Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Hà Tĩnh được thành lập từ năm 1998. Sau 20 năm thành lập, Trung tâm đạt được nhiều kết quả, được các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ghi nhận, đánh giá cao. Số lượng, chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý ngày càng được nâng cao, đặc biệt là các vụ việc tham gia tố tụng cho đối tượng thuộc các diện như người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn, trẻ em không nơi nương tựa, người dân tộc thiểu số... Nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân ngày càng tăng, số lượng người biết đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Hà Tĩnh ngày càng nhiều, nhất là sau khi Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 được ban hành. Để đạt được kết quả này, bên cạnh việc triển khai đồng đều, có hiệu quả các hoạt động trợ giúp pháp lý thì phải kể đến vai trò quan trọng của hoạt động truyền thông trong trợ giúp pháp lý.
Nhận thức được vai trò quan trọng của hoạt động truyền thông trong công tác trợ giúp pháp lý, trong những năm qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh đã luôn quan tâm, chú trọng đẩy mạnh hoạt động truyền thông với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Giới thiệu về hoạt động trợ giúp pháp lý trên phương tiện thông tin đại chúng; biên tập, in ấn các loại tờ gấp, tài liệu pháp luật; đặt bảng thông tin về trợ giúp pháp lý và hộp tin trợ giúp pháp lý tại cơ quan tiến hành tố tụng; tuyên truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh của xã, thôn; nói chuyện pháp luật qua các đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý tại cơ sở...
Truyền thông về trợ giúp pháp lý tại cơ sở: Là một trong những hoạt động truyền thông luôn được Trung tâm quan tâm, đẩy mạnh. Trung bình mỗi năm, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh đã thực hiện 90 đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý tại cơ sở đặc biệt là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Chỉ tính riêng năm 2017, Trung tâm Trợ giúp pháp lý của tỉnh đã tổ chức 93 cuộc truyền thông tại cơ sở với hơn 7.500 lượt người tham dự; 03 tháng đầu năm 2018, Trung tâm Trợ giúp pháp lý của tỉnh đã tổ chức 25 cuộc truyền thông về trợ giúp pháp lý tại 04/13 huyện, thành phố, thị xã thu hút được hơn 1.200 lượt người tham dự. Thông qua các cuộc truyền thông, Trung tâm Trợ giúp pháp lý của tỉnh đã giới thiệu, phổ biến nhiều nội dung chuyên đề về các lĩnh vực pháp luật mới liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân như: Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản có liên quan; pháp luật về dân sự, hình sự, đất đai, pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật hộ tịch; chính sách về bồi thường, hỗ trợ do sự cố môi trường biển; chế độ chính sách, bảo trợ xã hội… và thực hiện tư vấn, hướng dẫn 679 vụ việc, cụ thể: 02 vụ việc hình sự, 28 vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, 62 vụ việc hành chính, 587 vụ việc pháp luật khác cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý.
Truyền thông qua các tờ gấp, tài liệu pháp luật: Đây là một trong những hình thức truyền thông mang lại hiệu quả thiết thực, tiết kiệm chi phí, truyền tải được nhiều nội dung pháp luật, đặc biệt phù hợp với điều kiện ở những vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện đi lại khó khăn. Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm đã biên soạn và cấp phát hơn 80.000 các loại như tờ gấp giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm, chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, pháp luật về người khuyết tật; chế độ chính sách đối với người nghèo, cận nghèo; pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; pháp luật về đất đai... để cấp phát miễn phí cho nhân dân. Qua đó, giúp người dân nắm rõ hơn các quy định của pháp luật để vận dụng trong đời sống hàng ngày cũng như tháo gỡ một số khó khăn liên quan tới vấn đề pháp lý.
Truyền thông qua Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Hà Tĩnh: Từ năm 2017 đến nay, Trung tâm luôn chú trọng đẩy mạnh hình thức truyền thông này với các nội dung tuyên truyền pháp luật về trợ giúp pháp lý, giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Trợ giúp pháp lý, quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý... Đặc biệt, nhấn mạnh về hiệu quả của hình thức trợ giúp pháp lý trong tố tụng để nhân dân được biết thông qua các vụ việc điển hình có sự tham gia của trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên.
Truyền thông qua hệ thống cổng thông tin điện tử: Trung tâm thường xuyên cập nhật và truyền tải các hoạt động trợ giúp pháp lý, đăng tải các tin, bài phản ánh, câu chuyện pháp luật, các bài về nghiên cứu trao đổi nghiệp vụ về trợ giúp pháp lý đạt hiệu quả, các tin bài về hoạt động trợ giúp pháp lý, các giải đáp thắc mắc về pháp luật khi người dân có nhu cầu qua Cổng thông tin của Bộ Tư pháp, Cục Trợ giúp pháp lý, Cổng thông tin của Sở Tư pháp. Hiện nay, Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp đã được nâng cấp với một phiên bản mới, đây là kênh thông tin phong phú, đa dạng về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý, phản ánh tương đối đầy đủ các hoạt động trợ giúp pháp lý trong toàn tỉnh, là diễn đàn trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng trợ giúp pháp lý của người thực hiện trợ giúp pháp lý, phổ biến chính sách trợ giúp pháp lý của Nhà nước đến đông đảo người dân.
Truyền thông về trợ giúp pháp lý thông qua bảng thông tin, hộp tin về trợ giúp pháp lý: Ngoài việc niêm yết bảng thông tin về trợ giúp pháp lý có nội dung giới thiệu về diện người được trợ giúp pháp lý; quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý; thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý; địa chỉ, điện thoại nóng liên hệ của Trung tâm và hộp tin về trợ giúp pháp lý tại trụ sở tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, Trung tâm còn chú trọng lắp đặt tại trụ sở tiếp công dân của các cơ quan tiến hành tố tụng; trại tạm giam; nhà tạm giữ; một số cơ quan, ban, ngành; các tổ chức của người khuyết tật và tổ chức vì người khuyết tật, các cơ sở bảo trợ xã hội, trường học, cơ sở kinh doanh và các tổ chức khác của người khuyết tật; Ủy ban nhân dân các xã nghèo, nhà sinh hoạt cộng đồng các thôn, bản đặc biệt khó khăn để mọi người dân dễ dàng tiếp cận và biết được trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý. Trung tâm đã lắp đặt 143 bảng thông tin, hộp tin trợ giúp pháp lý tại Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, 58 bảng thông tin, hộp tin trợ giúp pháp lý tại các cơ quan tiến hành tố tụng.
Truyền thông về trợ giúp pháp lý thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở: Việc tuyên truyền về công tác trợ giúp pháp lý và hoạt động trợ giúp pháp lý qua các phương tiện truyền thông tại xã, phường, thị trấn, thôn… đã từng bước được chú trọng, Trung tâm đã tiến hành xây dựng chuyên trang, chuyên mục về trợ giúp pháp lý; tiến hành thu âm hoặc ký hợp đồng với Đài Phát thanh - truyền hình các huyện, thị trấn, thị xã để tổ chức phát thanh về các xã, thôn, bản... vào thời gian hợp lý để người dân biết và tiếp cận. Đây là một trong những kênh thông tin đem lại hiệu quả cao, đặc biệt là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện đi lại khó khăn. Đặc biệt, từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 ban hành chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh phối hợp với Phòng Tư pháp các huyện, thành phố, thị xã xây dựng chương trình phát thanh “Trợ giúp pháp lý với người dân”, đây là một trong những hình thức truyền thông về trợ giúp pháp lý mang lại hiệu quả cao được đông đảo quần chúng nhân dân đón nhận.
Có thể thấy, trong những năm qua với việc đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, công tác trợ giúp pháp lý đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức của các cơ quan nhà nước về chức năng, phạm vi, lĩnh vực hoạt động và sự cần thiết của trợ giúp pháp lý đã được nâng cao và ngày càng nhận được sự tín nhiệm, tin tưởng của cấp ủy, chính quyền các địa phương. Nhờ đẩy mạnh các hoạt động truyền thông đã góp phần thay đổi nhận thức của các cơ quan, ban ngành của địa phương về công tác trợ giúp pháp lý, giúp người dân biết và hiểu về hoạt động trợ giúp pháp lý cũng như góp phần nâng cao kiến thức pháp lý cho người dân sống trên địa bàn. Quan hệ phối hợp giữa Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh với các cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp đã được tăng cường. Số vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng đã tăng lên đáng kể, số lượng người thuộc diện được trợ giúp pháp lý do các cơ quan tiến hành tố tụng giới thiệu đến Trung tâm ngày càng tăng (năm 2016 chỉ có 15/83 người, năm 2017 là 57/136 người thì 03 tháng đầu năm 2018 các cơ quan tiến hành tố tụng đã giới thiệu 31/71 người thuộc diện được trợ giúp pháp lý đến Trung tâm, tăng 07 người so với cùng kỳ năm 2017). Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý đã được đặt tại trụ sở tiếp dân của các cơ quan tiến hành tố tụng, qua đó bị can, bị cáo, người thân thích của bị can, bị cáo và những người khác đã biết về quyền được trợ giúp pháp lý và có thông tin để liên hệ với Trung tâm Trợ giúp pháp lý đề nghị giúp đỡ. Các cơ quan nhà nước và nhiều tổ chức đã tích cực cử cán bộ làm cộng tác viên của Trung tâm. Hội Nông dân, Hội Phụ nữ của một số địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm để tổ chức các đợt truyền thông và trợ giúp pháp lý tại cơ sở cho các hội viên của mình.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý còn gặp một số khó khăn, hạn chế như:
Thứ nhất, một số hoạt động truyền thông còn mang tính hình thức chưa được tổ chức thực hiện đúng trọng tâm, trọng điểm.
Thứ hai, hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới còn gặp nhiều khó khăn, người dân ít có điều kiện được tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng (báo hình, báo viết...); cơ sở vật chất vẫn còn hạn chế (như chưa có xe ô tô) nên một số hoạt động truyền thông tại cơ sở gặp nhiều khó khăn.
Thứ ba, nhận thức của một số cơ quan, tổ chức, cá nhân về công tác trợ giúp pháp lý còn hạn chế nên công tác phối hợp để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trợ giúp pháp lý, về quyền và nghĩa vụ của các đối tượng được trợ giúp pháp lý, về hệ thống trợ giúp pháp lý của Nhà nước vẫn còn khó khăn; nhiều đối tượng được trợ giúp pháp lý chưa biết về quyền được trợ giúp pháp lý của mình.
Thứ tư, sự phối hợp giữa tổ chức trợ giúp pháp lý với các cơ quan thông tin truyền thông vẫn chưa thật hiệu quả nên vẫn còn tình trạng các cơ quan, ban ngành ở một số địa phương còn nhận thức chưa đúng về hoạt động trợ giúp pháp lý, chưa có sự quan tâm đặc biệt đến hoạt động này.
Từ những khó khăn, hạn chế trên, nhằm đẩy mạnh hoạt động truyền thông pháp luật nói chung và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý nói riêng trong thời gian tới để mọi người dân, cơ quan, tổ chức biết đến hoạt động trợ giúp pháp lý và quyền được hưởng các dịch vụ pháp lý miễn phí của Nhà nước cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường sự phối hợp giữa Trung tâm Trợ giúp pháp lý với các cơ quan truyền thông trên địa bàn để thực hiện có hiệu quả công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý.
Hai là, đa dạng, phong phú các hình thức truyền thông, nội dung truyền thông về trợ giúp pháp lý phù hợp với điều kiện của địa bàn các huyện, thị xã cũng như trình độ dân trí để thu hút được sự quan tâm, chú ý của mọi người dân và cải tiến nội dung, ngôn ngữ biểu cảm, hình thức... của các loại tờ gấp, cẩm nang, tài liệu pháp luật nhằm đáp ứng hơn nữa nhu cầu của người dân. Lồng ghép tuyên truyền trong hoạt động chuyên môn của các cơ quan tiến hành tố tụng có đối tượng được trợ giúp pháp lý như nhà tạm giam, tạm giữ.
Ba là, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao năng lực cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý về kỹ năng, phương pháp truyền thông về trợ giúp pháp lý.
Bốn là, tổ chức kiểm tra, đánh giá quá trình truyền thông, hiệu quả truyền thông và từ đó rút kinh nghiệm trong triển khai, thực hiện. Đồng thời, cần tuyên truyền những mô hình hay, những cách làm tốt của các địa phương, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện. Xây dựng và đào tạo đội ngũ cộng tác viên trợ giúp pháp lý về số lượng, nâng cao chất lượng thông qua tập huấn, đào tạo để tuyên truyền rộng rãi
Vai trò của hoạt động truyền thông trong công tác trợ giúp pháp lý
Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Hà Tĩnh được thành lập từ năm 1998. Sau 20 năm thành lập, Trung tâm đạt được nhiều kết quả, được các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ghi nhận, đánh giá cao
NGUYỄN KHÁNH TOÀN