Thứ nhất, đối với những trường hợp công chức đang công tác tại các cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (không phải công tác tại Sở Tư pháp), đã được quy hoạch và được cấp có thẩm quyền có định hướng bố trí giữ chức vụ trưởng phòng tại các phòng công chứng. Đây là công việc bình thường và đương nhiên trong công tác cán bộ tại địa phương. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành tại khoản 2 Điều 19 Luật Công chứng năm 2014 thì trưởng phòng công chứng phải là công chứng viên. Cùng với đó, để được bổ nhiệm công chứng viên thì phải bảo đảm các tiêu chuẩn, trong đó có điều kiện “phải hoàn thành tập sự hành nghề công chứng viên theo thời gian quy định là 12 tháng đối với người có giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng”. Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là việc tập sự hành nghề công chứng được thực hiện như thế nào (trong trường hợp đã qua lớp đào tạo nghề công chứng theo quy định). Bởi lẽ, những trường hợp này đang công tác tại các cơ quan khác, không thể bố trí thời gian để đến các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện việc tập sự trong thời gian dài như vậy. Mặt khác, theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư số 04/2015/TT-BTP thì: “Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được đăng ký tập sự: …Người đang là cán bộ, công chức, viên chức (trừ viên chức làm việc tại phòng công chứng)...”. Đây là vấn đề vướng mắc đang nảy sinh trong thực tế. Thiết nghĩ, Bộ Tư pháp cần phối hợp với các bộ, ngành có liên quan sớm có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Nên chăng, quy định rút ngắn thời gian tập sự đối với những trường hợp này, đồng thời cho phép vận dụng thời gian tập sự, nghiên cứu công việc vào thời điểm ngoài giờ hành chính và các ngày nghỉ (vì các tổ chức hành nghề công chứng làm việc cả các ngày thứ bảy, chủ nhật). Hoặc cũng có thể quy định thời gian những trường hợp này công tác, làm việc tại các cơ quan hành chính nhà nước được xem như là thời gian tập sự hành nghề công chứng. Không nên quy định “cứng” đối với điều kiện “trưởng phòng công chứng phải là công chứng viên” bởi lẽ, trên thực tế thì đã có những trường hợp giữ chức vụ phó trưởng phòng phụ trách phòng công chứng không phải là công chứng viên, trong khi đó thì giữa hai chức danh trưởng phòng công chứng và phó trưởng phòng phụ trách phòng công chứng về thực tế thì không khác gì nhau, họ đều quản lý, điều hành phòng công chứng và đều hưởng quyền lợi, chịu trách nhiệm như nhau trong việc điều hành đơn vị phòng công chứng. Có như vậy, thì mới bảo đảm việc thực hiện tập sự hành nghề công chứng đối với các trường hợp này và cũng đồng thời đảm bảo cho các địa phương, đơn vị vận dụng trong công tác cán bộ liên quan đến việc luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác.
Thứ hai, đối với những trường hợp công chức, viên chức đang công tác tại các đơn vị chuyên môn, nghiệp vụ, đơn vị sự nghiệp khác thuộc Sở Tư pháp đã được quy hoạch, dự kiến bố trí làm công chứng viên tại các phòng công chứng. Cũng tương tự như các trường hợp trên, việc tập sự của các trường hợp này là rất khó khăn, vì lý do biên chế, lý do công việc và các quy định của pháp luật hiện hành. Theo quy định thì những trường hợp này nếu muốn đủ điều kiện để được bổ nhiệm công chứng viên thì cũng phải thực hiện việc tập sự hành nghề công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng. Tuy nhiên, hiện tại họ đang làm việc tại các đơn vị chuyên môn, sự nghiệp thuộc Sở Tư pháp (không phải tại các phòng công chứng) thì việc tập sự được thực hiện như thế nào. Rất cần được cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Thực tế, tại một số địa phương đang cần tạo nguồn từ công chức, viên chức thuộc Sở Tư pháp để đề nghị bổ nhiệm công chứng viên nhưng gặp phải vướng mắc quy định hiện hành về tập sự hành nghề công chứng. Theo như quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư số 04/2015/TT-BTP thì các trường hợp là công chức, viên chức (không đang công tác tại phòng công chứng) thuộc các Sở Tư pháp không thể nào thực hiện được việc tập sự hành nghề công chứng để bảo đảm đủ điều kiện được bổ nhiệm công chứng viên. Hiện tại, một số Sở Tư pháp dự kiến “vận dụng” việc tập sự hành nghề công chứng đối với các trường hợp này bằng việc ban hành quyết định biệt phái đến công tác tại các phòng công chứng đối với những trường hợp này. Tuy nhiên, việc làm này chỉ được thực hiện thuận lợi đối với những Sở Tư pháp được phân bổ số lượng biên chế công chức hợp lý; còn đối với những Sở Tư pháp có số lượng biên chế công chức ít thì rất khó khăn và có thể nói là không thể thực hiện việc này. Mặt khác, có Sở Tư pháp cũng dự kiến vận dụng bằng việc ban hành quyết định điều động những trường hợp này đến công tác tại các phòng công chứng. Tuy nhiên, vướng mắc về việc quy định, phân định rõ ràng giữa viên chức và công chức theo Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Luật Viên chức năm 2010. Theo quy định thì người lao động làm việc tại các phòng công chứng là viên chức (trừ chức danh trưởng phòng), trong khi đó những trường hợp công tác tại các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở Tư pháp là công chức. Như vậy, việc điều động đối với những trường hợp từ công chức thành viên chức là phải theo quy trình và quy định của pháp luật có liên quan, không dễ dàng thực hiện và phải xin ý kiến quyết định của cấp có thẩm quyền (cụ thể là Sở Nội vụ). Mặt khác, trong trường hợp chỉ tiêu biên chế được giao cho các phòng công chứng đã được sử dụng hết thì “phương án” này cũng không thể thực hiện được. Nên chăng, Bộ Tư pháp sớm có quy định cụ thể về những trường hợp này được miễn thời gian tập sự hành nghề công chứng, bởi lẽ họ đang công tác tại các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở Tư pháp, quản lý nhà nước về lĩnh vực công chứng hoặc cũng có thể quy định cụ thể việc tập sự hành nghề công chứng ngoài thời gian hành chính hoặc các ngày nghỉ tại các tổ chức hành nghề công chứng đối với những trường hợp này. Như vậy, sẽ thuận lợi hơn cho các địa phương trong việc phát triển nguồn công chứng viên và tạo điều kiện cho các Sở Tư pháp thuận tiện trong công tác tổ chức cán bộ có liên quan.
Những vướng mắc này rất cần được cấp có thẩm quyền, mà cụ thể là Bộ Tư pháp hướng dẫn cụ thể, rõ ràng để các đơn vị, địa phương, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và tình hình thực tế.
Nguyễn Xuân Viễn