Hòa giải là một trong những phương thức giải quyết các xung đột xã hội, trong đó có các tranh chấp, xích mích, bất đồng, vi phạm pháp luật diễn ra trong đời sống xã hội. Với ý nghĩa quan trọng của mình, hòa giải đang trở thành phương thức giải quyết tranh chấp chiếm ưu thế trong hệ thống các phương thức giải quyết tranh chấp, là biện pháp giải quyết phù hợp với xu thế của thời đại, góp phần thúc đẩy giao lưu dân sự, kinh tế phát triển, góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo trật tự các quan hệ xã hội. Đây chính là kết luận bài viết “Vai trò của hòa giải trong giải quyết xung đột xã hội” của tác giả PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn, Chủ nhiệm Đề tài khoa học độc lập cấp Nhà nước: “Thể chế hòa giải ở Việt Nam – Những vấn đề lịch sử và đương đại”, được đăng trên Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số chuyên đề tháng 9/2014 về “Thể chế hòa giải ở Việt Nam”. Nội dung bài viết xoay quanh vấn đề cần nhận thức rõ bản chất của hòa giải để xây dựng các quy phạm pháp luật điều chỉnh phù hợp thông qua nghiên cứu các quy định về hòa giải ở Việt Nam và trên thế giới; những ưu thế của hoà giải với tư cách là một phương thức giải quyết tranh chấp, xích mích, vi phạm pháp luật.
Thành Trung