1. Khái niệm và tư cách pháp lý của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
Khái niệm người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (NCQLNVLQ) đã được quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sau đó tiếp tục giữ nguyên tại khoản 4 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 (sau đây gọi tắt là Luật Thi hành án dân sự). Theo đó, NCQLNVLQ được xác định là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của đương sự. Tương tự như phạm vi khái niệm “người được thi hành án” và “người phải thi hành án”, phạm vi chủ thể “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” cũng được Luật Thi hành án dân sự quy định gồm cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Thứ nhất, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
Các quy định về cá nhân được quy định từ Điều 16 đến Điều 73 Chương III Bộ luật Dân sự năm 2015. Khi xác định NCQLNVLQ trong thi hành án dân sự (THADS) cần lưu ý một số vấn đề như năng lực pháp luật dân sự của cá nhân và năng lực hành vi dân sự của cá nhân (quy định tương ứng tại Điều 16, Điều 19 Bộ luật Dân sự năm 2015). Theo đó, năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Điều 20 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định người thành niên là người từ đủ 18 tuổi trở lên, người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp mất năng lực hành vi dân sự (Điều 22), người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (Điều 23) và hạn chế năng lực hành vi dân sự (Điều 24). Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
Thứ hai, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là tổ chức
Mặc dù không định nghĩa rõ khái niệm tổ chức, tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã phân biệt nhiều loại tổ chức khác nhau với đặc điểm, cơ cấu, tư cách pháp lý cũng khác nhau (từ Điều 74 đến Điều 96). Tổ chức được hiểu là: “Tập hợp người được tổ chức lại, hoạt động vì những quyền lợi chung, nhằm một mục đích chung”[1]. Tổ chức gồm: Tổ chức có tư cách pháp nhân và tổ chức không có tư cách pháp nhân. Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi thỏa mãn đầy đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2015[2]. Tùy thuộc vào đặc điểm, tư cách pháp lý của từng loại NCQLNVLQ khác nhau mà trong quá trình tổ chức thi hành án, chấp hành viên phải nghiên cứu các lĩnh vực pháp luật khác nhau bảo đảm thực hiện đúng bản án, quyết định, bảo vệ tối đa quyền lợi, nghĩa vụ của đương sự và NCQLNVLQ.
Thứ ba, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan
Đến nay, pháp luật THADS cũng chưa có quy định giải thích cụ thể khái niệm “cơ quan” là NCQLNVLQ trong quá trình THADS. Tuy nhiên, thực tiễn công tác THADS cho thấy, khái niệm “cơ quan” ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, có thể là cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan nhà nước, cơ quan hành chính nhà nước (Điều 97, Điều 99, Điều 100 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Khác với quy định của Luật Thi hành án dân sự (đương sự chỉ bao gồm người được thi hành án và người phải thi hành án, không bao gồm NCQLNVLQ), Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định đương sự trong vụ án dân sự không những gồm nguyên đơn, bị đơn mà còn bao gồm cả NCQLNVLQ (cơ bản giống với quy định tại Điều 3 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004)[3]. Đương sự trong việc dân sự bao gồm người yêu cầu giải quyết việc dân sự và NCQLNVLQ[4].
So với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 ngoài việc kế thừa khái niệm NCQLNVLQ trong vụ án dân sự còn bổ sung thêm khái niệm NCQLNVLQ trong việc dân sự. Theo đó, NCQLNVLQ trong việc dân sự là người tuy không yêu cầu giải quyết việc dân sự nhưng việc giải quyết việc dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc đương sự trong việc dân sự đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là NCQLNVLQ. Trường hợp giải quyết việc dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là NCQLNVLQ thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là NCQLNVLQ trong việc dân sự (khoản 6 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).
Vấn đề pháp lý đặt ra liên quan đến NCQLNVLQ đó là xác định rõ phạm vi chủ thể những cá nhân, tổ chức, cơ quan nào được gọi là NCQLNVLQ trực tiếp đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của đương sự. Việc xác định chính xác, đúng đối tượng NCQLNVLQ ngay từ giai đoạn đầu của quá trình thi hành án cũng như trong suốt quá trình thi hành án nhằm mục đích bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án và quyền lợi cơ bản của người phải thi hành án, đồng thời không xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước và lợi ích công cộng. Nếu không xác định đầy đủ các mối quan hệ pháp lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thi hành án, không xác định hết người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì kết quả thi hành án có nguy cơ bị khiếu nại, tố cáo hoặc có thể đối mặt với nhiều hệ quả pháp lý khác, quyền lợi của các bên liên quan có thể sẽ không được bảo đảm theo bản án, quyết định.
Quá trình tổ chức thi hành án được coi là giai đoạn cuối cùng nhằm bảo đảm thực hiện trên thực tế quyền và nghĩa vụ của các bên đương sự và các bên có liên quan trong bản án, quyết định[5]. Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp Tòa án xác định được hết phạm vi NCQLNVLQ nên vẫn ra bản án, quyết định. Theo quy định của pháp luật THADS thì trong một số trường hợp theo quy định của pháp luật, bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật vẫn được tổ chức thi hành[6]. Tuy nhiên, sự phát hiện ra NCQLNVLQ trong giai đoạn thi hành án hoặc sự xuất hiện bất ngờ của họ sẽ dẫn đến những hệ quả pháp lý khác nhau như: Bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đã hoặc đang được thi hành có thể sẽ bị tuyên hủy và đề nghị xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm[7] dẫn đến nhiều vướng mắc, bất cập[8].
2. Quy định quyền và nghĩa vụ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
Một là, quyền được thông báo, tham gia vào việc thực hiện biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án mà mình có liên quan. Theo quy định tại Điều 39 Luật Thi hành án dân sự, quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập và văn bản khác có liên quan đến việc thi hành án phải thông báo cho đương sự, NCQLNVLQ để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ theo nội dung của văn bản đó. Theo đó, NCQLNVLQ có quyền được thông báo về THADS theo các hình thức: Trực tiếp, niêm yết công khai hoặc thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc thông báo phải thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra văn bản, trừ trường hợp cần ngăn chặn đương sự tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án[9].
NCQLNVLQ còn có quyền được nhận thông báo về thi hành án bằng điện tín, fax, email hoặc hình thức khác. Việc thông báo trực tiếp có thể được thực hiện theo hình thức đó nếu không gây trở ngại cho cơ quan THADS. Họ cũng có quyền từ chối không nhận thông báo về THADS, khi đó, việc thông báo sẽ được lập thành biên bản, có chữ ký của người chứng kiến và được coi là hợp lệ.
Khắc phục thiếu sót trong quy định tại khoản 2 Điều 40 Luật Thi hành án dân sự (mới chỉ quy định về việc giao thông báo cho người thân thích của đương sự trong trường hợp đương sự vắng mặt mà chưa quy định việc giao thông báo trong trường hợp NCQLNVLQ vắng mặt), Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/03/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự đã bổ sung quy định: “Trường hợp người được thông báo là NCQLNVLQ vắng mặt thì việc thông báo cho họ thông qua người thân thích được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 40 Luật Thi hành án dân sự”. Đối với việc thực hiện các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án thì NCQLNVLQ được thông báo về việc cưỡng chế thi hành án#.
Hai là, được yêu cầu Tòa án xác định, phân chia quyền sở hữu, sử dụng tài sản; yêu cầu Tòa án giải thích những điểm chưa rõ, đính chính lỗi chính tả hoặc số liệu sai sót; khởi kiện dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp có tranh chấp về tài sản liên quan đến thi hành án. Tương tự như người phải thi hành án, người được thi hành án, NCQLNVLQ cũng có quyền yêu cầu Tòa án xác định, phân chia quyền sở hữu, sử dụng tài sản; yêu cầu Tòa án giải thích những điểm chưa rõ, đính chính lỗi chính tả hoặc số liệu sai sót; khởi kiện dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp có tranh chấp về tài sản liên quan đến thi hành án.
Ba là, quyền khiếu nại, tố cáo về thi hành án. Quyền khiếu nại, tố cáo của NCQLNVLQ được quy định cụ thể tại Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018, Luật Thi hành án dân sự (Điều 140, Điều 154). Theo đó, NCQLNVLQ có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan THADS, chấp hành viên nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Bốn là, NCQLNVLQ có nghĩa vụ thực hiện nghiêm chỉnh các quyết định, yêu cầu của chấp hành viên trong thi hành án. NCQLNVLQ có nghĩa vụ thực hiện nghiêm chỉnh các quyết định, yêu cầu của chấp hành viên trong thi hành án. Theo quy định tại khoản 2 Điều 165 Luật Thi hành án dân sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện các quyết định về thi hành án thì tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường; nếu là cá nhân thì còn có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Năm là, NCQLNVLQ có nghĩa vụ thông báo cho cơ quan THADS khi có thay đổi về địa chỉ, nơi cư trú. Khoản 3 Điều 40 Luật Thi hành án dân sự quy định trường hợp người được thông báo đã chuyển đến địa chỉ mới thì phải thông báo theo địa chỉ mới của người được thông báo. Do đó, khi thay đổi địa chỉ, NCQLNVLQ phải có nghĩa vụ thông báo kịp thời cho cơ quan THADS.
3. Thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
Thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật về NCQLNVLQ trong giai đoạn THADS vẫn còn một số bất cập, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, cụ thể:
Thứ nhất, cần có sự phân định rõ về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong giai đoạn xét xử của Tòa án với giai đoạn thi hành án
Ví dụ 1: Bản án của Tòa án nhân dân huyện X tuyên: Ông A, bà B phải thanh toán trả Ngân hàng TMCP Z số tiền nợ là 1.000.000.000 đồng (một tỷ đồng). Trong trường hợp ông A bà B không có khả năng thanh toán trả nợ, Ngân hàng có quyền đề nghị cơ quan THADS kê biên phát mại tài sản thế chấp là thửa đất số 25, tờ bản đố số 01, tại thôn X, huyện Y đứng tên chủ sử dụng là ông A, bà B. Trong giai đoạn xét xử, do có nhiều người liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ông A, bà B nên Tòa án xác định rất nhiều NCQLNVLQ trong bản án. Bản án xác định: Nguyên đơn là Ngân hàng TMCP Z; bị đơn là ông A, bà B; những NCQLNVLQ bao gồm: Ông K là người chuyển nhượng thửa đất nói trên cho ông X, ông X lại chuyển nhượng tiếp cho ông T, ông T lại chuyển nhượng tiếp cho ông A, bà B mảnh đất này; bên cạnh đó, NCQLNVLQ còn được xác định bao gồm cả ông C, bà D (bố mẹ ông A), cháu Nguyễn Văn E, cháu Nguyễn Ngọc T (cháu E và cháu T đều còn nhỏ, là con của ông A, bà B). Vậy tới giai đoạn thi hành án, cần xác định “NCQLNVLQ” ở đây gồm những ai? Về vấn đề này hiện nay vẫn còn có những quan điểm khác nhau:
(i) Quan điểm thứ nhất cho rằng: Trong trường hợp bản án, quyết định của Tòa án có ghi tên những NCQLNVLQ thì quyết định thi hành án cũng phải ghi đầy đủ tên những người này, đồng nghĩa với việc những người này cũng chính là NCQLNVLQ trong giai đoạn thi hành án;
(ii) Quan điểm thứ hai cho rằng: Ở đây, cơ quan THADS chỉ cần xác định người phải thi hành án là ông A, bà B, còn đối với những NCQLNVLQ trong giai đoạn xét xử của Tòa án, không phải trường hợp nào cũng là những NCQLNV liên quan trong giai đoạn thi hành án, nên không cần đưa vào quyết định thi hành án.
Ví dụ 2[10]: A cho B mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; B dùng nó để thế chấp vay vốn tại ngân hàng C, sau đó A khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy hợp đồng thế chấp giữa B và ngân hàng C do những sai phạm trong ký kết hợp đồng thế chấp. Tòa án xác định A là bên khởi kiện, ngân hàng C là bên bị kiện; B là NCQLNVLQ. Bản án có hiệu lực của Tòa án tuyên hủy hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất giữa B và ngân hàng C, buộc ngân hàng trả lại cho A giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Như vậy, với nội dung bản án trên thì ở giai đoạn thi hành án chỉ xuất hiện hai chủ thể là người được thi hành án là A, người phải thi hành án là ngân hàng C; còn B không xuất hiện với tư cách gì cả. B không thể là chủ thể có quyền yêu cầu cơ quan THADS ra quyết định thi hành án buộc ngân hàng C trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mình (không phải vì B là NCQLNVLQ mà do B không được hưởng quyền và phải thực hiện nghĩa vụ gì như trong bản án có hiệu lực đã tuyên hoặc có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của đương sự).
Từ những ví dụ và phân tích nêu trên có thể thấy rằng: Người xuất hiện với tư cách NCQLNVLQ trong giai đoạn xét xử vụ án dân sự nhưng không hẳn là sẽ có quyền xuất hiện với tư cách đó trong giai đoạn thi hành án mà còn phụ thuộc vào quyền và nghĩa vụ của các bên phải thực hiện trong nội dung bản án. Mặt khác, người xuất hiện với tư cách là NCQLNVLQ trong giai đoạn thi hành án thì chưa chắc trước đó đã xuất hiện với tư cách NCQLNVLQ trong bản án dân sự[11]. Do đó, NCQLNVLQ được xác định trong bản án có hiệu lực của Tòa án không đồng nhất NCQLNVLQ trong giai đoạn thi hành chính bản án đó nên không thể mặc nhiên coi NCQLNVLQ trong giai đoạn xét xử của Tòa án thành NCQLNVLQ trong giai đoạn thi hành án.
Việc xác định có nên đưa những NCQLNVLQ trong bản án vào quyết định thi hành án hay không là một vấn đề rất quan trọng, bởi điều này liên quan trực tiếp đến quá trình tổ chức thi hành án. Trong quá trình tổ chức thi hành án, chấp hành viên phải thực hiện rất nhiều tác nghiệp. Việc xác định phạm vi đối tượng NCQLNVLQ quá rộng dẫn đến tạo thêm các thủ tục và gây kéo dài thời gian tổ chức thi hành án. Ví dụ, về việc thông báo thi hành án, trong trường hợp có quá nhiều NCQLNVLQ, chấp hành viên phải thực hiện rất nhiều thủ tục thông báo thi hành án (trong đó có cả những đối tượng không liên quan đến việc thi hành án của đương sự). Việc này làm ảnh hưởng rất nhiều đến tiến trình giải quyết công việc của chấp hành viên. Mặt khác, việc đưa quá nhiều người liên quan vào quá trình thi hành án, cũng có thể dẫn đến những hệ quả nhất định, khi có những người lợi dụng các quyền của những NCQLNVLQ do pháp luật quy định để gây khó khăn cho quá trình giải quyết việc thi hành án. Do đó, cần thiết sửa đổi, bổ sung bảo đảm sự thống nhất giữa Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Thi hành án dân sự liên quan đến tư cách pháp lý của NCQLNVLQ trong giai đoạn xét xử và giai đoạn THADS.
Thứ hai, cần có sự phân biệt “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan” và “người thứ ba” trong thi hành án dân sự
Luật Thi hành án dân sự cũng có nhiều quy định đề cập đến nhiệm vụ, quyền hạn của người thứ ba, ví dụ, khoản 4 Điều 54, khoản 2 Điều 66, khoản 3 Điều 71, khoản 6 Điều 73, Điều 81, Điều 91, Điều 105, khoản 1 Điều 107, khoản 1 Điều 116, khoản 3 Điều 135 và Điều 6 Thông tư số 200/2016/TT-BTC ngày 09/11/2016 của Bộ Tài chính quy định việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan THADS, kinh phí cưỡng chế THADS.
Khái niệm “người thứ ba” chưa được giải thích cụ thể trong Luật Thi hành án dân sự, tuy nhiên, có thể được hiểu đó là bất kỳ tổ chức, cá nhân, cơ quan nào mà quyền lợi, nghĩa vụ của họ có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc tổ chức thi hành án, xuất hiện trước hoặc phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành án. Trong khi đó, NCQLNVLQ là những chủ thể (cá nhân, cơ quan, tổ chức) có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đương sự trong quá trình tổ chức thi hành án, và thông thường thì NCQLNVLQ là những chủ thể có thể dễ dàng xác định trên cơ sở bản án, quyết định của Tòa án hoặc có thể xác định rõ ràng, cụ thể các đặc điểm pháp lý của họ (tên, địa chỉ, nghề nghiệp hoặc lĩnh vực hoạt động) và những mối quan hệ ràng buộc giữa quyền lợi, nghĩa vụ của họ với quyền lợi, nghĩa vụ của người được thi hành án, người phải thi hành án.
Có thể kể đến một số trường hợp liên quan đến “người thứ ba” trong thi hành án như: (i). Trường hợp xác định người thứ ba đang giữ giấy tờ phải giao, trả (Điều 116 Luật Thi hành án dân sự); (ii). Trường hợp người thứ ba đang giữ tiền của người phải thi hành án (Điều 81 Luật Thi hành án dân sự); (iii). Trường hợp “người thứ ba” phải chịu chi phí về thi hành án (Điều 6 Thông tư số 200/2016/TT-BTC ngày 09/11/2016 của Bộ Tài chính quy định việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan THADS, kinh phí cưỡng chế thi hành án).
Có thể thấy, việc xác định rõ ràng, đầy đủ NCQLNVLQ trong giai đoạn THADS là vô cùng quan trọng và cần thiết, nó có tác động qua lại và ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả thi hành án. Tuy nhiên, trong thực tiễn, việc xác định tư cách pháp lý của NCQLNVLQ trong giai đoạn THADS vẫn còn nhiều bất cập, cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác THADS trong thời gian tới.
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Xuyên, Hà Nội
TS. Nguyễn Văn Nghĩa
Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp
[1]. Hoàng Phê, Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, năm 2008, tr.1.249.
[2]. Xem: Khoản 1 Điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[3]. ThS. Hoàng Thị Thanh Hoa, Hồ Quân Chính, ThS. Nguyễn Văn Nghĩa; Bình luận Luật Thi hành án dân sự, Nxb. Tư pháp, năm 2019; tr. 83.
[4]. Khoản 1 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[5]. Nguyễn Thị Tuyết, “Không đưa đầy đủ người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng, bản án sơ thẩm bị Tòa án cấp phúc thẩm xử hủy”; http://vksbacgiang.gov.vn/chuyendephapluat/59/7001; ngày đăng: 22/9/2017; ngày truy cập: 09/2/2021.
[6]. Khoản 2 Điều 2 Luật Thi hành án dân sự.
[7]. Nguyễn Thị Tuyết, “Không đưa đầy đủ người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng, bản án sơ thẩm bị Tòa án cấp phúc thẩm xử hủy”; http://vksbacgiang.gov.vn/chuyendephapluat/59/7001; ngày đăng: 22/9/2017; ngày truy cập: 09/2/2021.
[8]. ThS. Hoàng Thị Thanh Hoa, Hồ Quân Chính, ThS. Nguyễn Văn Nghĩa; Bình luận Luật Thi hành án dân sự, Nxb. Tư pháp, năm 2019, tr. 617 - 627.
[9]. Điều 38 Luật Thi hành án dân sự.
[10]. Huy Hùng, Một số ý kiến trao đổi về “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong thi hành án dân sự”: Những vướng mắc, bất cập và đề xuất hướng giải quyết; https://thads.moj.gov.vn/noidung/tintuc/lists/nghiencuutraodoi/view_ detail.aspx?itemid=940; ngày đăng: 16/3/2020; ngày truy cập: 21/01/2021.
[11]. Huy Hùng, Một số ý kiến trao đổi về “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong thi hành án dân sự”: Những vướng mắc, bất cập và đề xuất hướng giải quyết; https://thads.moj.gov.vn/noidung/tintuc/lists/nghiencuutraodoi/view_ detail.aspx?itemid=940; ngày đăng: 16/3/2020; ngày truy cập: 21/01/2021.