Có thể nói, Dự Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi đã quy định được bao quát các vấn đề cơ bản về xác định cha, mẹ, con và mang thai hộ, tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề bất cập như: Dự thảo luật với tiêu đề xác định cha, mẹ, con nhưng trong nội dung điều luật không có sự nhất quán về cách dùng thuật ngữ; các điều luật được chia thành nhiều nội dung (bao gồm: Xác định cha, mẹ; xác định cha mẹ trong các trường hợp cụ thể như sinh con bằng phương pháp khoa học, mang thai hộ; các điều kiện mang thai hộ, quyền và nghĩa vụ của các bên mang thai hộ, giải quyết tranh chấp về mang thai hộ, xử lý vi phạm về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và mang thai hộ; xác định con; quyền nhận con; quyền nhận cha mẹ, thẩm quyền giải quyết xác định cha mẹ con).
Ngoài những bất cập trong kết cấu của các điều luật về xác định cha, mẹ, con và mang thai hộ nêu trên, thì bài viết của tác giả Nguyễn Thị Lan còn nêu ra những quy định chưa hợp lý của các điều luật cụ thể về xác định cha, mẹ, con và mang thai hộ trong Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình (như: Điều 92 về xác định cha, mẹ; Điều 97 về xác định cha, mẹ cho con sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; Điều 103 về thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con; điều luật về điều kiện mang thai hộ vì mục đich nhân đạo; Điều 102a về xử lý hành vi vi phạm về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và mang thai hộ...). Kính mời độc giả đón đọc bài viết này trên Số định kỳ (64 trang) tháng 5/2014 của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.
Huyền Trang