1. Một số vấn đề về thị trường điện cạnh tranh
Xây dựng thị trường điện cạnh tranh cũng không nằm ngoài quy luật này, nhất là nền kinh tế Việt Nam đang được vận hành theo cơ chế hàng hóa thị trường. Phát triển thị trường điện cạnh tranh là xu hướng phát triển chung của các nước trên thế giới, là động lực cho hoạt động hiệu quả trong sản xuất kinh doanh điện và phát triển kinh tế - xã hội. Ngành điện Việt Nam không có con đường nào khác, phải nhìn thẳng vào sự thật để tìm mọi giải pháp hữu hiệu đẩy nhanh phát triển thị trường điện canh tranh.
Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hiện đang sở hữu phần lớn công suất các nguồn điện, nắm giữ toàn bộ khâu truyền tải, phân phối và kinh doanh bán lẻ điện. EVN cũng giữ vai trò là đơn vị mua điện duy nhất, Tổng Công ty mua bán điện thuộc EVN mua điện năng từ các nhà máy điện khác ngoài EVN như Tập đoàn đầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV)... để phân phối và bán lẻ điện cho các hộ tiêu thụ điện. Có thể nói, cho đến nay EVN vẫn là tổ chức duy nhất độc quyền kinh doanh điện trong toàn quốc, chưa có sự cạnh tranh ở bất cứ hoạt động nào trong các khâu của ngành điện.
Theo tài liệu của Cục Điều tiết Điện lực, tính đến cuối năm 2010, tổng công suất các nguồn điện toàn hệ thống là 21.542MW. Trong đó, EVN đang quản lý vận hành 24 nhà máy điện với tổng công suất là 14.233MW (chiếm 65,32%), PVN là 2.278MW (chiếm 10,57%, TKV là 1.046MW (chiếm 4,86%), các nhà đầu tư nước ngoài là 2.115MW (chiếm 9,82%), tư nhân là 50MW (chiếm 2,32%), nhập khẩu là 1.000MW (chiếm 4,64%), các loại hình khác là 370MW (chiếm 1,72%). Qua các số liệu trên cho thấy: EVN nắm giữ phần lớn công suất phát điện, các thành phần khác như PVN, TKV chiếm tỷ trong rất nhỏ, với vai trò bổ sung thêm nguồn điện đóng góp vào nguồn điện đang thiếu hụt phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, mà chưa hề mang một dấu ấn gì trong phát điện cạnh tranh và kinh doanh bán điện độc lập.
2. Sự cần thiết hình thành và phát triển thị trường điện tại Việt Nam
Tình trạng thiếu điện kéo dài trong những năm gần đây, chủ yếu xuất phát từ những tồn tại sau của ngành điện hiện nay, như: Tập đoàn điện lực không có khả năng huy động đủ vốn đầu tư tất cả các công trình điện theo quy hoạch; giá điện thấp dẫn đến không khuyến khích tiết kiệm điện và sử dụng điện hiệu quả; khó khăn trong đàm phán ký kết các hợp đồng mua bán điện làm cho việc đầu tư vào ngành điện kém hấp dẫn; giá điện được thiết lập không thông qua cơ chế cạnh tranh, chưa tách bạch được chi phí các khâu, không thể hiện tính minh bạch và tiết kiệm chi phí.
3. Về thực hiện lộ trình thị trường điện cạnh tranh
Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được: Hình thành và phát triển thị trường điện cạnh tranh là chiến lược phát triển dài hạn của Ngành Điện Việt Nam, đã thể hiện trong Luật Điện lực năm 2004 và được cụ thể hóa trong Quyết định số 26/2006/QĐ-TTg ngày 26 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình và các điều kiện hình thành phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam. Theo quyết định trên, thị trường điện Việt Nam sẽ hình thành và phát triển theo 3 cấp độ: Thị trường phát điện cạnh tranh (giai đoạn 2005 - 2014); Thị trường bán buôn cạnh tranh (giai đoạn 2014 - 2022); Thị trường bán lẻ cạnh tranh (giai đoạn sau năm 2022)
Thị trường phát điện cạnh tranh: Là cấp độ đầu tiên của thị trường điện cạnh tranh ở Việt Nam. Trong giai đoạn này, chỉ có cạnh tranh trong khâu phát điện, chưa có cạnh tranh trong khâu bán buôn và bán lẻ điện. Khách hàng sử dụng điện chưa có cơ hội lựa chọn đơn vị bán điện cho mình. Các đơn vị phát điện sẽ cạnh tranh bán điện cho một đơn vị mua buôn duy nhất (Công ty mua bán điện trực thuộc EVN ) trên thị trường giao ngay và qua hợp đồng mua bán điện dài hạn. Cục Điều tiết Điện lực quy định hàng năm tỷ lệ sản lượng điện năng mua bán qua hợp đồng và điện năng giao dịch trên thị trường giao ngay.
Thị trường bán buôn điện cạnh tranh: Hình thành các đơn vị bán buôn mới để tăng cường cạnh tranh trong khâu mua bán điện. Khách hàng lớn và các công ty phân phối được quyền mua điện trực tiếp từ các đơn vị phát điện thông qua thị trường hoặc từ các đơn vị bán buôn. Các đơn vị bán buôn điện cạnh tranh mua điện từ các đơn vị phát điện và cạnh tranh bán điện cho các đơn vị phân phối và khách hàng lớn. Chưa có cạnh tranh trong khâu bán lẻ điện, khách hàng sử dụng nhỏ chưa có quyền lựa chọn đơn vị cung cấp điện.
Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh: Sự cạnh tranh diễn ra ở cả 3 khâu: Phát điện, bán buôn và bán lẻ điện. Khách hàng trên cả nước được lựa chọn đơn vị bán điện cho mình (đơn vị bán lẻ điện) hoặc mua điện trực tiếp từ thị trường. Các đơn vị bán lẻ điện cũng cạnh tranh mua điện từ các đơn vị bán buôn, các đơn vị phát điện hoặc từ thị trường để bán lẻ cho khách hàng sử dụng điện.
4. Cơ sở pháp lý để phát triển thị trường điện cạnh tranh
- Luật Điện lực năm 2004 có quy định: Điều 4 Luật Điện lực quy định chính sách phát triển điện lực; Điều 17 Luật Đn lực quy định nguyên tắc hoạt động của thị trường điện lực; Điều 18 Luật Điện lực quy định các cấp độ hình thành và phát triển thị trường điên; Điều 66 Luật Điện lực quy định nội dung hoạt động điều tiết điện lực;
- Quyết định số 26/2006/QĐ-TTg ngày 26 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt lộ trình và các cấp độ phát triển của thị trường điện lực cạnh tranh tại Việt Nam;
- Quyết định 153/2008/QĐ-TTg: "Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục điều tiết Điện lực thuộc Bộ Công thương" ban hành ngày 28/11/2008;
- Các văn bản liên quan: Quyết định 6713 /QĐ-BCT; Thông tư 32 /2010/TT-BCT; Thông tư 14/2010/TT; Thông tư 13/2010/TT; Thông tư 12/2010/TT-BCT; Nghị định số 68/2010/NĐ-CP; Quyết định số 6941/QĐ;
- Thông tư số 30/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương ngày 2/10/2014 về việc "Quy định vận hành thị trường phát điện cạnh tranh"
5. Chủ trương, chính sách về thực hiện lộ trình thực hiện thị trường điện
Sự hình thành và phát triển thị trường điện với 3 cấp độ là cần thiết. Thực hiện thành công lộ trình phát triển thị trường điện, đưa vào hoạt động thị trường điện cạnh tranh sẽ tạo ra những thay đổi tích cực trong hoạt động điện lực ở Việt Nam, nâng cao được tính minh bạch và hiệu quả trong sản xuất và kinh doanh điện, hạ giá thành, tạo cơ sở giảm giá bán điện. Phát triển thị trường điện cạnh tranh là xu hướng tất yếu của nền kinh tế thị trường, mang lại lợi ích chung cho người cung cấp và người tiêu thụ điện.
Thứ nhất, về lộ trình, phải trải qua 3 cấp độ từ năm 2005 đến 2022 là quá dài, cứng nhắc, các cấp độ thực hiện không có sự đan xen lẫn nhau, phải xong cấp độ này mới chuyển sang cấp độ khác. Như vậy phải sau gần 20 năm thực hiện, đến năm 2022 Việt Nam mới có được thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh. Thực chất đây được xem là một dự án đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong ngành điện nhằm chuyển đổi từ cơ chế hoạt động độc quyền lạc hậu kém hiệu quả sang cơ chế thị trường cạnh tranh hiện đại. Về kinh nghiệm hoạt động quản lý các doanh nghiệp nhà nước cho thấy vẫn tồn tại một thế lực đang nắm giữ và điều hành theo cơ chế cũ, độc quyền không muốn và thậm chí gây cản trở cho quá trình đổi mới. Đành rằng, hình thành và phát triển thị trường điện cạnh tranh ở nước ta là phức tạp và mới mẻ, tuy nhiên nếu không có giải pháp khẩn trương, quyết liệt thì những hậu quả xấu của cơ chế độc quyền vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển, sẽ gây nên những tổn thất khôn lường cho ngành điện và nền kinh tế. Kiến nghị với Chính phủ tập trung nghiên cứu và đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển thị trường điện cạnh tranh ở Việt Nam. Nên chăng tập trung trí tuệ các nhà khoa học, quản lý, chính sách... trong các tổ chức có liên quan đóng góp xây dựng thị trường điện cạnh tranh.
Thứ hai, thực hiện lộ trình thị trường điện cạnh tranh cần gắn liền với tái cơ cấu ngành điện theo Nghị quyết TW3 khóa XI về tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế nhà nước, mô hình ngành điện hiện nay không còn thích hợp với phát triển thị trường điện cạnh tranh. Hiện tại, EVN là đơn vị chiếm phần chi phối lớn nhất (trên 60%) trong khâu phát điện. EVN lại sở hữu vận hành đơn vị mua bán điện duy nhất, Tổng Công ty (TCT) mua bán điện, đơn vị truyền tải, đơn vị vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường. Điều này sẽ không đảm bảo điều kiện cho phát triển thị trường điện cạnh tranh theo đúng Quyết định số 26/2006/QĐ-TTg ngày 26/01/2006. Do đó, để giải quyết những hạn chế của mô hình hiện tại và tạo điều kiện phát triển thị trường điện cạnh tranh, việc tái cấu trúc ngành điện, đặc biệt EVN là một trong những yêu cầu cấp thiết và quan trọng gắn liền với sự phát triển thị trường điện ở Việt Nam có thể là:
Một là, tổ chức lại các nhà máy điện thuộc EVN thành một số Tổng công ty phát điện độc lập với EVN. Yêu cầu trước tiên để thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh là các nhà máy điện tham gia thị trường phải bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các nhà máy điện thuộc EVN và các nhà máy điện thuộc các ngành khác ngoài EVN như PVN, TKV… Muốn vậy, ngoài một số nhà máy điện lớn, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh, Nhà nước tiếp tục nắm giữ; phải tổ chức lại các nhà máy điện thuộc EVN thành một số Tổng công ty phát điện (GENCO) độc lập với EVN. Giải pháp này thực hiện càng sớm sẽ tạo điều kiện thực hiện nhanh chóng cấp độ 1 về phát triển thị trường phát điện cạnh tranh.
Các nhà máy điện có trên lãnh thổ Việt Nam không nhất thiết phải nối lưới điện quốc gia (hoặc nối chỉ để trao đổi) và bán cho TCT mua bán điện thuộc EVN; có quyền bán trực tiếp cho các khách hàng theo quy định của Chính phủ và luật điện lực. Chẳng hạn, nhà máy điện thuộc PVN ở Bà Rịa (Vũng Tàu) có quyền bán điện trực tiếp cho các hộ tiêu thụ của PVN và các ngành khác trong pham vi thích hợp, tương tự đối vơi TKV tại Quảng Ninh…
Hai là, tổ chức lại Tổng Công ty mua bán điện, đơn vị điều độ HTĐ quốc gia, đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện... Ba tổ chức này có mối liên kết rất chặt chẽ về kỹ thuật, kinh tế, tài chính và quản lý, nên chăng tổ chức lại thành một TCT hợp nhất, độc lập với EVN.
Ba là, việc thực hiện cấp độ thị trường bán buôn, bán lẻ điện cạnh tranh sẽ mở rộng sự tham gia đối với các đơn vị trong và ngoài EVN. Hiện EVN đang nắm giữ hầu như toàn bộ bán buôn và bán lẻ. Thực hiện cấp độ này liên quan chặt chẽ tới nội dung tái cấu trúc của EVN và cả ngành điện.
Thứ ba, xây dựng giá điện trên thị trường điện cạnh tranh cần sự minh bạch và dần dần dựa trên quy luật cung cầu, thu chi của các bên mua bán điện. Giá điện ở Việt Nam, từ năm 1992 đến nay đã điều chỉnh tăng trên chục lần, năm 2011 điều chỉnh 2 lần: Ngày 01/3/2011 tăng 15,28% so với năm 2010, ngày 20/12/2011 tăng tiếp 5%. Tính đến nay giá điện bình quân (kể cả thuế VAT) là 1.434 đ/kWh. Biểu giá điện sau mỗi lần điều chỉnh có được cải thiện, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được 3 mục tiêu chủ yếu của định giá điện: Hiệu quả kinh tế, công bằng xã hội, khả thi tài chính.
Biểu giá điện và ban hành các kỳ điều chỉnh giá điện còn chưa thuyết phục, mang nặng cơ chế hành chính, thiếu cơ sở khoa học, thiếu minh bạch nên khó thuyết phục được sự đồng thuận của các khoa học, quản lý, đặc biệt các khách hàng sử dụng điện. Giá điện hiện nay đang thực hiện theo Luật Điện lực ban hành ngày 14/12/2004
6. Cần thay đổi việc xây dựng về giá điện trong thị trường điện cạnh tranh
Một là, về nguyên tắc, việc lập và điều chỉnh giá điện từ nay cho đến khi có được thị trường điện cạnh tranh hoàn hảo ở Việt Nam, cần thiết dựa vào các cơ sở sau đây: (i) Chính sách năng lượng quốc gia, chính sách giá năng lượng và đặc biệt chính sách giá điện; (ii) Điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và khả năng chi trả của người dân; (iii) Quan hệ cung cầu về điện năng; (iv) Chi phí sản xuất kinh doanh và lợi nhuận hợp lý của các đơn vị điện lực nhằm đảm bảo phát triển tài chính cho phát triển ngành điện; (v) Mức độ phát triển của thị trường điện lực.
Hai là, về giá điện, quan trọng nhất là giá bán lẻ bình quân và biểu giá bán lẻ cho các khách hàng trực tiếp dùng điện. Thị trường điện là nơi giao dịch giữa hai đối tượng chủ yếu: Người cung cấp và người tiêu thụ trực tiếp thông qua giá cả. Người cung cấp đối với thị trường điện bao gồm các đơn vị sản xuất, truyền tải, phân phối và quản lý: Người tiêu thụ bao gồm các khách hàng trực tiếp dùng điện. Giá bán điện được xác định trên cơ sở giá thành sản xuất, truyền tải, phân phối và lợi nhuận hợp lý, với sự đồng thuận của khách hàng. Nhà nước sẽ quyết định giá bán lẻ bình quân và biểu giá điện.
Ba là, ý kiến về đề xuất của Bộ Công thương bổ sung giá điện trong Luật Điện lực Việt Nam. Không nên can thiệp vào giá điện để có được thị trường điện cạnh tranh toàn diện và thu hút đầu tư, khắc phục tình trạng thiếu điện như thời gian vừa qua. Thay đổi cách tính giá điện cho phù hợp trong từng giai đoạn.
Như vậy, Việt Nam muôn xây dựng và phát triển thành công thị trường điện cạnh tranh hoàn hảo thì cần hoàn thiện môi trường pháp lý đảm bảo cho thị trường điện cạnh tranh phát triển có hiệu quả:
- Cần có các quy phạm pháp luật để minh bạch giá điện
Giá điện cũng là một vấn đề gây nhiều tranh cãi trong dư luận hiện nay, đặc biệt với giá truyền tải điện. Theo Luật Điện lực quy định thì đơn vị truyền tải điện có trách nhiệm xây dựng giá truyền tải, Cục Điều tiết sẽ có trách nhiệm thẩm định và trình Bộ Công thương phê duyệt. Hiện việc lựa chọn phương pháp tính giá truyền tải vẫn còn đang trong quá trình nghiên cứu, xem xét.
Từ tháng 09/2007, tư vấn quốc tế của Ngân hàng thế giới (WB) đã giúp Cục Điều tiết điện lực thực hiện dự án xây dựng phương pháp lập phí truyền tải điện. Đối với Việt Nam, do đang ở giai đoạn đầu phát triển thị trường điện, đồng thời việc thực hiện mở rộng nguồn và lưới điện tuân thủ theo Tổng sơ đồ Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, vì vậy trên cơ sở phân tích khung pháp lý, đánh giá đặc điểm hệ thống điện Việt Nam và phân tích kinh nghiệm quốc tế, đã tư vấn, kiến nghị Việt Nam nên áp dụng phương pháp tem thư.
- Có các chính sách cụ thể và văn bản hướng dẫn viện thay đổi phương thức thu hút đầu tư vào khâu sản xuất điện
Với bản chất của cạnh tranh, thị trường cạnh tranh chỉ thực sự mang lại hiệu quả và lợi ích khi trên thị trường đó có nhiều đối thủ tham gia. Hiện nay thị phần của EVN còn quá lớn, nguyên nhân không chỉ nằm ở khâu tổ chức mà bởi các nhà đầu tư ngoài khu vực nhà nước, đặc biệt là nhà đẩu tư nước ngoài còn vắng bóng trên thị trường điện Việt Nam. Cho dù có tách các nhà máy điện ra khỏi EVN thì nguồn cung vẫn không thay đổi.
Quả thật trong tình trạng thiếu điện trầm trọng như hiện nay (cầu quá lớn so với cung), cho dù có mở cửa thị trường phát điện canh tranh cũng không tạo được sức ép với các đơn vị phát điện bởi nếu không cho các đơn vị chào giá bán điện thì chỉ tạo thêm áp lực thiếu điện trên thị trường. Do vậy, song song với việc cải tổ thị trường điện theo lộ trình định sẵn, việc sửa đổi các quy định pháp luật hạn chế đối với nhà đầu tư nước ngoài, đưa ra các chính sách ưu đãi hấp dẫn, cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư cũng là một việc làm cần phải tính đến để có thể nâng nguồn cung điện chuẩn bị cho thị trường phát điện cạnh tranh tới đây.
- Hoàn thiện các văn bản pháp luật nhằm cải thiện việc sử dụng điện hiệu quả
Bên cạnh những khó khăn về nguồn cung điện do thiếu đầu tư vào sản xuất điện hay do tình hình khô hạn gây ảnh hưởng tới thủy điện thì hiệu quả sử dụng điện ở Việt Nam cũng là vấn đề cần bàn.
Tiết kiệm điện không còn là vấn đề mới ở Việt Nam. Các chương trình tuyên truyền tiết kiệm điện đã được phổ biến rộng rãi từ lâu. Về phía văn bản pháp luật gần đây nhất có thể kể đến: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả số 50/2010 ngày 28/06/2010, có hiệu lực từ ngày 01/01/2011; Chỉ thị số 171/CT-TTg của Thủ tướng Chính Phủ ngày 26/01/2011 về tăng cường công tác tiết kiệm điện... Tuy nhiên, việc sử dụng điện vẫn còn thiếu hiệu quả, lãng phí, thiết bị công nghệ lạc hậu, hiệu suất sử dụng thấp. Tình trạng lãng phí điện có thể nói là “muôn màu muôn vẻ”.
Đối với các hộ gia đình sử dụng điện chỉ có thể nâng cao ý thức tiết kiệm điện của người dân thông qua tuyên truyền đại chúng. Bước đầu công tác tuyên truyền cũng cho thấy những hiệu quả nhất định, một phần khác do giá điện, giá xăng dầu và giá tiêu dùng tăng cao nên ý thức tiết kiệm điện của người dân đã nâng cao đáng kể.
- Cần có các chính sách cụ thể để cải thiện hệ thống thông tin và dự báo
Một yếu tố cũng góp phần không nhỏ cho tình trạng thiếu điện vào mùa khô thời gian gần đây là do dự báo không chính xác về nhu cầu sử dụng điện cũng như dự phòng cho các nguồn điện (do nhiều dự án xây dựng các nhà máy sản xuất điện bị chậm tiến độ) dẫn đến chênh lệch không nhỏ giữa tính toán và thực tế.
Liên tục từ giai đoạn 2001 - 2005 cho thấy, để đáp ứng đủ điện cho các nhu cầu của nền kinh tế, sản lượng điện phải tăng với tốc độ cao gấp đôi so với tốc độ tăng GDP. Cụ thể, để bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu điện cho nền kinh tế tăng 7,5%/năm như mục tiêu đề ra, trong giai đoạn 2001 - 2005, sản lượng điện bình quân phải đạt tốc độ tăng 15%/năm, tức là phải đạt 53,667 tỉ kWh vào năm 2005, nhưng trên thực tế chỉ là 52,072 tỉ kWh.
Như vậy để xây dựng và vận hành thành công thị trường điện cạnh tranh thì không những ngành điện (EVN), cùng các thành viên của EVN mà còn đòi hỏi nhiều doanh nghiệp khác tham gia để thực hiện chính sách của Nhà nước. Trình tự tạo lập và phát triển thị trường điện cạnh tranh qua các cấp độ là tương đối giống nhau ở các quốc gia, song thực tiễn áp dụng lại rất khác nhau phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng phát triển của từng nước cũng như những biến động kinh tế toàn cầu trong từng thời điểm. Đặc biệt ở hai cấp độ thị trường điện lực đầu tiên, quá trình cải tổ cơ cấu ngành cũng như tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật và các nguồn lực, hoàn thiện các điều kiện cần thiết để chuyển lên thị trường canh tranh cấp độ cao hơn đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và thời gian. Có những quốc gia sau 15 - 20 năm đã phát triển đến cấp độ thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, tức cạnh tranh hoàn toàn, nhưng cũng có những quốc gia sau khoảng thời gian tương tự vẫn đang duy trì ờ cấp độ thị trường bán buôn điện cạnh tranh với một người mua duy nhất. Việt Nam cũng không phải là nước duy nhất mới bắt đầu nghiên cứu cải tổ thị trường điện lực độc quyền. Việc xây dựng thị trường điện canh tranh cũng phức tạp và đòi hỏi đầu tư cả về vốn, nguồn lực cũng như thời gian lớn hơn nhiều so với thị trường cạnh tranh viễn thông.
Trong thời gian tới Ngành Điện Việt Nam sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa để theo sát những kế hoạch đã đề ra. Có thể trong tương lai sẽ phát sinh nhiều yếu tố tác động đến thị trường điện nói riêng cũng như nền kinh tế Việt Nam nói chung khiến thực tiễn áp dụng có phần chậm trễ so với lộ trình xây dựng thị trường điện cạnh tranh này hay phải có những thay đổi cho phù hợp với tình hình mới, song tất cả chúng ta đều có quyền hy vọng vào một tương lai tươi sáng cho thị trường điện lực Việt Nam.
Đại học Điện lực