Ảnh minh họa
Doanh nghiệp xanh - tế bào của nền kinh tế xanh
Kinh tế xanh được hiểu là một nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm tính công bằng về mặt xã hội. Kinh tế xanh, tăng trưởng xanh góp phần giảm phát thải nhà kính, hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học, mất cân bằng hệ sinh thái. Khác với nền kinh tế nâu, đầu tư công trong kinh tế xanh cần phải ưu tiên cho việc duy trì và phát triển nguồn vốn tự nhiên, nhất là những nguồn tài sản thuộc sở hữu chung, mang lại lợi ích cho mọi người[1].
Doanh nghiệp chính là chủ thể khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và xả thải chủ yếu, lớn nhất ra môi trường, nên có vai trò quan trọng trong nền kinh tế xanh. Chiến lược xanh hóa sản xuất để cung cấp ra môi trường các sản phẩm, dịch vụ xanh là yêu cầu để phát triển bền vững không chỉ cho chính doanh nghiệp mà còn cho xã hội, cho tương lai không chỉ trong một quốc gia mà còn cho toàn nhân loại. Chỉ khi nào doanh nghiệp áp dụng quá trình sản xuất xanh tạo ra sản phẩm, dịch vụ xanh và được người tiêu dùng “xanh” thì nền kinh tế sẽ trở nên xanh. Khi đó, tài nguyên sẽ được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, môi trường được giữ gìn, bảo vệ; chất lượng cuộc sống con người được nâng cao. Như vậy, có thể thấy, doanh nghiệp xanh đóng vai trò nòng cốt và là tế bào của nền kinh tế xanh.
Đặc điểm, lợi ích mà doanh nghiệp xanh mang lại
Khác với các doanh nghiệp nâu là các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, tiêu dùng tốn nhiều nguyên vật liệu, năng lượng từ tự nhiên và thải ra nhiều chất thải gây tổn hại tới tự nhiên, môi trường, doanh nghiệp xanh không chỉ chú trọng vào tăng trưởng sản xuất, mang lại doanh thu, lợi nhuận cho doanh nghiệp mà còn quan tâm và chú trọng đặc biệt tới giữ gìn, bảo vệ tài nguyên môi trường.
Như vậy, doanh nghiệp xanh có đặc điểm đặc trưng là làm ra lợi nhuận nhưng không làm tổn hại mà bảo vệ môi trường, cộng đồng xã hội. Muốn như vậy, ngay từ khâu bắt đầu và trong suốt quá trình sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ, các doanh nghiệp xanh đã phải tính toán đến yếu tố giữ gìn, bảo vệ môi trường. Những tính toán này được thể hiện ở việc các doanh nghiệp xanh đặc biệt quan tâm, chú ý tới nguyên liệu sử dụng để tạo ra sản phẩm; các chất thải ra trong quá trình khai thác, sử dụng nguyên liệu, sản xuất để tạo ra sản phẩm và ngay cả khâu tiêu dùng cuối cùng và thải bỏ sản phẩm cũng được các doanh nghiệp xanh thực hiện một cách có trách nhiệm.
Lợi ích mà doanh nghiệp xanh mang lại dựa trên 03 trụ cột chính đó là: lợi ích về môi trường, lợi ích về kinh tế và lợi ích về xã hội[2], cụ thể:
(i) Lợi ích về môi trường: như trên đã phân tích, doanh nghiệp xanh giúp bảo vệ môi trường bằng cách giảm thiểu lượng khí thải các-bon, sử dụng năng lượng tái tạo hiệu quả, giảm chất thải ra môi trường. Điều này không chỉ góp phần vào việc giảm thiểu biến đổi khí hậu mà còn bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá (đất, nước, khoáng sản, rừng…), giúp duy trì và cân bằng hệ sinh thái vốn có của trái đất.
(ii) Lợi ích về kinh tế: các doanh nghiệp xanh thường áp dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng và quy trình sản xuất hiệu quả nên giảm chi phí vận hành, giảm chất thải ra môi trường. Hơn nữa, việc đầu tư vào công nghệ xanh góp phần cải thiện thương hiệu, uy tín của sản phẩm, giúp đưa sản phẩm đến với đông đảo người tiêu dùng và đặc biệt, đáp ứng các điều kiện xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài (đặc biệt ở những nước có nền kinh tế xanh phát triển mạnh), từ đó, tạo ra nguồn lợi kinh tế cho doanh nghiệp và xã hội.
(iii) Lợi ích về xã hội: các doanh nghiệp xanh không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường mà còn cho xã hội. Các doanh nghiệp này thường tạo ra việc làm bền vững, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, đóng góp cho sự phát triển cộng đồng.
Ảnh minh họa
Thuận lợi và thách thức đối với các doanh nghiệp xanh ở Việt Nam
Tại Việt Nam, có nhiều doanh nghiệp đã và đang nỗ lực trong việc thay đổi quy trình sản xuất và hình thành xu hướng phát triển xanh, bảo vệ môi trường như: Công ty cổ phần sữa Việt Nam (vinamilk) đã thực hiện nhiều sáng kiến bảo vệ môi trường, bao gồm việc đầu tư vào các trang trạng bò sữa sinh thái, sử dụng năng lượng tái tạo và thực hiện các chương trình tiết kiệm năng lượng; Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã triển khai các dự án trồng rừng, đồng thời, chú trọng sử dụng các bao bì tái chế và thân thiện với môi trường; Công ty PAN Group hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, tập trung vào sản xuất sạch và bền vững, đồng thời, áp dụng các công nghệ tiên tiến để giảm thiểu tác động đến môi trường…
Để chuyển đổi từ doanh nghiệp nâu sang doanh nghiệp xanh, doanh nghiệp Việt Nam có một số thuận lợi sau:
Thứ nhất, về cơ chế, chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước. Chính sách quốc gia về tăng trưởng xanh là một chủ trương lớn và quan trọng của Đảng và Nhà nước nhằm xanh hóa nền kinh tế, bảo đảm phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững. Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” đã chỉ ra rõ mục tiêu tổng quát của Chiến lược là tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường, công bằng về xã hội; Hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Ngày 08/02/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 167/QĐ-TTg về phê duyệt “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 - 2025”, trong đó nêu rõ đối với các doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp kinh doanh bền vững sẽ nhận được những hỗ trợ về đào tạo, tư vấn xây dựng chiến lược, thiết kế mô hình kinh doanh bền vững, quản trị nội bộ; hỗ trợ công nghệ; hỗ trợ triển khai chuyển đổi số; tiếp cận tài chính, vốn đầu tư; hỗ trợ về truyền thông, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường...
Thứ hai, Việt Nam đã xây dựng được nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia liên quan đến lĩnh vực này. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 13.000 tiêu chuẩn quốc gia và gần 800 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được xây dựng[3]. Đặc biệt, trong số các tiêu chuẩn quốc gia, Việt Nam đã xây dựng được 750 tiêu chuẩn hướng tới thúc đẩy tăng trưởng xanh. Với sự ra đời và song hành của các tiêu chuẩn như trên, các doanh nghiệp có thể chủ động tham gia bảo vệ môi trường, đồng thời, tối ưu hóa khả năng sản xuất, kinh doanh thông qua tiết kiệm nguyên - nhiên vật liệu, sử dụng nguyên vật liệu tái tạo, giảm khí nhà kính…
Thứ ba, thói quen người tiêu dùng có xu hướng chuyển dịch sang dùng các sản phẩm xanh. Theo Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh tại Việt Nam tăng trưởng trung bình 15% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2023. 72% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh, điều này cho thấy nhận thức và sự quan tâm ngày càng tăng của người dân đối với vấn đề bảo vệ môi trường[4]. Đây có lẽ là một trong những động lực mạnh mẽ để các doanh nghiệp mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình kinh doanh xanh.
Bên cạnh những thuận lợi từ phía cơ chế, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và xu thế tiêu dùng xanh ngày càng tăng cao… doanh nghiệp cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức, cụ thể:
Một là, thách thức từ chính nhận thức và sự lựa chọn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp xanh luôn đứng trước sự lựa chọn giữa lợi nhuận và môi trường. Hầu hết các ngành kinh doanh đều tạo ra chất thải. Một số ngành có thể chỉ tạo ra những chất thải thông thường như giấy, nước; nhưng một số ngành khác lại thải ra môi trường nhiều chất độc, hại, nguy hiểm, đòi hỏi phải có biện pháp, quy trình xử lý đặc biệt. Thông thường việc xử lý chất thải, nhất là chất độc, hại, nguy hiểm có chi phí rất lớn, tốn kém. Do đó, việc cân bằng giữa lợi nhuận và thực hiện vòng tuần hoàn xanh khép kín có thể làm cho lợi nhuận của doanh nghiệp giảm đi (do chi phí tăng cao), nên một số doanh nghiệp có thể không ưu tiên, không chú trọng vào việc bảo vệ môi trường.
Hai là, thách thức về vốn đầu tư ban đầu. Có thể thấy, chi phí đầu tư ban đầu cho công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, quy trình sản xuất sạch thường cao hơn so với các công nghệ truyền thống. Điều này có thể là rào cản đối với nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chi phí vận hành, bảo trì các công nghệ xanh có thể cao hơn do tính phức tạp và kỹ thuật cao.
Ba là, thách thức về nguồn nhân lực xanh. Hiện nay, nguồn nhân lực am hiểu và có trình độ chuyền môn về công nghệ xanh ở Việt Nam còn rất ít. Tại các cơ sở giáo dục đào tạo, ngành công nghiệp xanh là ngành nghề mới mà chưa có nhiều cơ sở tiến hành đầu tư xây dựng lộ trình, chương trình học đối với ngành nghề này.
Bốn là, thách thức từ thị trường và cạnh tranh. Mức thu nhập của nhiều người dân Việt Nam ở mức trung bình và thấp, nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm xanh còn hạn chế. Chi phí để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm xanh thường lớn hơn nhiều so với loại hàng hóa tương tự nên giá thành cao và không có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Một số nghiên cứu cho thấy, mức giá trung bình của các hàng hóa xanh thường cao hơn 20 - 40% so với các loại hàng hóa tiêu dùng cùng loại. Vì vậy, người tiêu dùng (nhất là ở vùng nông thôn) vẫn có xu hướng sử dụng sản phẩm cùng loại có giá thành rẻ hơn chứ chưa quan tâm đến việc lựa chọn sản phẩm xanh.
Năm là, các chính sách hỗ trợ phát triển xanh, các chính sách hướng đến phát triển tiêu dùng xanh còn thiếu đồng bộ. Các chính sách thúc đẩy sản xuất sản phẩm, dịch vụ xanh chưa tạo động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp. Chính sách hỗ trợ chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư thay đổi dây chuyền công nghệ, chưa tạo ra được sự chuyển biến đáng kể để doanh nghiệp đổi mới công nghệ và quy trình sản xuất. Cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất sản phẩm xanh còn bộc lộ nhiều mặt bất cập. Nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ nhằm sản xuất hàng hóa thân thiện với môi trường còn ít, mức độ hỗ trợ thấp. Các quy định chính sách hỗ trợ thường tập trung cho khâu sản xuất, chưa hướng mạnh tới người tiêu dùng[5].
Sáu là, thách thức từ chính các quy định của “sân chơi” quốc tế ngày càng khắt khe đối với các sản phẩm xanh nhập khẩu. Điển hình như ngày 16/5/2023, Hội đồng châu Âu (EC) đã thông qua Quy định không gây mất rừng, trong đó sẽ cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản gồm: cà phê, dầu cọ, đậu nành, gỗ và đồ gỗ, gia súc, ca cao, cao su và một số sản phẩm phái sinh từ các quốc gia, vùng lãnh thổ mà quy trình sản xuất được thực hiện trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020 vào thị trường EU. Như vậy, những sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam như: cà phê, gỗ và đồ gỗ, ca cao, cao su sẽ buộc phải tuân thủ quy định của EU về chống phá rừng, suy thoái rừng. Điều này cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp của Việt Nam.
Như vậy, doanh nghiệp xanh đã trở thành xu thế tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa và thế giới đang phải ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát triển nền kinh tế xanh không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn tạo ra nhiều giá trị, lợi ích, góp phần xây dựng xã hội bền vững. Mặc dù, các doanh nghiệp xanh ở Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn nhưng những lợi ích mà các doanh nghiệp xanh mang lại là không thể phủ nhận. Vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo động lực cho doanh nghiệp xanh chuyển mình, vươn lên phát triển mang lại nhiều giá trị hơn nữa cho con người và môi trường sống./.
Quỳnh Vũ
[1] ThS. Nguyễn Trần Minh Trí, Xu hướng và kinh nghiệm quốc tế về phát triển xanh, https://dangcongsan.vn/phat-trien-kinh-te-xanh-ly-luan-va-thuc-tien/xu-huong-va-kinh-nghiem-quoc-te-ve-phat-trien-xanh-672235.html, truy cập ngày 01/12/2024.
[2] Trường Thịnh, Khuyến khích doanh nghiệp “xanh”: chiến lược đầu tư bền vững cho kinh tế Việt Nam, https://dantri.com.vn/kinh-doanh/khuyen-khich-doanh-nghiep-xanh-chien-luoc-dau-tu-ben-vung-cho-kinh-te-viet-nam-20240818171021775.htm, truy cập ngày 01/12/2024.
[3] Sửa đổi các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn “làm khó” doanh nghiệp, https://dangcongsan.vn/thoi-su/sua-doi-cac-quy-dinh-ve-quy-chuan-tieu-chuan-lam-kho-doanh-nghiep-684677.html, truy cập ngày 01/12/2024.
[4] Minh Anh, Gia tăng nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh tại Việt Nam, https://vneconomy.vn/gia-tang-nhu-cau-tieu-dung-san-pham-xanh-tai-viet-nam.htm, truy cập ngày 01/12/2024.
[5] Tiêu dùng xanh tại Việt Nam hiện nay: Thực trạng và giải pháp, https://tapchicongthuong.vn/tieu-dung-xanh-tai-viet-nam-hien-nay--thuc-trang-va-phai-phap-106815.htm, truy cập ngày 01/12/2024.