Abstract: Based on the study of position, role of legality, legal work in the setting up a rule of law state, the article raises requirements on legality and legal work in order to reach goals of setting up a socialist rule of law state of Vietnam.
1. Sơ lược quá trình hình thành và phát triển tư tưởng, chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam
Ở Việt Nam, khái niệm Nhà nước pháp quyền được sử dụng lần đầu tiên tại Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII ngày 25/11/1991 khi thảo luận về dự thảo Hiến pháp năm 1992. Nội dung cơ bản của Nhà nước pháp quyền Việt Nam đã được khẳng định trong Nghị quyết của Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng là “Tiếp tục xây dựng và từng bước hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam”. Đó là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng pháp luật, đưa đất nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa[1]. Chủ trương xây dựng nhà nước đã được cụ thể hóa trong Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001). Điều 12 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”. Đây được coi là điều luật Hiến pháp về pháp chế.
Tư tưởng và mục đích xây dựng Nhà nước pháp quyền được thể hiện nhất quán trong nhiều văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước ta (ví dụ như: Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Nhà nước pháp quyền không phải là một kiểu Nhà nước mà là một cách thức tổ chức quyền lực nhà nước trên nền tảng chủ quyền nhân dân. Nhà nước pháp quyền luôn gắn liền với một nền dân chủ nhất định, một chế độ xã hội cụ thể. Theo đó, Nhà nước pháp quyền là một chế độ nhà nước mà ở đó việc tổ chức, thực thi quyền lực nhà nước, tổ chức và quản lý mọi mặt của đời sống xã hội đều chịu sự chi phối của pháp luật, hoạt động của tất cả thành viên trong xã hội đều tuân theo pháp luật; Nhà nước được thành lập để chăm lo cho nhân dân, phục vụ nhân dân.
Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thông qua ngày 28/12/2013, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2014, trong đó có việc quy định mô hình tổ chức và hoạt động của Nhà nước ta là “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” (khoản 1 Điều 2). Như vậy, trong Nhà nước pháp quyền Nhân dân là chủ thể đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức quyền lực Nhà nước.
2. Vị trí, vai trò của pháp chế và công tác pháp chế trong xây dựng Nhà nước pháp quyền
Tăng cường pháp chế là một đòi hỏi khách quan của quá trình quản lý và lãnh đạo của Nhà nước, đó là nguyên tắc hiến định ở Việt Nam. Điều 12 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân phải chấp hành nghiêm chỉnh Hiến pháp và pháp luật”.
Nói một cách chung nhất, pháp chế là chế độ quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý đời sống xã hội theo pháp luật và bằng pháp luật. Còn công tác pháp chế được hiểu là hoạt động của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong xã hội thực hiện một hoặc nhiều công việc cụ thể nhằm thực thi pháp luật, đưa pháp luật đi vào cuộc sống. Việc thực hiện tốt nguyên tắc pháp chế, công tác pháp chế giúp cho xã hội được ổn định, đảm bảo sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong xã hội. Ở Việt Nam, pháp chế, công tác pháp chế có vị trí, vai trò, chức năng vô cùng quan trọng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật. Điều đó được thể hiện rõ ở một số điểm như sau:
Thứ nhất, pháp chế, công tác pháp chế bảo đảm cho Đảng lãnh đạo và nhân dân thực hiện quản lý nhà nước của mình bằng pháp luật và theo pháp luật. Điều này có nghĩa là pháp chế, công tác pháp chế đảm bảo cho việc tổ chức và hoạt động của Nhà nước, của các cơ quan nhà nước, công chức, viên chức từ Trung ương đến địa phương được thực hiện theo pháp luật và đúng pháp luật. Pháp chế còn điều chỉnh hành vi quản lý của Nhà nước đối với xã hội và đối với từng lĩnh vực của đời sống xã hội, đối với mọi tổ chức, cá nhân được thực hiện bằng pháp luật, theo pháp luật. Pháp chế điều chỉnh mọi hành vi của cá nhân, tổ chức; pháp chế bảo đảm cho mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.
Thứ hai, pháp chế và công tác pháp chế là công cụ để tạo lập và củng cố trật tự, kỷ cương trong xã hội. Để thiết lập trật tự, kỉ cương, phép nước trong xã hội nhất định phải có pháp luật và pháp luật phải được mọi chủ thể cơ quan, tổ chức, cá nhân chấp hành nghiêm chỉnh.
Thứ ba, pháp chế góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, các quyền và lợi ích chính đáng của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Khi có nền pháp chế vững mạnh thì sẽ hình thành được trật tự, kỉ cương trong xã hội, từ đó lợi ích của Nhà nước, các quyền và lợi ích chính đáng của mọi tổ chức, cá nhân đều được tôn trọng và bảo vệ. Bên cạnh đó, pháp chế còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, xã hội, công bằng, dân chủ văn minh.
Quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền có mối liên hệ chặt chẽ với pháp chế và pháp luật. Nhà nước pháp quyền khẳng định tính tối cao của pháp luật, trong đó Hiến pháp là đạo luật cơ bản; mọi chủ thể trong xã hội đều phải thực hiện theo Hiến pháp và pháp luật. Còn pháp luật lại là hạt nhân cốt lõi của pháp chế (là thực trạng xã hội khi pháp luật được thực hiện một cách đầy đủ, thống nhất và nghiêm minh). Đây là mối quan hệ chặt chẽ, không tách rời giữa pháp luật, pháp chế và Nhà nước pháp quyền. Pháp chế và Nhà nước pháp quyền có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau, hỗ trợ nhau; pháp chế được thực hiện nghiêm túc là tiền đề để thúc đẩy việc xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền. Khi pháp luật được thực thi nghiêm túc, đầy đủ, mọi quan hệ xã hội đều được điều chỉnh bởi pháp luật thì sẽ giúp cho trật tự an toàn xã hội được ổn định, pháp chế được thực thi, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, để xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền thì pháp luật phải được thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất và nghiêm chỉnh trong toàn xã hội.
Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền cũng đặt ra nhiều yêu cầu về công tác pháp chế. Để việc xây dựng Nhà nước pháp quyền đạt hiệu quả, công tác pháp chế phải đáp ứng một số yêu cầu: Cơ quan nhà nước phải thực thi pháp luật một cách nghiêm túc, đầy đủ, cơ quan nhà nước cấp dưới phải phục tùng cơ quan nhà nước cấp trên; Văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của cơ quan nhà nước ở địa phương phải đảm bảo đồng bộ, thống nhất với VBQPPL ở Trung ương; cán bộ, công chức phải nêu cao tinh thần gương mẫu, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong quá trình thực thi công vụ; các tổ chức, cá nhân khác phải chấp hành và thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật.
Như vậy, cũng giống như pháp luật, nếu như pháp luật là hạt nhân của pháp chế thì trong Nhà nước pháp quyền, pháp chế và công tác pháp chế có vị trí, vai trò là hạt nhân, cốt lõi. Pháp chế và công tác pháp chế có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước; có pháp chế và công tác pháp chế được thực thi nghiêm túc thì việc xây dựng Nhà nước pháp quyền được đảm bảo, kỉ luật, kỉ cương trong xã hội được thiết lập, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, các lợi ích công cộng, quyền và lợi ích chính đáng của cơ quan, tổ chức, cá nhân được đảm bảo.
3. Yêu cầu của Nhà nước pháp quyền về pháp chế và công tác pháp chế
Thực chất của việc tăng cường pháp chế là tăng cường chế độ quản lý nhà nước, quản lý xã hội theo pháp luật và bằng pháp luật; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo vệ pháp luật; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thi hành pháp luật và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật.
Hiện nay, đất nước ta bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế với nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, yêu cầu, nhiệm vụ tiếp tục tăng cường công tác pháp chế nhằm xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân là vô cùng cần thiết.
Một trong những đặc điểm của Nhà nước pháp quyền là mọi chủ thể xã hội đều phải thực hiện theo pháp luật. Vì vậy, yếu tố quan trọng trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay là vấn đề xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Hệ thống pháp luật phải đảm bảo tính đầy đủ để có thể điều chỉnh hết các lĩnh vực của đời sống xã hội; phải đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; phải đảm bảo tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên... Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật là điều kiện tiên quyết, khách quan để xây dựng Nhà nước pháp quyền.
Để thực hiện mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, cần phải thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Muốn xây dựng được hệ thống pháp luật thực sự chất lượng tốt về nội dung và hình thức, đảm bảo tính khả thi thì việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành VBQPPL là vô cùng quan trọng.
Pháp luật phải được ban hành theo đúng quy trình, trình tự do pháp luật quy định, phải lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp; phải có cơ chế pháp lý cho phản biện xã hội và tiếp thu ý kiến của các tầng lớp nhân dân đối với các dự án, dự thảo VBQPPL. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức nghiên cứu chuyên ngành trong hoạt động xây dựng pháp luật. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong việc xây dựng, ban hành VBQPPL. Đồng thời, cần có cơ chế thu hút các cơ quan, tổ chức, cá nhân vào hoạt động xây dựng pháp luật. Bên cạnh đó phải thực hiện tốt công tác rà soát, hệ thống hóa hệ thống pháp luật. Để có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh cần phải hệ thống được những VBQPPL nào còn hiệu lực, những văn bản nào hết hiệu lực, xác định những vấn đề bức thiết cần thiết phải ban hành VBQPPL để điều chỉnh, ban hành văn bản nào trước, văn bản nào sau…
Thứ hai, tổ chức tốt việc triển khai thực hiện pháp luật. Để pháp luật khi được ban hành đi vào cuộc sống, việc tổ chức triển khai thực hiện pháp luật cần phải được quan tâm. Để làm tốt việc này cần phải làm tốt các công tác phổ biến, giải thích, giáo dục pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến pháp luật; tăng cường giải thích pháp luật; tổng kết việc thực hiện pháp luật. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật; xử lý kịp thời, nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, phải tăng cường hơn nữa các hoạt động kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước, của nhân dân đối với việc thực hiện pháp luật.
Thứ ba, bảo vệ và mở rộng quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, việc bảo vệ và mở rộng quyền của công dân phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Đồng thời, việc mở rộng dân chủ phải đi đôi với việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, quyền đi đôi với trách nhiệm; dân chủ phải trong khuôn khổ của pháp luật.
Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện thể chế về chế độ công chức, công vụ; đề cao trách nhiệm đạo đức công vụ, trách nhiệm xã hội; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành và thực thi công vụ của cán bộ, công chức, hướng đến mục tiêu xây dựng đội ngũ công chức hành chính chuyên nghiệp, hiện đại. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ người làm công tác xây dựng pháp luật, người làm công tác tư pháp... bảo đảm cho đội ngũ này luôn có kỹ năng nghề nghiệp và có kiến thức thực tiễn, có phẩm chất, đạo đức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Thứ năm, tăng cường, nâng cao hiệu quả của công tác theo dõi thi hành pháp luật. Quy định cụ thể, rõ ràng tiêu chí đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật của các cơ quan nhà nước làm công cụ phục vụ nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, xác định trách nhiệm phối hợp của các cơ quan ngoài hệ thống hành pháp để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện tốt công việc tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013.
Thứ sáu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thi hành pháp luật nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật…
Như vậy, để thực hiện thành công công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trước hết là vấn đề xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tổ chức tốt việc triển khai thực hiện pháp luật; bảo vệ và mở rộng quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo vệ và mở rộng quyền của công dân phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước; thể chế về chế độ công chức, công vụ được hoàn thiện; hiệu quả của công tác theo dõi thi hành pháp luật được tăng cường, nâng cao; công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thi hành pháp luật được tăng cường nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật… Việc thực hiện hiệu quả các giải pháp nêu trên giúp cho công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta được thuận lợi, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của Nhà nước pháp quyền.
Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp
[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam (1994), Văn kiện Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII, tr. 56.