Abstract: This article raises practical experience of evidence examination, collection in divorce cases by request of splitting marital assets.
Trong tố tụng dân sự, nghĩa vụ chứng minh trước hết thuộc về đương sự. Mỗi một bên đương sự khi tham gia tố tụng đều cần phải chứng minh tất cả các tình tiết, sự kiện của vụ án dân sự mà trên cơ sở đó họ đưa yêu cầu hay phản đối yêu cầu của người khác. Trong mối tương quan giữa các đương sự, thì nguyên đơn phải chứng minh trước. Nguyên đơn phải đưa ra các chứng cứ, căn cứ pháp lý để chứng minh trên cơ sở đó quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn được xác lập. Bị đơn phản đối lại yêu cầu của nguyên đơn thì phải đưa ra các chứng cứ, căn cứ pháp lý làm cơ sở cho sự phản đối của mình. Pháp luật quy định đương sự có nghĩa vụ chứng minh vì họ là người trong cuộc nên thường biết rõ về vụ việc, có điều kiện cung cấp các tin tức và nguồn gốc của vụ việc. Tuy nhiên, hiệu quả của việc chứng minh lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, sự thiếu bình đẳng về nghĩa vụ chứng minh của đương sự có thể dẫn đến hậu quả chỉ có một bên đưa ra được chứng cứ, lý lẽ chứng minh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, Tòa án có thể nhận thức sai sự việc từ đó giải quyết sự việc không đúng với bản chất của nó. Đối với Viện kiểm sát có nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo cho việc giải quyết vụ án dân sự kịp thời, đúng pháp luật, khi thực hiện các quyền này, Viện kiểm sát có nghĩa vụ cung cấp các chứng cứ, tài liệu để chứng minh cho yêu cầu kiến nghị, kháng nghị của mình là có căn cứ và hợp pháp hay nói cách khác, Viện kiểm sát cũng có nghĩa vụ chứng minh.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, tài sản chung của vợ chồng bao gồm: Tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung; thu nhập của vợ, chồng được hiểu là những lợi ích vật chất mà vợ, chồng có được từ hoạt động nào đó, bao gồm các khoản tiền công, tiền lương phát sinh từ việc tham gia lao động; hoa lợi, lợi tức phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là khoản thu nhập thường xuyên và có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống gia đình cũng như đối với sự phát triển xã hội.
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng quy định về căn cứ, nguồn gốc, thành phần các loại tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng trên cơ sở không áp dụng chế độ hôn ước, mà áp dụng chế độ tài sản pháp định, cụ thể là chế độ cộng đồng tạo sản. Đặc biệt Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng quy định cả nguyên tắc suy đoán để xác định những tài sản giữa vợ chồng đang có tranh chấp nhưng không đủ cơ sở chứng minh là tài sản riêng của vợ, chồng. Theo đó những tài sản này được coi là khối tài sản chung của vợ chồng.
Để xác định tài sản chung, căn cứ pháp lý để xác lập tài sản chung vợ chồng là thời kỳ hôn nhân và là căn cứ cơ bản nhất, về nguyên tắc, tất cả tài sản do vợ chồng tạo ra, không cần thiết là cả hai cùng trực tiếp tạo ra, không phụ thuộc vào điều kiện, công sức đóng góp của vợ hoặc chồng. Đặc điểm tài sản chung của vợ chồng là tài sản thuộc hình thức sở hữu chung hợp nhất, thời kỳ hôn nhân được hiểu là “khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng tính từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân”. Thực tiễn giải quyết các vụ án hôn nhân và gia đình cho thấy, khi vợ chồng có tranh chấp về tài sản, Tòa án cần xác định rõ tài sản nào là tài sản chung của vợ chồng, tài sản nào là tài sản riêng của mỗi bên. Trong thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng, ranh giới giữa tài sản chung và tài sản riêng dường như không có sự phân biệt. Do đó, việc nhập tài sản riêng của mỗi bên vào tài sản chung của vợ chồng cũng là vấn đề khó xác định. Đặc biệt đối với những trường hợp nguồn gốc nhà, đất, quyền sử dụng đất của một bên có trước khi kết hôn, nhưng trong quá trình chung sống, nhà đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi tên người sử dụng đất là vợ và chồng. Đối với việc vay nợ của vợ chồng, công sức đóng góp tạo dựng tài sản nếu chung sống với gia đình, yêu cầu giải quyết như thế nào, từ đó, yêu cầu họ cung cấp các tài liệu chứng cứ liên quan về tài sản ngay từ khi mới bắt đầu thụ lý và Tòa án cần xác minh thu thập chứng cứ như: Nguồn gốc tài sản do đâu mà có; có từ trước hay sau khi kết hôn; do vợ chồng làm ra hay được tặng, cho thừa kế, được tặng cho chung hay được tặng cho riêng… Nếu là tài sản riêng thì đã nhập vào tài sản chung chưa, các văn bản thể hiện là gì, nếu không có văn bản thì quá trình sử dụng chung tài sản từ bao giờ, vào những việc gì, ai sử dụng, những ai biết, chứng kiến việc đó, ý kiến của người liên quan như thế nào, để từ đó, đánh giá xác định đúng các tài sản nào là tài sản chung, công sức đóng góp và phân chia đúng pháp luật. Nếu việc điều tra thu thập sai, thiếu thì sẽ dẫn đến việc giải quyết không đúng, không đảm bảo được quyền lợi của các đương sự trong vụ án. Mặt khác, việc yêu cầu cung cấp ngay để tránh việc ngụy tạo thêm chứng cứ, mua chuộc người làm chứng hay việc các đương sự lợi dụng tẩu tán tài sản khi đang giải quyết vụ án. Những tranh chấp của vợ chồng về tài sản thường là rất đa dạng, đối với tài sản mà vợ chồng đã cho người khác vay mượn cầm cố bằng tiền hoặc hiện vật của gia đình và có chứng cứ rõ ràng như văn bản, thư từ cụ thể xác nhận việc vay mượn, cầm cố thì Tòa án sẽ xác định những khoản tài sản mà vợ chồng cho vay thuộc tài sản chung vợ chồng.
Về chứng cứ, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, trong quá trình giải quyết vụ án, nếu thấy chứng cứ mà đương sự giao nộp chưa đầy đủ để giải quyết vụ án, thì Tòa án yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung chứng cứ. Trong trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập được chứng cứ và có yêu cầu, thì thẩm phán có thể tiến hành thu thập chứng cứ bằng việc lấy lời khai của đương sự; định giá tài sản; ủy thác thu thập chứng cứ; yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ án. Trường hợp Viện kiểm sát có yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện theo quy định của pháp luật. Tài liệu, chứng cứ được giao nộp tại Tòa án thì Tòa án chịu trách nhiệm bảo quản tài liệu, chứng cứ đó. Tài liệu, chứng cứ không thể giao nộp được tại Tòa án, thì người đang lưu giữ tài liệu, chứng cứ đó có trách nhiệm bảo quản. Trường hợp cần giao tài liệu, chứng cứ cho người thứ ba bảo quản thì thẩm phán ra quyết định và lập biên bản giao cho người đó bảo quản. Người nhận bảo quản phải ký tên vào biên bản, được hưởng thù lao và phải chịu trách nhiệm về việc bảo quản tài liệu, chứng cứ theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm việc hủy hoại tài liệu, chứng cứ. Việc đánh giá chứng cứ phải khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác. Khi đánh giá chứng cứ, Tòa án phải đánh giá từng chứng cứ, sự liên quan giữa các chứng cứ và khẳng định tính hợp pháp, tính liên quan, giá trị chứng minh của từng chứng cứ. Tòa án không công khai nội dung tài liệu, chứng cứ có liên quan đến bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo yêu cầu chính đáng của đương sự nhưng phải thông báo cho đương sự biết những tài liệu, chứng cứ không được công khai.
Trong các vụ án ly hôn có yêu cầu chia tài sản chung vợ chồng, việc xác minh, thu thập chứng cứ là khâu quan trọng quyết định đến phán quyết của bản án. Đây là giai đoạn khó khăn nhất trong quá trình giải quyết vụ án bởi chỉ khi thu thập chứng cứ đầy đủ, khách quan thì Tòa án mới có thể ra được phán quyết chính xác và đúng pháp luật. Do đó, đòi hỏi thẩm phán giải quyết vụ án phải thận trọng nhưng cũng phải nhanh chóng và nhạy cảm khi xác minh, thu thập chứng cứ sao cho đúng trọng tâm, trọng điểm, chính xác và đầy đủ. Tòa án phải yêu cầu các đương sự khai rõ ràng có đăng ký kết hôn hay không, thời gian kết hôn, tài sản chung riêng bao gồm những tài sản gì. Đồng thời, Tòa án phải xác định và tách bạch được tài sản chung và tài sản riêng của vợ chồng.