi hành án dân sự; kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh... Có thể nói, CSPLTHADS là cơ sở để tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác THADS.
Thứ sáu, chính sách pháp luật thi hành án dân sự bảo đảm, giữ gìn bản chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân và vì dân
Quản lý nhà nước về hoạt động THADS là quá trình thực hiện nhiệm vụ có mục đích làm cho các quy phạm pháp luật trong lĩnh vực THADS được thực thi trên thực tế, do đó các bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật về dân sự phải được thực thi nghiêm minh. Vấn đề tổ chức THADS cũng phải được thực hiện theo đúng thủ tục, trình tự pháp luật quy định. Các cơ quan nhà nước nói chung, cơ quan THADS nói riêng, các tổ chức và công dân phải có trách nhiệm trong việc thực hiện tốt các các quy phạm pháp luật THADS góp phần bảo đảm, giữ gìn bản chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong hoạt động THADS.
Hoạt động THADS ở nước ta là sự kết hợp chặt chẽ giữa vai trò chủ động, phát huy trách nhiệm của chấp hành viên, cơ quan thi hành án và sự chỉ đạo sát sao, cụ thể của chính quyền địa phương, sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan, sự đồng tình của quần chúng nhân dân, tạo ra sức mạnh tổng hợp chung. THADS không chỉ là hoạt động nghiệp vụ đơn thuần riêng của cơ quan thi hành án, chấp hành viên, mà còn là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đoàn thể xã hội và mọi thành viên trong cộng đồng. Thông qua hoạt động THADS góp phần nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân, vai trò trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức được nâng lên, tạo niềm tin của mọi tầng lớp nhân dân vào tính nghiêm minh của pháp luật và quyền lực của nhà nước được bảo đảm tối đa.
Thứ bảy, chính sách pháp luật thi hành án dân sự góp phần ổn định xã hội, ổn định nền kinh tế. Hoạt động quản lý nhà nước về thi hành án dân sự nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành án, góp phần đưa các bản án, quyết định của Tòa án trở thành hiện thực
Nếu không được tổ chức thi hành, thì toàn bộ kết quả của cả quá trình tố tụng trước đó trở nên vô nghĩa, dẫn đến kỷ cương phép nước bị coi thường. Thông qua quản lý nhà nước, việc thực hiện pháp luật THADS, các mối quan hệ xã hội bị xâm hại được khôi phục lại tình trạng ban đầu, giữ vững trật tự, kỷ cương pháp luật. Bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật được thi hành một cách triệt để sẽ có tác động đến ý thức chấp hành pháp luật của người được thi hành án, người phải thi hành án nói riêng và nhân dân nói chung, từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, làm cho mọi người hiểu và làm theo pháp luật. Ngược lại, nếu bản án, quyết định của Tòa án không được thực thi trên thực tế, chỉ tồn tại dưới dạng văn bản, thì không những thể hiện pháp luật không nghiêm, còn ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân, dẫn đến việc khiếu nại, tố cáo gay gắt, bức xúc kéo dài của đương sự, làm cho trật tự, an toàn xã hội thiếu ổn định, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương. Vì vậy, việc quản lý nhà nước tốt về hoạt động THADS sẽ góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và từng địa phương nói riêng.
Thứ tám, chính sách pháp luật thi hành án dân sự bảo vệ và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong hoạt động thi hành án dân sự
Pháp chế xã hội chủ nghĩa là một trong những nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước ta. Đối với thực hiện pháp luật thi hành án nói chung, THADS nói riêng, Hiến pháp năm 2013 yêu cầu các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, các đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân tôn trọng, những người và đơn vị hữu quan phải nghiêm chỉnh thi hành; Điều 4 Luật Thi hành án dân sự quy định cụ thể: “Bản án, quyết định của Tòa án quy định tại Điều 2 của Luật này phải được cơ quan, tổ chức và mọi công dân tôn trọng. Cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong phạm vi trách nhiệm của mình chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án”. Như vậy, quản lý nhà nước việc thực hiện CSPLTHADS không những bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, mà còn tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An
[1]. Nguyễn Phước Thọ, Phương hướng lãnh đạo của Đảng với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 2, 3/2009.
[2]. Liên Hiệp quốc (1948), Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948 (khoản 1 Điều 23).
[3]. Liên Hiệp quốc (1948), Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948 (khoản 1 Điều 25).
[4]. Liên Hiệp quốc (1966), Công ước quốc tế về những quyền kinh tế, văn hóa và xã hội năm 1966 (khoản 1 Điều 11).
[5]. Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14/11/2008 của Quốc hội về việc thi hành Luật Thi hành án dân sự.
[6]. Nhà Pháp luật Việt - Pháp, Các mô hình tổ chức thi hành án trên thế giới, Kỷ yếu hội thảo ngày 17 - 18/4/2006.
[7]. Khoản 1 Điều 63 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự.