Biến đổi khí hậu (BĐKH) tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội, các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau và đặc biệt là doanh nghiệp. BĐKH có tác động tiêu cực mang tính đa diện đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, gây ra tình trạng gián đoạn sản xuất, kinh doanh, giảm năng suất lao động, giảm doanh thu, gián đoạn kênh vận chuyển, tăng chi phí sản xuất, đình trệ mạng lưới phân phối, giảm chất lượng sản phẩm, thiệt hại cơ sở vật chất, thiếu hụt nhân lực và gây thiếu nguồn cung nguyên vật liệu. Thực tế, cộng đồng doanh nghiệp vừa là chủ thể chịu tác động của BĐKH, vừa là nguồn lực quan trọng thúc đẩy hoạt động thích ứng BĐKH. Tác động của BĐKH vừa là thách thức nhưng cũng đồng thời là cơ hội đối với doanh nghiệp. Nhận thức đúng và rõ ràng về tác động của BĐKH giúp các doanh nghiệp có kế hoạch phù hợp nhằm thích ứng với BĐKH. Yêu cầu thích ứng với BĐKH mang lại nhiều cơ hội giúp doanh nghiệp sáng tạo hơn với các nguồn nguyên vật liệu mới, mở ra lĩnh vực đầu tư và sản xuất mới.
1. Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam
Cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong ứng phó BĐKH bởi doanh nghiệp vừa là chủ thể chịu tác động của BĐKH, vừa là đối tượng quan trọng trực tiếp tham gia chuyển các thách thức thành cơ hội từ những tác động của BĐKH, tạo ra nguồn lực để thúc đẩy công tác ứng phó với BĐKH[1].
Theo Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2021 đã được tổ chức tại thành phố Aukland (New Zealand), việc phát triển bền vững ứng phó BĐKH là vấn đề có ý nghĩa chiến lược và là trách nhiệm chung của mọi quốc gia trên thế giới, các nền kinh tế và đặc biệt là các doanh nghiệp; đòi hỏi sự chung tay hành động. Theo đó, để một quốc gia có thể thành công trong việc ứng phó với BĐKH, Nhà nước cần tính toán kỹ lưỡng đến các lợi ích lâu dài, có cách tiếp cận toàn diện, từ hạ tầng, tài chính, thương mại đến bảo vệ môi trường và lao động xã hội. Tuy nhiên, Hội nghị cũng khẳng định rằng, Nhà nước không thể hành động thay các chủ thể trong xã hội mà chỉ đóng vai trò khuyến khích bằng cách tạo dựng thể chế, lợi ích phù hợp để huy động nguồn lực từ người dân và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp phát huy các dự án công - tư cho tăng trưởng xanh[2].
Một ví dụ điển hình cho thấy tầm quan trọng của doanh nghiệp trong công cuộc ứng phó BĐKH hiện nay chính là các doanh nghiệp đầu tư nhà máy nhiệt điện. Theo Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay, cả nước có 26 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với tổng công suất khoảng 13.810 MW, tiêu thụ khoảng 47,8 triệu tấn than/năm, với lượng tro xỉ, thạch cao thải ra hơn 16,4 triệu tấn/năm[3]. Việc các nhà máy này thực hiện những biện pháp bảo vệ môi trường bằng cách cải thiện công nghệ và trang bị các thiết bị lọc bụi tĩnh điện sẽ giúp lượng khí thải ra môi trường được giảm từ 10 - 20%, tức có thể giảm 6 - 12 triệu tấn lượng khí thải thạch cao thải ra trong một năm[4]. Qua đó, có thể thấy rằng, để giảm bớt lượng chất thải ô nhiễm thải ra môi trường, một trong những yếu tố gây ra BĐKH, cần phải có sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp. Lượng chất thải từ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chiếm một lượng vô cùng lớn trong tổng lượng chất thải thải ra môi trường hằng năm, đây chính là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, BĐKH nghiêm trọng. Do đó, nếu cộng đồng doanh nghiệp ý thức được tầm quan trọng của mình trong việc bảo vệ môi trường thì điều này sẽ góp phần mang lại hiệu quả rất lớn trong việc ứng phó BĐKH.
Hiện nay, các doanh nghiệp cũng đã và đang khẳng định được vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc ứng phó với BĐKH. Nhiều doanh nghiệp tại các tỉnh/thành đã nhận thức rõ ràng về tác động cũng như ảnh hưởng xấu của BĐKH và bắt đầu có hành động nhằm ứng phó với BĐKH như sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, áp dụng công nghệ khoa học, thiết bị tiên tiến hiện đại vào sản xuất, kinh doanh nhằm tuân thủ các nguyên tắc thân thiện với môi trường, tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm môi trường. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (nay là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) và Quỹ châu Á tại Việt Nam với 10.356 doanh nghiệp trên 63 tỉnh thành tại Việt Nam cho biết, trung bình, các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư với quy mô trung bình lên tới 7,32% chi phí hoạt động cho việc thân thiện hơn với môi trường. Với những doanh nghiệp nhận được thông tin Nhà nước sẽ ban hành và thực thi pháp luật nghiêm khắc hơn liên quan đến vấn đề môi trường thì trung bình, các doanh nghiệp sẽ bỏ ra chi phí đến 7,47% chi phí hoạt động để cải thiện mức độ tuân thủ của mình[5]. Việc các doanh nghiệp ý thức, tuân thủ được vai trò, trách nhiệm của mình theo quy định pháp luật sẽ đóng góp vai trò quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả ứng phó BĐKH.
Bên cạnh đó, dưới góc độ xã hội, doanh nghiệp còn đóng vai trò quan trọng vào việc ứng phó BĐKH thông qua các hoạt động đầu tư vào những dự án xanh, thân thiện với môi trường. Với sự năng động của mình, cộng đồng doanh nghiệp sẽ dễ dàng tiếp thu những thành tựu tiên tiến từ nước ngoài để ứng dụng xử lý các vấn đề có khả năng làm BĐKH phát sinh trong nước bởi điều này sẽ góp phần nâng cao thương hiệu, giá trị của doanh nghiệp không chỉ trong nước mà còn đối với thị trường quốc tế. Ngoài ra, thông qua sự đóng góp tài chính từ cộng đồng doanh nghiệp sẽ giúp Nhà nước có thể huy động được một số lượng vốn cần thiết để đầu tư vào công tác ứng phó BĐKH đạt được tính hiệu quả cần thiết.
2. Thực trạng thực thi trách nhiệm ứng phó biến đổi khí hậu của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam
Là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi tác động của BĐKH, Việt Nam đã và đang hết sức nỗ lực để vừa ứng phó với BĐKH, vừa phát triển kinh tế để vươn lên, bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho mọi người dân, đồng thời, đóng góp có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế. Ý thức được vấn đề đó, cộng đồng doanh nghiệp đã không ngừng tham gia tích cực vào việc thực hiện có hiệu quả các yêu cầu về ứng phó BĐKH. Tiêu biểu có một số công ty đã rất tích cực trong việc lựa chọn công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, đầu tư và vận hành có hiệu quả hệ thống xử lý nước thải trước khi xả vào môi trường, tái chế rác thải và tích cực tham gia các hoạt động chung tay cùng cộng đồng bảo vệ môi trường bền vững. Hoặc, một trong những doanh nghiệp tiêu biểu trong phong trào “Doanh nghiệp xanh” tại địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh là Sony, các sản phẩm điện tử do Sony sản xuất đều không sử dụng chì trong các mối hàn để bảo đảm tính thân thiện môi trường của sản phẩm. Các linh kiện đầu vào được Sony kiểm tra kỹ lưỡng trước khi đưa vào quy trình sản xuất để bảo đảm không có chất độc hại cadmium. Hợp đồng được ký kết với nhà “cung cấp xanh” để có được linh kiện “sạch”, không chứa các chất độc hại nhằm mục tiêu cuối cùng là những thành phẩm mang nhãn hiệu Sony thân thiện với môi trường[6]… Với sự đóng góp tích cực, các doanh nghiệp này đã góp phần to lớn và hiệu quả vào hoạt động ứng phó BĐKH tại Việt Nam trong thời gian qua.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp chưa thực hiện tốt các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, cũng như chưa ý thức được tầm quan trọng của việc ứng phó với BĐKH. Vì mục tiêu lợi nhuận nên các doanh nghiệp này thường không muốn đầu tư cho quy trình sản xuất sạch hoặc xử lý chất thải gây tốn kém. Các doanh nghiệp xem đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường là khoản đầu tư không bắt buộc, không sinh lời, thậm chí còn giảm khả năng cạnh tranh, do phải tăng chi phí đầu vào của sản xuất. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp không đầu tư, thực hiện nghiêm túc các yêu cầu bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH nên đã gây biến đổi, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, điều này làm cho tình trạng BĐKH trở nên trầm trọng hơn.
Nhìn chung, hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực và đóng góp vai trò to lớn vào công tác ứng phó với BĐKH ở nước ta nói riêng và toàn cầu nói chung. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thật sự phát huy được vai trò, giá trị của mình vào hoạt động ứng phó BĐKH, thậm chí có doanh nghiệp còn cố tình lẩn tránh vai trò, trách nhiệm, điều này làm cho hoạt động ứng phó BĐKH gặp không ít khó khăn. Thực trạng này xuất phát từ một số nguyên nhân sau:
Một là, dưới góc độ quy định pháp luật: Hiện nay, khung pháp lý điều chỉnh về ứng phó biến đổi và trách nhiệm của doanh nghiệp trong ứng phó BĐKH chưa thật sự hoàn chỉnh. Là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi các tác động của BĐKH, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về ứng phó BĐKH, nhất là những văn bản pháp luật ban hành nhằm ràng buộc trách nhiệm bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH của cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là một trong những văn bản pháp luật được xem là kim chỉ nam quan trọng nhất về pháp lý dành cho hoạt động ứng phó BĐKH. Theo đó, trách nhiệm ứng phó với BĐKH của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhà máy, kinh doanh và dịch vụ đã được nâng cao, vai trò cũng dần được khẳng định trong các quy định pháp luật hiện hành về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì hệ thống các quy định pháp luật điều chỉnh về ứng phó BĐKH cũng còn nhiều hạn chế, chưa đầy đủ, chưa cụ thể hóa rõ ràng hoạt động, trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ trong công tác ứng phó với BĐKH của các doanh nghiệp. Những quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính còn phân tán; phần lớn quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, lĩnh vực, địa phương chưa được bổ sung yếu tố BĐKH[7]. Các quy định về BĐKH trong Luật Bảo vệ môi trường mới tập trung vào khía cạnh thách thức chứ chưa thể hiện được cơ hội mà BĐKH mang lại. Các quy định về xử phạt hành vi vi phạm trong hoạt động ứng phó BĐKH vẫn còn những khoảng trống nhất định nên nhiều trường hợp không có biện pháp xử lý thích hợp đối với chủ thể vi phạm, dẫn đến hiệu quả của việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ứng phó BĐKH còn thấp; việc đưa ra các chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này còn khá khiêm tốn, mức xử phạt chưa đủ sức răn đe để hạn chế các hành vi gây ra BĐKH. Các cơ chế pháp lý hữu hiệu trong việc kiểm soát những hoạt động tác động tiêu cực vào tự nhiên, ảnh hưởng đến môi trường gây ra BĐKH chưa được bảo đảm. Ngoài ra, các quy định về ứng phó BĐKH hiện nay còn nằm rải rác trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau đã làm hạn chế tính hiệu lực, hiệu quả và gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc xác định, tuân thủ, thực thi các quy định này trên thực tế.
Hai là, về thực thi pháp luật: Dưới góc độ quản lý xã hội, Chính phủ cũng đã đưa ra khung pháp lý và tiến hành kiểm tra, giám sát quá trình hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. Khuôn khổ pháp lý là cần thiết, nhưng ý thức tự giác của doanh nghiệp trong hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH cũng đóng một vai trò quan trọng. Thế nhưng, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp có ý thức chưa cao, lấy lợi nhuận làm gốc, chấp nhận đóng phạt chứ không đầu tư cho công tác ứng phó BĐKH. Việc tuân thủ pháp luật môi trường về ứng phó BĐKH của các chủ thể tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh hầu như chỉ mang tính hình thức, đối phó. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc tuân thủ, thực thi các quy định về ứng phó BĐKH là không cần thiết, chỉ gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động ứng phó BĐKH còn diễn ra khá phổ biến; công tác thanh tra, kiểm tra về hoạt động ứng phó BĐKH của các cơ quan chức năng đa phần vẫn mang tính hình thức, hiện tượng phạt để tồn tại còn nhiều; việc phân công nhiệm vụ quản lý nhà nước về ứng phó BĐKH còn phân tán, chồng chéo và chưa hợp lý[8]… Những vấn đề này đã tạo cơ hội và điều kiện để các doanh nghiệp tận dụng trốn tránh trách nhiệm, vai trò của mình trong vấn đề ứng phó BĐKH.
Ngoài ra, sự thiếu vắng hệ thống chính sách hợp lý, hiệu quả về môi trường, ứng phó BĐKH đã khiến các doanh nghiệp cảm thấy bất lợi bởi nếu họ tuân thủ các chính sách ứng phó BĐKH thì họ không thể cạnh tranh về mặt tài chính với các công ty không tuân theo tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH, trong khi đó, sự hỗ trợ về nguồn lực tài chính của Nhà nước dành cho các doanh nghiệp trong ứng phó BĐKH còn hạn chế. Vấn đề này cũng là một trong những nguyên dẫn đến tình trạng doanh nghiệp chưa thật sự phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình trong ứng phó BĐKH.
3. Một số đề xuất, kiến nghị
Để khắc phục những bất cập nêu trên cũng như góp phần bảo đảm hoạt động ứng phó BĐKH của doanh nghiệp đạt được tính hiệu quả thì đòi hỏi cần phải xem xét thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục hoàn thiện các quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của các doanh nghiệp trong ứng phó với BĐKH ở Việt Nam trên cơ sở phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng và chiến lược xây dựng pháp luật của Nhà nước về bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với BĐKH. Việc hoàn thiện các quy định này phải dựa trên cơ sở linh hoạt về phát triển bền vững, về phòng ngừa ô nhiễm môi trường. Cần tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các quy định về ứng phó BĐKH nhằm tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả và tính thực thi của các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp, kết nối với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững để góp phần ứng phó BĐKH hiệu quả. Tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan điều chỉnh về vấn đề ứng phó BĐKH theo hướng khắc phục các chồng chéo, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về ứng phó với BĐKH trên cơ sở bổ sung các quy định mới nhằm tạo môi trường pháp lý đầy đủ, khả thi, thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan.
Bên cạnh đó, để phục vụ cho việc quản lý và kiểm soát hiệu quả ứng phó BĐKH của doanh nghiệp đòi hỏi cần phải tiếp tục xây dựng và ban hành các quy định có liên quan đến phân định rõ nhiệm vụ, thẩm quyền của từng chủ thể trong quy trình tham gia thực hiện các hoạt động ứng phó với BĐKH, tăng cường sự phối hợp của cơ quan chức năng ở địa phương với các bộ, ngành; quan tâm xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật về hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường gắn với mục tiêu ứng phó với BĐKH; rà soát, điều chỉnh các quy định xử lý vi phạm theo hướng nâng cao hơn mức xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định về ứng phó BĐKH nhằm bảo đảm đủ sức răn đe.
Ngoài ra, cần phải quy định rõ ràng, cụ thể, minh bạch các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về kỹ thuật và tài chính để thực hiện các hoạt động ứng phó BĐKH, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ về tài chính, khi các chính sách hỗ trợ này được quy định rõ ràng, cụ thể, minh bạch trong văn bản pháp luật sẽ tạo được động lực cần thiết để doanh nghiệp tích cực đẩy mạnh hoạt động đầu tư, tuân thủ thực thi các yêu cầu về ứng phó BĐKH trong quá trình hoạt động.
Hai là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường gắn với tăng trưởng xanh nhằm hướng đến phát triển bền vững. Các doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường nói chung và ứng phó với BĐKH nói riêng để từ đó có những thay đổi nhất định trong hoạt động sản xuất, kinh doanh xanh, sạch, bảo vệ môi trường nhằm đạt được mục tiêu ứng phó BĐKH hiệu quả.
Ba là, cần nghiên cứu thiết lập các công cụ kinh tế và cơ chế tài chính nhằm huy động các nguồn lực xã hội hóa cho bảo vệ môi trường. Vận dụng linh hoạt các công cụ kinh tế phù hợp với thực tiễn Việt Nam như các loại thuế, phí, đặt cọc, hoàn trả, quyền phát thải và mua bán phát thải theo hạn ngạch cho bảo vệ môi trường để điều chỉnh hành vi của doanh nghiệp sao cho phù hợp với mức phạt vi phạm hành chính gây ô nhiễm môi trường, để từ đó phục vụ hiệu quả cho việc ứng phó BĐKH của doanh nghiệp.
Bốn là, hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về môi trường từ trung ương tới địa phương; tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời các vi phạm về môi trường trong các doanh nghiệp; tăng cường vai trò giám sát và phối hợp của người dân và cơ quan quản lý địa phương đối với doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong phòng, chống BĐKH; kết hợp xử lý hành chính, hình sự với áp dụng công cụ kinh tế, thị trường để bảo đảm doanh nghiệp thực thi có hiệu quả các chính sách, pháp luật về ứng phó với BĐKH. Các doanh nghiệp cần chú trọng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên môn cao, đáp ứng các tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ để phục vụ hiệu quả cho việc ứng phó BĐKH.
Năm là, mỗi doanh nghiệp phải tự giác đảm nhận và làm tốt vai trò tiên phong trong việc ứng phó với BĐKH, giảm nhẹ rủi ro thiên tai không chỉ trong phạm vi của doanh nghiệp mà còn cần thể hiện hơn nữa trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội. Theo đó, các doanh nghiệp cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá mức độ tác động và xu hướng của BĐKH đến hoạt động của mình để sẵn sàng cho việc xây dựng năng lực ứng phó với BĐKH một cách phù hợp; thí điểm, chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ nhà xưởng, quản lý... giữa các doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp địa phương. Mỗi doanh nghiệp có kế hoạch, phương án ứng phó, tính đến khả năng an toàn và mức độ dự phòng cao, thường xuyên thực hiện công tác đào tạo, tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền đến người lao động nhằm áp dụng các giải pháp thích ứng trong doanh nghiệp. Trong công tác đầu tư các công trình, nhà xưởng, trụ sở... cần xem xét các giải pháp an toàn với bão, lũ có cường độ cao, lồng ghép, tính toán khả năng chịu tác động bởi thiên tai, BĐKH để các công trình được bền vững, ít bị thiệt hại nhất. Mỗi doanh nghiệp nên có kế hoạch và lộ trình cắt giảm khí thải tuân thủ mục tiêu, các chỉ số quy định của quốc gia về kiểm soát mức phát thải khí nhà kính, tiêu hao năng lượng, xanh hóa các ngành kinh tế, lối sống và tiêu dùng. Đặc biệt, cần đầu tư cho tương lai khi hướng vào các dự án năng lượng sạch, phát triển công nghệ mới với “giá trị xanh” ngày càng cao, xây dựng nền nông nghiệp xanh thông minh; hình thành các chuỗi cung ứng xanh và khuyến khích hành vi thân thiện với môi trường của người tiêu dùng./.
Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh
Bạch Ngọc Vân
Công ty Luật TNHH PwC Việt Nam