Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của lãnh đạo Sở Tư pháp, công tác trợ giúp pháp lý đã từng bước khẳng định được vai trò của mình trong đời sống chính trị - xã hội của tỉnh, tích cực đưa pháp luật vào đời sống, trực tiếp hướng dẫn nhân dân sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, thực hiện nghĩa vụ công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý, trở thành cầu nối giữa chính quyền và nhân dân, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội, ổn định chính trị, giảm thiểu các khiếu kiện sai, vượt cấp. Trong thành tích chung đó, có sự đóng góp tích cực của đội ngũ cộng tác viên trợ giúp pháp lý.
Hà Tĩnh hiện có 161 cộng tác viên, trong đó có 113 cộng tác viên công tác tại cấp huyện và cơ sở (14 cộng tác viên là công chức Phòng Tư pháp các huyện, thành phố, thị xã; 98 cộng tác viên là công chức tư pháp - hộ tịch các xã, phường; 01 cộng tác viên là người có kiến thức pháp luật và có uy tín trong cộng đồng); có 32 cộng tác viên là cán bộ, công chức đang công tác tại các cơ quan, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh (có 15 người là công chức thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng); 16 cộng tác viên là luật sư.
Về trình độ chuyên môn, có 04 cộng tác viên có trình độ thạc sỹ; 137 cộng tác viên có trình độ đại học (trong đó có 133 cộng tác viên có trình độ đại học luật; 04 cộng tác viên có trình độ đại học khác); 19 cộng tác viên có trình độ cao đẳng, trung cấp. Về độ tuổi, có 06 cộng tác viên trên 60 tuổi; có 66 cộng tác viên có độ tuổi từ 40 - 60 tuổi; có 88 cộng tác viên có độ tuổi từ 25 - 40 tuổi.
Từ năm 2007 đến nay, đội ngũ này đã được tham gia 21 lớp tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật và kỹ năng trợ giúp pháp lý, tham gia thực hiện tư vấn hướng dẫn 3.695 việc ngay tại cơ sở. Luật sư tham gia với tư cách cộng tác viên trợ giúp pháp lý của Trung tâm ngày càng trẻ hóa, tăng về số lượng và chất lượng. Nếu như trước đây, luật sư tham gia trợ giúp pháp lý ở Hà Tĩnh chủ yếu là những luật sư đã nghỉ hưu ở các cơ quan tiến hành tố tụng về tham gia hành nghề rồi tham gia trợ giúp pháp lý thì đến nay, các luật sư trẻ, các luật sư có uy tín, kinh nghiệm cũng đã tham gia tích cực trong tố tụng và đại diện ngoài tố tụng, từ 2007 đến nay, các luật sư cộng tác viên đã tham gia trợ giúp pháp lý trong tố tụng 368 vụ việc, thực hiện tư vấn, hướng dẫn 1.474 việc cho người được trợ giúp pháp lý.
Nhìn chung, đội ngũ cộng tác viên trợ giúp pháp lý ở Hà Tĩnh trong thời gian qua đã được củng cố, kiện toàn về số lượng và không ngừng nâng cao về chất lượng thực hiện trợ giúp pháp lý. Đội ngũ này đã góp phần quan trọng cùng với đội ngũ trợ giúp viên pháp lý thực hiện tốt Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 - 2025, phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, thực sự là cầu nối để hướng mạnh công tác trợ giúp pháp lý về cơ sở, đưa pháp luật vào cuộc sống, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng, tạo niềm tin của nhân dân đối với pháp luật và chính quyền, thực hiện dân chủ, giữ gìn sự ổn định, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của đội ngũ cộng tác viên tại địa bàn Hà Tĩnh trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Cụ thể:
Thứ nhất, nhu cầu trợ giúp pháp lý của đối tượng được trợ giúp pháp lý ở cơ sở ngày càng cao nhưng việc kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cộng tác viên chưa đáp ứng được những yêu cầu đặt ra của thực tiễn.
Thứ hai, hoạt động của một số cộng tác viên còn mang tính hình thức, chưa phát huy được lợi thế gần dân, sát dân và bảo đảm tạo thuận lợi cho dân trong việc tiếp cận hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí.
Thứ ba, đội ngũ cộng tác viên tuy đông nhưng chất lượng chưa đồng đều; kỹ năng tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý còn hạn chế; thời gian cộng tác viên tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý chưa nhiều, nhất là các cộng tác viên công tác tại các cơ quan, ban ngành của tỉnh, huyện.
Thứ tư, số lượng luật sư tham gia cộng tác viên chưa nhiều mới chỉ có 16/28 (chiếm 53,5%) luật sư tham gia. Việc tham gia cộng tác viên trợ giúp pháp lý của luật sư chưa thường xuyên; chưa có sự kết nối giữa luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo yêu cầu của Nhà nước và luật sư thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý bắt buộc theo Luật Luật sư.
Thứ năm, tình trạng cộng tác viên chưa nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ việc, không tham gia đầy đủ vào các hoạt động tư vấn, tố tụng (gặp bị can, bị cáo; thu thập chứng cứ…) vẫn còn xảy ra làm ảnh hưởng đến chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý và quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý.
Thứ sáu, chế độ chính sách đối với các cộng tác viên trợ giúp pháp lý theo quy định của Nhà nước chưa hợp lý dẫn đến nhiều cộng tác viên không mặn mà, tích cực với hoạt động trợ giúp pháp lý.
Từ những kết quả và hạn chế nêu trên, trong thời gian tới, để đội ngũ cộng tác viên trợ giúp pháp lý không ngừng hoàn thiện và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, chúng ta cần làm tốt một số nội dung sau:
Một là, trên cơ sở yêu cầu nhiệm vụ do pháp luật trợ giúp pháp lý đặt ra cần rà soát lại đội ngũ cộng tác viên, lựa chọn những người có phẩm chất, năng lực, nhiệt tình củng cố, kiện toàn.
Hai là, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho các cộng tác viên, đồng thời cung cấp các văn bản, đề cương, tài liệu để đội ngũ cộng tác viên được cập nhật các kiến thức, văn bản mới ban hành. Tổ chức các cuộc trao đổi, hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ giữa các cộng tác viên với nhau, cùng nhau tháo gỡ vướng mắc khi thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý.
Ba là, nâng cao chế độ bồi dưỡng, chi phí tài chính cho đội ngũ cộng tác viên, biểu dương khen thưởng kịp thời những cộng tác viên thực hiện có chất lượng, hiệu quả các vụ việc trợ giúp pháp lý để họ có động lực hơn trong hoạt động của mình.
Bốn là, tăng cường công tác quản lý, theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ đối với đội ngũ cộng tác viên, phân công vụ việc hoặc mời cộng tác viên tham gia thực hiện các vụ việc trợ giúp pháp lý phù hợp với đối tượng, hình thức, lĩnh vực, phương thức, phạm vi trợ giúp pháp lý.
Năm là, tăng cường thực hiện đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định để đảm bảo chất lượng và nâng cao hiệu quả của vụ việc trợ giúp pháp lý do đội ngũ cộng tác viên thực hiện.
* Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hà Tĩnh