Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật được Quốc hội thông qua năm 2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013, đã tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai một cách thuận lợi. Để Luật sớm đi vào cuộc sống, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật này trên địa bàn Thành phố và thành lập Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố, ban hành Quy chế Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố. Bên cạnh đó, Thành phố luôn chú trọng ban hành văn bản, chỉ đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân (Chỉ thị số 32-CT/TW); Thông báo số 74-TB/TW ngày 11/5/2007 thông báo Kết luận của Ban Bí thư tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW; Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 về kết quả thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW (Kết luận số 04-KL/TW); Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW (Kết luận số 80-KL/TW) song song cùng với triển khai thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 như Kế hoạch số 127/KH-UBND ngày 12/10/2012 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về thực hiện Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2016 và các kế hoạch triển khai các đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn Thành phố đến năm 2016; Kế hoạch số 02-KH/TU ngày 06/11/2020 của Thành ủy Hà Nội thực hiện Kết luận số 80-KL/TW; Kế hoạch số 241/KH-UBND ngày 15/12/2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện Kết luận số 80-KL/TW và Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW...
Đánh giá 10 năm triển khai thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 trên địa bàn Thành phố cho thấy vai trò, tác động to lớn của Luật trong việc quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn Thành phố cụ thể như sau:
- Luật đã tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo chuyển biến căn bản về hiệu quả của hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Công tác quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật được chú trọng, tăng cường hơn; nhận thức về trách nhiệm trong triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của các ngành, các cấp được nâng lên và có nhiều chuyển biến tích cực. Nguồn nhân lực và các điều kiện bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được tăng cường, đáp ứng ngày càng tốt hơn về số lượng và chất lượng.
- Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn Thành phố trong những năm qua đã kịp thời đưa pháp luật vào cuộc sống, góp phần quan trọng tạo nên chuyển biến về tình hình tuân thủ pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân Thủ đô, xây dựng người Hà Nội sống và ứng xử có văn hóa pháp lý, văn minh, thanh lịch, góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị và trật tự xã hội, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô.
- Thành phố đã ban hành, hoàn thiện hệ thống quy định, chính sách, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện đồng bộ, toàn diện, chặt chẽ và đi vào nền nếp gắn với trách nhiệm của từng công dân, cá nhân, tổ chức, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức đoàn thể trong việc triển khai thực hiện công tác này; đồng thời là cơ sở pháp lý quan trọng để lãnh đạo các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị quan tâm hơn nữa đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, qua đó, đầu tư cả về nguồn nhân lực, kinh phí và cơ sở vật chất đáp ứng ngày càng tốt hơn cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Ủy ban nhân dân Thành phố đã kip thời ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật theo chỉ đạo của trung ương và theo đặc thù trên địa bàn Thành phố để đáp ứng thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
- Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố hoạt động bài bản, thu hút được nhiều ngành, lĩnh vực tham gia. Hoạt động Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật luôn nhận được chỉ đạo sát sao của trung ương, Bộ Tư pháp, Thành ủy, theo từng thời điểm, từng giai đoạn phù hợp với tình hình thực tế và nhiệm vụ chính trị của Thành phố và phát huy vai trò trong việc tư vấn, tham mưu, định hướng chỉ đạo cho Thành phố trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Hoạt động của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp đi vào nề nếp theo kế hoạch, chương trình cụ thể, được thực hiện thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm. Công tác phối hợp trong phổ biến, giáo dục pháp luật của các ngành, thành viên trong Hội đồng ngày một chặt chẽ, hiệu quả.
- Ngành Tư pháp Thành phố thể hiện tốt vai trò tham mưu, chủ động, sáng tạo trong việc tham mưu Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo nội dung và hình thức tuyên truyền trong từng thời điểm, từng giai đoạn.
- Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã thực sự trở thành nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, có sự tham gia vào cuộc của các ngành, các cấp theo tinh thần xã hội hóa.
- Tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được củng cố, kiện toàn và hoạt động ngày càng thiết thực hiện quả.
- Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục, vừa sâu, vừa rộng, ngày càng thu hút đông đảo được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên và nhân dân trên địa bàn bàn tham gia tạo thành phong trào tìm hiểu pháp luật, thực hiện theo pháp luật sôi nổi trên địa bàn Thủ đô; bên cạnh thực hiện hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật truyền thống, các ngành, cơ quan đơn vị, địa phương đã tổ chức sáng tạo, áp dụng nhiều hình thức, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật mới hiệu quả, tiết kiệm được nguồn lực, phù hợp với đối tượng, địa bàn và tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Việc triển khai Ngày pháp luật Việt Nam trên địa bàn Thành phố đã được thực hiện nghiêm túc, sáng tạo, hiệu quả thực sự trở thành sự kiện chính trị, pháp lý của Thủ đô đã tạo sự lan tỏa ý thức thượng tôn, chấp hành và bảo vệ pháp luật trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên và Nhân dân trên địa bàn Thủ đô.
- Hình thành thói quen chủ động học tập, nâng cao ý thức tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; gắn kết chặt chẽ với hòa giải ở cơ sở, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; chú trọng các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội.
- Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô chấp hành tốt các quy định kỷ cương hành chính, pháp luật trong công tác chuyên môn; ý thức chấp hành pháp luật của người dân trên địa bàn Thành phố ngày được nâng cao.
Để phát tiếp tục phát huy và nâng cao hơn nữa vai trò của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn Thành phố, tác giả kiến nghị một số nội dung cụ thể như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện quy định pháp luật về báo cáo viên: Đề xuất cơ chế đối với báo cáo viên theo hướng mở để huy động đội ngũ luật gia, luật sư, người công tác lâu năm trong lĩnh vực pháp luật theo chuyên ngành đã nghỉ hưu và quy định việc đào tạo, cấp chứng chỉ của cơ quan có thẩm quyền thống nhất trên phạm vi toàn quốc đối với đội ngũ này nhằm phát huy đội ngũ này thực sự trong thực tiễn; bổ sung quy định báo cáo viên trong nhà trường; mở rộng thẩm quyền công nhận đội ngũ tuyên truyền viên cho các cơ quan, đơn vị, địa phương; giao cho cơ quan tư pháp xác minh tiêu chuẩn đối với báo cáo viên pháp luật hoặc thực hiện thủ tục miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật khi họ không đủ tiêu chuẩn
Thứ hai, về kinh phí: Bổ sung quy định việc cấp kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật tối thiểu theo đầu người dân để bảo đảm kinh phí hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật tối thiểu đồng đều ở địa phương; ban hành hướng dẫn cụ thể về phạm vi, đối tượng áp dụng, nội dung chi, mức chi, lập dự toán, phân bổ dự toán quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở
Thứ ba, về chính sách xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật như: Tăng cường trách nhiệm xã hội, tăng thời gian tham gia tư vấn luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, miễn phí, trợ giúp pháp lý cho người dân của luật gia, luật sư; bổ sung một số chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong xã hội tham gia hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật như chính sách thuế, quảng bá thương hiệu, chính sách hỗ trợ, ưu đãi…; bổ sung quy định nguồn nhân sự chuyên trách làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc chuyên ngành công nghệ thông tin, truyền thông.
Thứ tư, về các biện pháp tổ chức thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn thường xuyên công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các nhiệm vụ trọng tâm theo từng thời điểm, từng giai đoạn làm cơ sở để triển khai thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật theo lĩnh vực ngành, địa phương và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị, địa phương về trách nhiệm triển khai nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, chủ động tổ chức thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật; phát huy vai trò của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp trong tham mưu, triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; đổi mới, sáng tạo trong triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật bảo đảm phù hợp với tình hình, đối tượng, địa bàn; hình thức, nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật cần xuất phát từ nhu cầu của đối tượng, chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Nguyễn Bích Thủy
Sở Tư pháp Thành phố Hà Nội