Thời gian qua, Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015 - 2020 (Chương trình 585) đã đạt được những thành công nhất định, đã triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên cả nước, tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật để giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả; góp phần phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp.
1. Sự cần thiết xây dựng Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành mới
Năm 2020 là năm cuối kết thúc triển khai Chương trình 585, tuy nhiên, qua đánh giá kết quả thực hiện Chương trình 585 trong thời gian qua cho thấy, việc nghiên cứu, đề xuất và xây dựng Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành mới cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thực hiện sau năm 2020 là rất cần thiết vì các lý do như sau:
Thứ nhất, hiện nay, nhu cầu về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ngày càng cao. Một trong những mục tiêu cơ bản của Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành là xác lập, tăng cường và nâng cao tri thức pháp luật cho các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có điều kiện và khả năng tự giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mục tiêu này chỉ có thể đạt được thông qua việc tiến hành một cách đồng bộ, có hệ thống và liên tục các giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 585/QĐ-TTg ngày 05/5/2010 phê duyệt Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp giai đoạn năm 2010 - 2014.
Bên cạnh đó, cụ thể hóa tinh thần của Hiến pháp năm 2013, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 đã ghi nhận 01 điều khoản về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV (khoản 3 Điều 14); Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (thay thế Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp). Ngoài ra, Chính phủ cũng đang chuẩn bị đề xuất sửa đổi một loạt các đạo luật mới liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Phá sản... Trong bối cảnh như vậy, việc tiếp tục thực hiện Chương trình 585 là tạo điều kiện, cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các DNNVV Việt Nam có được sự hỗ trợ về mặt pháp lý từ phía Nhà nước.
Thứ hai, việc tiếp tục thực hiện Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành sau năm 2020 hoặc xây dựng một Chương trình mới nhằm phát huy được vai trò định hướng, phối hợp cùng các Chương trình Hỗ trợ pháp lý của các bộ, ngành, địa phương tạo thành sức mạnh tổng hợp trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc. Trên cơ sở Nghị định số 66/2008/NĐ-CP và Chương trình 585, tính đến hết năm 2018, hầu hết các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi quản lý nhà nước của bộ, ngành, địa phương mình. Nghị định số 55/2019/NĐ-CP mới được ban hành, thay thế Nghị định số 66/2008/NĐ-CP nhưng đã nhận được nhiều sự quan tâm của các bộ, ngành và địa phương khi triển khai thực hiện. Các hoạt động này đã phát huy tác dụng, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao kiến thức pháp lý và thói quen sử dụng pháp luật trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, sẽ hiệu quả hơn nếu các Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành của các bộ, ngành, địa phương được thực hiện có sự phối hợp với nhau, đặc biệt là với Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DNNVV.
Thứ ba, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong việc hỗ trợ pháp lý cho DNNVV, Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành vẫn còn không ít hạn chế. Một số hoạt động chưa thực hiện xong. Một số công việc đã hoàn thành nhưng chưa tạo được kết quả bền vững. Vì vậy, cần tiếp tục thực hiện Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành để các bộ, ngành có điều kiện thực hiện đầy đủ, có hiệu quả mục đích, nhiệm vụ mà Quốc hội đã đề ra trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017.
Từ những lý do trên cho thấy, việc tổng kết 10 năm công tác hỗ trợ pháp lý của Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành, cần đánh giá và triển khai các thủ tục báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho DNNVV sau năm 2020 là rất cần thiết, nhằm góp phần hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong giai đoạn hội nhập và phát triển như hiện nay. Ngoài ra, cần nghiên cứu đổi mới xây dựng chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: Tiếp cận từ mô hình quản lý theo kết quả và hướng tới nâng cao sự hài lòng của doanh nghiệp đối với hoạt động của cơ quan nhà nước.
Mô hình quản lý theo kết quả đã được áp dụng ở nhiều địa phương và trong xu hướng hiện nay đều gắn với các chỉ số đo lường chất lượng quản trị địa phương, thích ứng với các địa phương như: PCI, PAPI, ICT Index, SIPAS[1] và các nhóm Chỉ số theo Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.
Những khó khăn và kiến nghị của doanh nghiệp có thể được khắc phục và thực hiện nếu áp dụng mô hình quản lý theo kết quả, xác định các hình thức hỗ trợ với khung đầu ra và kết quả (kèm theo đó là các chỉ tiêu, chỉ số đo lường) cũng như bố trí nguồn lực tương ứng. Vì vậy, cần xây dựng khung đầu ra và kết quả cho Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành và nâng cao năng lực xây dựng kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ở cấp địa phương gắn với xác định và đầu ra và kết quả cụ thể. Trên cơ sở xác định đầu ra, kết quả, định mức kinh phí phù hợp tiến hành đấu thầu lựa chọn các cơ quan, tổ chức đủ điều kiện cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
2. Nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn sau năm 2020 (giai đoạn 2021 - 2026)
DNNVV là loại hình doanh nghiệp chiếm đa số và chủ yếu trong nền kinh tế (trong số hơn 624.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động hiện nay thì 97,7% DNNVV, nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ[2]). Loại hình doanh nghiệp này đóng vai trò quan trọng, nhất là tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo… Cụ thể, về lao động, hàng năm tạo thêm trên nửa triệu lao động mới; sử dụng tới 51% lao động xã hội và đóng góp hơn 40% GDP… Số tiền thuế và phí mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa tư nhân đã nộp cho Nhà nước đã tăng 18,4 lần sau 10 năm. Sự đóng góp đã hỗ trợ lớn cho việc chi tiêu vào các công tác xã hội và các chương trình phát triển khác. Do vậy, đã tạo ra 40% cơ hội cho người dân tham gia đầu tư có hiệu quả nhất trong việc huy động các khoản tiền đang phân tán, nằm trong dân cư, để hình thành các khoản vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của cộng đồng DNNVV còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục, trong đó có năng lực tiếp cận với các chính sách pháp luật và thông lệ quốc tế trong kinh doanh. Việc tiếp cận hạn chế này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Phần khách quan do nội tại nền kinh tế nước ta như cải cách hành chính diễn ra còn chậm, chính sách kinh tế vĩ mô thiếu ổn định, đôi khi gây mất lòng tin cho doanh nghiệp..., tuy nhiên, phần lớn là do (chủ quan) các DNNVV chưa thực sự tìm hiểu các chính sách pháp luật và thông lệ quốc tế để nâng cao năng lực của chính mình trong kinh doanh. Đây là vấn đề rất đáng lưu tâm, đòi hỏi cả Nhà nước và doanh nghiệp phải có những giải pháp nhằm thay đổi tăng cường năng lực tiếp cận với các thông tin, chính sách pháp luật và thông lệ quốc tế trong kinh doanh cho doanh nghiệp. Để từng bước phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam khi gia nhập tổ chức WTO, thời gian qua, Nhà nước ta đã ban hành hàng loạt các chính sách pháp luật tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi để cộng đồng DNNVV hoạt động.
Có thể khẳng định hoạt động của cộng đồng DNNVV đã đạt được những kết quả vô cùng quan trọng, nhưng cũng phải đối mặt với những khó khăn thách thức đã và đang nảy sinh trong tình hình mới. Với mục tiêu phát triển 1,5 triệu doanh nghiệp năm 2025[3] (trong đó, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực DNNVV chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn quốc; đầu tư của khu vực này chiếm khoảng 35% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; đóng góp 40% GDP; 30% tổng thu ngân sách nhà nước; tạo thêm 3,5 - 4 triệu việc làm mới). Đây là một nhiệm vụ lớn, đòi hỏi phải có sự chung tay, chung sức của cả hệ thống chính trị, của các bộ, ngành và địa phương. Trong đó, cơ chế hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp phát triển (bên cạnh các cơ chế hỗ trợ tài chính, đất đai, thuế…), vì vậy, trong thời gian tới, nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho DNNVV cần tập trung vào các nội dung sau:
Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động. Việc đóng góp ý kiến, hoàn thiện pháp luật để ban hành các văn bản, chính sách liên quan đến doanh nghiệp phải được thực hiện theo hướng tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động (như trong lĩnh vực đấu thầu, đất đai, thuế, đầu tư, phá sản...).
Thứ hai, tăng cường năng lực tiếp cận thông tin chính sách pháp luật cho doanh nghiệp, nhất là DNNVV. Việc nâng cấp trang thông tin điện tử về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, hiện nay chúng ta chưa có một chuyên trang riêng biệt về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ cho DNNVV được ban hành rất nhiều, từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương, về các lĩnh vực như: Trợ giúp về thuế cho DNNVV, hỗ trợ công nghiệp phụ trợ cho DNNVV, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, chính sách khoa học công nghệ đối với doanh nghiệp,... tuy nhiên, các văn bản này đang nằm tản mạn tại các bộ, ngành, địa phương và thực tế thì các DNNVV Việt Nam rất khó tiếp cận. Vì vậy, đề nghị nâng cấp chuyên trang về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của Bộ Tư pháp và liên kết đến các trang thông tin của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, để cung cấp thông tin một cách có hệ thống các văn bản chính sách pháp luật đến được với doanh nghiệp.
Thứ ba, tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp. Thực tiễn trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp hội viên và các hiệp hội địa phương phản ánh những khó khăn trong quá trình thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, do không có nguồn lực, đội ngũ cán bộ không có kỹ năng, không được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, vì vậy, trong nội dung bồi dưỡng tăng cường cho cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đề nghị ngoài việc tập trung đào tạo bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp, cần dành nhiều thời lượng cho chương trình bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp này. Đặc biệt là bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ ở các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; xây dựng các chương trình bồi dưỡng pháp luật bằng video clip nhằm đẩy mạnh hiệu quả và phát huy mạnh mẽ hơn việc tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật.
Thứ tư, về xây dựng mạng lưới tư vấn hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Trong thời gian tới, cần phối hợp với các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, nhất là Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam để xây dựng mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp theo Nghị định số 55/2019/NĐ-CP. Thông qua các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp để hướng dẫn các hội địa phương làm tốt vai trò đầu mối khi triển khai mạng lưới tư vấn pháp luật tại các địa phương được lựa chọn.
Xây dựng Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp để thực hiện sau năm 2020 (giai đoạn 2021 - 2026) là rất cần thiết, nhằm tiếp tục thể chế hóa các chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là DNNVV, thực hiện hiệu quả chủ trương của Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, đồng thời, tiếp tục khẳng định dấu ấn của Ngành Tư pháp trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp
TS. Trần Thị Thu Hà
Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh
[1]. PCI: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; PAPI: Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh; ICT Index: Chỉ số công nghệ thông tin và truyền thông; SIPAS: Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính.
[2]. Báo cáo số 150/BC-TCTK ngày 27/9/2019 của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
[3]. Theo Quyết định số 1362/QĐ-TTg ngày 11/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.