Công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Nhà nước giao cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm bảo đảm quyền được thông tin pháp luật, quyền được tiếp cận và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013; khắc phục những vướng mắc, bất cập từ thực trạng tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở; để người dân thực hiện quyền giám sát, đánh giá về trách nhiệm, chất lượng, thái độ của công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ; nâng cao hơn nữa trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác này. Theo đó, ngày 24/01/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg ban hành quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở (Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg) và Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 ban hành quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (Quyết định số 619/QĐ-TTg).
Quảng Bình là một trong 05 địa phương được lựa chọn để thí điểm thực hiện xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg. Dưới sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, Quảng Bình đã đạt được những kết quả bước đầu về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng và đổi mới hoạt động của một số nhiệm vụ quản lý nhà nước ở cơ sở, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, cán bộ công chức trong thực thi công vụ với kết quả: Năm 2014 có 64/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; năm 2015 có 108/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; năm 2016 có 113/159 xã, phường, thị trấn đủ điều kiện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Sau 01 năm thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTg thì việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã được tiếp tục triển khai nghiêm túc, đồng bộ, tích cực và kết quả là năm 2017 đã có 123/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Trong đó, các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới đều đạt tiêu chí về chuẩn tiếp cận pháp luật ở mức cao.
Quá trình triển khai công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã có sự vào cuộc nghiêm túc, đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cấp xã. Trên cơ sở văn bản của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã cũng ban hành văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Theo đó, các cơ quan, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể các cấp căn cứ vào nhiệm vụ được phân công, nội dung của các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của mình để triển khai thực hiện. Sở Tư pháp cũng được giao nhiệm vụ tham mưu trực tiếp cho Ủy ban nhân dân tỉnh; theo dõi, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ này ở cả ba cấp tỉnh, huyện, xã.
Trợ giúp pháp lý là một hoạt động bổ trợ tư pháp đặc thù được Chính phủ giao cho Ngành Tư pháp với nhiệm vụ cung cấp dịch vụ tư vấn, bào chữa, đại diện ngoài tố tụng miễn phí để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân, qua đó góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân; từng bước nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành Hiến pháp và pháp luật; góp phần cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2006 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” và Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 về “Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”. Với ý nghĩa như vậy, Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg đã quy định 05 chỉ tiêu liên quan đến lĩnh vực trợ giúp pháp lý trong tổng số 41 chỉ tiêu tiếp cận pháp luật. Hiện nay, theo Quyết định số 619/QĐ-TTg thì bộ công cụ đánh giá đã giảm còn 05 tiêu chí với 25 chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, trong đó không quy định tiêu chí về trợ giúp pháp lý.
Trong quá trình thực hiện Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg, để đảm bảo các chỉ tiêu về trợ giúp pháp lý được thực hiện tốt, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ chính trị của mình, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Bình đã triển khai nghiêm túc các hoạt động tham gia vào thực hiện nhiệm vụ xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, cụ thể: Các chỉ tiêu trong tiêu chí về trợ giúp pháp lý cơ bản được chấm điểm ở mức cao: Các cộng tác viên trợ giúp pháp lý, luật sư tham gia trợ giúp pháp lý hoạt động tại những địa bàn cụ thể luôn tiếp nhận và thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, không có trường hợp từ chối trợ giúp pháp lý khi người thuộc diện được trợ giúp pháp lý có yêu cầu; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn luôn phối hợp chặt chẽ với Trung tâm, Chi nhánh của Trung tâm để khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý và tạo điều kiện thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động; các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý được triển khai sinh hoạt lồng ghép vào các hoạt động sinh hoạt cộng đồng... Năm 2017, mặc dù không còn tiêu chí về trợ giúp pháp lý nhưng với tính chất, đặc thù của mình thì hoạt động trợ giúp pháp lý đã đóng góp vai trò trong việc tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân trên địa bàn tỉnh, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật có liên quan.
Vai trò của trợ giúp pháp lý được thể hiện thông qua hoạt động thực hiện tư vấn, hướng dẫn pháp luật; đại diện ngoài tố tụng và tham gia bào chữa cho từng đối tượng cụ thể trong các vụ, việc cụ thể (từ năm 2013 đến tháng 6/2018, Trung tâm đã thực hiện trợ giúp pháp lý cho 6.013 đối tượng, trong đó: Tham gia tố tụng 659 vụ việc; đại diện ngoài tố tụng 32 vụ việc; tư vấn pháp luật 5.321 vụ việc; hòa giải 01 vụ việc); thông qua các hoạt động khác như phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động, thực hiện tuyên truyền pháp luật về trợ giúp pháp lý cho bà con tại 563 điểm là các xã, thôn, bản, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, trung bình mỗi điểm đã thực hiện phổ biến, tuyên truyền 02 - 03 văn bản pháp luật quan trọng, mới, liên quan đến quyền lợi, chính sách của người dân, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Trung tâm đã cấp phát miễn phí hơn 150.000 tờ rơi, tờ gấp pháp luật với nhiều nội dung thiết yếu liên quan đến đời sống của người dân; thực hiện in băng đĩa CD bằng tiếng Việt cấp phát cho 159/159 Ủy ban nhân dân cấp xã để tuyên truyền, phổ biến các lĩnh vực pháp luật phát trên hệ thống loa truyền thanh của cấp xã; thực hiện giải đáp vướng mắc pháp luật của người dân trong chuyên mục “Hỏi - đáp pháp luật” trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; thực hiện chuyên mục “Giải đáp pháp luật” trên Bản tin Tư pháp và Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp… Trung tâm đã bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân; đồng thời, thông qua các vụ việc được trợ giúp pháp lý và các hoạt động khác đã tuyên truyền, phổ biến nhiều văn bản pháp luật cho nhân dân, tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân, góp phần nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật trong nhân dân, từ đó góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt có thể ngăn ngừa, kiềm chế, không để xảy ra trọng án, tội phạm và tệ nạn xã hội (ma túy, trộm cắp, cờ bạc, nghiện hút) trên địa bàn; người dân biết và thực hiện được các quyền cơ bản của công dân như quyền được tiếp cận thông tin, quyền được lấy ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quyền được công khai đầy đủ và kịp thời các thủ tục hành chính, quyền được đề nghị hòa giải khi có mâu thuẫn, tranh chấp, quyền được tham gia ý kiến, bàn, quyết định trực tiếp và giám sát về các nội dung theo quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở; tránh sự tùy tiện, lạm quyền từ phía cơ quan, cán bộ, công chức trong việc thực thi nhiệm vụ (như trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết các thủ tục hành chính để bảo đảm sự hài lòng của tổ chức, cá nhân về chất lượng, thái độ phục vụ khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp thông tin pháp luật, hòa giải cơ sở, thực hiện dân chủ ở cơ sở...).
Có thể khẳng định, hoạt động trợ giúp pháp lý có vai trò không nhỏ trong việc tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân, giáo dục ý thức tôn trọng, tuân thủ và chấp hành pháp luật; bảo đảm quyền con người, quyền công dân; kịp thời tháo gỡ những mâu thuẫn, tranh chấp, vướng mắc, kiến nghị trong thi hành pháp luật, góp phần xây dựng một nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Bên cạnh đó, công tác trợ giúp pháp lý không những đem lại nhiều lợi ích cho người được trợ giúp pháp lý mà còn giúp các cơ quan chức năng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân từ cơ sở, nhất là những nguyện vọng chính đáng của người nghèo và đối tượng chính sách, qua đó, Nhà nước sẽ có những chủ trương, quyết sách đúng đắn trong việc thực hiện chức năng xã hội của mình, góp phần vào sự ổn định, phát triển của đất nước.
Trong thời gian tới, địa phương đang phấn đấu để đạt được các mục tiêu về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là “nâng cao nhận thức pháp luật, giáo dục ý thức tôn trọng, tuân thủ và chấp hành pháp luật; bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền được thông tin về pháp luật; kịp thời tháo gỡ mâu thuẫn, tranh chấp, vướng mắc, kiến nghị trong thi hành pháp luật trên địa bàn cấp xã. Tổ chức và bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thi hành Hiến pháp, pháp luật, quản lý nhà nước và xã hội bằng pháp luật; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức cấp xã trong thực thi công vụ. Cải thiện điều kiện tiếp cận thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, giải quyết thủ tục hành chính, phát huy dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân” theo Quyết định số 619/QĐ-TTg, thì cần thực hiện một số giải pháp như sau:
- Các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tác động của công tác xây dựng, đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật. Trên cơ sở đó, xác định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc xây dựng xã, phường, thị trấn, bảo đảm việc tiếp cận pháp luật cho người dân gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở địa phương. Kết quả xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là tiêu chí đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới và phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; đảng bộ, chính quyền cấp xã đạt tiêu chuẩn “trong sạch, vững mạnh”; đánh giá thi đua, khen thưởng hằng năm của chính quyền cấp xã.
- Hoàn thiện các quy định chưa phù hợp, bất cập trong Quyết định số 619/QĐ-TTg.
- Cần tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu sắc nội dung, nhiệm vụ, quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở đến toàn thể cán bộ, công chức trong cả hệ thống chính trị, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chủ chốt, trực tiếp được giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến chuẩn tiếp cận pháp luật ở cơ sở của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã, cơ quan, đơn vị và nhân dân.
- Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp cấp huyện là cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện quản lý nhà nước về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn nên cần phải phát huy tốt vai trò tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn của mình. Cấp xã là cấp trực tiếp thực hiện nên cần phải tổ chức quán triệt, phổ biến một cách kịp thời, sâu rộng đến toàn thể cán bộ, công chức và nhân dân về nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Tạo được sự thống nhất đồng thuận của cấp ủy, chính quyền và nhân dân. Công chức tư pháp - hộ tịch đóng vai trò làm đầu mối, tuy nhiên, phải có sự phân công trách nhiệm cao cho các công chức khác vì nội dung các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhiều công chức khác nhau; đồng thời, cần phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể tham gia thực hiện xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
- Công khai, minh bạch công tác đánh giá tiếp cận pháp luật. Bố trí kinh phí, cơ sở vật chất đầy đủ, phù hợp. Thường xuyên kiểm tra để kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém trong việc triển khai thực hiện; thực hiện khen thưởng, xử lý vi phạm, không phô trương, chạy đua, đánh giá không đúng với các tiêu chí đề ra.
- Tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức cấp xã. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động cơ quan hành chính các cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.
- Đối với công tác trợ giúp pháp lý, các tổ chức trợ giúp pháp lý, những người thực hiện trợ giúp pháp lý cần nắm vững và xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện trợ giúp pháp lý để góp phần xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Từ đó, nâng cao chất lượng các hoạt động trợ giúp pháp lý, đảm bảo 100% người dân khi có nhu cầu sẽ được cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý tốt nhất.
Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình